Bình bài thơ “ĐỐI DIỆN CÙNG TRĂNG KHUYA” của Cao Như Dương
Nõn nà ngô vài bắp
Rung rinh đậu mấy bìa
Rượu quê một chai nhỏ
Đối diện cùng trăng khuya
Nào, trăng ơi, nâng cốc!
Đậu vợ ta mới nghiền
Ngô vợ ta mới bẻ
Buổi thu hoạch đầu tiên
Suốt cả ngày tất bật
Việc ruộng với việc nhà
Hẳn vợ ta mệt lắm
Mà không hề kêu ca
Còn ta thì quá rỗi
Bởi một chân yếu rồi
Và chân kia đã mất
Ở chiến trường xa xôi
Nay thành vô tích sự
Chẳng giúp chi được nàng
Chỉ đêm đêm ngồi thức
Và khuyên nàng sang ngang…
Nào, trăng ơi, nhậu tiếp
Đậu ngô đây vẫn còn
Nào, ta cùng nâng cốc
Chúc cho nàng ngủ ngon
Và trong mơ sẽ gặp
Một cuộc đời sáng hơn.
(Báo “Văn Nghệ” số 33 (18-8-2007))
Ta gặp trong bài thơ một thi tứ quen: thi nhân độc ẩm dưới trăng.Thi nhân xưa mượn rượu và trăng để tâm hồn mình được giao hòa với thiên nhiên, gửi vào đó những nỗi niềm nhân thế mong giải tỏa đươc sự cô đơn của con người. Cao Như Dương “Đối diện cùng trăng khuya” uống rượu là trở về với thực tại của cuộc sống mình và càng thêm thấm thía cái nhân nghĩa, nhân tình của cuộc đời này. Khác với thi nhân xưa thường uống rượu suông, thi nhân ngày nay có thức nhắm . Thức nhắm của Cao Như Dương là những sản vật thông thường của quê hương nhưng được thơ mộng hoá theo thủ pháp khoa trương như thói ngông thường có của thi nhân: “Nõn nà ngô vài bắp / Rung rinh đậu mấy bìa”…Người đọc không thấy gượng gạo mà cảm thông với cảnh nghèo lại ham rượu của tác giả. Hơn nữa đây là những thứ “cây nhà lá vườn”, tự cung, tự cấp do một phụ nữ đảm đang trong nhà làm ra. “Đậu vợ ta mới nghiền / Ngô người vợ ta mới bẻ”. Hai khổ thơ đầu là giọng điệu kiêu kiêu của thi nhân trong khung cảnh thơ mộng “Đối diện cùng trăng khuya” / “Nào, trăng ơi, nâng cốc” với nhiềm tự hào về người vợ bằng những điệp ngữ : “vợ ta… vợ ta…”.
Đến khổ thơ thứ ba thì không còn trăng với rượu nữa mà chỉ còn chuyện “vợ ta”: “Suốt ngày tất bật / Việc ruộng với việc nhà / Hẳn vợ ta mệt lắm / Mà không hề kêu ca”. Một người vợ đảm đang, tần tảo, biết thương chồng, biết hi sinh và một người chồng biết cảm thông chia sẻ.
Khổ thứ tư: Thi nhân mới bộc bạch hoàn cảnh của bản thân: anh là người không bình thường , là một người thương tật, một thương binh: “Một chân yếu rồi / Và chân kia đã mất / Ở chiến trường xa xôi”. Cách kể tự nhiên, không hề có ý nhấn mạnh sự mất mát, thiếu hụt của bản thân cũng khôngcó ý kể công… càng làm cho câu chữ như có hồn, gây xúc động khi con nguời không bình thường này tuy có những khuyết tật về thể xác nhưng lại hoàn hảo về tâm hồn. Anh có lòng nhân ái, vị tha cao cả. Trước hết là với người vợ. Từ giọng thơ ngang ngang ở khổ trước pha lẫn niềm tự hào kín đáo: “vợ ta” đến gọi vợ là “nàng” thân thiết, yêu thương và có sự trân trọng, tác giả khuyên nàng đi tìm hạnh phúc mới… cứ hồn nhiên chân thật không cao giọng, gia ân…Đọc dòng thơ mà thấy xót xa thương cảnh, thương đời.
Khổ cuối, trở lại cảnh “đối nguyệt”. Dẫu thức nhắm vẫn là đậu, là ngô nhưng thi nhân đã ở vị thế mới cao cả, đầy nhân tình và cuộc rượu có ý nghĩa nhân bản sâu xa: “Nào ta cùng nâng cốc / Chúc cho nàng ngủ ngon / Và trong mơ sẽ gặp / Một cuộc đời sáng hơn”. Nàng đã là, đang là một người vợ biết tảo tần, biết hi sinh và có một người chồng biết thương vợ, biết chia sẻ Một sự tôn vinh thầm lặng thật đáng quý. Tôi tin nàng sẽ mãi mãi là người vợ tốt. “Một cuộc đời sáng hơn” sẽ là cuộc đời ở chính căn nhà này - nơi đang chứa chan tình yêu và hạnh phúc.
Thanh Ứng