Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC HỘI THỀ CỦA NGUYỄN QUANG THÂN

Phạm Viết Đào
Chủ nhật ngày 27 tháng 2 năm 2011 4:22 PM
 
Hội thề là một cuốn tiểu thuyết có hồn cốt; Có  điều nếu nói theo ngôn ngữ giới nhạc: độ “phiêu linh “ của hồn bay cao, xa tới đâu; độ bền chắc, cứng cáp của “cái cốt” của cuốn tiểu thuyết, cùng với sức tải trọng vấn đề tới mức nào thì sẽ là chuyện cần phải kiểm định, cân đong, đo đếm cẩn thận bằng những thước đo có giá trị quy chuẩn nào đấy; đây là điểm sẽ được bàn tới trong bài viết này…
Trong mặt bằng chung của nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, là một cuốn tiểu thuyết dụng công, sờ chạm tới được những vấn đề có tầm, có những đột phá và thu hút người đọc không dễ tính. Những mảng miếng, lớp lang cấu tứ nên hồn cốt được sắp đặt bởi một tay nghề có hạng trong làng tiểu thuyết Việt đương đại…
Trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân viết về giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do người anh hùng áo vải Lê Lợi khởi dựng; sau những năm tháng nghĩa quân phải trải qua hiểm nguy, nằm gai nếm mật, cuộc khởi nghĩa bước sang giai đoạn lịch sử mới: chuyển qua giai đoạn Tổng phản công; nghĩa quân buộc phải ra những đòn tiến công quyết định, tống khứ, chấm dứt sự xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, thiết lập, xây dựng một triều đại mới, triều Hậu Lê…
Đây là một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc, bởi nó có liên quan tới những nhân vật lịch sử có thật được Nguyễn Quang Thân tái hiện; đó là: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Vấn, Lê Sát, Nguyễn Thị Lộ, Phạm Văn Xảo…cùng với những vấn đề còn chìm khuất trong lớp sương mờ của lịch sử, trong lớp bụi thời gian…
Tái hiện lại một giai đoạn với những nhân vật lịch sử cùng với đời sống, thế giới nội tâm và thái độ và các động thái chính trị của họ thông qua những câu chuyện, tình tiết không lạ trong “ ổ nhớ “ của người đọc bình thường đương đại, quả đây là một việc làm cần được trân trọng, cần được nhìn nhận, đánh giá cẩn trọng…
Hội thề có thể tóm lược: Hai bên nghĩa quân Lê Lợi và tướng nhà Minh Vương Thông đi đến được cái quyết định nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại là đình chiến: bằng hình thức tổ chức ra một hội thề. Tại hội thề này, 2 bên đưa ra cam kết trước ba quân, trước thần linh: về phía nghĩa quân không tiếp tục sử dụng vũ lực, dãn vòng vây, cấp lương thảo để cho quân Minh mở cửa thành rút quân về nước an toàn; Còn quân Minh dưới quyền chỉ huy của Vương Thông, trả lại Đông Quan và toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cho nghĩa quân Lê Lợi cam kết không tái xâm lược Đại Việt.
Để đi đến quyết định lịch sử,đến được với cái “ hội thề “ Đông Quan này, trong nội bộ 2 phía đối địch này đã trải qua những diễn biến phức tạp diễn ra không chỉ trong 2 chủ tướng: Lê Lợi và Vương Thông; mà là một tiến trình đấu tranh, xung đột trong nội bộ của 2 đạo quân đối địch nhau giữa các phe phái…
Nhà văn cũng giống như anh nông dân, anh thợ mỏ; cái tài của anh là phát hiện tìm ra đã tìm được mảnh ruộng thật sự có chất đất mầu đủ khả năng để cày xới, gieo trồng ra loại nông sản có giá trị; hoặc phát hiện ra vỉa quăng và khai, đào lên được những khoáng sản có thể luyện nên được kim loại quý bán được giá cao…
Khi nhà khai khoáng nghĩ mình đã tìm ra mỏ vàng, nhưng thực ra cái mỏ mà anh đào bới chỉ toàn quặng bauxite, loại này chỉ có thể luyện ra nhôm; anh nói là tìm được thửa ruộng gieo trồng ra nếp cái hoa vàng, một loại nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng thực ra mảnh đất này chỉ có thể trồng được ngô, khoa, sắn hoặc loại lúa tẻ thông dụng; mặc dù có thu hoạch đấy nhưng vẫn là một thứ “ thành quả tầm tầm “ không tương xứng với tiềm năng đầu tư...
Vậy thì cái “thửa ruộng” mà nhà văn lựa chọn để gieo trồng, “ vỉa quặng” mà Nguyễn Quang Thân đầu tư khai thác ấy kết cục cuối cùng sản sinh ra được sản phẩm gì; bauxite hay vàng; nếp cái hoa vàng hay ngô, khoai, sắn, lúa tẻ? Đây là điều đang gây tranh cãi trên văn đàn giữa một số nhà phê bình, đã lên tiếng chỉ trích chủ yếu trên mạng với giải thưởng của Hội Nhà văn VN khi trao giải thưởng loại A cho tiểu thuyết Hội thề …
Nếu anh chỉ khai thác ra được quặng bauxite, những bằng mánh khóe nghề nghiệp anh đem luyện đúc để cho hình dáng nhẵn bóng giống như vàng, anh đem mạ nó bằng vàng rồi đưa ra tuyên bố đăng lý và nhãn mác là vàng, bán nó theo có giá như vàng, nhận huy chương hàng chất lượng cao; trong khi bản chất chỉ là nhôm có pha chút ít titan và có lớp vàng mã phủ bên ngoài. Tương tự giống như người ta bán gạo tám thơm rởm ngoài thị trường; Gạo tẻ bình thường, nhưng khi vào tay nhà buôn và đại lý bán gạo có tay nghề, người ta tìm cách đánh bóng hạt gạo, ướp vào ít hương vị cho ra mùi gạo tám, trộn thêm ít gạo tám thiệt và đem ra bán theo giá của gạo tám…Hội thề của Nguyễn Quang Thân có rơi vào tình cảnh này không ?
Cái nút thắn của cuốn tiểu thuyết Hội thề đó là: tập trung mô tả những xung đột giữa 2 quan điểm kết thúc cuộc chiến chống ách chiếm đóng của nhà Minh; Một phái chủ trương kết thúc chiến tranh bằng giải pháp nhân nghĩa; một phải chủ trương dùng bạo lực, sức mạnh của gươm giáo để khẳng định sức mạnh của quyền uy, để trả hận, để cho kẻ thù biết mặt…; một phái chủ trương “đánh thành”, một phải chủ trương “đánh vào lòng người”…
Từ cái hồn cốt này, hình như Nguyễn Quang Thân muốn đẩy vấn đề xa hơn: từ cái nền này mà lý giải ngọn nguồn của những sự lộn xộn, những bi kịch đen tối mang tính lịch sử của nội tình nhà Hậu Lê sau này, dẫn tới cái chết đau thương của Phạm Văn Xảo, của Trần Nguyên Hãn, của Nguyễn Trãi, của Nguyễn Thị Lộ…những người góp công lớn xây dựng lên triều đại nhà Hậu Lê ?!
Cái hồn cốt đó không phải là một phát hiện gì mới mẻ của Nguyễn Quang Thân, cái mới đó là nó được diễn đạt bằng ngôn ngữ tiểu thuyết, tức bằng hệ thống hình tượng văn học…Sự diễn đạt bằng ngôn ngữ tiểu thuyết nó khác với cách diễn đạt vấn đề của một nhà sử học, của một nhà tuyên huấn hay của một nhà soạn sách giáo khoa…
Cảm nhận đầu tiên của người viết bài này là: Nguyễn Quang Thân đã xô được cái mảnh bè này qua được sông an toàn, không bị tan vỡ giữa dòng buộc phải níu kéo chằng buộc, vá víu lại một cách khiên cưỡng, gượng gạo. Như vậy Nguyễn Quang Thân đã làm được cái việc giống với một “lão nông tri điền”, một anh khai khoáng có kinh nghiệm và có tay nghề luyện kim thương phẩm…
Về phương diện tiểu thuyết hóa các vấn đề lịch sử, về mặt hình thức, Nguyễn Quang Thân đã thu hoạch được những thành công nhất định, ông có những đột phá về tay nghề, ông đã chế những sản phẩm mang giá trị thương phẩm, không hấp trộn màu mè. Không ít các cuốn sách văn học danh nghĩa tái hiện lịch sử nhưng thực chất là thêm dấm ớt, văn chương vào những chuyện, những điều mà giới sử học đã trình bày…
Vấn đề thứ 2 người viết bài này muốn đi sâu hơn để đánh giá chất lượng của “cái hạt gạo” ấy thuộc loại “  tám “ gì, là “vàng” hay là “alumin”; và nếu nó là cái “thỏi vàng” do Nguyễn Quang Thân dày công tôi luyện được có vẻ sáng sủa về mẫu mã ấy là vàng 4, vàng 5 hay vàng 8 vàng 9999 ?
Tham vọng của Nguyễn Quang Thân muốn đẩy vấn đề đi xa hơn ra khỏi cái bối cảnh của “ hội thề “ Đông Quan để cắt nghĩa cái sâu xa về bản chất của một cuộc khởi nghĩa nông dân với những tấn bi kịch mang tính lích sử khi mà anh nông dân giành được quyền lực chính trị về tay mình ? Cái sản phẩm định giá chất lượng mà Nguyễn Quang Thân đăng ký chất lượng sản phẩm là cái tổ hợp các tố chất này chứ không chỉ dừng lại ở cái kết: hội thề xong Vương Thông về nước an toàn, Lê Lợi lên ngôi mở ra triều đại mới ?
Để tạo được “sân khấu” kịch lịch sử này, Nguyễn Quang Thân đã xây dựng lên một hệ thống hình tượng nhân vật đại biểu cho 2 phái: Một phái chủ chiến, một phái chủ hòa. Theo người viết bài này, Phạm Vấn và Lê Sát bị Nguyễn Quang Thân tô quá đậm, có phần phóng đại trong cái bối cảnh không ăn nhập, đó là một chỗ non yếu sinh tử trong cấu tứ của tiểu thuyết Hội thề.  Nói theo ngôn ngữ thể thao, việc mô tả cốt cách của những con người như Phạm Vấn, Lê Sát đại diện cho phái chủ chiến đã không được Nguyễn Quang Thân chọn “điểm rơi”, “điểm đệm bóng” đúng thời điểm, vị trí để từ cái “điểm rơi” này mà đệm, đưa bóng vào “cầu môn” hoạch định - “chủ đề” đã đề của cuốn tiểu thuyết; do chọn “điểm rơi” không chuẩn, thành sức công phá của quá bóng có phần bị hụt hơi nếu không muốn nói ra bay xa ra khỏi khu vực cầu môn…
Chúng ta hãy nghe Nguyễn Quang Thân mô tả về con người Phạm Vấn, Lê Sát trong Hội thề: “Dưới con mắt họ ( Phạm Vấn, Lê Sát ) những kẻ ham đọc sách chỉ là lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần nhổ nước bọt khi thấy ông đọc thơ. Lê Sát từng nói khi biết chúa công giao một cánh quân lớn cho Trần Nguyên Hãn:” Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch. Sát nhiều lần mắng mỏ mấy ông đồ trông coi sổ sách quân lương:” Ngữ các ông không bằng cụ phân…”
Nguyễn Quang Thân đã cài, gàn vào mồm Lê Sát những câu như: “ Xưa nay sơn hà đổ nát là do bọn nho sĩ chỉ biết đọc sách mà không dám cầm cung kiếm “…
Về thiếu úy Phạm Vấn, Nguyễn Quang Thân mô tả:” Một người đàn ông đẹp, vẻ đẹp của một võ tướng can trường từng qua trăm trận.Ông cũng bộc lộ ra ngoài cái thỏa mãn của công thần, công tướng, được chúa công tin cậy, yêu dấu.Không những thế, ông ta còn là anh vợ nhà vua.Đôi mắt xếch, trán thấp, không tương xứng với bộ mặt và thân hình cao lớn, làm ông có vẻ mặt của một võ quan nhiều mưu trí lắt léo và một tâm hồn hẹp hòi, lắm tham vọng lớn hơn là một tráng sĩ coi cái chết tựa lông hồng. Nhưng bù lại là cái tính cương quyết và liều lĩnh biểu lộ ra ra từng cử chỉ của đôi cánh tay lực điền. Vị chúa tể đất Lam Sơn biết tất cả những điều đó nhưng chính ngài cũng rất cần những điều đó nơi ông”…( Qua mô tả hình dáng của Phạm Vấn ta thấy ông này có vóc dáng rất giống với một yếu nhân thời hiện đại hay N.Q.T lấy hình mẫu của yếu nhân này để xây dựng hình tượng Phạm Vấn ?!)
Có thể nói đó là cách nhìn nhận, mô tả thiên lệch này đã quán xuyến từ đầu đến cuối trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân khi mô tả cái đám chủ chiến, phái “ võ biền “ trong lực lượng nghĩa quân Lam Sơn ?!
Còn  con người Lê Lợi thì sao ? Ngay trước khi tổ chức hội thề, Nguyễn Quang Thân đã mô tả Lê Lợi chỉ là một thủ lĩnh mà đối với những anh học trò Thăng Long, ông chỉ lợi dụng họ mà không dám trọng dụng họ, bởi theo như Nguyễn Quang Thân thì đối với Lê Lợi là con người nhìn nhận học trò, giới trí thức:”Mấy ông nhà nho kia chữ nghĩa đầy bụng nhưng liệu họ có chịu khấu đầu giúp dập ta đến lúc nào ? Có lẽ nghiệp lớn rồi phải trông cậy vào bọn ít học, thô lậu nhưng trung trinh mới nên chăng ?”
“ Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút vừa mới được mụ Lý quẳng vào trong rá . Mụ Lý là người nấu bếp theo ông từ thời Lam Sơn tụ nghĩa. Nghe nói mụ sinh cùng tháng cùng năm với ông, cùng là bạn “lưng trâu” với ông, cùng chơi trò vợ chồng với ông, nhưng gia cảnh mỗi người mỗi khác. Khi nghĩa quân lập trại, dựng cờ mụ đi theo liền.Ông biết mụ không muốn xa ông, thích ông dù mụ biết không thể lấy được ông. Được cái mụ nấu ăn ngon, chỉ mụ mới biết ông thích món gì, mặn nhạt ra sao.Chỉ mụ mới biết cách luộc một con gà sao cho căng da, thịt mềm nhưng không bấy. Có một lần trong cái bếp dã chiến, mụ giả vờ đổ vật vào ông khi ông đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm miếng cơm cháy. Trong một khắc ông không là minh chủ, mụ quýnh lên còn ông làm vội làm vàng, sợ mấy thắng thị vệ nhìn thấy, nhanh như con gà trồng. Mãi đến bây giờ ông vẫn không hiểu sao mình lại làm chuyện đó, vì ông cảm động với cái tài làm bếp và luộc gà củ mụ, hay đơn giản chỉ là một cơn ngẫu hứng của đàn ông ???”Nguyễn Quang Thân đã viết về cách ứng xử của Lê Lợi đối với các phe phái trong nghĩa quân:”Ông không biết là các đầu mục Lam Sơn bằng mặt mà không bằng lòng, vẫn hậm hực với bốn “ anh học trò “ Thăng Long, cái lũ trâu chậm uống nước trong “, khéo uốn ba tấc lưỡi…”
Trong bóng đá, thông thường, nếu từ quả phạt góc, muốn đá được vào cầu môn đối phương phải có thêm một cú đá bồi hoặc cú đệm bằng đầu thì mới vô hiệu hóa được hàng trung vệ, mới hạ gục thủ môn đối phương. Còn từ điểm phạt góc mà anh đá thẳng được vào cầu môn thì hoặc là cầu thủ xút phạt cực tài, hoặc thủ môn lớ ngớ, hoặc nhờ ăn may, vì quả bóng ở điểm xuất phạt này đã cuối tầm…Điều này có thể so sánh giống với quả xút bóng của Nguyễn Quang Thân trong Hội thề; Nguyễn Quang Thân đã chọn điểm xút phạt và điểm rơi của trái bóng vào khung thành có phần hụt hơi…
Xin chứng minh. Nếu nói về sự phân tâm trong nội bộ nhà Hậu Lê, sự chia phe phái tìm cách chèn diệt lẫn nhau thì phải chọn cái thời điểm khi Lê Lợi lên ngôi vua và chia ngôi thứ,công trạng cho nhưng người từng nằm gai nếm mật sau khi đã thu giang sơn về từ tay nhà Minh. Còn chọn thời điểm cận với giai đoạn diễn ra Hội thề Đông Quan là thiếu cơ sở…
Tính cách của con người là một thực thể biện chứng với hoàn cảnh, nó phải trong hoàn cảnh nào thì tính cách này, kia mới phạt lộ sắc nét, đắc địa: có người là sản phẩm tổng hòa của quan hệ xã hội, lịch sử. Cũng có người vượt lên được để làm biến đổi diện mạo lịch sử nhưng số đó chỉ là số ít, thuộc diện vĩ nhân mà có khi hàng thế kỷ mới có một vài người.
Nếu có ý định mô tả sự gian ngoan, tính tiểu nhân, chất nông dân hẹp hòi, đê tiện, tham tàn đối với đám quan chức Việt Nam cận đại, nhà văn lại chọn thời điểm đang xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp, những ngày xả ra Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội thì không ăn, không đúng! Cái khoản này này chỉ có thể tập hợp thành dòng, phái… sau Đại hội X với những vụ như PMU 18, sau Đại hội XI với Vinashin và những chuyện dắt con cha, cháu ông vào cơ quan quyền lực cấp cao…Còn như chọn thời điểm khác nếu đưa vấn đề này ra thì nó khiên cưỡng không có sức sống…
Nếu như cách mô tả của Nguyễn Quang Thân thì cái đám chủ chiến ấy, cái đám võ biền gắn kết với nhau một cách bản năng, do những tham vọng thôi thúc chứ họ chẳng có lý tưởng gì cao sang; thủ lĩnh của cái đám này tiêu biểu nhất, đừng đầu chính là Lê Lợi? Vì vậy mà đám học trò Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Thị Lộ… lạc vào đây như con công lạc vào đàn quạ ?
Nhìn nhân, đánh giá như vậy liệu có phi thực tế lịch sử ? Xin thưa những con người từng gia nhập, đứng dưới cờ nghĩa quân Lam Sơn, từng vào sinh ra tử với Lê Lợi như Phạm Vấn, Lê Sát liệu họ có đúng là do bị thôi thúc bản năng hay chỉ vì tham vọng bản năng nào đó? Xin mở ngoặc, theo mô tả của tác giả; Phạm Vấn là anh vợ Lệ Lợi là con một điền chủ nhà giàu, bỏ cơ nghiệp để theo Lê Lợi và lập được nhiều công thì không thể tầm thường được trong gia đoạn xảy ra Hội thề. “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội “.
Nếu Phạm Vấn, Lê Sát đúng như Hội thề mô tả thì làm sao vượt qua được những thử thách chết người thảm khốc ấy ? Cách mô tả của Hội Thề có xa lạ với những gì mà Nguyễn Trãi đã từng viết trong Bình Ngô Đại cáo về các quan hệ nội bộ nghĩa quân Lam Sơn trước khi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”
Đó chính là cái bất cập của Hội thề do việc chọn điểm rơi sai; đó cũng chính là chỗ yếu, chỗ hụt hơi của Nguyễn Quang Thân khi xây dựng hình tượng nhân vật của 2 tuyến nhân vật. Do đẩy năng không đúng chỗ, đúng thời điểm nên quá bóng được xút vào khung thành đã không đủ sức công phá nếu không muốn nói là lạc đường…
Thực ra, lý giải theo cách của Nguyễn Quang Thân: do Lê Lợi không ưa trí thức dẫn tới những khu biệt đối xử với giới trí thức Đông Đô là một nhìn nhận không chuẩn và không căn cứ vào bối cảnh và thực tế lịch sử lúc đó. Chính Nguyễn Quang Thân đã có lúc nhét vào mồm Nguyễn Thị Lộ những lý giải sau đây về thời thế sau khi nhà Lê hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi quân Minh:” Trước ngày ông vào, đánh trận nào thắng, các tướng lén cho ngựa thồ vàng bạc lấy được của địc về nhà.Ông lại khuyên vua nghiêm trị kẻ tham nhũng, bản thân ông vẫn dưa muối nài chi gấm là nhưu thời bất đắc chí ở Đông Quan. Họ vào sinh ra tử, ông với tôi suốt ngày quanh quẩn nơi màn trướng. Họ để vợ con trông nom nơi vườn ruộng ở quê còn ông thì mang tôi vô quân ngũ, hú hí bên nhau.. Họ muốn lập Nguyên Long cháu họ Phạm để dễ bề khống chế về sau, ông vơi Hãn nhất mực khen ngợi Tư Tề tài đức, xứng đáng nối nghiệp…”
Theo người viết bài này việc tranh giành quyền lực dẫn tới xung đột căng thẳng dẫn tới những hành vi, tiểu nhân, tàn ác Lê Vấn, Lê Sát giữa phái Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo chỉ có thể bộc lộ khi chiến tranh kết thúc …Sự xung đột này bắt nguồn từ việc ủng hộ người kế vị Lê Lợi…
Phái Phạm Vấn, Lê Sát muốn Nguyên Long lên làm vua; trong khi Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn lại cho Tư Tế mới xứng đáng…Cái sự ủng hộ này xuất phát từ các quyền lợi chính trị,cách nhìn nhận về lợi ích quốc gia chứ không phải xung đột giữa anh ít học và anh có chữ, giữa phái võ biền, nông dân và phái trí thức có chữ nghĩa?
Sự thật văn học có trùng khớp với sự thật lịch sử trong Hội thề?

Đọc và đánh giá Hội thề cần nên đọc và cách tiếp cận định giá nó theo tiêu chí của một sản phẩm văn học chứ không phải là một sản phẩm sử học; cả sử và văn đều có trách nhiệm tái hiện lại chân thực đúng bản chất một vấn đề, những nhân vật, những giai đoạn, thời khắc nào đó của lịch sử nhưng mỗi loại hình lại có cách tiếp cận riêng, diễn giải riêng.
Là một sản phẩm văn học, nếu đòi hỏi nhà văn diễn tả chính xác tới từng chi tiết thì đó là một đòi hỏi không tương thích…Một sản phẩm văn học đòi hỏi nhà văn khi mô tả một con người, một sự kiện, một tình tiết của giai đoạn nào đó của cuộc sống thì cái tình tiết đó phải hàm chứa cho được, diễn tả co đúng được cái lõi, cái bản chất nhất của các tố chất của cái dòng chủ lưu; Nếu anh mô tả về cây lim thì cái lõi của loại thực vật này nhất quyết phải cứng; nếu là cây mít thì lõi phải mềm và có màu vàng; còn nếu là cây lát hoa thì lõi của nó phải có vân đẹp, bắt mắt…
Đối với một tác phẩm sử học, nếu trong thực tế lịch sử Thái Phúc thật sự là một viên tướng Ngô  được chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn thu phục; quan hệ giữa Nguyễn Trãi với Thái Phúc đã trở thành thâm giao thì viết như Nguyễn Quang Thân là đúng. Tất nhiên khi nhà sử học chép lại chuyện này phải có những căn cứ xác thực chứ không được phép gán ghép, bịa tạc.
Thái Phúc trong Hội thề là một sản phẩm văn học, do đó các nhân vật: Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Phạm Vấn, Lê Sát, Thái Phúc, Vương Thông, nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của văn học; do đó nó phải chứa đựng những tố chất của dòng chủ lưu của giai đoạn lịch sử đó, không được trái. Mà dòng chủ lưu của quân xâm lược nhà Minh trong giai đoạn đó là gì trong thái độ ứng xử với cư dân Đại Việt, xin hãy đọc những câu sau:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tại vạ
Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế
Gây binh kết oán trải hai mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi…
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ
Nheo nhóc thay kẻ góa phụ khốn cùng
Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch tanh hôi…
Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bảo thần dân chịu được…
( Bình Ngô đại cáo )
Trở lại gia đoạn lịch sử trước Hội thề, cái tố chất thuộc dòng chủ lưu trong thế giới tinh thần của nghĩa quân Lam Sơn lúc đó theo người viết bài này phải là: trên dưới đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý để đánh đuổi cho được quân xâm lược nhà Minh một thế lực ngoại xâm hùng hậu, tàn ác…
Những điều như Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội Thề về phái “ chủ chiến “, phái “ võ biền “ trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn là không xác thực với dòng chủ lưu đang chế ngự thế giới tinh thần của nghĩa quân…
Nếu quả có sự phân tâm, kèn cựa, ba bè bảy mối, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như Nguyễn Quang Thân mô tả về nội bộ nghĩa quân thì làm sao mà Nguyễn Trãi đã viết lên những dòng sau đây về những điều mà nghĩa quân đã làm được:
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá đá núi phải mòn
Voi uống nước nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to quét sạch lá khô;
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ
… Trận Bồ Tất như sấm vang chớp dật
Miền Trà Lân như trúc chẻ tro bay”…?!
( Bình Ngô đại cáo )
Những dòng hào sảng như trên chỉ có thể được viết ra từ thực tế lịch sử hào hùng; nếu ai đó viết ra điều này thì hậu thế có thể nghi ngờ, những điều này do một người như Nguyễn Trãi viết ra thì không thể không có căn cứ để khẳng định: thật sự có sự thống nhất cao trong ý chí và hành động trong nội bộ nghĩa Lam Sơn trước khi xảy ra sự kiện lịch sử: Hội thề Đông Quan…Trước Hội thề Đông Quan sử sách vẫn còn lưu lại Hội thề Lũng Nhai !

Có xung đột giữa “phái võ biền” và “ phái học trò Thăng Long “ trong nghĩa quân Lam Sơn ?
Nút kịch rối rắm trong Hội thề do Nguyễn Quang Thân dựng lên: xung đột giữa 2 quan điểm chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp “đánh vào lòng người” hay “đánh vào thành”…2 quan điểm này do 2 phái chủ xướng: Phái “học trò” Thăng Long và phái võ biền nông dân ít học Lam Sơn…Khó tin cái việc mà đám võ biền quyết chiến đến cùng và ra sức phản đối cái chủ trương đánh vào lòng người do Nguyễn Trãi đề xuất khiến cho Lê Lợi trở nên khó xử, lúng túng…
Lý giải về nguyên nhân quyết chiến của đám Phạm Vấn, Lê Sát như Nguyễn Quang Thân viết:”Tướng sĩ Lam Sơn như ông Vấn, ông Sát, ông Ngân và nhiều ông khác, tôi muốn nói từ các ông ấy đến anh lính trơn, đang như con hổ vồ mồi. Một đống kẻ thù đang chịu trói ở Đông Quan tha hồ chém giết và rửa hận.Một đống của cải, gái đẹp tha hồ chia nhau cướp phá hiếp giết cho thỏa mười năm nhin thèm.Một ngôi báu giành cho ngày mai. Nguyên Long phải lên ngôi trên đầu ngọn giáo, trên võ công của bác nó, của phe cánh của bác nó…”-Lời của Trần Nguyên Hãn thổ lộ với Nguyễn Trãi…Đây là một sự áp đặt, cực đoan: ghét ai thì bôi bằng mọi cách…
Sự kiện nghĩa quân đánh vào thành Xương Giang, Hội thề đã tạo ra một kịch tính ảo: Khi Nguyễn Trãi khuyên Lê Lợi không nên đánh mà dùng biện pháp dụ hàng để đỡ hao tổn binh lực; Lê Lợi đã không nghe Nguyễn Trãi và đã tìm cách biệt đãi, cho giam lỏng Nguyễn Trãi ở trong quân. Đây là một việc làm “ vẽ rắn thêm chân “ của Nguyễn Quang Thân bởi trong chính sử không chép lại chuyện này, còn nếu Nguyễn Quang Thân muốn hư cấu thì sự hư cấu đó không được đối nghịch với dòng chủ lưu…
Bằng nhãn quan của người ít hiểu biết về các kiến thức quân sự, chúng ta cũng dễ dành nhận ra: Quân Minh làm sao lại dễ dàng có thể buông vũ khí đầu hàng được…Làm sao mà tài ăn nói của ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ có thể lung lạc làm cho Nixon thấy ra lẽ phải, để rồi đi đến quyết định cho rút quân Mỹ về nước? Mỹ ký hiệp định Pari và quyết định rút quân sau khi đã bị những đòn đau trên chiến trường miền nam và bị thất bại ê chề khi đưa pháo đài bay B.52 vào đánh  phá Hà Nội…
Để buộc quân Minh rút về nước, dứt khoát phải dùng giải pháp quân sự, vấn đề là đánh vào đâu để chắc thắng và đỡ tổn thương xương máu, đó là một bài toán. Làm thế nào chỉ cần “ giết con gà” mà lại “dọa được con khỉ” ? Đánh Xương Giang là một lựa chọn tất yếu vì thành quách Xương Giang không kiên cố bằng Đông Quan. Và khi đã tiêu diệt được Xương Giang, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc thì việc dụ hàng Vương Thông là giải pháp tối ưu đương nhiên; đây là một mũi tên đạt nhiều mục đích, một hành vi “vuốt mặt nhưng vẫn nể mũi” của Lê Lợi với triều đình nhà Minh, một nước lớn…Điều này giống như quân ta đánh vào Điện Biên Phủ thay cho việc tiến thẳng ngay vào Hà Nội; Đánh vào Buôn Ma Thuột thay cho việc tấn công vào Sài Gòn ngay…
Chắc chắn những cái quyết sách này không thể quá khó khăn lựa chọn của Lê Lợi; hay Nguyễn Trãi cứ cố chấp cái chủ trương đáng vào lòng người ?!
Vậy thì tại sao Nguyễn Quang Thân lại say sưa, sa đà vào chuyện này? Ở đây, theo người viết bài này, Nguyễn Quang Thân cố tình tạo cớ để nhằm đạt một cái đích khác, muốn chứng minh cái mặt trái của tầng lớp nông dân khi có điều kiện nắm được quyền lực chính trị trong tay dễ trở nên độc ác và hiếu sát...
Cách viết này có thể xuất phát từ thực tế lịch sử: sau khi giành được chính quyền, Lê Lợi và sau này là Nguyên Long giết những đại thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ; Từ điểm xuất phát này, Nguyễn Quang Thân đã khái quát lên, quy chụp: đây là một sự trù diệt trí thức của tầng lớp ít học là vơ đưa cả nắm, là phiến diện.
Dùng các sự kiện lịch sử có thật này, Nguyễn Quang Thân đã biến Hội thề thành “mảnh ruộng ” gieo cấy một sản phẩm văn chương: chứng minh và khái quát lên sự đối lập giữa anh nông dân và tầng lớp trí thức, có mày không tao; nông dân mà nắm chính quyền thì trí thức nếu không bị giết thì cũng phải đi ăn mày…
Nguyễn Quang Thân nhìn nhận như vậy là có phần phiến diện, cực đoan; chỉ thấy việc làm này của Lê Lợi, Nguyên Long, chỉ thấy cái ẩm ương lúc này lúc kia của anh nông dân khi có quyền lực trong tay mà chưa nhìn thấy vai trò của nông dân trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc…Cuộc kháng chiến chống quân Tống do Lý Thường Kiệt cầm quân; 3 lần đánh thắng quân Nguyên; Sau Lê Lợi là Nguyễn Huệ, là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn…Họ làm nên được những chiến công này nọ cho lịch sử đất nước đều phải dựa vào con em nông dân chứ dựa vào ai ?
Thực ra khi nghiên cứu về cái chết của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo chính Nguyễn Quang Thân cũng đã có lúc viết ra: đó là hậu quả của các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực chính trị của các phe phái trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn. Khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giành được độc lập, trong triều đình nhà Hậu Lê đã xảy ra cuộc đấu đá tranh giành giữa 2 phái, một phái ủng hộ giòng con trưởng ( Tư Tề ) và và một phái ủng hộ giòng con thứ ( Nguyên Long ) đều là con của Lê Lợi…
Theo người viết bài này, những thảm kịch chém giết trong giai đoạn khởi đầu của triều Hậu Lê bắt nguồn từ nguyên nhân này chứ không hoàn toàn xuất phát từ xung đột giữa nông dân và trí thứ, giữa có học và ít học… Chính sử sách cũng đã ghi lại: Lê Lợi cũng nhận ra là ông thiếu công tâm, sai lầm trong ứng xử với Trần Nguyên Hãn, với Phạm Văn Xảo, với Nguyễn Trãi nên trước khi ông sắp mất, ông đã trăng trối lại với Nguyên Long nên mới dẫn tới việc Nguyên Long cho mời Nguyễn Trãi trở lại triều chính. Vì sự trở lại này mà Nguyễn Trãi đã phải chuốc lấy thảm án Lệ Chi Viên; Một vụ thảm án gây nổ từ một sự kiện rủi ro ngẫu nhiên: Lê Thái tông đã đột tử khi qua đêm với Nguyễn Thị Lộ tại trại vải ở Lệ Chi Viên…Sự kiện ngẫu nhiên này như một gáo dầu dội vào làm bùng lên ngọn lửa do phái ủng hộ dòng thứ phất lên để thiêu trụi những thế lực rắp tâp muốn khôi phục giòng trưởng trong triều đình nhà Hậu Lê…
Cuộc đấu tranh giữa các phe phái này diễn ra dai dẳng trong nhiều năm trong nội bộ nhà Hậu Lê, kết cục cuối cùng giòng trưởng đã giành lại được quyền lực bằng việc đưa Lê Thánh tông lên làm vua, mở ra một giai đoạn thái bình, thịnh trị cho đất nước…
 
Hội thề đề cao giặc hay “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Hội thề không phải là cuốn tiểu thuyết đặt vấn đề ca ngợi chuyện ta thắng địch thua, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như một vài bài phê bình đã viết, mặc dù trong nhiều chương Nguyễn Quang Thân cũng đã viết nên những dòng đẹp về Lê Lợi, Nguyễn Trãi về nghĩa quân…Đây là cuốn tiểu thuyết đi sâu vào thế giới tinh thần của những gương mặt chủ chốt làm nên cuộc khởi nghĩa này. Để làm rõ về đội quân này, Nguyễn Quang Thân buộc lòng phải sử dụng, viễn dẫn tới đám “ quân xanh “ đó là quân tướng nhà Minh…Trong Hội thề, tác giả đã xây dựng đậm nét một số nhân vật như Thái Phúc, Trần Trí, Sơn Thọ, Thôi Tụ… nhưng chủ yếu tập trung vào hai nhân vật chủ đó là Vương Thông và Thái Phúc…
Về phía đội “quân xanh” này, Nguyễn Quang Thân mô tả sai lạc, bịa đặt và gán ghép nhiều tình tiết, đó là điều đáng chê trách. Người đọc hiểu đây là một tác phẩm văn học nên tác giả muốn sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối sánh; Để làm rõ cái chất thô lậu, hung tàn, hiếu sát của một số tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn,  Nguyễn Quang Thân đã làm một cái cái việc không hay ho:mô tả những viên tướng nhà Minh, những kẻ đi xâm lược từng gây ra biết bao tội ác với Đại Việt như những hiệp sĩ, những con người có học và cao thượng?
Việc Hội thề, mô tả Nguyễn Trãi có quan hệ suồng sã với hàng tướng Thái Phúc; nhường khoang thuyền để Thái Phúc cho y hú hí với một cầm ca; Thái Phúc được mô tả như một hàng tướng cao thượng tới mức, mười năm không biết mùi đàn bà:…Để cho Nguyễn Trãi xưng hộ huynh đệ với Thái Phúc và viết nên những đoạn buông tuồng sau đây…Khi nghe Nguyễn Trãi hỏi:” Tôi nghe dân tình nói quân sĩ của huynh mỗi lần ra ngoài thành đều có chuyện cưỡng hiếp. Tôi không tin huynh vô can “. Thái Phúc đã đấm ngực thề rằng:” Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không thể ép liều yếu đào tơ.Huynh có tin hay không thì tùy, nhưng bản thân đệ xin thề là chưa một lần phạm cái tội hèn mạt ấy “???
Nguyễn Quang Thân đã gán vào miệng Nguyễn Phi Khanh khi bị bắt giải sang Trung Quốc, chuyện này đã được Hội thề mô tả qua lời kể của Thái Phúc. Nguyễn Phi Khanh đã nói với Thái Phúc: “Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu câu: Tứ hải giai huynh đệ. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn tôi nhưng xin cho tôi được coi người là anh ?”
Trời đất ơi, một con người như Nguyễn Phi Khanh, gạt nước mắt khuyên Nguyễn Trãi hãy quay về tìm cách cứu nước, đánh đuổi quân Minh, trả thù cho cha…đừng có chạy theo khóc lóc như đàn bà mà lại có thể buông ra những lời thớ lợ như vậy với tên tướng Minh đang áp giải mình hay sao ?
Đây là đoạn được Nguyễn Quang Thân mô tả trong chương Tứ hải giai huynh; chương này tác giả viết về các quan hệ thâm giao như huynh đệ của nhiều cặp có các quan hệ phức tạp: giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn; giữa Nguyễn Trãi với Nguyễn Thị Lộ, giữa Nguyễn Phi Khanh và Thái Phúc, giữa Thái Phúc và Nguyễn Trãi…Người đọc ngạc nhiên trước lời thổ lộ sau đây của Nguyễn Trãi với Thái Phúc được mô tả trong Hội thề:” Hôm ở ải Nam Quan ấy, tôi thật có lỗi vì không kịp chào đại huynh. Nhưng tôi không bao giờ quên lòng ưu ái của ông đối với cha con tôi. Sau khi buộc tôi quay lại, cha tôi nói với tôi câu cuối cùng: Minh Thành Tổ biến hàng vạn người Ngô thành kẻ thù của dân Đại Việt. Nhưng họ không phải là những người phải bỏ đi tất cả. Cũng còn người tốt như ông quan dẫn tù đưa ngựa cho cha hôm nay…”
Thái Phúc mới chỉ cho cưỡi nhờ ngựa một đoạn đường mà hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi đã bùi ngùi, rưng rưng nhận làm em Thái Phúc; ngày nay nếu được tặng một cái ôtô, những đoàn tàu cao tốc, cho vay tiền xây nhà máy luyện nhôm thì ơn nghĩa để đâu cho hết ?  Chắc phải gọi người Tàu bằng cụ mất thôi?! Đời trước mà Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cũng chỉ xoàng thế thôi a ?
Chưa hết, đây là một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:” Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái.Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh với thân phụ tôi và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải bắc. Còn cái vài này là cảm tạ công lớn của đại huynh đối với nghĩa quân và sinh linh hai nước, vài này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút này là Trãi…”
Hay một đoạn đối thoại khác giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:
“Nước mắt Nguyễn Trãi tuôn áo vạt áo xanh. Viên lão tướng thì sụt sùi.Ông nói, mếu máo như trẻ con:
-Tôi xin nhận tình huynh đệ.Và cũng xin có một lời thưa.Xưa đến nay, trong các danh tướng, danh thần, tôi thấy chỉ Phạm Lãi là được chết trên giường bệnh.Triều nào cũng có Thượng Quan, đất nào cũng có sông Mịch La, chim phượng hoàng khó tìm chỗ đậu giữa đàn gà mái, người trung trinh nhân hậu khó lòng tìm một chỗ đặt chân.Xin huynh hãy thận trọng với lòng căm thù của kẻ vô học với người có học, của kẻ bất tài tham lam với thiên tài trong sáng…”
Hoặc:” Xin đa tạ lời vàng của hiền huynh. Trãi này cũng nghĩ thế.Nhiều lúc Trãi tự hỏi, tại sao tôi và huynh lại từng là cừu thù mà không phải là một Bá Nha một Tử Kỳ…”
Qua những gì Nguyễn Quang Thân viết thì Nguyễn Trãi chỉ có thể tìm được những lời tâm giao từ các đại ca đến từ phương bắc. Còn đối với những chiến hữu của ông thì:”Cái đau khổ nhất của ông là luôn phải cãi nhau với những người anh em Lam Sơn, những đại phu, tướng lĩnh không có mấy chữ nghĩa, kể cả nhà vua. Ông bực bội với những lý sự cùn, những kiến giải bất cập nhiều lúc có thể bẻ lái con thuyền nghĩa quân húc vào ghềnh thác…Ông có thù oán gì họ không ?Thật lòng là không.Ông cảm phục lòng dũng cảm gan góc xả thân của họ…Ông thương yêu họ, thành tâm muốn gần gũi họ dù cứ bị hắt ra như người ta coi chừng kẻ lạc loài gian manh và sớm đầu tối đánh bên cạnh mình.Nỗi đau đến tuyệt vọng vì ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ bọn họ có thể hiểu được ông…”
Liệu những điều mà Nguyễn Quang Thân viết về quan hệ giữa Nguyễn Trãi với Thái Phúc có vênh với nhưng điều Nguyễn Trãi đã viết sau đây:
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngậm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống…
Còn Vương Thông thì được Nguyễn Quang Thần giành cho những trang khá là ưu ái: thua bại đến nơi rồi mà vẫn còn cao thượng, galăng, anh dũng với chị em phụ nữ. Người viết bài này đoán Nguyễn Quang Thân “ suy bụng ta ra bụng bò “. Cứ tưởng ai cũng sẵn sàng xả thân vì chị em như mình. Trước cái đêm mở cửa thành ra để tham gia hội thề, cuốn cờ về nước, Vương Thông còn mang theo 200 kỵ mã, liều chết mở cửa thành để đưa người con gái Đại Việt mà y cướp được trả về cho bố mẹ của cô?
Về cái chết của Thôi Tụ, hãy nghe Nguyễn Quang Thân môt tả rất chi là hoành tráng:”Bỗng có tiếng thét lớn.Thôi Tụ đang cố rướn người như muốn thoát ra khỏi đống giây trói. Tiếng y thét phá tan bầu không khí im lặng lẽ một cách khác thường, mặt y hướng về phía cổng thành chỗ Vương Thông đang biến thành đá:
-Ta không hàng! Hãy chôn ta vào đống cứt còn hơn sống mà làm lũ man di !
-Không hàng thì chết !
Viên tùy tướng đứng cạnh con ngựa Thôi Tụ đang cưỡi, lia lưỡi kiếm đánh xẹt. Chưa ai kịp nhìn, đầu Thôi Tụ đã lăn long lóc dưới đất,vọt ra ba tia máu làm đỏ rực cả cỏ…”
Trong Hội thề nếu Thái Phúc được mô tả như một bậc trí giả; Tổng đốc Vương Thông không chỉ đường bệ trước ba quân mà còn rất yêng hùng với gái thì Thôi Tụ lại được mô tả thông qua cái chết oai hùng, nghĩa sĩ ?
Trong khi đó thì Nguyễn Trãi đã viết về Thôi Tụ và vua quan nhà Minh như thế nào về y trong Bình Ngô đại cáo:
” Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội; Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng ???
…Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạch Thăng đem dầu chữa cháy
…Bí thế giặc quay mũi giáo đánh nhau
…Trần Trí Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía
Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân…
…Nghe Thăng thua ở Cầu Trạm, quân Mộc Thạch xéo lên nhau chạy để thoát thân…
…Mã Kỳ Phương Chính cấp cho năm trăm chiến thuyền ra đến biển mà vẫn còn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn còn tim đập chân run…”
( Bình Ngô đại cáo...)

Nếu để ý những gì Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội thề thì các vị tướng Tàu này hoàn toàn ngược với những điều Nguyễn Trãi đã viết…
Cũng nên chia sẻ với Nguyễn Quang Thân khi đọc Hội thề của ông: Có lẽ do những vấn đề của đời sống hiện tại tác động vào ông quá đậm đặc, làm ông bức xúc nên ông đã mượn cuộc khởi nghĩa của những người áo vải Lam Sơn để trút vào đó những điều ông bị dồn nén. Có điều do Nguyễn Quang Thân cầm bút viết trong trạng thái bốc đồng thái quá, vấn đề ông nêu lại đụng đến một trong những vấn đề nhiều người đang đau đáu như ông: Đó là vấn đề vai trò và hệ lụy khi người nông dân nắm quyền lực chính trị…Đó là một vấn đề lớn, có tính thời sự.Có điều như ngạn ngữ đã đúc kết: No thì mất ngon mà giận thì mất khôn. Đó là cảm nhận bước đầu của người viết bài này khi đọc xong, gấp cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân và nghiền ngẫm nhiều đêm về những gì mà Nguyễn Quang Thân đã dồn bao tâm huyết, sức lực để biến nó thành con chữ...
Mong người đọc hiểu, thông cảm, chia sẻ với Nguyễn Quang Thân điều này; tránh quy chụp cho ông điều nọ điều kia mà tội cho ông trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung đang rối rắm như hiện nay. Tôi biết Nguyễn Quang Thân không thuộc nhóm nhà văn cơ hội, theo khuynh hướng “quan phò ”…Nếu không tỉnh táo thì người đọc chúng ta lại mắc vào cái lỗi mà chính Nguyễn Quang Thân đã lỡ mắc phải: Giận mất tỉnh táo ?!
Kể ra chỉ vì quá căm ghét sự ngu xuẩn, tham tàn bạo ngược của mấy ông quan Việt mà quay sang ca ngợi ông Tây, ông Tàu, ông Mỹ thì cũng chẳng khác gì...tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa !
 
P.V.Đ

Nguồn: