Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẺ HỘI VIÊN CỦA NHÀ VĂN TRẦN ĐỘ

Tô Đức Chiêu
Thứ năm ngày 30 tháng 12 năm 2010 7:56 PM
 
          Tôi về làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam tháng năm năm 1995 thì đã có lệ mỗi mùa xuân đến hội lại mời những nhà văn cao tuổi tới dự lễ mừng thọ. Các cụ từ bẩy mươi trở lên ở quanh Hà Nội đều mời hết. Những cụ ở xa cơ quan gửi quà biếu mà tôi nhớ lúc ấy là một trăm ngàn đồng. Thế cho nên mới có nhà văn sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi không muốn nêu tên, lầm tưởng số tiền ít ỏi này với đầu tư sáng tác đã viết ra cho tôi những dòng chữ vô cùng bực bội. Nào là văn phòng hội bất lịch sự, phân biệt đối sử , coi thường người già, đầu tư kiểu gì mà trẻ thì tiền triệu còn những kẻ như tôi chỉ có trăm ngàn …
      Một non trưa tôi không nhớ ngày nào, lễ gặp các nhà văn cao tuổi đã bế mạc, mọi người ra về hết, Tổng thư kí Nguyễn Khoa Điềm vội vàng sang Bộ Văn hoá vì anh đang đương chức Bộ trưởng còn phó Tổng thư kí Hữu Thỉnh cũng vội về báo Văn nghệ vì đang kiêm nhiệm chức Tổng biên tập, tôi thấy trên sân một người đàn ông bước đi bước lại lần khân như có điều gì chờ đợi. Tôi nhận ra ông hơi quen quen. Rồi phỏng đoán ngay có thể là nhà văn Trần Độ mà mười lăm năm trước tôi đã dự những buổi ông tới nói chuyện ở Nguyễn Du khoá một. Tôi liền đi nhanh tới và hỏi :
- Thưa bác, bác có phải ? …
    Ông chớp mắt, dừng bước và cất giọng vui vẻ :
- Anh bạn là ? …
- Em là … Tô Đức Chiêu ạ …
    Ông nhận ra tôi ngay. Tôi tin như vậy, bởi hồi Nguyễn Du khoá một khai giảng ít ngày ông có mời chừng hơn chục nhà văn gặp gỡ ở 51 Trần Hưng Đạo trong đó có tôi. Lại nữa, năm 1987 qua giới thiệu của Dặng Văn Nhưng ông đã định nhận tôi về ban Văn hoá văn nghệ trung ương nhưng tôi vừa có công văn của Thanh tra nhà nước xin rồi  .
- Ô, Chiêu . Mình nhớ . Làm gì ở đây  ?
- Em mới về làm chánh văn phòng .
- Nghĩa là giúp việc cho Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh ?
- Vâng ạ !
    -   Thế thì hay quá. Rồi đây có việc gì liên quan tới hội mình gọi điện thoại qua Chiêu được không ?
    -   Vâng ạ  !
    Tôi đưa ông cacvidit và ông ra về . Tôi cũng xơ xểnh không biết ông đi bằng gì vì lúc này ông đã nghỉ hưu chẳng còn giữ chức tước nào cả. Tôi cũng có nghe nói ông đang gặp chuyện này chuyện khác mà đúng sai chỉ lịch sử mới có quyền phán xét, riêng với góc độ bé nhỏ của mình tôi chẳng dám bàn tới. Mấy ngày sau ông điện cho tôi, rằng sẽ có người mang thư tới đề nghị lo cho việc nho nhỏ. Tôi đợi. Người đến xưng là cháu nhà văn trao cho tôi tờ giấy viết mấy dòng chữ chân phương của ông trong phong bì lịch sự. Tiếc rằng thư ấy hôm nay không còn trong tay tôi nữa nhưng vẫn nhớ như in nội dung ông viết thế này :
      Chiêu thân mến !
      Nhờ báo với các anh lãnh đạo hội cấp cho mình tấm thẻ hội viên. Có điều thẻ đừng đề tên Trần Độ sẽ không tiện cho việc đi các nơi giao dịch công tác. Mình đề nghi ghi theo các bút danh : Chín Vinh, Cửu Long, Trần Quốc Vinh… Dùng bút danh nào cũng được. Mình vẫn muốn đi vài nơi đây đó để viết Chiêu ạ .
    Chúc vui khoẻ .
    Cám ơn nhiều !
    Thì ra việc ông nhờ đến tôi là thế . Tôi trao đổi với phó ban tổ chức hội viên Nguyễn Hoa và báo cáo với các anh trong ban chấp hành. Việc một hội viên đề nghị cấp thẻ là quá bình thường, có điều nhà văn của chúng ta muốn ghi vào thẻ bằng bút danh chứ không phải tên thông thường ai cũng biết. Nên chăng mắc mứu là ở chỗ này ? Bởi lúc đó đã có thông báo tới tận các chi bộ về kỉ luật ông, người đồng tình, người không đồng tình, có anh em còn cho là kỉ luật vô lí …Nhưng chuyện đó tôi không muốn bàn ở đây, và như trên đã nói, để lịch sử phán xét đúng sai. Tôi muốn nói tới tấm thẻ hội viên của ông kia. Tôi cũng không rõ trước đây ông đã có thẻ bao giờ chưa vì cứ nghĩ chức tước như ông thì tấm thẻ hội viên nhà văn là cái quái gì mà phải quan tâm tới. Nhưng xem ra với ông lúc này là quan trọng. Hay ít nhất cũng là một chút gì đó bâng khuâng nhè nhẹ an ủi mình. Tôi chủ quan võ đoán cho là như vậy chứ thực lòng càng trong cảnh ngộ này càng quí mến ông. Một lần điện thoại cho tôi ông nói rõ rằng mình bị thế này thế khác nên nhắc đến tên có thể làm nơi nào đó nghi ngại nên. Họ chỉ biết rằng đang tiếp nhà văn Chín Vinh, hay Cửu Long, hay Trần Quốc Vinh…tiện cho người ta và mình cũng thoải mái dễ chịu. Nhưng chẳng biết có phải vì thế không mà cả Tổng thư kí và phó Tổng thư kí cư im lặng nghe tôi trình bầy.Tôi lấn bấn mãi. Ông trực tiếp gọi điện cho tôi nhiều lần, cả về cơ quan văn phòng hội, cả về gia đình, thêm nữa ông là nhà văn cao tuổi, bậc cha chú, lại từng giữ bao cương vị quan trọng, từng có cuộc đời hoạt động đáng để ta kính trọng và ngưỡng mộ, không thể lờ đi được, tôi đưa ra trình bày tại cuộc họp ban chấp hành. Tôi vẫn nhớ cuộc họp đó ở trên phòng hội trường, trước những bộ bàn nhỏ kê ghép thành bàn lớn mọi người ngồi vây quanh theo hình chữ nhật, tôi ghi biên bản, nhưng rất tiếc lại khong ghi báo cáo của mình về việc nhà văn Trần Độ xin cấp thẻ. Mọi người im lặng. Các vị chức sắc im lặng đã đành nhưng nhà văn Nguyễn Hoa, phó ban tổ chức hội viên cũng cứ ngồi ngay đơ. Thấy như mình có lỗi với nhà văn cao tuổi, hôm sau tôi sang báo Văn nghệ gặp Hữu Thỉnh và nói  :
    -  Tôi chuyển thư đề nghị cấp thẻ hội viên của bác Độ cho Nguyễn Hoa và tới nhà báo cho bác ấy biết việc này .
    Hữu Thỉnh khuyến khích  :
    -  Phải đấy ! Ông cứ chuyển sang Nguyễn Hoa cho đúng chức năng . Biết nhà ông Độ chưa ? Trần Hưng Đạo ấy mà .
    Tôi chưa tới nơi ở của nhà văn Trần Độ bao giờ nhưng nhà mặt đường quá dễ tìm. Tôi gõ cửa và bước vào. Ông mời ngồi, rót nước,dáng vẻ ân cần thong thả của người đứng tuổi. Tôi tranh thủ quan sát phòng làm việc và đập vào mắt tôi để rồi gây ấn tượng lâu bền là trên bàn đầy sách báo các loại. Rõ ràng ông làm việc không ngừng. Ông quan tâm đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Ngay bên cạnh chiếc võng chiến trường ngày nào treo tùng teng chắc chắn để dành cho phút giây thư dãn. Ông vào đề ngay :
   -  Mình biết Chiêu đến thăm và về chuyện gì rồi. Thôi đừng bận lòng nữa. Mình sức cũng đã yếu nhưng thỉnh thoảng vẫn muốn đi đây đó viết một cái gì. Chẳng qua mình vừa gặp những chuyện như Chiêu đã biết nên có người ngại thành thử muốn lấy bút danh. Nhưng thôi ! Cứ cho là việc đã qua Chiêu ạ  !
    Sau này tôi còn đôi lần đến nhà ông, cũng chỉ là thăm hỏi hay thưa báo lại việc này việc khác. Rồi mưu sinh cứ cuốn tôi đi. Tới năm 2002, tôi đang phụ trách trại viết của hội ở Vũng Tầu gồm mười lăm cây bút là các nhà văn nhà thơ như  : Nguyễn Quang Hà, Triệu Xuân, Anh Đào, Lương Hiệu Vui, Trần Kim Trắc, Nguyễn Đức Thiện, Hà Khánh Linh …Một buổi sáng trại viết tổ chức hội thảo về tiểu thuyết có mời giám đốc nhà sáng tác Đỗ Mão , giám đốc nhà xuất bản văn học Nguyễn Văn Lưu, nhà văn Xuân Sách tới dự. Mọi người phát biểu rất hăng say. Nhiều ý kiến khá thú vị xoay quanh vấn đề về tiểu thuyết hôm nay. Một số ý kiến nói tới việc bảo vệ tác phẩm cho người sáng tác…Nhà văn Xuân Sách  mắc chuyện nhà tới muộn . Ông bước vào,  bắt tay từng người và thông báo tin sốt dẻo là nhà văn Trần Độ đã qua đời.
      Rồi Xuân Sách bình luận :
     -  Ông là cây bút để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Ông say sưa và chịu khó tìm tòi suy nghĩ tới tận cuối đời . Chính kiến của ông chắc chắn sau này còn được nhắc đến, đặc biệt đối với anh em cầm bút chúng ta. Đám tang ông khá đặc biệt… Xuân Sách tường thuật những tin tức ông vừa nắm bắt do từ Hà Nội chuyển vào. Chúng tôi lặng lẽ như đang hướng về thủ đô nơi người ta vừa tổ chức lễ tang ông để gia đình đưa ông về an nghỉ tại quê nhà. Riêng tôi, lòng cứ man mác vấn vương về tấm thẻ hội viên của ông mà trong tất cả những cây bút có mặt ở nhà sáng tác Vũng Tầu trên đường Thuỳ Vân xinh đẹp hôm nay chỉ mình tôi chứng kiến .