NGHI THỨC NHẶT CƠM RƠI
CỦA BÀ MẸ QUÊ
chao vào muỗng canh những hạt cơm rơi
kính đưa lên miệng với lời niệm khẽ
quý hạt ngọc trời, thói quen từ bé
gần tuổi tám mươi chưa từng nhạt phai
Ất Dậu bốn lăm, niềm đau trận đói
(cha lén ăn, mặc chết lịm con thơ
quá tủi thẹn, đã tự mình treo cổ!)
suốt đời bà chưa khuây quên bao giờ
chuyện quê buồn tôi nghe từ tuổi nhỏ
người thành ma đói ngập chợ đầy đường
một cơ khổ giữa trùng trùng cơ khổ
ba năm giặc Nhật, mấy triệu đau thương
trở mặt Đông Du, mị lừa Đại Á
xót đau biết trước, còn bịp ai đây!
nay tóc bà vẫn trắng mây nhân hậu
lỡ cơm rơi, nhặt lại, dẫu đủ đầy
nỗi mất nước khắc sâu vào số phận
tiếc ngọc trời thành nghi thức nguyện cầu
Hiro, Naga cũng hằng tưởng niệm
với tiếng bẻ gươm, vỗ cánh bồ câu.
14 – 15:25, 29-12 HB10
TXA.
ĐA NHIM, NHỚ LẠI MỘT TỨ THƠ
MƯỜI LĂM NĂM TRƯỚC
Trần Xuân An
tưởng niệm nỗi đau lịch sử:
nạn đói Ất dậu 1945
ngồi trước trang sách mở
bóng điện tròn sáng soi
nghe trĩu đau vầng trán:
nghẹn đặc giọt mồ hôi
giọt mồ hôi cúi mặt trồng đay
bỏng kiếp tôi đòi
trên đồng lúa ngậm đòng
phải cắn răng nhổ bỏ!
chữ học trò giấy vở
bóng đèn chao nét ngời
ngước lên nhìn: giọt lệ
tự thuở nào, sắp rơi
giọt lệ rơi từ hốc mắt hờn căm ngút trời
hai triệu rưởi người quắt queo chết đói!
sổ tay thơ buốt nhói
máu ứa ra chảy ròng
như mồ hôi nước mắt
bóng điện rực rỡ hồng
giọt máu hồng nhoà ngực lạnh mưa đông
vẫn nắm chặt tầm vông lao vào đồn giặc!
đâu chỉ là nước mắt
chuyện tình xưa, đa nhim! (1)
bóng điện treo từng giọt
lương tâm không im lìm
thắp màu nắng nghìn xưa
bao dung nhân hậu ấm buồng tim
để Hi-rô-shi-ma, Na-ga-sa-ki (2)
cũng đêm đêm rưng rưng
giọt nắng!
1981 – 1995
Đức Trọng, Lâm Đồng – TP.HCM.
TXA.
(1) Đa Nhim, địa danh ở tỉnh Lâm Đồng, tiếng nhân tộc K’Hor, có nghĩa là nước mắt. Đó là nơi có hồ nước thuỷ điện.
(2) Hiroshima, Nagasaki, hai thành phố của Nhật Bản bị đánh bom nguyên tử, kết liễu cuồng vọng Đại Đông Á thuộc Nhật của phát-xít Nhật.