Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĂN KHAO GIẢI VĂN CHƯƠNG

Hoàng Minh Tường
Thứ tư ngày 29 tháng 12 năm 2010 6:04 AM

Khi tôi lên lầu hai quán Chim Sáo, ngõ Huế ( Hà Nội ) thì đã thấy gần đủ một mâm ngồi xếp bằng tròn theo lối Nhật Bản: Ba nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Văn Thọ, đại tá Nguyễn Tân Khoa, bạn của Nguyễn Quang Hà, và một mỹ nữ có đôi mắt tuyệt đẹp, sau này Nguyễn Văn Thọ giới thiệu đó là Kivi, Việt kiều ở Tiệp mới về, bạn của ông. Giờ thì tôi đã hiểu ra lý do tôi được nhà văn Nguyễn Văn Thọ mời đến đây. Sáng mai, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III ( 2006 – 2010 ) với bộ giải thưởng ABC 14 cuốn, trong đó thứ hạng cao có một giải A, ba giải B. Và tối nay tôi được hân hạnh ngồi với Trạng nguyên ( giải A) và hai Bảng nhãn (giải B) của cuộc thi danh giá này. Nếu thêm nhà văn Hữu Phương, tác giả tiểu thuyết Chân trời mùa hạ (giải B) nữa, thì tôi đã được dự một bữa ăn khao hoàn hảo trên đời.
Bởi vì đây là một cơ duyên hiếm hoi. Nguyễn Văn Thọ từ nước Đức trời Tây mới về. Nguyễn Quang Thân bay từ Sài Gòn ra. Còn Nguyễn Quang Hà đội mưa dầm xứ Huế, cưỡi tàu hỏa ra đây.
Hầu như cả khách Tây Ta ngồi kín hai phòng đều đổ dồn mắt về mâm chúng tôi. Họ ngắm Kivi chụp ảnh thì đúng rồi, nhưng có lẽ họ thấy lạ cái khẩu khí nhà văn, khi Nguyễn Văn Thọ, tác giả tiểu thuyết Quyên, đầu trọc lốc như một nhân viên SS, tay vừa chém gió vừa hùng biện. Sức mạnh của văn chương thật đáng nể. Chỉ riêng Quyên hai năm vừa qua không chỉ làm mưa làm gió trên thị trường sách trong nước mà khắp cộng đồng người Việt Đông Âu, nàng Quyên của Thọ Muối ( biệt danh của nhà văn) đã khuynh đảo tất cả. Ông kể về những chuyến mang Quyên theo tàu, dong duổi khắp Đức, Ba Lan, Tiệp, Hunggari, Bungari..., đến đâu cũng như về nhà mình. Tôi tặng các bạn tất cả tâm huyết và tình yêu của tôi. Bởi vì tôi vốn sinh ra không để làm văn chương. Tôi cũng như nhiều người, từng cầm súng vượt Trường Sơn, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rồi tôi phải xa nhà, mưu sinh trên đất người. Tôi từng làm đủ nghề giữa mùa giá băng buốt rụng ngón tay. Và tôi viết văn như một nhu cầu giải thoát. Tôi viết về thân phận những kẻ mưu sinh chúng ta. Đó là máu, mồ hôi và nước mắt. Tất nhiên các bạn hãy ứng xử với sản phẩm của tôi như chính thành quả lao động của các bạn... Một vạn bản, rồi hai vạn bản, và cho tới nay, theo tác giả cho biết, đã có hơn năm vạn bản Quyên đã được bán hết ở trong và ngoài nước.
- Nghe nói Quyên đã được chuyển thể thành phim? - Tôi hỏi  với một nỗi ghen tị không giấu giếm, vì chạnh nghĩ tới những cuốn sách gần đây của mình...
- Tôi đã nhận tạm ứng mấy chục triệu tiền bản quyền tác phẩm chuyển thể - nhà văn Nguyễn Văn Thọ cao hứng - Nhiều đạo diễn đọc Quyên thấy mê liền. Không phải ở những pha hình sự hay tình ái, mà bản thân số phận của Quyên, một phụ nữ gốc Hà Nội theo chồng sang Nga, bị lạc chồng, vượt biên giới sang Đức, làm đủ nghề kiếm sống để tìm chồng..., rồi số phận của nhiều nhân vật xa xứ khác, đã ẩn chứa nhiều kịch tính, lôi cuốn người xem...
Tôi thấy nhà văn Nguyễn Quang Thân ngồi bên thở dài đánh thượt. Trước đây tôi cứ tưởng Nguyễn Quang Thân tuổi Thân, hóa ra ông tuổi Bính Tý, 1936, hơn tôi đúng một giáp. Bẩy mươi sáu tuổi, mà ông săn chắc, trẻ trung như một trung niên, thế mới lạ. Cách đây đúng hai tháng, tại trại sáng tác văn học Vũng Tàu, sáng nào, chiều nào Nguyễn Quang Thân cũng bơi hai cây số. Như một hậu duệ của Yết Kiêu, ông bơi như rái cá, ra tít ngoài phao an toàn, rồi lặng lẽ trườn vào bờ, nằm phơi mình trên bãi cát. Ngay cả khi nhà văn Dạ Ngân ra thăm chồng, ông vẫn để mặc nàng ngồi chơi trên bãi cát để ông xuống biển, bơi  một vòng. Về cặp uyên ương này, tiểu thuyết Gia đình bé mọn của nhà văn Dạ Ngân đã kể một phần nào. Riêng chi tiết tôi và nhà văn Nguyễn Quang Hà, thành viên của trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982 ấy, nơi đã se duyên cho đôi văn tài này, là những ông mối đắc lực cho mối tình của họ, thì tiểu thuyết Gia đình bé mọn còn chưa kể. Tôi biết, Nguyễn Văn Thọ càng nói về thắng lợi kinh tế của Quyên  thì Nguyễn Quang Thân lại càng nghĩ tới thân phận chìm nổi của kịch bản phim Hội thề. Tiểu thuyết Hội thề đoạt giải Trạng nguyên đợt này, khởi đầu là một kịch phim truyện hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Nghìn năm Thăng Long. Tôi nhớ mùa hè năm 2002, phải tám năm sau mới đến Đại lễ, mà Ban chỉ đạo Quốc gia đã mời các nhà văn, nhà biên kịch cả nước về hội ngộ ở Đồ Sơn để tham dự lễ phát động và đặt hàng cho những bộ phim sử thi về Thăng Long - Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Quang Thân nằm cùng phòng với tôi. Ông bảo: Tớ sẽ viết về Ức Trai. Một nhà văn hóa lớn tầm cỡ Nguyễn Trãi  đủ cho lũ văn nô chúng mình nói về tầm vóc của Thăng Long.... Và Nguyễn Quang Thân đã giành giải nhất cuộc thi kịch bản phim, năm 2005 ấy. Nếu kịch bản phim Hội thề được sản xuất, chắc chắn ông sẽ có bạc tỷ. Vậy mà,  giải nhất ấy ông chỉ lĩnh cho vui, rồi  bị xếp xó, nằm im trong tủ kính. Nguyễn Trãi, Lê Lợi quá tiêu biểu cho Thăng Long- Đông Đô mọi thuở, nhưng làm phim ấy, bỉ mặt nhà Minh quá(!) Thất vọng về phim trường, với sở trường của một nhà tiểu thuyết, Nguyễn Quang Thân nghiền ngẫm và tái tạo lại Hội thề. Ở thiên tiểu thuyết này, ông đã gửi gắm được nỗi niềm kẻ sỹ với thời cuộc, quan hệ giữa trí thức và quyền lực, đề cao giá trị nhân văn ...
Người lặng lẽ nhất trong buổi ăn khao này là nhà văn Nguyễn Quang Hà. Trong bộ giải tiểu thuyết lần này, xứ Huế có hai nhà văn, đều từng là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương một thời, đều cùng bị truất quyền, miễn nhiệm, chỉ vì những tai nạn nghề nghiệp, đó là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Khắc Phê. Cuốn tiểu thuyết Biết đâu Địa ngục Thiên đường của Nguyễn Khắc Phê ngay sau khi phát hành đã được dư luận bàn tán xôn xao. Nhưng rồi chỉ vì cái tên Địa ngục, Thiên đường mà suýt nữa bị out khỏi giải. May mà Hội văn nghệ Hà Tĩnh đã trao giải nhất văn chương cho Biết đâu Địa ngục Thiên đường nên Nguyễn Khắc Phê được giải cứu, nhận giải Thám hoa.
Tôi đồ rằng hai ông bạn văn xứ Huế đêm qua cùng thức chuyện phiếm hết đêm trên tàu. Đã mười bốn năm Nguyễn Quang Hà sống chung với căn bệnh hiểm nghèo, bị cắt hết đại tràng, lại qua một đêm trên tàu Thống Nhất, ông quá mệt chăng? Chỉ đến khi ông tranh luận với nhà văn Nguyễn Văn Thọ về người viết và anh bán hàng,tác phẩm văn chương và thị trường... thì ông mới thực sự đáo để. Tôi chợt nhớ lại những chuyện ông từng kể về thời ông ở trinh sát đặc công chiến trường Thừa Thiên Huế những năm 1967- 1975. Cả đại đội Ngô Gia Tự (đại đội các thầy giáo Hà Bắc xung phong vào chiến trường ), đi một trăm năm nhăm người mà về chỉ còn sáu chục. Ông giỏi võ, một mình địch vài mạng. Nhưng tướng Thân Trọng Một, vị tư lệnh khét tiếng của chiến trường Trị Thiên lại thích thầy giáo Nguyễn Mạnh Tràng, người đồng hương Bắc Giang làm trợ lý vì ông biết  làm thơ, viết văn, có tác phẩm in trên văn nghệ Giải phóng ký bút danh Nguyễn Quang Hà. Sau hiệp định Paris, Nguyễn Quang Hà được hạ phóng đi xây dựng cơ sở dọc phòng tuyến sông Bồ, ngoại vi thành Huế. Và đó chính là bối cảnh và cảm hứng để ông viết  Vùng Lõm, một tiểu thuyết mang dáng dấp sử thi, lại vừa như một tự truyện kể về những năm tháng vô cùng gian khổ và hiểm nguy tại một chiến trường cài răng lược giữa ta và địch những năm 1972 - 1973.
- Hình như bác cố tình lên gân khi để cho mối tình của nhân vật Dư, người chỉ huy đơn vị quân giải phóng  và Hoài Thu, nữ giao liên xinh đẹp chênh vênh và lãng mạn đến không thật - Tôi ghé tai Nguyễn Quang Hà - Tôi không tin hai người yêu nhau say đắm ấy từng ở dưới hầm bí mật với nhau hàng tháng trời mà cứ trong như...pha lê...
- Nhân vật Dư chính là mình đấy - Nguyễn Quang Hà thú nhận - Còn nhân vật Hoài Thu, ngoài đời có tên là Hiền. Chúng mình từng ăn ngủ trong hầm nhiều ngày, nằm ép bên nhau, nghe thấy hơi thở, nhịp đập trái tim của nhau, từng khao khát nhau cháy bỏng..., nhưng đều tự kìm nén. Bởi kỷ luật chiến trường hồi ấy nghiêm lắm. Chỉ cần buông thả một chút thôi, sẽ không kịp hối hận. Sau hòa bình, mình và Hiền định cưới nhau. Nhưng rồi chỉ vì một hiểu lầm ...
Tôi thấy mình thật sung sướng vì đang nắm được những bí mật đời tư và bếp núc của nhà văn.
- Em phục bác. Nếu là một nhà văn thương mại, họ sẽ có vài chương làm tình mùi mẫm để câu khách. Nhưng bác cao tay lắm và trung thành với lịch sử lắm mới chịu kìm bút như thế khi viết về đôi tình nhân tuyệt vời của mình những giờ phút nghẹt thở dưới hầm bí mật. Nào, chúng ta cùng nâng cốc
 Tôi cao giọng, nói với tất cả:
 - Xin chúc mừng Hội thề,Quyên và Vùng lõm...của văn chương.
Kivi nâng ống kính, nhưng nàng lại nhìn tôi đầy tinh nghịch.
21.12.2010
HMT