Những bận tôi về làng, thằng cháu tôi vồn vã nhưng chỉ làm ra vẻ lấy lệ rồi chuồn nhanh. Tôi biết ở làng người ta không phục cháu tôi, vì nó thường bị vợ át vía. Mấy lão có chút chữ nghĩa độc miệng thì bảo thằng này chỉ số IQ thấp hơn vợ nên đành giữ chức Tiểu đội phó mãn tính. Do vậy nó ngại, không muốn mời tôi về nhà nó chơi chăng?
Một bận thằng cháu tôi đến nhà xếp của nó nhờ cậy việc gì đó, rồi hối lộ cây vàng. Xếp có vẻ từ chối. Nó nhanh nhẩu: Thưa xếp, vàng vợ em đãi được mà. Chả là nó nghe kể người ra chợ mua cặp gà biếu xếp thì nói gà nhà em nuôi được. Người mua chục cam biếu xếp thì nói cam nhà em trồng được. Vậy thì nó bảo vàng vợ em đãi được cũng được chứ sao? Ngu? Ngu chỗ nào, trật chỗ nào? Bằng chứng là nếu nó ngu, nó nói trật lấc, xếp đâu có nhận cây vàng ấy?
Vợ nó nghe muốn phát điên. Nhưng sợ quyền thế ông xếp của chồng nên đành phải im re, chứ biết làm gì? Rồi lúc nguôi ngoai nghĩ lại, ừ thì chồng nói năng, lập luận củ chuối thật đấy nhưng việc cậy nhờ xếp lại đạt hiệu quả trên cả mong đợi. Người ta ai chả có lúc lỡ miệng.
Bữa khác vợ nó thì thào với cô bạn thân nhờ xin cho con gái đang dạy ở một trường trung học tỉnh C xa lắc chuyển về dạy gần nhà. Nó nghe cô bạn của vợ nói rằng sẽ lo từ A đến Z và ra giá nhiều chục triệu đồng. Nó suy nghĩ mấy đêm liền về khả năng thành bại của vụ này mà chưa dám đưa ra ý kiến với vợ.
Sáng hôm ấy nó ra quán cà phê phố huyện để thư giãn. Nhạc du dương. Cô phục vụ xinh xắn nhìn nó nở nụ cười tươi rói. Nó mở tờ báo ra nhẩn nha đọc chờ cà phê nhỏ giọt. Chợt như bị điện giật, nó cuộn vội tờ báo nhét vào túi quần, kêu cô phục vụ tính tiền cốc cà phê chưa kịp uống rồi lên xe máy phóng vèo về nhà.
- Xì-tốp, xì-tốp ngay cái vụ chuyển trường cho con lại, em nhá. Rủi ro cao, rủi ro cao!
Nó chỉ tay vào trang báo rồi đưa cho vợ đọc. Vợ nó đọc chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Bài báo không hề đề cập, chẳng hề liên quan tí nào đến chuyện giáo dục. Chỉ có mấy dòng tin cuối trang nói về việc quan đầu tỉnh nhà bị cấp trên cách chức. Vì ông có ta nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế và làm rối ren nội bộ….
Vợ nó đần mặt ra. Nó bảo:
- Em chẳng biết gì sất. Quan đầu tỉnh đổ thì giám đốc sở này sở nọ của tỉnh đều là người trong ê-kíp của ông ta cũng phải run rẩy, cũng phải nằm im chờ thời chứ. Bây giờ em có nhờ vả, họ cũng chưa dám động cựa gì đâu. Trên sẽ bổ nhiệm quan đầu tỉnh mới, chắc gì cái ông giám đốc sở giáo dục hiện giờ còn tại vị được. Ông này không còn tại vị, nghĩa là đường dây chạy chọt của cô bạn em có khả năng….phựt! Thế là rủi ro chứ còn gì nữa. Tiền đã trao cho người ta thì y chang bát nước đã đổ…Rõ chưa?
- Ôi, chồng thông minh đột xuất của em. Thế thì làm sao hả anh? Chả lẽ cứ để con bé ở xa tít mù mãi hả?
- Họ sắp đại hội nay mai rồi, sẽ có hàng loạt nhân sự mới. Khi họ ổn định tổ chức, kiểu gì cô bạn em chả tìm đến nhà mình làm ăn. Chịu khó chờ chút đi…
***
Lần này nghe tin tôi về quê, thằng cháu tìm và kéo bằng được về nhà nó uống rượu. Nó kể nhiều chuyện ở quê nghe lạ lắm. Thế mới biết, thời buổi nhiễu nhưỡng, từ phố thị tới thâm sơn cùng cốc, ở đâu người ta cũng phải tự xoay trở mọi cách để ranh ma lên thì mới hóa giải được sự bế tắc. Sung sướng, tự hào ra mặt, nó bảo:
- Chú ạ, đây là bài thi lên chức chủ nhà của cháu đấy. Cháu cho vợ cháu làm giám khảo luôn nhá. Mọi tình huống sự việc diễn ra đúng y như cháu dự báo và chỉ cho vợ cháu thấy đấy. Bây giờ thì con gái cháu đã về dạy trường gần nhà. Còn vợ cháu sau cái đận này cháu bảo gì cũng gật đầu như… búa máy…Hi…hi…
- Thế việc chuyển trường của con, cháu có phải nhờ cô bạn của vợ cháu giúp không?
- Không, không, không chú ạ! Bạn gái cháu bảo cháu rằng cái thằng chồng mày tự nhiên độ này quái lắm, quái kinh dị!
Vợ thằng cháu tôi từ trong buồng nói vọng ra rồi cười vang. Hí…hí…hí…
Sài Gòn, 29.12.2010
V.D.C