Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ĐƯỢC LỊCH SỬ LỰA CHỌN ĐÃ VÈ VỚI VĨNH HẰNG

Bùi Hoàng Tám
Thứ bẩy ngày 1 tháng 1 năm 2011 5:58 AM

Kính viếng hương hồn GS.TS Bùi Danh Lưu

 Lời tác giả: Tôi định dành bài viết này cho số Tết Tân Mão để kính tặng ông, một nhà khoa học, một trái tim nhân hậu, một người đồng tộc mà tôi luôn coi như cha chú. Tiếc thay khi bài báo này lên khuôn, chưa kịp đến nhà in thì ông đã mãi mãi ra đi. Xin được cầu cho hương hồn ông siêu thoát về cõi vĩnh hằng.   

 
Trong cuộc đời có hai mẫu người mà tôi đặc biệt kính trọng. Thứ nhất là những người tạo lập lịch sử và thứ hai, những người được lịch sử lựa chọn.  Nếu những người tạo lập lịch sử là các vĩ nhân và những người được lịch sử lựa chọn là các tài năng thì Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Danh Lưu thuộc dạng thứ hai. Ông được lịch sử lựa chọn mà lịch sử ở đây chính là công cuộc Đổi mới 1986.
 
Người của Đổi mới
 

Những ai đã trải qua thời kỳ bao cấp đều thấm thía sự thảm hại của giao thông vận tải nước ta giai đoạn đó. Đường sá, cầu cảng vừa thiếu vừa sập xệ. Phương tiện cũ kỹ, lạc hậu. Cơ chế bao biện, kìm hãm… Nhận thấy sự yếu kém của giao thông là nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước nên một trong hai trọng tâm đầu tiên, tạo bước đột phá, có tính mở đường của công cuộc Đổi mới chính là nông nghiệp và giao thông vận tải. Đây là sự lựa chọn chính xác và ở cả hai mặt trận này chúng ta đều thu được những thành công vang dội. Nếu ở nông nghiệp, Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì giao thông vận tải đã thay đổi diện mạo đất nước từ thành thị đến nông thôn. Giao thông đô thị từng bước được hiện đại, những con đường cũ được sửa chữa, nâng cấp thành đường lớn, đại lộ.  Giao thông nông thôn liên tục mở mang, phát triển đến tận làng bản vùng sâu, vùng xa. Hàng ngàn những cây cầu lớn nhỏ trên khắp đất nước được xây dựng, sửa chữa, tu bổ. Hệ thống bến cảng cả đường sông, đường biển cũ được sửa sang, nâng cấp và hàng trăm bến cảng lớn nhỏ mới được mở. Tầu thuyền được trang bị, đóng mới. Hệ thống hàng không được quan tâm đúng tầm và một chiến lược phát triển hàng không được hoàn thiện… Cùng với nó là hàng loạt các chính sách mới thông thoáng trong lĩnh vực giao thông vận tải được ban hành như cơ chế xe cơ giới biển trắng - biển xanh và thu lệ phí giao thông đường, cầu, cảng…

Nếu về đối nội, việc để các thành phần kinh tế đều được tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải đồng thời kết hợp công thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân thì về đối ngoại, phương thức hợp tác với các nước có nền giao thông vận tải tiên tiến đã tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA và sự giúp đỡ rất lớn về khoa học kỹ thuật. Có thể nói, đây là thời điểm sôi động nhất của ngành giao thông vận tải nước ta từ trước đến nay.

Đã hơn một lần tôi tự đặt câu hỏi nếu không có Đổi mới, liệu có một nhà khoa học - Bộ trưởng Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu như ta đã thấy, đã gặp? Và lần nào cũng vậy, câu trả lời là không. Có thể ông Lưu vẫn là Giáo sư - Tiến sĩ, vẫn làm Bộ trưởng vì từ năm 1976, ông đã là Phó tiến sĩ và trước Đổi mới 4 năm, từ năm 1982, ông đã làm Thứ trưởng Giao thông Vận tải. Nhưng chắc chắn không thể có một Bùi Danh Lưu với những bước ngoặt trong lịch trình phát triển kinh tế đất nước suốt những chặng đầu Đổi mới đầy khó khăn và sôi động.
 
Tầm nhìn xa của một vị tướng
 

Tất nhiên, đây không phải công lao của cá nhân Bộ trưởng Lưu hay của riêng ngành giao thông vận tải mà là thành quả của Đổi mới qua các chủ trương, chính sách của Nhà nước và sự đóng góp của toàn dân. Nhưng Bộ trưởng Lưu đã được lựa chọn tại thời điểm đó ở mặt trận đó mà thành tựu không thể không kể đến công sức của vị “Tổng tư lệnh”. Chính vì điều đó, tôi đã xếp ông Lưu thuộc những người được lịch sử lựa chọn.

Người có công phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt ông Lưu là vị tướng nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Nguyên Tư lệnh mặt trận 559 – Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Tướng Đồng Sĩ Nguyên – khi đó là Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Bằng tài năng của một nhà tổ chức có tầm nhìn xa trông rộng và sự từng trải của một vị tướng nơi trận mạc, ông đã sớm nhận ra rằng cách làm cũ, tư duy cũ đã không còn thích hợp. Từ đây là thời điểm của khoa học kỹ thuật và cách tư duy kinh tế nên ông đã lập một “kỉ lục” trong đề bạt cán bộ nước ta bằng việc đưa Tiến sĩ Bùi Danh Lưu lên làm Vụ trưởng đúng 17 ngày để sau đó đề bạt lên làm Thứ trưởng. Năm 1986, chính Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đã chọn ông Lưu thay mình đảm nhiệm công việc khi ông Lưu chỉ là “người thứ sáu” trong dàn sáu vị Thứ trưởng đương nhiệm. Ông Lưu đã bất ngờ nhận được tin này qua Đài tiếng nói Việt Nam khi đang đi khảo sát ở Lai Châu.
 
Một người và một thời
 

Giữa năm 2010, NXB Hội Nhà  văn Việt Nam đã cho ra mắt cuốn Cuốn Người của những con đường. Đây không chỉ là cuốn hồi ký ghi chép lại cuộc đời của một con người cụ thể mà nó còn khắc họa lại bước đường trưởng thành của một thế hệ trí thức lớn lên trong cách mạng, trưởng thành trong kháng chiến và thành công trong Đổi mới. Tác phẩm cũng không chỉ là lý lịch của một cá nhân mà còn là lịch sử của một ngành kinh tế đột phá của một thời kỳ đột phá. Nó là của một người và cũng là của một thời.

Thực tình là gần đây, xuất hiện một số cuốn hồi ký cá nhân viết theo “công thức”: “Tranh công - Chối tội - Đổ lỗi – Thanh minh” đã tạo nên cái nhìn lệch lạc và khiến độc giả cảm thấy ngần ngại khi tiếp cận các tác phẩm thuộc thể loại này. Rất mừng là  Người của những con đường do ba nhà văn Nguyễn Hiếu, Trần Quang Quý, Phạm Thành đã không mắc vào “công thức” đáng buồn đó.

Xin được kết thúc bài viết nhỏ này bằng tâm sự của Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với các tác giả khi biết họ có ý định viết về ông Lưu: “Một Giáo sư, Tiến sĩ, một Bộ trưởng như thế thật xứng đáng là một nhân tài đất nước. Giờ ông nghỉ hưu, nhưng ông không viết hồi ký để thế hệ sau hiểu hơn về ông và của thế hệ ông đã yêu nước, đã cống hiến cho dân, cho nước cũng đáng tự hào lắm lắm. Thì các bạn hãy viết về ông Lưu đi, tại sao không?”

 BOX: GS.TS Bùi Danh Lưu sinh năm 1935 tại làng Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Năm 1953, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, ông theo học tại Trường Trung cấp Giao thông và sau đó học đại học. Năm 1970, du học tại Tiệp Khắc và 1976, Phó tiến sĩ Bùi Danh Lưu về nước, được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện kỹ thuật Giao thông. Năm 1982, làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và 1984, được phong hàm Phó giáo sư. Năm 1986, làm Bộ trưởng và 1992, ông được phong hàm Giáo sư. Hiện, ông là Chủ tịch Hội Cầu Đường Việt Nam. Ông từ trần hồi 5 giờ 9 phút ngày 30-12-2010 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.