Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT NGÀY SINH GIẤU TÊN

Phan Đình Minh
Thứ năm ngày 30 tháng 12 năm 2010 3:33 PM
(Thân mến tặng Nguyễn Lâm Cúc)

Tôi là người kém may mắn, điều kém nhất đó là không có được một cô con gái. Khi đọc bài thơ này của nhà văn PĐM, tôi càng tiếc, nếu không, tôi có thể mượn để làm hành trang cho tiểu thư của mình.
Nhờ cái còm này cách đây mười tháng khi tôi đưa lên blog mình bài thơ Điều cha muốn nói tôi biết được Nguyễn Lâm Cúc. Phải nói là cám ơn blogs. Nhờ blog mà tôi được quen và giờ có thể nói là được kết bạn với Thiền viện, với NLC. Từ đó, đều đặn chúng tôi gặp nhau trên văn chương ảo, điện thoại và có những cuộc giao lưu với từng cô gái tài giỏi của tứ nữ cô nương.
      Quen với những người đàn bà làm công việc viết, người mới vào nghề, người đã thành danh, nhưng sự đặc biệt của 4 cô nương này là điều hứng thú mong gặp của nhiều người nói chung và giới mày râu văn chương nói riêng. Họ là những yếu nhân ít nhiều thành đạt trong con đường sự nghiệp nhưng đa phần các chị chịu sự thiệt thòi ngang trái của cái gọi là nhân thế. Ông trời khai thác họ triệt để, xét về nghĩa đen, nhưng lại rất hào phóng họ tài năng, cái mà nhân gian ai nấy chỉ ước giọt giọt.
      NLC là một trong những người thế.
      Ba cô sinh vào tháng 9. Cái tháng ở phương Bắc,  gió ngày nào cũng say, hòa loãng nắng vẩy lên không khí hội hè. Hoài Vân, Hoa Lục Bình, ai đều biết. Riêng NLC, đến nội bộ Thiền viện cũng không rõ Cúc sinh ngày nào. Không biết cái ngày Cúc ra đời có gì trắc trở, buồn, mà Cúc giấu thế. Ai quen Cúc, gặp hay nói chuyện một lần là quý Cúc ngay. Cúc dễ chịu và ân cần, thông minh, dí dỏm; hiểu biết và nhậy cảm; quyết liệt nhưng lại dễ tổn thương... tôi nói không quá. Và tôi tin vào cảm nhận, linh cảm mình.
      Trong tứ cô nương, Cúc không giữ những trọng trách xã hội phân công nhiều như 3 cô kia, nhưng Thiền viện, Cúc dường là chị cả, là nhựa gắn kết những tấm lòng. Có lúc tôi thấy Cúc say sưa kể tốt về Thanh Chung, Hoài Vân, về Hoa Lục Bình, nếu là đàn bà chắc tôi phát ghen lắm. Từ đọc văn chương, từ những cuộc trao đổi trên điện thoại, dầu chưa một lần gặp, tôi tôn trọng và mến Cúc. Trước tiên là cảm nhận văn học, đến cái tài của Cúc, sau là tấm lòng. Tôi vô cùng xúc động khi giữa đêm trông cha ốm ở bệnh viện, tôi nhận được một file nhạc. Với lời nhắn bài hát được phổ từ thơ của Cúc. Anh mở cho bác nghe. Cúc lặn lội tìm một lời mật chú, gửi cho tôi chuyền đến cha tôi, mong cụ qua cơn bạo bệnh. Giờ, tôi nghĩ đó là những dấu ấn tình cảm, những hành cử không quên về những người bạn quý mến của mình. Và giờ, với tôi, Cúc là bạn viết tốt. Có lúc tôi kể chuyện chú em, cô cháu gái..., chuyện công sở cho Cúc nghe, và Cúc cũng vậy. Lúc nào buồn buồn, khúc mắc gì Cúc lại điện thoại nhờ tôi tư vấn. Tôi vốn tào lao, hay gắt gỏng, chê bai Cúc...  Cúc ở Bình Thuận, từ trước khi quen, tôi đã mốc dấu một vấn đề: Bình Thuận không những có biển đẹp, mực hai nắng ngọt ngào, thanh long mát dịu, còn có những con người tài giỏi, từ lâu và giờ tôi thấy. Ở xứ biển thông thênh đó đã có nhà văn hóa lớn nước mình, anh Bắc Sơn...
      Đọc Cúc, tôi thích nhất là Thơ, thơ Cúc hay, hình tượng, ma mị, dẫn dụ. Tôi thường đọc đi đọc lại những bài thơ Cúc làm và hay bị ám ảnh bởi những câu thơ như:
      Chiều trên núi chỉ còn toàn voan trắng
      Tro chẳng thèm bay thổi mải rợn người
      Bầy chữ chết không thể nào cháy nổi
      Trơ khất thế kia biết có luân hồi?
(Voan trắng)
      Mặt Trời lăn xuống núi thưa
      Đổ bao thương nhớ cho vừa lòng đêm.
(Chăn mặt trời)
      Hoá vàng những giấc mộng du
      Còn trơ khâng khấc cợt đùa nhân sinh
(Lục bát phập phù)
      Có một lần say khướt với mênh mông
      Rồi ngất ngưởng kéo màn trời toạc xuống
      Trăng lồ lộ...
      Ngọc ngà hơn tưởng tượng
      Từ đó về hóa mộng mị liêu xiêu
(Say trăng)
      Lột từng lớp vỏ hề hề
      Thấy trong hớn hở não nề lớn khôn.
(Buồn tay bẻ một nụ cười)
      Em bổi hổi mang xuân ra cược hết
      Ừ thì chơi cho nghiêng nước nghiêng thành!
      Bao chiếc lá rụng rơi không kịp biếc
      Rưng rưng hồn những cánh rừng xanh
(Ngày không huề vốn)
      Không tin tìm hỏi thu vàng
      Bàn tay cao thượng che tràn tái tê
      Nhưng tin thì đông đã về
      Gió bấc rờn rợn đầu hè thổi quanh.
(Không tin tìm hỏi thu vàng)
Vân vân và vân vân...
Đọc những bài thơ này, nếu không hề biết tác giả là nữ. Chắc chắn ai cũng nói đây là một tay thơ mày râu lão luyện. Còn khi biết rồi, tôi chắc ai cũng phải kiêng.
Cái đặc biệt ở văn chương Cúc là Cúc biết được mình đang làm gì, cái lực của bút tới đâu, và quan trọng là hiểu, nắm vững cái luật làm văn. Hì hì. Làm văn quyện với sự làm người.
         Lâu lâu rồi, tôi nhớ, có một người đã thành danh nói tại một hội nghị lớn về văn học Đến bây giờ tôi không biết văn thế nào là hay, ai có thể chỉ cho tôi. Và cả khán trường hôm ấy yên lặng. Chắc cũng có người muốn nói, muốn trả lời nhưng lại sợ múa thợ qua mắt rìu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều: Đồ ăn vật chất thì ta biết chắc rồi, ngon hay không ngon dễ biết, nếm khẽ chút là thấy. Vật chất, miếng ăn, thức uống tác động trực diện vào các giác quan, he he, gần đây người ta lại rất chú trọng đến thị giác, thính giác trong ăn uống, ẩm thực. Còn văn chương là món ăn tinh thần, vậy cái sự ngon tinh thần là gì, mạo muội nó không là thú, là khoái, là tầm cao, là văn hóa, là khiến ta nổi da gà, làm ta khóc ầm lên, Khiến ta tá hóa tam tinh, vỗ đùi tâm đắc,  bảo ta gật gù nhớ mãi, bắt lục phủ ngũ tạng ta di cư loạn xạ... Thế là văn hay chứ là cái gì? gì mà phải kinh viện, hoa mỹ quy chiếu. Rồi trừu tượng, mung lung; chau mày rồi mất ngủ mà ngẫm ngợi. Vậy nên, người viết, viết gì nếu thấy có văn và có chuyện coi như là thành công (khe khe, mạo muội). Nguyễn Lâm Cúc kỹ điều này, khi viết là của mình, khi đưa ra, dù đưa đọc trên đài, in trên báo, đưa lên blogs, tức là quảng giao cho người đọc là của thiên hạ rồi, NLC  hiểu và cẩn trọng. Có lần tôi đã thử, bới hoài văn Cúc, thấy chẳng tìm đâu xác chữ. Thứ mà bây giờ nhiều người không chú ý và có khi không làm được.
      Văn Cúc mạnh tính khai thác, gạn gữu và ý tưởng. Điều này hiếm trong các cây bút nữ. Một số vấn đề, một số chuyện Cúc đưa ra có thể xếp vào tầm để mọi người nhớ lâu được. Khe Khe. Không tin vào blog Cúc đọc một loạt truyện cực ngắn gần đây nữ sỹ này đưa lên.
      Cúc cũng là cây bút phê bình thạo. Tôi nghe ai nói một lần trên web HNV: tiêu chí toàn diện của người viết là ngoài sáng tác được các thể loại đa dạng, còn viết khá những bài luận, bài phê bình.
 Nhìn phong cách của anh có chút gì đó giống nhân vật Tế Điên Hòa Thượng, bụi bặm, dân dã. Chính vì thế mà những ngôn từ hàm chứa những triết lý nhân văn sâu xa khó được chấp nhận trong con mắt của những kẻ trưởng giả, hoặc những người khoác bằng cấp, học hàm như một thứ trang sức, hay giấy thông hành len lỏi vào một giới nào đó.- NLC nói về Nguyễn Bắc Sơn vậy - Chuẩn không!;
Khi trong trái tim mình chưa có nhịp đập nào dành cho ái tình, thì  tôi ngày đêm đã mơ tưởng về Hà Nội, nơi mang trái tim của đất nước. Tôi đã hàng trăm lần giở trang sách giáo khoa tiểu học có hình chùa Một cột rồi ngồi mơ. Với tôi, Chùa Một Cột là công trình kiến trúc tráng lệ nhất của loài người. Mơ màng về chùa Một cột, trái tim nhỏ bé của tôi tỏa sáng  niềm tự hào không có gì sánh bằng. Tôi thổn thức yêu Hà Nội. Khi tìm gặp nhau, tôi vỡ òa thất vọng... - Ký thác một tình yêu Hà Nội.
      Văn của anh như đất nâu, như ngọn gió thổi từ cánh đồng oai oải mùi cỏ thơm thơm. Như giọng nói của người chú, người cha vọng lên từ đám ruộng, từ  cọng vó ven sông mùa nước nổi... Và một truyện ngắn chỉ là một nét sổ trong bức tranh về cuộc đời sáng tác của một tác giả. Có khi nét ấy là chút gió làm lay động tâm tư đã bất động khá lâu của người đọc. Cũng có thể đó là nét điểm nhãn, mở ra cánh cửa khám phá tâm hồn của nhà văn và những gì tác giả quan tâm suốt sự nghiệp cầm bút của đời mình... - bình bằng cái lòng và bằng cảm xúc thật từ tác phẩm được như thế là cùng. Tôi nghĩ phê bình, giờ, người ta hay xiếc câu chữ, kinh kẹ hoặc  nói những chuyện loăng quăng, đêm thức cùng, chuyến tầu dài ngày, bữa rượu thông ngày sang đêm, đợt đi trại sáng tác năm ấy, thời của những giấc mơ ấy... để bình. Và cũng có tác giả bằng sự óng ả câu văn, tinh khôn từ vựng, sự uyên bác, phép rút bởi lý thuyết làm văn được các học giả đúc đổ nhào lặn, kho sào, vôi bả mà thành nhiều bài bình được người đời đọc và thú. Mà cái sự đọc không bằng lòng, đọc không bằng trí đọc, hời hợt tung huyênh; đọc như trẫu tràng nhẩy qua chảo mật..., đừng có đọc Cúc, Cúc buồn. He. Không hay tưởng là hay, cái hay lặn bên trong lại chả thấy, đến mạch văn cũng không bắt được. Buồn. Đọc kỹ Cúc sẽ thấy chị viết bằng hết tấm lòng, cảm xúc thật, chảy tràn, bo chữ, viết vậy, giờ, ngại lắm vì như thế thấy sự sàng chữ tốn nguyên liệu vô cùng. Có nhà văn lớn tuổi nói với tôi cách đây nhiều năm rồi. Viết bằng sống hẵng viết, có ngày máu văn mình sẽ cạn?!
Những tản văn, ký sự (phải gọi là như thế) về quan sát cuộc sống của NLC cũng là một đề tài đáng nể trong hành trang sáng tác vừa rồi của chị, với: Lo bò trắng răng; Em vẽ những tấm lòng; Vừa đi, vừa hú vía; Cát Tiên trong mắt người nhớ rừng... đều để lại  ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc. Là một Biên tập viên hay làm công việc bếp núc gì gì của đài truyền hình cấp huyện tỉnh Bình Thuận, việc giao lưu quảng giao văn học, quảng giao sáng tác mình là rất hạn chế nhưng hữu xạ tự nhiên hương, NLC đã được rất nhiều người biết và mến mộ qua tác phẩm.
Với kinh nghiệm nhiều năm,  sự thông thổ, biết nhiều tờ báo văn, văn nghệ trong nước, tôi nghĩ sao người ta không đưa NLC đến, đảm nhận vị trí gì từa tựa như là gác cửa các ban biên tập nhỉ. Việc để NLC cứ miệt mài sáng tác, miệt mài cống hiến cho văn học mà những người trách nhiệm trong giới văn chương không chịu vi hành để thấy thì làm sao cảm được tài, văn lực của cô gái xứ xa này nói riêng và nhiều phiến vàng quý còn chưa biết đến nói chung. Đó cũng là lời nói, ý kiến của nhiều người viết ở vài cuộc hội ngộ văn chương.
      Bằng tình cảm, sự trân trọng, và hồ hởi, tôi viết những dòng này về Nguyễn Lâm Cúc như một món quà gửi tới chị, mừng ngày sinh nhật tháng 9 nắng  mật ngọt vàng./.