Kim Thánh Thán (金聖歎 - 金圣叹, sinh 1608-1610? - mất 17 tháng 8 năm 1661), tên thật Kim Vị (金喟). (sinh vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, mất năm Thuận trị thứ 18 đời Thanh thế tổ - 1661. Ông có tên khai sinh là Trương Thái, lớn lên mới đổi sang họ Kim. Ông là người Trường Châu, tỉnh Giang tô).
Kim Thánh Thán là một nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là "Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc". Ông nổi tiếng là 1 người đọc rộng, uyên bác nhưng tính tình cuồng ngạo, dị kì, thường nói trong thiên hạ có 6 bộ sách tài tử (lục tài tử thư): Nam Hoa kinh, Ly Tao, Sử kí Tư Mã Thiên, thơ luật của Đỗ Phủ, Thủy hử và Tây sương kí.
Thời thanh niên, ông bị hỏng trong kì thi tuế, lại đỗ đầu kì thi khoa sau khi đổi tên thành Nhân Thụy (人瑞). Nhưng lúc này nhà Minh đã mất, ông dứt bỏ ý định làm quan.
Kim Thánh Thán mất trong 1 trường hợp bi đát, bất ngờ:
Năm 1661, vua Thanh ra chiếu đến Giang tô, lệnh các quan từ chức tuần phủ trở xuống đều phải tới phủ trị. Nhân dịp này các học sinh đến tố cáo việc làm phi pháp của viên lệnh huyện họ Ngô. Tuần phủ Châu Quốc Trị bắt liền 5 học sinh. Hôm sau các học sinh lại đến quốc tử giám kêu khóc, bị bắt thêm 30 người, trong đó có Kim Thánh Thán. Nhân lúc vùng Giang Nam đang có giặc cướp, các học sinh trên liền bị khép vào tội phụ hội với giặc, kết án tử hình, tịch biên gia sản.
Trước khi thọ hình, ông than thở: "Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán lại gặp cảnh này, kì lạ lắm thay!". Rồi cười mà chịu chết.
Trương truyền ông có nhờ ngục tốt đem thư về cho vợ con trước khi bị xử. Ngục tốt trình lên quan. Ngờ trong thư có lời phỉ báng, quan mở ra xem thì bật cười vì thấy mấy dòng: "Gửi con: dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta chẳng còn hận chi nữa".
33 lúc khoái của Kim Thánh Thán
Trong cuốn "The importance of Living" của Lâm Ngữ Đường có nhắc lại về 33 lúc khoái của Kim Thánh Thán, đây cũng là bài tản văn nổi tiếng suốt kim cổ của Trung Quốc, được ghi chung trong bài phê bình tuồng Tây Sương kí. 33 đoạn văn nhỏ này cho thấy triết lý sống duy khoái của Kim Thánh Thán. Ông khám phá cho chúng ta thấy rằng trong cuộc sống này có thể tìm thấy những lúc khoái qua những chuyện thật đơn giản.
Tác giả kể rằng nhân lúc ngồi buồn trong một ngôi miếu cổ cùng một người bạn, nhìn mưa rơi liên miên bên ngoài mà nhớ lại những phút vui trong đời sống, gom lại thành "33 lúc khoái":
1. Tháng bảy mùa hè, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lò lửa, không một con chim nào bay lại. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn sẵn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao thì bỗng mây đen kéo tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất sạch như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Vậy chẳng khoái lắm sao?
2. Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han đi đường thuỷ hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?
3. Đêm ngồi một mình trong phòng không, đương bực mình vì một con chuột ở đầu giường, sột soạt không biết gậm đồ vật nào hay nhấm cuốn sách nào. Trong lòng nghi hoặc, không biết phải làm sao thì bỗng thấy một chú mèo dữ, đuôi ngoe nguẩy, mắt chăm chú như ngó cái gì. Tôi yên lòng nín thở đợi xem; bỗng nghe kêu chít lên một tiếng nhỏ, con chuột chạy biến đi như gió. Chẳng cũng khoái ư?
4. Trước thư trai, chặt các cây hải đường rũ lá và các cây tử kinh để trồng một vài cây chuối. Chẳng cũng khoái ư?
5. Đêm xuân uống rượu với vài bạn hào sĩ (kẻ sĩ hào phóng, lãng mạn), tôi đã nửa say, do dự không biết nên uống nữa hay ngừng. Một đồng tử đứng bên, hiểu ý, đem lại một gói trên mười chiếc pháo bông, tôi đứng dậy châm lửa đốt. Mùi lưu hoàng xông vào mũi, vào óc, toàn thân nhẹ nhàng. Chẳng cũng khoái ư?
6. Đi chơi ngoài đường thấy hai gã tranh lí với nhau, mắt trợn mặt đỏ, tưởng chừng như không đội trời chung nữa, vậy mà vẫn làm bộ lễ độ, chắp tay đưa lên, khom lưng xuống, miệng đầy những tiếng “chi, hồ” (nghĩa là ngôn ngữ rất nhã nhặn), thao thao bất tuyệt. Bỗng một tráng phu vung tay tiến lại, dõng dạc quát một tiếng, giải tán hai gã kia. Chẳng cũng khoái ư?
7. Nghe trẻ đọc thuộc sách làu làu như nước trong bình chảy ra. Chẳng cũng khoái ư?
8. Sau bữa cơm, không biết làm gì, dạo chợ, thấy một món đồ nhỏ, muốn mua. Trả giá cũng gần xong, số tiền chỉ còn cách nhau một chút, mà người bán không chịu nhường, cố tranh cho được. Tôi lấy ở trong tay áo ra một vật giá trị cũng xấp xỉ chỗ sai biệt đó, ném xuống quầy cho người bán hàng. Hắn đổi ngay sắc diện, cười cười, chắp tay thưa “không dám, không dám”. Chẳng cũng khoái ư?
9. Sau bữa cơm, không biết làm gì, sắp đặt lại một chiếc rương cũ, bỗng thấy hàng chục hàng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn, kẻ mất, nhưng đều toàn là vô hi vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, nhìn lên trời cao không gợn một chút mây. Chẳng cũng khoái ư?
10. Một ngày hè, đầu trần chân không, cầm cây dù che nắng, nhìn tráng phu vừa đạp nước vừa hát khúc Ngô. Nước cuồn cuộn đưa lên trắng phau như bạc, như tuyết. Chẳng cũng khoái ư?
11. Sáng sớm thức dậy, nghe như có tiếng gia nhân than thở rằng: Có người nào mới chết ban đêm. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là một kẻ giảo quyệt mưu mô nhất trong thành. Chẳng cũng khoái ư?
12. Một ngày hè, dậy sớm, thấy người ta cưa tre làm ống nước ở dưới một mái che. Chẳng cũng khoái ư?
13. Mưa dầm suốt tháng, sáng nằm ở giường không muốn dậy, như người say rượu hoặc đau. Bỗng nghe chim ríu rít mừng nắng. Tôi vội đưa tay vén màn, đẩy mạnh cửa sổ ngó ra, thấy ánh mặt trời long lanh, rực rỡ và cây trong rừng như mới gội. Chẳng cũng khoái ư?
14. Ban đêm hình như cảm thấy có người nào đó ở xa nghĩ tới mình, sáng dậy thử lại thăm. Qua cửa sổ ngó vào trong phòng, thấy đúng người đó đương ngồi ở bàn đọc một văn thư. Thấy mình vô, người đó lặng lẽ vái, kéo tay áo bảo ngồi rồi nói: “Bác đã tới đây thì thử đọc văn thư này đi”. Rồi cùng nhau vui cười, cho đến khi ánh mặt trời đã biến hết. Chủ nhân thấy đói, hỏi khách: “Bác cũng đói chứ? Chẳng cũng khoái ư?
15. Vốn không có ý cất nhà, ngẫu nhiên được một số tiền thì cũng thử cất chơi. Từ hôm đó, không sáng nào, tối nào là không nghe om om bên tai những tiếng kêu thiếu gỗ, thiếu đá, thiếu ngói, thiếu gạch, thiếu vôi, thiếu đinh. Tôi phải chạy khắp nơi kiếm tiền mua thêm, mà trong thời gian đó cũng không thể ở nhà được nữa, cho tới khi an phận chịu cảnh đó vậy. Bỗng một hôm nhà cất xong, tường đã quét vôi, sàn đã lau chùi, cửa sổ đã dán giấy, tranh đã treo. Thợ thuyền về hết, bạn bè tới, chia nhau ngồi. Chẳng cũng khoái ư?
16. Đêm đông uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy những nấm tuyết lớn phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Chẳng cũng khoái ư?
17. Ngày hè, cầm dao bén cắt một trái dưa hấu vỏ xanh bày trên một cái mâm đỏ. Chẳng cũng khoái ư?
18. Đã từ lâu muốn làm tì khưu, nhưng khổ nỗi không được công nhiên ăn thịt. Nếu được làm tì khưu, lại được công nhiên ăn thịt thì mùa hè nấu một nồi nước, dùng con dao bén, cao đầu cho sạch. Chẳng cũng khoái ư?
19. Có ba bốn mảng phong lở ở chỗ kín, thỉnh thoảng đóng cửa lấy thuốc nóng rửa. Chẳng cũng khoái ư?
20. Mở rương ra, vô tình tìm được một bức thư của cố nhân. Chẳng cũng khoái ư?
21. Một hàn sĩ lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu; đoán được khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu; rồi đi vô nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì ở lại uống vài chén rượu. Chẳng cũng khoái ư?
22. Ngồi trong chiếc thuyền nhỏ, gặp gió tốt, khổ nỗi không có buồm để giương cho nó hả. Bỗng thấy một chiếc thuyền lớn tiến vùn vụt như gió. Thử liệng cái móc qua, hi vọng níu được. Không ngờ mà móc trúng, rồi lấy dây đỏi cột vào đuôi thuyền lớn, và ngâm hai câu của Đỗ Phủ: “Màu xanh làm ta nhớ tiếc núi, màu đỏ bảo ta rằng có cam quít” (Thanh tích phong loan, hồng tri quất dữu) rồi vui vẻ phá lên cười. Chẳng cũng khoái ư?
23. Từ lâu muốn kiếm một ngôi nhà để ở với một người bạn, nhưng chưa được chỗ vừa ý. Bỗng có người cho hay có một ngôi nhà không rộng lắm, khoảng trên mười gian, cửa ngó ra sông cái, lại thêm cây cối tươi tốt. Giữ người đó lại, ăn cơm xong rồi cùng đi coi nhà, vì cả hai đều chưa biết ngôi nhà ra sao. Vô khỏi cổng, thấy ngay một khoảng đất trống độ sáu bảy mẫu, sau này khỏi lo thiếu dưa, rau. Chẳng cũng khoái ư?
24. Xa quê đã lâu mới được về, ngó thấy cửa thành, hai bên bờ sông đàn bà trẻ con đều nói giọng cố hương. Chẳng cũng khoái ư?
25. Một đồ sứ đẹp đã bể, không sao gắn lại được. Lật đi lật lại, càng nhìn càng bực mình, không biết làm sao. Bảo giao cho người bếp dùng làm gì thì dùng, miễn là khuất mắt mình đi. Chẳng cũng khoái ư?
26. Mình không phải là bực thánh, làm sao không có lỗi. Ban đêm bất giác làm một việc quấy không ai hay, sáng dậy áy náy, thực không an lòng. Bỗng nhớ rằng theo phép Bồ Tát của nhà Phật, hễ không giấu lỗi tức là sám hối rồi; như vậy bèn vui vẻ kể lỗi ra với khách chung quanh, cả thân lẫn sơ. Chẳng cũng khoái ư?
27. Nhìn người ta viết chữ triện lớn, chẳng cũng khoái ư?
28. Mở cửa sổ cho ong bay ra, chẳng cũng khoái ư?
29. Làm quan huyện, mỗi ngày cho đánh trống lui hầu. Lúc đó, chẳng cũng khoái ư?
30. Thấy chiếc diều đứt dây, chẳng cũng khoái ư?
31. Nhìn cảnh đốt đồng, chẳng cũng khoái ư?
32. Trả hết nợ, chẳng cũng khoái ư?
33. Đọc truyện Cầu nhiêm khách, chẳng cũng khoái ư?
Lưu tâm bạn đọc
Trong quá trình sưu tầm tài liệu tôi phát hiện ra Báo CAND Điện tử (Cand.com) ngày 10/7/2010, YuMe 11/6/2010 và một số trang Web khác có giới thiệu về Kim Thánh Thán mà họ đã đưa nhầm bức tranh chân dung Khổng Tử thành chân dung Kim Thánh Thán. Rất đáng tiếc cho việc truy cứu nhầm lẫn này(!)
1- Chân dung Kim Thánh Thán
2- Chân dung Khổng Tử
Đinh Quang Tỉnh sưu tầm & giới thiệu