THỊ MẦU
Anh Ngọc
Người mấy trăm năm làm rung chuyển
những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
Người táo bạo
Người không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu
Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng
Người trung thực đến không thèm giấu giếm
Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa
Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa
Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo
Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu
Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi
Người đi qua nghiêng ngả những trận cười
Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa
Người chịu hết mọi thói đời độc địa
Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung
Trên môi người câu hát cứ trẻ trung
Từng sợi tóc cũng rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt
Người đi qua sân khấu tới đời thường
Người sống trong hơi thở của nhân dân
Mấy trăm năm ai để thương để giận
Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời
Những khát vọng nằm sâu
trong mỗi trái tim người
Được sống đúng với lòng mình thực chất
Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức
Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu
Những cánh màn đã khép lại đằng sau
Táo vẫn rụng sân đình không ai nhặt
Bao Thị Màu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi .
Sống đúng với lòng mình
Trần Trung
Hình như đã trở thành quy luật: Khi tình yêu lên-tiếng-lửa, sẽ tạo ra sức sống riêng với cả bản năng tự nhiên con-người.
Có sức sống dồi dào mãnh liệt, thì mọi ràng buộc, mọi khuôn phép đạo đức… chỉ còn biết cúi đầu chấp nhận.
Anh Ngọc tung ra “Thị Mầu” vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, là tiếng nói bênh vực thật táo bạo cho một cô ả Thị Mầu – người đã từng bị khoác lên bao lời đàm tiếu từ thiên hạ. Rằng Thị lẳng lơ, rằng Thị bản năng – nhục dục… Và còn nhiều lời đàm tiếu chê bai khác!
Hình ảnh Thị Mầu trong thơ Anh Ngọc được đặt trong mối tương quan: giữa một Thị Mầu của chiếu chèo sân đình và một Thị Mầu trong cảm hứng đón nhận của nhân dân. Và, cũng chính từ mối tương quan đồng cảm, đồng tình ấy mà nhà thơ đã đối lập với những gì giả tạo: “Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức; Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu!”.
Trong con mắt đồng tình và cả sự ngỡ ngàng đến khoái trá của nhà thơ, một Thị Mầu như đang độc diễn ở cả hai chiều: sân khấu nghệ thuật dân gian và cả màn tự phô diễn của một con người dám nổi loạn; dám “Sống đúng với lòng mình thực chất”.
Anh Ngọc vừa tách bạch, lại vừa đồng nhất hình ảnh Thị Mầu – Thị Mầu sân khấu hay Thị Mầu tự bộc lộ cũng mang một điểm chung: không chấp nhận bằng phẳng, khuôn phép mà đi tìm sự chấn động, “rung chuyển”
“Người mấy trăm năm làm rung chuyển những sân đình
Làm điên đảo những phông màn khép mở
… Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo
Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng”
Có một Thị Mầu trên sàn diễn nghệ thuật làm cho “rung chuyển những sân đình; Làm điên đảo những phông màn khép mở”. Và vẫn con người từ nghệ thuật sân khấu dân gian chèo ấy, lại thoắt bẻ gẫy và tung phá từ chính những khuôn phép vốn định hình từ nghệ thuật. Thế mới khiến cho:
- “… phá tung khuôn khổ những điệu chèo”
- “Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn
Mặt trống gầm lên những khát vọng không lời”…
Song, có lẽ Anh Ngọc đã bắt gặp và đồng cảm, đồng tình với vẻ chân thực đến hết mình của một-con-người Thị Mầu dám hồn nhiên tự phát lộ ra con người bản thể. Có sự đồng nhất và cộng hưởng của một Thị Mầu nội tâm và một Thị Mầu sống và khát khao tận hưởng với đời, với tình.
Những lời thơ và giọng điệu thật sảng khoái, thật hả hê khi Anh Ngọc dựng nên thành thơ hình ảnh một cô Thị Mầu “táo bạo”, “trung thực”; một cô Mầu “thừa sinh lực” để mà chịu trận trước “búa rìu dư luận, bất chấp “tất cả lời ong ve mai mỉa”… để đi đến với cái nhân bản đích thực, cái khát khao vượt cả không gian, thời gian và định mệnh. Để “được sống đúng với lòng mình thực chất”. Cũng bởi thế mà chân dung tinh thần của Thị Mầu cứ mặc sức phô hiện thật sống động trong thơ Anh Ngọc.
Bộc bạch khát khao tình yêu trần thế ư? Thị Mầu tự lên tiếng hát của lòng mình “táo bạo”:
“Người táo bạo không hề biết sợ
Người chưa từng lùi bước trước tình yêu”
Con người thực của Thị Mầu như chợt hiện lên rừng rực khát khao yêu, khát khao sống để đón nhận và động rung với niềm vui trần thế:
“Trên môi người tiếng hát vẫn trẻ trung
Từng sợi tóc vẫn rung theo nhịp phách
Mùi táo chín, mùi hương, mùi da thịt”
Hình ảnh Thị Mầu, với sức sống tự thân, thực sự đã tạo nên cảm hứng đón nhận của người đời. Hơn nữa, cảm hứng nghệ thuật ấy như vượt lên thời gian. Thị Mầu sống không tuổi theo thời gian và lòng người bởi niềm hoan lạc – “người đi qua nghiêng ngả những trận cười”; Thị Mầu là con người của nghệ thuật mà cũng là con người của cuộc đời – con người thuộc về tình yêu của nhân dân:
Người đi qua sân khấu tới đời thường
Người sống trong hơi thở của nhân dân
Với bài thơ “Thị Mầu”, Anh Ngọc đã thành thực và cả dũng cảm nữa khi anh vừa trao gửi tâm tình, lại vừa tuyên ngôn về một lối sống tự nhiên và chân thực của con người, đồng thời gửi gắm cả niềm khát khao, khát sống “đúng với lòng mình thành thực”. Phải chăng đấy là cái giá trị đích thực, chân chính của con người và của nghệ thuật nữa. Âm hưởng của dư vị “Thị Mầu” sẽ còn sống mãi mãi:
“Bao Thị Mầu đã trở về đời thực
Vị táo còn chua mãi ở đầu môi.”
Táo bạo trong lời lẽ và giọng điệu, với “Thị Mầu”, Anh Ngọc thực sự đã đứng thăng bằng giữa hai cực cảm tính và lí tính; bản năng tự nhiên và ý thức con người. Cái hay trong Thị Mầu của Anh Ngọc vừa mang tiếng thơ, tiếng lòng của một cá thể - nghệ thuật (Thị Mầu trong chèo) mà tương giao và đồng nhất với tiếng lòng thành thực của nhân dân, thuộc về nhân dân. Cái hay trong ý tưởng nhân văn, nhân đạo của bài thơ cũng chính là ở chỗ đó.
Hà Nội 10/4/2007