Đến bây giờ có thể khẳng định rằng: Loạt phim “cổ trang” về Lý Công Uẩn chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nôi đã thất bại thảm hại. Bộ phim hoạt hình 3D "Người con của rồng" được xây dựng từ chất liệu lịch sử, dân gian, huyền thoại bỗng trở thành sự kiện điện ảnh “độc nhất vô nhị” - Bữa tiệc điện ảnh “sướng mắt”, loại hình phim 3D mới lạ, hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Thết đãi “ngon lành” suốt thời gian dài 90 phút.
Đây là bộ phim “Cúng Cụ” thành công ngoài mong đợi, không vướng bận vào thảm cảnh “Lắm cha con khó lấy chồng”!
Bộ phim đã khắc họa chân dung tuổi thơ của Lý Công Uẩn với bao sự tích huyền ảo, bao câu chuyện dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Thưở nhỏ, Lý Công Uẩn là một cậu bé nghịch ngợm nhưng rất thông minh và có sức vóc hơn người. Cậu bé ấy có tình yêu sâu nặng với quê hương, với những người thầy, người cha, người bạn của mình. Lý Công Uẩn thừa hưởng tài năng và đức độ từ hai người cha tinh thần là nhà sư Vạn Hạnh và Rồng Vàng.
Bên cạnh cuộc hành trình đi tìm người cha đích thực, xuyên suốt bộ phim là con đường Lý Công Uẩn trở thành vị vua mở đầu vương triều Lý với việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên là Thăng Long. Dù chặng đường nguy hiểm và lắm chông gai, trí dũng song toàn đã giúp Lý Công Uẩn tạo nên trang sử hào hùng cho dân tộc.
Câu chuyện Người con của rồng gần gũi, dễ hiểu và được dẫn dắt khá hài hước, thú vị tạo được sự lôi cuốn khán giả cho đến phút chót. Tạo hình các nhân vật ngộ nghĩnh, vui nhộn với phần lồng tiếng rất “ngọt” làm cho người xem rất thích thú. Âm nhạc trong phim do nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc thực hiện vừa mang nét cổ kính lại vừa có chất hiện đại, kỹ lưỡng, phù hợp trong từng cảnh phim đã đem lại nhạc cảm thú vỵ.
Êkip thực hiện gồm giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Hồng Ngát; Đạo diễn: NSƯT Phạm Minh Trí; Kịch bản: Đoàn Triệu Long, Chỉnh lý kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát; Họa sĩ chính: NSƯT Nguyễn Thị Phương Hoa và Họa sĩ tạo hình nhân vật: Lý Thu Hà, Minh Trí, Phương Hoa và nhóm kỹ thuật 2D&3D; Âm nhạc: Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc; Âm thanh: Bành Bắc Hải; Biên tập: NGND Lê Đăng Thực; Cố vấn nghệ thuật: NSND Ngô Mạnh Lân, NSƯT Mai Long, GS sử học Lê Văn Lan; Lồng tiếng: NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Lê Chức, NSƯT Đức Trung, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Trung Kiên… Riêng nhân vật Lý Công Uẩn thủơ nhỏ do một em Nguyễn Tiến Minh Nhật thể hiện.
Dự án được xúc tiến từ năm 2007, đến tháng 10/2008 phim Người con của rồng mới bắt đầu đi vào sản xuất. Tổng kinh phí cho bộ phim là gần 6,8 tỷ đồng với đội ngũ họa sĩ 2D và 3D lên tới 30 người. Các họa sĩ đã tạo ra hơn 30 nhân vật với 20 bối cảnh lớn và 800 cảnh diễn.
Người con của rồng hoàn toàn do trong nước sản xuất, không có sự can thiệp hay chi viện của nước ngoài. Có thể nói đây là một sản phẩm văn hóa 100% Việt Nam dâng lên Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội.
Hoạt hình 3D không còn mới mẻ trên thế giới nhưng ở VN thì kỹ thuật 3D vẫn còn thô sơ, chưa được đầu tư thỏa đáng về cả 2 phương diện con người và trang thiết bị kỹ thuật . Chính vì vậy, hình ảnh 3D trong Người con của rồng vẫn chưa được sống động, cử động của các nhân vật chưa được tự nhiên và mềm mại. Bù lại, phim đã tái hiện lại một câu chuyện lâu đời giúp người xem hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, về vị vua đầu tiên của triều Lý đã có công tạo nên Thăng Long - Hà Nội ngày hôm nay.
Ảnh: Hình ảnh Lý Công Uẩn trong phim “Người con của rồng”
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh