Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CŨNG LÀ THEO ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Lục Dân
Thứ năm ngày 23 tháng 9 năm 2010 8:42 PM

     Vài năm gần đây trên diễn đàn ở nhiều cuộc họp các cấp các vị cao đàm khoát luận thường thích thú với chỉ số tăng trưởng. Và hình như chỉ số tăng trưởng đã trở thành đầu tầu kéo theo nhiều con số khác. Không dám lạm bàn nhiều về các lĩnh vực như về môi trường tỉ lệ các con sông bị ô nhiễm tăng lên bao nhiêu, bao nhiêu mặt hồ xinh đẹp nên thơ bị co hẹp, lấp đi ngay cả giữa Thủ đô, tỉ lệ tham nhũng của Việt nam vài năm qua tăng vọt đã đưa nước ta lên vị trí thế nào trên bản đồ các nước tham nhũng trên thế giới và khu vực mà bài viết nhỏ này chỉ đưa ra một vài con số cũng là theo nhịp tăng trưởng trong lĩnh vực mà không ít các vị tai to mặt lớn gọi là an sinh. Những con số này không phải do các lực lượng thù địch tung ra mà nằm ngay trong bản báo cáo chính thống của một hội nghị chính thống của thể chế ưu việt này.       
       Ấy là báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm( 2004- 2009) thực hiện Chương trình phòng chóng tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Theo con số thống kê đáng báo động trong báo cáo này thì trong năm năm qua cả nước đã xẩy 1586 vụ buôn bán người với 2888 đối tượng. Gần ba nghìn đối tượng vô lương tâm này đã thực hiện lừa bán 2008 nạn nhân. Nếu so với  giai đoạn năm năm trước thì cả ba con số hãi hùng này đều tăng với 1090 vụ , 2117 đối tượng và 2935 nạn nhân. Tất nhiên đây là những con số lộ diện vì đã bị các cơ quan chức năng bắt được và nó kém xa so với thực tế bi thương này đang xẩy ra trên đất nước ta trong 5 năm qua. Và nếu gộp cả những trường hợp của những cô gái bị bọn xấu lừa đảo để lấy chồng ngoại quốc rồi đa phần chuốc lấy những thảm cảnh thì tình trạng vi phạm nhân quyền thông qua những vụ buôn bán người ở nước ta thật đáng sợ. Để ngăn chặn tình trạng này ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự tự bảo vệ mình thì Nhà nước đang đưa ra bản dự thảo Luật phòng, chống buôn án người lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp trong xã hội để hoàn chỉnh. Trong dự thảo này đã dành nhiều qui định về các chế độ hỗ trợ nạn nhân về các điều kiện sinh sống sau khi được giải thoát như chỗ ăn ở, chăm sóc y tế ,hỗ trợ tâm lý , trợ giúp pháp lý, học nghề ,trợ cấp vay vốn. Người ta sẵn sàng cho đốt hàng 86 nghìn tỉ đồng cho một sự viển vông( và cả những tính toán cho tham nhũng ) trong kinh tế và hàng vài chục nghìn tỉ nữa cho những phi vụ ăn đụng lịch sử( riêng phim một bộ phim mất gốc và hỗn láo với tiền nhân đã tiêu ngóem 100 tỉ đồng trong vụ đánh đụng lịch sử đó ) vậy mà với sinh mệnh của người dân thì người ta lại tỏ ra chắt bóp, tính toán dồn trách nhiệm cho cấp xã nghèo nàn, luôn khốn khó. Xin đọc tiếp để biết. Trong khoản 2 điều 17 của dự thảo quy định “UBND cấp xã thực hiện việc tiếp nhận người đến khai báo, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết. Hỗ trợ tiền tàu ,xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú “. Riêng điều khoản này đã lộ ra hai điểm khó thực hiện. Hai điểm nói để mà nói một cách vô trách nhiệm. Một là sự hỗ trợ bằng tiền đối với nạn nhân của UB xã là một điều nan giải khi ngân sách của xã, nhất là tại các xã vùng cao – hiện trường thông dụng để xẩy các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em thì thật khó khăn nếu không muốn nói là con số không. Điều thứ hai nạn nhân nếu tự đến khai báo hầu hết đang trong cơn sốc, hoảng loạn về tinh thần làm sao có đủ tỉnh táo để có thể cầm tiền hỗ trợ để “tự trở về nơi cư trú”. Cách giải quyết “tự trở về” theo kiểu mang con bỏ chợ  này vô hình chung lại tạo điều kiện cho họ tái trở thành con mồi cho những đối tượng xấu. Đó là chưa kể khi về đến địa phương phần nhiều là các xã khó khăn, nhận thức còn thấp vì thế nhiều nạn nhân khi trở về bị xa lánh ,bị kì thị khó có thể trở sinh hoạt bình thường, khó lại kiếm được công ăn việc làm trong khi ngân sách hỗ trợ của xã lại thiếu .. Vì thế để tạo ra sức mạnh cũng như Luật Phòng, chống buôn bán người được hoàn chỉnh và có hiệu lực thì điều đầu tiên phải gia tăng mạnh với các điều khoản trừng trị nghiêm khắc đối với đối tượng buôn người, đồng thời nhà nước phải có ngân sách cụ thể trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân chứ không chỉ giao khoán cho trách nhiệm và ngân sách quá còm cõi của cấp xã. Và điều lớn hơn ,bao trùm tất cả là lương tâm của những người chỉ đạo làm ra luật phòng chồng này. Hãy chấm dứt đi tình trạng ban hành luật cho có luật còn thực hiện hay không thì tùy quen thuộc và thiếu trách nhiệm với mạng sống của dân như hiện nay.