Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỐN SÁCH MỞ GIỮA TRỜI CỦA THẦN SIÊU

Nguyễn Anh Tuấn
Thứ sáu ngày 28 tháng 5 năm 2010 6:29 AM
 K640_IMG_0650.JPG
LẦN THEO VÀI TRANG SÁCH ĐẶC BIỆT
 
Tôi đã nhiều lần- lúc một mình, lúc với bạn, lúc với con- vào thăm Đền Ngọc Sơn...Nhưng quả thực chưa lần nào tôi tự đặt ra hoặc phải day dứt với những câu hỏi, đại loại: Đền Ngọc Sơn với các kiến trúc như Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Lầu Được Trăng, Đình Trấn Ba có liên quan gì với nhau, vì sao chúng được tạo ra ở trên đời; rồi nhiều biểu tượng trong quần thể kiến trúc này mang ý nghĩa gì, việc giải nghĩa chúng cùng những câu chữ nơi đây đúng hay sai?...Cho đến khi, tôi tình cờ được gặp nhà bảo tàng học Phạm Đức Huân- do quan hệ công việc...
Một sáng đầu thu, tôi cùng ông Huân tới quần thể kiến trúc đặc biệt này. Dáng ông đi chậm chạp vụng về như gấu. Trí nhớ của ông cũng đã giảm nhiều. Nhưng niềm háo hức say mê khám phá vẫn sáng rực trên khuôn mặt hồn hậu của nhà nghiên cứu lịch sử. Ngón tay thô ráp của ông sờ bên từng chữ câu đối, văn bia, đôi mắt ông nheo lại vẻ kính cẩn trước sự bí ẩn thiêng liêng, sự nhắn gửi của tâm hồn người đã tạo ra chúng nằm đằng sau những Hán tự, những hình hài được chạm khắc hay đắp nổi...Cùng với nhiều nhà nghiên cứu đã dày công khảo cứu từng câu từng chữ, từng biểu tượng trong quần thể di tích nhằm làm sáng tỏ những giá trị văn hoá- lịch sử do cụ Phương Đình sáng tạo, một công trình từng được người đương thời ca ngợi: Nhất đại Phương Đình bút/ Thiên thu Kiếm thủy biên (Bút Phương Đình một thuở/ Ngàn năm bên Kiếm Hồ), ông Phạm Đức Huân cũng dành nhiều năm tháng để phát hiện ra được cấu trúc “Cuốn sách mở giữa trời” (gồm 32 trang sách mở) của cụ Siêu- với cấu trúc và lối đề chữ theo một thứ tự đặc biệt lý thú.
Nhưng trước tiên, chúng ta hãy nhìn một cách tổng thể toàn bộ khu Di tích.K640_IMG_0730.JPG
Đứng trên bờ hồ từ xa có thể nhìn thấy một hòn đảo mang tên Ngọc Sơn- tức Núi Ngọc. Trước kia, đảo này được gọi là đảo Tượng Nhĩ (tai voi). Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, đặt tên đảo là Ngọc Tượng; đến đời Trần, đảo được đổi là Ngọc Sơn. Từ đời Lê, trên đảo đã có võ miếu thờ Quan Công. Theo các nhà nghiên cứu, một lão nho hiệu Tín Trai cho sửa đền thành chùa, xây một gác chuông. Rồi tới năm 1841, Hội Hướng thiện sửa chùa, xây thêm nơi thờ Văn Xương thần, và chùa trở thành Đền Ngọc Sơn...Điều này lý giải vì sao đền Ngọc Sơn từng được gọi là chùa ( Rủ nhau thăm cảnh Kiếm Hồ/ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn - ca dao)
Và chúng ta hãy thử quay về với hồ Hoàn Kiếm vào đầu những năm 70 của thế kỷ 19- khi thực dân Pháp đã đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đất Nước đang trong tình thế nguy cấp, triều chính phong kiến rối ren…Đó cũng là lúc, cụ Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động cải tác công trình liên hoàn Đền Ngọc Sơn - Cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên- như đã nói, vốn ban đầu chỉ là một võ miếu, được đổi thành chùa, rồi thành đền nằm gọn trên hòn đảo Ngọc Sơn- để chúng trở thành một biểu tượng văn hoá của kẻ sĩ Bắc Hà... Sau bốn năm ròng cải tác, và qua vài lần tu bổ nữa, quần thể này đã có được quy mô, diện mạo như ngày hôm nay.
Qua nội dung các bài văn bia còn trong khu di tích, chúng ta được biết: cụ Siêu và quan án sát Hà Nội Đặng Huy Tá đã cho xây lại cây cầu cũ- đặt tên là Thê Húc Kiều, xây thêm Tháp Bút, Đài Nghiên, Lầu Được Trăng, Đình Trấn Ba, đề chữ soạn bia, và đặc biệt cho đặt thêm hai Ban thờ mới- biến Đền Ngọc Sơn vốn chỉ thờ các vị thánh Á Đông thành nơi thờ cả các Tôn thần sông núi Việt Nam và Đức thánh Trần. Khi đó, toàn bộ quần thể kiến trúc này đã in đậm dấu ấn dân tộc, và có một dáng vẻ khác biệt, chứa đựng một nội dung sâu xa- mà ở đó, các bộ phận kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, có hồn văn chương hoà quyện với huyền thoại và lịch sử, chứa đựng một kho tàng văn học giàu giá trị triết lý và mỹ cảm.
Theo gợi ý của  nhà nghiên cứu Phạm Đức Huân, chúng ta hãy thử đọc vài trang quan trọng trong “Cuốn sách mở giữa trời” gồm 32 trang đó của cụ Phương Đình…
Bước vào quần thể kiến trúc, ở Nghi môn, chúng ta được đón chào bởi hai chữ Phúc - Lộc, tương tự như ở các đình chùa, nhưng ở đây Phúc Lộc còn có một ý nghĩa riêng. Những câu đối đề hai trụ lớn và hai trụ bên của cổng đền, cùng hai dòng đại tự của cụ Siêu có ý nhắn rằng: những ai có tầm nhìn rộng, hướng tới đỉnh cao- lâm thủy đăng sơn; những ai biết tìm về cội nguồn học tập người xưa- tầm nguyên phỏng cổ; những ai lòng dạ sáng trong như ngọc- Ngọc ư tư; những ai có công với đời cao như núi cho người đời ngưỡng vọng- Sơn, ngưỡng chỉ; những ai biết gây dựng cho đời- lập nhân; những ai cứu đời -độ thế, thì tất nhiên sẽ có Phúc - Lộc!
Hai vế đối ở hai mặt trụ quay vào cổng chính giới thiệu những  nội dung mới của  công trình kiến trúc sau khi cải tác.
Rồi chúng ta tới ngay chân Tháp Bút. Ba chữ Tả Thanh Thiên trên tháp có nhiều ý kiến khác nhau giải thích, tranh luận từ nhiều năm nay, như: viết thơ lên trời xanh, viết lên trời xanh, đánh nhà Mãn Thanh, giãi bày tấm lòng với trời xanh, đặt câu hỏi với trời xanh, v.v. Gần đây nhất, ông Phạm Đức Huân giải nghĩa là: viết giữa thanh thiên bạch nhật, nói ra sự thật giữa ban ngày…Ẩn ý thực của cụ Siêu thế nào, chúng ta còn chờ đợi sự giải mã của nhiều nhà nghiên cứu nữa!
Miếu Sơn thần thờ núi Độc Tôn- biểu trưng cho võ công mà trên đó, Tháp Bút được dựng lên.
Bài chí viết trên mặt tháp nêu rõ ý tưởng của những người thiết kế là: cần coi trọng cả văn lẫn võ: Núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là biểu tượng của văn vật- hiểu rộng ra, có nghĩa là văn hoá của một quốc gia.
Bảng Rồng- Bảng Hổ được cụ Siêu dựng lên cùng các câu đối, đại tự có ý nhắc nhở: kẻ làm quan không nên cậy quyền thế, và phải học tập, phải qua thi cử nghiêm ngặt để có thể làm trụ cột quốc gia; không thể lợi dụng câu chữ để che lấp mọi gian dối tội lỗi- hơn thế phải theo đạo văn chương vì Đất Nước, có vậy mới là người lương thiện và xứng được ghi danh ở Bảng Rồng Bảng Hổ....
Mặt trước Đài Nghiên có vế câu đối quan trọng: Kình thiên bút thế thạch phong cao- (tức thế bút chống trời cao như ngọn núi đá)- tương ứng với tinh thần Tháp Bút xây phía ngoài, đó là cái khí phách độc lập, tự chủ của người trí thức Bắc Hà!
Nhưng đặc sắc nhất của phần Nghiễn Đài là ở trên đỉnh Đài Nghiên - ở đó có một nghiên đá (vốn dùng để pha mực tàu viết chữ Nho) hình nửa quả đào đặt trên ba con cóc được khắc nguyên tảng, liền khối với bệ gạch. Ba con cóc cùng há miệng như đang cùng kể, cùng nói điều gì hân hoan sau những ngày ngậm miệng…
Bài minh khắc chữ Hán trên mặt nghiên đá cho ta thấy hình ảnh một loại người không góc cạnh, không tròn trịa, không ở cao cũng không ở thấp, nhìn đời rộng rãi, hướng tới tầm cao, ứng với bậc “bề trên” mà nhả lời rành rọt nhẹ nhàng… Ông Phạm Đức Huân dịch nghĩa theo thể minh khắc như sau: “Xưa kia/ Khoét đất làm nghiên/ Chú kinh Đạo Đức/ Đẽo đá làm nghiên/ Viết sách Xuân Thu/ Hòn đá cái nghiên/ Không hẳn hình gì /Không vuông không tròn /Khéo chứa đượcviệc/ Không cao không dưới/ Ở vào chính giữa/ Cúi nhìn Hoàn Kiếm/ Ngửa trông ngọn bút/ Ứng với “bậc trên” nhả lời rõ ràng/Ngậm nguyên khí cọ với hư không - Gã Phương Đình đề bài minh/ Thọ Tháp viết chữ”. Đặt nghiên đá trên đỉnh Đài Nghiên, cụ Siêu đã dẫn dắt người vãn cảnh rời khỏi mặt đất đi lên, đứng ở sàn đài thông thoáng mà nói với mọi người rằng, phải nể trọng và bảo vệ loại người không vuông không tròn này để họ làm được nhiều việc có ích cho đất nước. Như vậy là, cách đây gần 150 năm, cụ Siêu đã tha thiết kêu gọi: cần biết sử dụng trí tuệ tài năng của kẻ sĩ (đứng đầu trong sĩ - nông - công - thương)!
Song, số phận của Đài Nghiên thực chẳng dễ chịu gì: bài minh sau một thời gian hình thành đã bị đục bỏ mấy chữ “Thượng thai nhi thổ” - nghĩa là: ứng với “bậc bề trên”... Những kẻ thóc mách nịnh bợ cho rằng: những chữ đó phơi ra giữa trời là xấc xược với bề trên, nên tìm cách đục bỏ đi… Điều này càng cho thấy rõ: cụ Siêu đã phải sống qua những ngày cam go, sóng gió trước và sau khi treo ấn từ quan ở Huế về quê dạy học, không thể nói thẳng ý mình - giống như ở rất nhiều chữ trong toàn thể cụm di tích khiến người ngày nay đang phải suy luận, tranh cãi… Cũng may, bài minh còn được ghi lại cả trên cuốn thư ở cổng Nghiễn Đài nên nhà nghiên cứu mới biết rõ chữ gì đã bị đục bỏ!
Có người kể lại câu chuyện: một viên án sát Hà Nội đã cho đục mấy chữ trên để lấy lòng triều đình trung ương lúc bấy giờ đương ở Huế. Nhà ông ta ở huyện Thọ Xương - Hà Nội      ( phố Hàng Khay ngày nay), vốn là gia đình thi thư. Khi biết chuyện đục chữ, những người gia đình viên án sát đã họp lại, phê phán ông ta đã không nối tiếp được gia phong, không tôn trọng văn chữ của một bậc thầy được người đời và vua tôn xưng là “Thần”. Viên án sát nhận lỗi, hối hận. Mấy ngày sau, dân Hà Thành nghe tin viên quan ấy nhảy xuống giếng nhà tự tử vì hổ thẹn…
Đi qua cổng Nghiễn Đài, hai chữ Ác - Thiện ở hai bên nhắc: cái ác ở ngay trước mặt mọi người, nhưng bên cái Ác bao giờ cũng là cái Thiện !
Cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn. Bốn mặt Thành cầu đều khắc chữ Thê Húc Kiều- có nghĩa ánh sáng ban mai đậu vào thành cầu. Có người còn giải nghĩa: cầu dựa vào ánh sáng ban mai... Ban mai biểu trưng cho sức sống mới. Cầu đưa tới lầu có ba chữ Đắc Nguyệt Lâu- Lầu Được Trăng cùng các câu đối trước lầu này ca ngợi cảnh đẹp Ngọc Sơn, và nhắc rằng: gặp khó khăn, nếu biết nhìn xa, biết dựa vào sức trẻ thì mọi khốn khó rồi sẽ thông, có thể làm được những gì mình mong muốn- như được trăng vậy, và sẽ đi tới nơi thanh bình.
Hai câu đối chữ Hán rung động lòng người ở mặt trước Lầu Được Trăng đã miêu tả Cầu Thê Húc: Lối dẫn cầu vồng đậu bờ đảo/ bóng lầu ôm trăng giữa hồ sâu…
Ánh trăng và ánh nắng ban mai ấy chính là tấm lòng trong sạch cao khiết của cụ Siêu và sĩ phu Bắc Hà trước bao nhiễu nhương biến động của thời cuộc.
Đình Trấn Ba được dựng mới trong Đền Ngọc Sơn nhắc nhở phải trấn chặn làn sóng văn hoá không lành mạnh tràn vào Thăng Long (điều này được ghi rõ ở trên bia đặt giữa đình, nay chỉ còn thác bản ở bảo tàng). Văn bia do cụ Phương Đình soạn còn có đoạn gợị ý người vãn cảnh Ngọc Sơn như sau: Nhìn ngắm quy mô hình thế Tháp bút, đài nghiên, đình Trấn ba, xem văn chữ tất nảy sinh ý tưởng, sẽ thấy thật khác những gì người đời đã làm...
Mặt sau đình Trấn Ba, hai câu đối có nội dung: Đất nước đang có giặc, đền đài, sông núi đều nhắc bảo phải phải đánh giặc giữ nước.
Mặt trước Đình Trấn Ba cho biết: đất nước có truyền thống võ rạng, văn vững như núi.
Hai vế đối ở hai trụ nhà Tiền Bái cho ta hay: những người hiểu biết đều chủ trương Cố đô Thăng Long phải là Kinh đô Đất Nước…(Cần nói rõ thêm: lúc cụ Siêu cho cải tác khu Đền, Kinh đô nước ta đang ở Huế.)
Trong Đền Ngọc Sơn, sau khi vái hai Ban thờ Tôn thần Sông Núi và Đức thánh Trần ở hậu cung, quay ra chúng ta gặp: Trung - Nghĩa, mà với những gì cụ Siêu đã gửi gắm qua bao dòng chữ, hai đại tự Trung Nghĩa nơi đây mang một dung sâu rộng hơn nhiều so với lý thuyết Nho giáo được truyền giảng trong nhiều thế kỷ…
Trên đường quay ra, ta gặp Đình Kính Chữ nhắc nhở: Thăng Long là nơi trọng chữ nghĩa.
Và được đọc hai câu đối mặt sau Lầu Được Trăng ca ngợi cảnh trí Ngọc Sơn thanh bình, người lành dữ đều có thể lui tới...
Trên Cầu Thê Húc, ta nhìn thấy mặt sau Đài Nghiên với đại tự Ngọc Sơn Từ, có nghĩa Đền thờ Ngọc và Núi, đền thờ sự Trong sáng và Cao đẹp. Các đại tự và câu đối ở đây gửi gắm: hình ảnh Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba lay động người xuất chúng, lay động cả người ở ẩn. Bàn việc ở đời nên giữ lòng trung hậu, và viết văn thì đừng nói lời khinh bạc....Là núi phải cao; Là nước phải trong... Khi quay ra, ở bên tay phải, ta gặp ngay chữ Thiện, rồi sau đó là chữ Lộc. Một sự bố trí thật khéo léo và tinh tế!
Hàng trăm câu chữ trong cụm Di tích đã hé mở cho ta thấy tâm tư nguyện vọng của cụ Siêu: Người trí thức chân chính giác ngộ cái sứ mệnh dùng văn hoá và tâm hồn cao khiết của mình để làm trụ cột cho tinh thần dân tộc! Khát vọng và nguyện đó thực đáng quý trọng biết bao!
TÌM VỀ NGUỒN CỘI
Nguyên cớ nào đã thúc đẩy cụ Nguyễn Văn Siêu cải tác khu Đền Ngọc Sơn?
Tìm về làng Lủ, Đại Kim, quận Hoàng Mai, quê hương của “Thần Siêu”, chúng tôi vào thắp hương cho cụ ở từ đường họ Nguyễn (hiện do đạo diễn điện ảnh Tự Huy - cháu bốn đời của cụ cai quản), được đọc gia phả do chính cụ Siêu viết. Và có điều kiện để hiểu thêm: Cụ không chỉ là một tài năng văn chương mà vua Tự Đức phải so sánh “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, không chỉ là một khí phách nhà nho cao khiết vốn là đặc thù của phần đông chí sĩ Bắc Hà... Thất vọng với chính sự, buồn phiền bởi nhân tình thế thái và sự suy đồi của đạo lý, sau khi việc dâng biểu xin triều đình hỗ trợ cho dân ven sông Hồng bảo vệ đê lại thành chuyện “phạm thượng”, cụ Siêu đã từ quan về quê, dựng trường dạy học (ở phố Nguyễn Siêu bây giờ). Cụ ấp ủ khát vọng đào tạo nên một thế hệ mới, truyền cho họ mơ ước, cái chí hướng mà cụ chưa thực hiện được trong đời. Việc xây Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba cũng là để bộc lộ cái chí hướng này…
Tại khu lăng mộ cụ, trên tấm bia do tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp- học trò và cháu của cụ soạn, có đoạn viết : Đến khi tuổi cao, danh vọng càng dày; tiên sinh dạy lớp hậu học, tuy sắc mặt hiền hậu, lời nói dịu dàng, nhưng người được tiếp vẫn thấy mình như được lên cửa rồng... Học trò của tiên sinh nhiều người có thành tựu…
Ông Tự Huy đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ của cụ Siêu do ông đặt lời từ bản dịch nghĩa chữ Hán. Bài thơ cho thấy cả chiều sâu tâm hồn thăm thẳm của một nhà văn hóa lớn và giúp ta thêm thấm thía những tâm sự của cụ gửi gắm ở Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba, Cầu Thê Húc, Lầu Được Trăng, Đình Kính Chữ: Việc đời nát ruột bầm gan/ Chí chưa nỡ bỏ mấy trang sách nhàu/ Trời xanh đội đến bạc đầu/ Chân lùa cát bụi chẳng màu bùn nhơ/ Gọi quan, gọi lão cũng ờ/ Đường dài, còn tấm thân giờ ta đi…
Thế là đã rõ: với tâm huyết đau đáu cho vận mệnh Thăng Long, vận mệnh Đất Nước, trong hoàn cảnh xô bồ rối ren, cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu vẫn đứng ra vận động cải tác cụm kiến trúc văn hoá độc đáo và mẫu mực này, nhằm nêu cao truyền thống văn võ, tôn vinh những người có công với Đất Nước, tôn vinh tầng lớp trí thức có nhân cách cao thượng, nhắc nhở mọi người quan tâm đến những vấn đề cấp thiết của cố đô Thăng Long, gánh vác công việc chung vì Dân, vì Nước…Ngôn từ của cụ Siêu tại khu Di tích trang nhã, uẩn súc, thâm thuý, nhưng lại chan chứa hồn thơ. Mặc dù sống trong thời buổi cam go ngặt nghèo, gặp oan trái, cụ vẫn giữ trọn niềm tin yêu và sự ân cần…Cuốn sách mở giữa trời của cụ ẩn hiện một nỗi đau, hơn thế- một lòng tin…Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba, Ban thờ Tôn thần Sông Núi cùng hàng trăm câu đối, dòng văn đã cho chúng ta những bằng chứng hùng hồn về ngôn ngữ cùng lối ứng xử tinh tế của người Thăng Long, về văn hoá Thăng Long được kết tinh và toả sáng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào…Nhiều thế hệ khách hành hương đã và sẽ tới ngưỡng vọng ngọn Tháp Bút sừng sững bên hồ Hoàn Kiếm cùng những biểu tượng kỳ lạ trong quần thể kiến trúc này- một công trình văn hoá đặc sắc vào loại bậc nhất của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, một công trình kiến trúc không nguy nga vĩ đại nhưng hài hoà tuyệt diệu với cảnh vật, để có dịp lắng sâu vào trí tuệ, tâm hồn của một nhân cách lớn- thầy giáo Nguyễn Văn Siêu, để bồi bổ cho tâm hồn mình từ một mạch nguồn tinh thần cao khiết…
                                                                
NGƯỜI ĐAU ĐÁU VỚI CUỐN SÁCH MỞ GIỮA TRỜI
Tại nhà riêng của ông Phạm Đức Huân- vốn là cán bộ của Vụ Bảo tồn bảo tàng trong suốt 40 năm- trong một căn hộ tập thể cũ kỹ 15 mét vuông, đập ngay vào mắt tôi là hai bức ảnh phóng lớn Tháp Bút và Nghi Môn ( cổng chào), xung quanh chúng  treo đầy các thác bản của văn bia, bài minh, câu đối trong quần thể kiến trúc. Ông Huân hồ hởi bày ra nền nhà mô hình trọn vẹn của cái công trình liên hoàn mà ông đã dành gần hết cả cuộc đời cho nó- đó là những thành phần kiến trúc được làm bằng bìa cứng tô vẽ tỉ mỉ, với một tỷ lệ chính xác, đặt trên tờ giấy croqui trắng tô màu hồ Hoàn Kiếm. Ông đặt lần lượt theo thứ tự: Nghi Môn, Tháp Bút, Bảng Rồng-Bảng Hổ, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc, Lầu Được Trăng, Nhà Trai, Nhà Khách, Đình Trấn Ba, Nhà Tiền Bái, Tường Hoa, Đình Kính Chữ, v.v. Cả đời cần cù lao động thanh bạch của một nhà bảo tàng học, ông Huân chỉ cho ra đời một cuốn sách duy nhất: Tháp Bút- Đài Nghiên- Đình Trấn Ba- Lời nhắn của người xưa... Lật xem qua những chồng hồ sơ ngồn ngộn để làm nên bản thảo cuốn sách, tôi càng  nghiệm thấy kỳ công lao động của ông cùng tình yêu, lòng ngưỡng vọng của ông đối với công trình cải tác của cụ Nguyễn Văn Siêu gần 150 năm về trước.
Trong cuốn sách của mình, ông Huân khảng khái chỉ ra sai sót của không ít nhà nghiên cứu trong việc giải nghĩa nhiều câu chữ và biểu tượng trong quần thể kiến trúc này- có những sai sót đựơc lặp lại từ công trình này sang công trình khác, lây lan từ người nọ sang người kia- trong đó có những người là giáo sư, tiến sĩ, nhà Hà Nội học...( Ví dụ tiêu biểu nhất là việc dịch nghĩa bài minh trên Nghiễn Đài; ông Huân đã đem 4 bản dịch chưa chuẩn ra khảo sát, đặc biệt vạch ra 9 lỗi sai của ông NVP mà nhiều lần in sách đều lặp lại chúng khiến sự thâm trầm uẩn súc của cụ Siêu trở thành rối rắm, tù mù, thậm chí là vô nghĩa!) Ông bực bội khi thấy tấm biển dịch nghĩa ở Ban thờ Tôn thần Sông Núi bản địa lại thành Sơn thần thổ địa mà ông từng đề xuất sửa sai nhiều lần nhưng vẫn y nguyên! Ông cho in lại bức ảnh chụp ở một cuốn sách ảnh công phu về Hà Nội (một người đàn bà đứng khấn vái trước Miếu Sơn thần với lời chú thích: Lễ ở Tháp Bút cầu cho con cháu học hành tấn tới) và phê phán như sau: khấn vái cầu xin thần cho con cháu học hành tiến bộ đâu có phải là nét văn hóa của người Hà Nội! Hơn nữa, Miếu Sơn Thần bên chân Tháp Bút không phải là nơi thờ tự, cụ Siêu dựng Miếu Sơn thần với một dụng ý hoàn toàn khác! Còn rất nhiều khiếm khuyết, sai sót được ông Huân liệt kê ra, chân tình và thẳng thắn đề nghị các tác giả của chúng xem xét lại, cùng tranh luận với ông, bởi vì theo ông những khiếm khuyết đó đã làm nhòe giá trị văn hóa của người xưa để lại. Ông Huân đề xuất 15 kiến nghị cụ thể đối với những người có trách nhiệm- trong đó có việc giải tỏa các bức tường ngăn cách để tạo một không gian thông thoáng cho du khách có thể ngắm nghía suy ngẫm nhận biết khu Di tích một cách thận lợi; phiên âm và giải nghĩa chính xác tất cả những câu chữ Hán tại đây; bứt nhổ tục thờ Văn Xương đế quân ( thần ban công danh phúc lộc) mà chính cụ Siêu đã nêu ra, đã khắc vào bia đá đặt ngay trước đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương đế quân! v.v. Dĩ nhiên, không phải ý kiến nào của ông cũng đều chuẩn xác cả, và ngầm ý của cụ Siêu thế nào, còn phải qua rất nhiều tìm hiểu tranh luận nữa  ( ví dụ ý kiến của ông Huân giải nghĩa Tả thanh thiên là: Viết giữa thanh thiên bạch nhật- chứ không phải viết lên trời xanh, v.v) Nhưng lao động và tâm huyết của ông Huân nhằm trả lại sáng tạo đích thực cho cụ Siêu, nhằm làm sáng tỏ những hàm ý sâu xa mà cụ Siêu nhắn bảo cho đời sau....thật đáng quý, đáng trân trọng. Sách do ông chủ yếu bỏ tiền ra in, nhưng vì không biết cách tiêu thụ, giới thiệu, lại đụng chạm đến khá nhiều người, nên một công trình nghiên cứu nghiêm túc hơn 300 trang in với hàng trăm ảnh chụp, thác bản, sơ đồ... đang nằm im lìm trong nhà ông tới 6-700 cuốn suốt 4 năm nay!
Và không hiểu những giá trị đích thực của quần thể kiến trúc Tháp Bút- Đền Ngọc Sơn cùng biết bao ẩn ý thâm trầm của cụ Phương Đình gửi gắm trong đó còn phải chịu đựng thêm nỗi đau của sự hiểu lầm, xuyên tạc, lãng quên...trong bao lâu nữa? Nhưng ít ra, trong lúc này, tôi nghĩ chúng ta cần phải kính phục một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm: ông Phạm Đức Huân...
         Nguyễn Anh Tuấn
        (Đạo diễn điện ảnh)

 Ảnh: 1. Công trình duy nhất của ông Phạm Đức Huân 

         3. Ông Huân đang chỉ  những chữ bị đục ở Đài Nghiên trên thác bản