Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THEO DÒNG SÔNG CẦU ĐANG CHẢY

Vũ Nho
Thứ năm ngày 20 tháng 5 năm 2010 3:19 PM

Về tập thơ Sông Cầu đang chảy đâu đây của Lưu Thị Bạch Liễu, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2009

          Dòng sông Cầu là dòng sông của dân ca quan họ, dòng sông chảy chậm từ bao đời trong câu hát “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”. Kể cũng lạ là không  mấy ai thấy cái sự chảy “lơ thơ” là sự lạ. Trong khi tiếng Việt ta “ lơ thơ” được giải thích là “ít và rất thưa”, chỉ sự vật chứ không phải chỉ tốc độ  dòng chảy ( Chẳng hạn : Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu – Tràng Giang, Huy Cận). Sông Cầu chảy ít, sông Cầu chảy chậm, sông Cầu chảy lơ thơ, sông Cầu mơ hồ trong thơ Lưu Thị Bạch Liễu : Sông Cầu đang chảy đâu đây…
          Nếu trong tập Cõi tôi, Lưu Thị Bạch Liễu chủ yếu hướng nội, bộc bạch những cảm xúc nhiều cung bậc của một người thơ đang độ chín, sôi nổi mãnh liệt “ mùa hạ tôi nhan sắc tuổi ba mươi/ rừng rực cháy đến từng chân tóc” ( Về một bài thơ tôi đã lãng quên), thì trong tập này, tính hướng ngoại trở nên rõ rệt hơn nhiều, nhưng vẫn là cái mạch tiếp tục của Cõi tôi. Đó là sự  gắn bó, hòa hợp, chan hòa, giao tình với thiên nhiên, với con người một vùng sông Cầu xinh đẹp. Tất cả diễn ra trong mơ hồ  Phải rầm rì sông Cầu đang chảy, trong  hồ nghi thấp thoáng Phải trầm hùng sông Cầu đang chảy. Phải gắn bó máu thịt và yêu thương dạt dào con sông ấy mới có những câu thơ nói hộ lòng người Thái Nguyên tha thiết và đẹp nhường này:
          Ven sông Cầu cất nhà ta ở
          Trong bão bùng nghe sóng nước ngân vang
          Bờ phù sa óng nâu bờ mật
          Bông lúa vàng Kim Quí Kim Cang
                             Sông Cầu đang chảy đâu đây
Con sông ấy từng làm cho tác giả hóa thành Mị Nương trong một đêm trăng nào:
          Mị Nương em bỏng khát
          Chao nghiêng chén bạch đàn
          Chỉ vục được xác nước
          Hồn sông đã vụt tan
                   Sông Cầu
Nhưng không chỉ có thế. Sông là nơi để có thể  đi xem, đi chơi, để  có thể giải tỏa những bất thành trong công việc. Thật là may mắn cho những ai có một dòng sông như thế trong đời:
           Một ngày làm gì cũng không nổi
           Thì ra bờ sông xem cát reo
           …
          Một ngày làm gì cũng không xong
          Thì ra bờ sông xem ngô trổ
          Phấn theo gió cuốn mãi phương nào
          Phất phơ run vài cành hoa cũ
                             Một chiều
Và sông còn là nơi để
ngắm cà phê
Cùng nhấp dòng sông Cầu đang chảy
rồi lắng nghe
Thái Nguyên trăng rơi
Đẫm từng câu hát
          Trôi cùng đêm
Chắc vì thế mà sông Cầu được tác giả trang trọng đưa lên thành tên của tập  thơ “ Sông Cầu đang chảy đâu đây”.
          Bạn  sẽ đồng cảm và thú vị cùng tác giả lạc vào một “chiều chim én” giàu chất nhạc, chất hội họa và chất thơ ( bên dòng sông không tên, nhưng có thể vẫn là sông Cầu  đã nhắc):
          Vỡ tung
          Tiếng ríu ran khắp cánh đồng
          Lúa đang làm đòng
          Ngái ngủ bên dòng sông
          Rặng núi mệt lả
chỉ chực đổ nhào lên bóng
          Bóng núi duỗi dài trên lúa xanh
          Từ từ từ trời
          Mưa buông tấm voan
                             Chiều chim én
          Hoặc ngỡ ngàng  trước những Mưa tháng giêng, Ban mai mùa hạ, Bài hát xuống chợ, trước một sáng tháng ba:
          Sứ giả của tháng Ba
Về đồng làng mở hội
Khiến chủ nhân của tháng Ba
Từng nàng hoa gạo
Buông mình
Rụng vội
          Tháng Ba
Bạn sẽ ngạc nhiên với tâm trạng của người vùng cao khi xuống chợ, vừa mang bò đi bán, lại vừa không muốn người ta mua. Biết bao là mến thương, âu yếm trong  lời tâm tình với đôi bò:
Đừng sợ nhé bò vàng
Đừng lo nhé bò khoang
Sớm nay ta xuống núi
Mong đừng ai thấy mày giỏi
Mong đừng ai thấy mày ngoan
Chợ tan ta lại cùng ngược dốc
Về dưới trăng
                   Bài hát xuống chợ
Bạn sẽ gặp một làng quê thật yên ả thanh bình với bầy trẻ em ngộ nghĩnh:
          Mái cọ già ngủ dưới tán cọ già
          Cầu thang cót két trở mình dưới chân bầy trẻ
          Cầu thang chín bậc
          […]
          Bầy cháu ngày ngày kiễng chân đo cột
          Tập vỗ cánh bay
                             Lam Vỹ
Sẽ có dịp chiêm ngưỡng một nét đẹp  thấp thoáng trên hồ thủy điện Na Hang:
Nhìn lung linh bóng đỏ
Áo người chèo thuyền thắm những ngù hoa
                   Thèm trở lại Na Hang
Hay có cảm xúc mạnh khi đến “ thượng nguồn sông Miện/ Nơi chỉ có chớp và trời” để … “thấy thế nào là sông chảy […]  biết thế nào là mây bay” ( Gửi Hà Giang).
Cảm giác tự hào, thân thiện, bình an và thích thú là cảm giác  luôn bắt gặp khi theo bước chân người làm thơ rong ruổi trên những nẻo đường quê núi.
Người đọc vẫn có thể  thấy một Bạch Liễu hay suy tư, hay nói về mình, về “cõi tôi”,  khao khát, kiêu hãnh, tầng tầng tâm trạng… như ở  tập thơ Cõi tôi. Nhưng ở đây  tâm trạng ấy giảm hẳn, và nếu có xuất hiện thì kín đáo hơn. Chẳng hạn như trong  Đợi : “ Tôi hóa bức tường câm lặng/ Mặc thời gian bệch bạc rêu phong”, trong Một mình : “ Con tim em đêm đêm vẫn hóa kẻ hành khất nghèo/ Lần đến từng cuộc đời gõ cửa”, trong Về làng : “ Tranh đống rơm với bầy gà con líu ríu theo chân gà mẹ/ Gà con nhìn tôi bằng đôi mắt đen/ Tôi nhìn gà bằng ánh nhìn nhuốm bạc […] Rúc vào đống rơm, thấy mình mọc đôi cánh ong”.
Có thể ghi nhận một cố gắng của Bạch Liễu khi thử nghiệm viết về chuyện cũ Tiếng chim khảm khắc, Xoan đào theo cách nhìn và cảm nhận mới. Nhưng  hình như chùm thơ về  “ngày xưa” ấy, chỉ có mấy câu  này là ấn tượng hơn cả :
Trầu xanh têm vôi trắng
Để lòng trầu bớt đau
Miếng trầu không nên nghĩa
Cắt vào lòng như dao
                   Gọi ngày xưa II
Tác giả cũng đã vượt ra ngoài vùng lưu vực sông Cầu, vượt ra khỏi miền rừng núi quen thân để  ghi lại những cảm xúc khác lạ. Đáng chú ý nhất  trong những bài thơ ấy là bài thơ  Đoản khúc Đà Lạt, một bài thơ mới, lạ, hay về xứ hoa đào:
Dịu dàng sương Đà Lạt
Thả ta bồng bềnh giữa phố đông
Trôi qua hoa. Trôi qua thông
Trôi qua hồ Xuân Hương một trời mây trắng
[…]
Ánh trăng đêm, sớm mai hóa tia nắng
Hôn dịu dàng từng nụ hoa.
Tuy vậy phải nói rằng từ “Cám ơn” ở khổ thơ sau nghe rất khách sáo, tôi chỉ ước ao giá mà tác giả bỏ đi…
          Sông Cầu dang chảy đâu đây là một tập thơ mới, thành công, khẳng định sức bút của Lưu Thị Bạch Liễu. Đây có thể coi như một khúc ca mới
          Lá cành reo tiếng nhạc
          Tri ân cuộc đời này *                       
của nhà thơ có tên khai sinh và bút danh là một loài cây.
                                                         
                                                                  Hà Nội, tháng 8/2009
 
--------------------
*)  Câu thơ kết bài Chân dung.