Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ĐẠI QUÁ GẶP THỜI ĐẠI QUÁ

Xuân Cang
Thứ tư ngày 1 tháng 7 năm 2009 8:40 AM
 
Phan Bội Châu giảng rằng: Chữ đại quá đối lập với chữ bất cập (chưa tới). Đại quá là công việc quá chừng lớn, cũng tức là phi thường. Tất có người phi thường mới làm việc phi thường. Mà những việc phi thường tất phải chờ đến người phi thường. Lại nói thêm: Nhưng tất cũng phải đúng thời tiết, nếu có tài đại quá, mà chưa gặp thời đại quá, tất nhiên cũng không làm xong. Chỉ có gặp thời đại quá, thì người có tài đại quá mới làm nên những việc đại quá. Tô Hoài chính là một người như vậy. Sinh vào đúng thời khắc ấy, là giời đất đã cho ông làm một người đại quá. Mệnh ông có hóa công, nghĩa là có ưu tiên năng lượng của trời đất.
Toán tứ trụ cho biết ông có tài văn chương. Người đại quá may mắn lại sinh ra và lớn lên đúng vào thời đại quá, chính là thời của Cách mạng Tháng Tám (năm ấy ông 25 tuổi), nên ông đã làm được những việc đại quá, ít nhất trong địa hạt văn chương. Ông đã sáng tạo một khối tác phẩm văn chương khổng lồ hơn một trăm năm mươi đầu sách, đúng là một việc đại quá, phi thường.
Tính cách đại quá sáng tỏ ngay trong tác phẩm đầu tay Dế mèn phiêu lưu ky. Khí chất thiên nhiên (đầm hồ, gió, cây) thấm nhuần vào cảm xúc văn chương Tô Hoài là chính cái đầm nước mà ông tả trong Dế mèn phiêu lưu ký cùng những dân cư của nó sống trên bờ và dưới nước, những dế choắt, dế trũi, cò, sếu, vạc, cốc, le le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng két, những nhà trò, bọ muỗm, bọ ngựa, cào cào, châu chấu voi, ếch cốm, nhái bén, chẫu chàng, rắn mòng, rắn nước, diếc, ngão, săn sắt... Cả một vùng đầm nước bốn mùa với những sắc thái riêng, hiện lên hơn trăm trang sách, đọc một lần là thích thú, là nhớ.
Không phải ngẫu nhiên mà các bậc cha mẹ đăt tên ông là Sen, Nguyễn Văn Sen, một loài cây mọc trong đầm. Ắt phải có gì xui khiến. Cả cái sắc thái quẻ đại quá cũng hiển hiện trong nhân vật Dế mèn. Lời tượng quẻ Đại Quá có câu: Người quân tử thời đại quá một mình đứng riêng độc lập với thiên hạ cũng không sợ gì, dù có phải trốn đời cũng không phiền muộn (độc lập bất cụ, độn thế vô muộn - Khổng Tử).
Phan Bội Châu giảng: Vẫn chung một hạng quân tử mà thủ đoạn có khác nhau. Việc gì đáng làm, dầu cả thiên hạ không ai làm, mà mình cứ làm, xông vào nguy hiểm mà chẳng kinh, mắc lấy dèm chê mà chẳng quản, đó là cách độc lập mà bất cụ. Việc gì không đáng làm, dầu toàn thiên hạ thảy làm, mà mình không chịu làm, mình đã trái mắt thế gian, âu là bỏ tục, trốn đời mà tinh thần được tự do tự tại. Đó là cách độn thế mà vô muộn (cụ là sợ, muộn là phiền não).
Ta hãy xem nhân vật Dế mèn. Ngay câu đầu tiên của truyện đã có hai chữ độc lập: Tôi sống độc lập từ thuở bé. Anh chàng Dế mèn đã từng độc lập bất cụ, ấy là cái cảnh từ biệt của ông anh nhát sợ mà quyết chí đi phiêu lưu; giữa xóm ếch, nhái, ễnh ương om sòm đe doạ, bắt nạt, cũng như giữa vòng vây kiến điệp trùng mà không biết sợ, vẫn giữ được cái vị thế anh hào của mình. Anh ta cũng đã từng ở bên lão Xiến tóc ẩn sĩ, trốn đời, rồi ngay sau đó một mình trong hang chim Trả, vẫn không chút hổ thẹn, kiên trung, đợi thời tìm lối thoát, đó là độn thế vô muộn. Đúng là nhà văn giời cho mệnh gì thì văn chương thế ấy.
Tính cách đại quá cũng thể hiện một cách rất đầy đủ trong Vợ chồng A Phủ. Mỵ, con dâu trả nợ đời nhà thống lý Pá Tra trông thấy cảnh người trai lực lưỡng A Phủ bị trói đứng suốt mấy ngày ở góc nhà. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen... Mỵ rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh... Hai người đỡ nhau lao xuống dốc núi. Hai người đi ròng rã hơn một tháng. Họ truyền trên những triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng, đất đỏ, suối trắng tinh, trông thấy trước mặt mà đi mấy ngày chưa tới. Và trong nhiều tác phẩm khác nữa.
Tôi làm bài cho Tô Hoài thì thấy tháng Năm ta này ông được quẻ Thủy Hoả Ký tế, chủ mệnh hào 6. Ký tế là hoàn thành. Tháng này ông đã hoàn thành việc lớn, lại như người bơi qua sông, ngoi lên cao nhưng nước  vẫn ngập cả đầu, nguy. Diễn biến nhân quả là phải ẩn tránh mà thân khoan thai. (Đúng vậy, ông gặp bệnh hiểm, phải đi bệnh viện).
Nguồn: Lao Động