Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NSNA ĐỖ KHA - NGƯỜI ĐEM VẺ ĐẸP HẠ LONG ĐẾN VỚI CÔNG CHÚNG

Hoàng Quốc Hải
Thứ bẩy ngày 4 tháng 7 năm 2009 6:14 PM
 
 
Ngày 25 tháng 5 vừa qua tại nhà Triển lãm Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật vịnh Hạ Long của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.
Hai phòng trưng bầy với số lượng tác phẩm gần ngang nhau, một bên thuần ảnh đen trắng, một bên thuần ảnh mầu do tác giả chọn lựa trong kho tư liệu của mình với hàng ngàn phim lưu trữ, để đưa ra trưng bầy khoảng trên dưới 130 bức ảnh nghệ thuật.
Phòng triển lãm gợi cho khách xem một cảm giác chung là sang trọng, lịch sự và đẹp. Nhưng mấy ai biết để có  những bức ảnh nghệ thuật chuyên  biệt về Hạ Long, tác giả đã mang trong mình một tình yêu say đắm đối với quê hương như thế nào, và đó cũng là cái giá anh phải trả bằng cả cuộc đời mình.
Đỗ Kha sinh ra và lớn lên trên đất Bãi Cháy ngay bên bờ vịnh đẹp. Sóng, gió và thiên nhiên Hạ Long đã nuôi vỗ tâm hồn anh từ thuở nằm nôi. Tuy nhiên, anh không có điều kiện thực hiện ước mơ của mình, và số phận đẩy anh vào đời với thử thách nghiệt ngã; dường như đó là thước đo lòng trung thành đối với tình yêu nghệ thuật giành cho các tài năng đích thực.
Sau hiệp nghị đình chiến Genève 1954, quê hương anh nằm trong vùng tập kết 300 ngày. Đối phương ra sức lôi kéo thanh thiếu niên và mọi người di cư vào Nam.
Đỗ Kha cùng vài người bạn trẻ rủ nhau ra vùng Giải phóng. Được tiếp cận với các anh bộ đội, những người làm nên chiến thắng, lại được thổi vào tâm hồn những viễn tượng xán lạn của thời kỳ xây dựng đất nước sau những năm dài nô lệ, khiến đầu óc anh chật ứ ước mơ.
Vùng mỏ vừa sạch bóng thù, Đỗ Kha đến tuổi 17. Anh xung phong vào đội ngũ khôi phục khai thác mỏ , và được đào tạo thành thợ lái máy xúc.
Ngày ấy Hội nhà văn và các hội chuyên ngành khác, chú trọng bồi dưỡng những người viết và vẽ trong hàng ngũ công nhân. Vì vậy lớp viết văn đầu tiên cũng như lớp dạy vẽ đầu tiên tổ chức tại Hồng Quảng, Đỗ Kha đều được chọn mời tham dự.
Tôi nhớ vào năm 1962 hoặc 1963 gì đó, được xem các bức vẽ của Đỗ Kha và Mạnh Trử, thấy hai phong cách khác nhau. Tranh của Đỗ Kha thường dùng gam mầu nhẹ để vẽ núi và biển của Hạ Long. Tác phẩm chưa định hình nhưng toát lên chất lãng mạn, thơ mộng từ cách bố cục và từ các mảng mầu tươi tắn.
Trái lại tranh của Mạnh Trử có bố cục chặt chẽ, và anh dùng gam mầu nặng thể hiện sự chắc khỏe và gợi cho ta một cái gì đó rất cụ thể.
Văn của Mạnh Trử cũng vậy. Anh đã có truyện ngắn đầu tay với tựa đề “Lão Hậu” đăng báo Văn nghệ của Hội nhà văn khá nổi tiếng.
Văn của Đỗ Kha lại khác. Dường như anh đuổi bắt miên man cái đẹp.
Ở yên với nghề lái máy xúc tại mỏ Hà Tu được bảy năm thì Đỗ Kha về làm báo Quảng Ninh. Anh là phóng viên viết, nhưng cố nài nỉ với tòa soạn để được mang thêm chiếc máy ảnh mà phóng viên nhiếp ảnh đã thải ra từ lâu. Đó là chiếc máy Fed-2 của Liên Xô. Và từ đấy mỗi bài viết của anh đều có ảnh minh họa.
Song ít ai biết Đỗ Kha thường mua phim rồi lén đem máy ra bờ vịnh chụp. Vào ngày nghỉ, anh còn lặng lẽ thuê thuyền ra vịnh chụp những cảnh mà anh thích. Hồi đó thuê chiếc thuyền gỗ với một người chèo lái cùng một lá buồm cánh dơi chạy tung tăng trong vịnh từ bảy, tám giờ sáng đến hai, ba giờ chiều chỉ mất sáu đến bảy đồng (khoảng một phần mười tháng lương). Ấy là những lúc trong túi có tiền. Nhiều lần anh lân la làm quen với thuyền câu, thuyền lưới theo họ ra vịnh cả ngày để được xem ngắm vịnh đẹp, đôi khi cũng chớp được vài cảnh hài lòng.
Tuy vậy, tất cả những ảnh anh chụp được ngoài vịnh dù ưng ý hay không ưng ý đều phải giấu biệt. Nếu không, tòa soạn sẽ thu lại máy. Bởi lẽ ngoài ảnh chụp về sản xuất hoặc chiến đấu, tổng biên tập không cho phép sử dụng máy ảnh vào việc khác. Và chụp ảnh nghệ thuật là điều tối kỵ. Có một chuyện thật mà khó tin, ấy là phóng viên Mai Phương (nay là nhà thơ Mai Phương) viết một bài bút ký về Đất mỏ gởi cho báo Thống Nhất, bởi anh là cán bộ miền Nam tập kết. Chẳng may bài báo lại được in. Thế là Tổng biên tập bèn gửi công văn cho tất cả các tòa soạn báo và nhà xuất bản ở Trung ương, yêu cầu không in bài của Mai Phương. Bởi lẽ bài bút ký của Mai Phương thuộc thể tài văn nghệ. Ngày ấy các tòa soạn báo (trừ báo Văn Nghệ) đều cấm các phóng viên của mình viết bất cứ một thể loại văn nghệ nào như bút ký, ký sự, truyện ngắn…
Có một chuyện ở Vùng mỏ chắc nhiều người biết, đó là khi giới thiệu về cảnh đẹp Hạ Long các báo từ Trung ương đến địa phương cứ in đi in lại bức ảnh “Hang Bồ Nâu” của nhà nhiếp ảnh Tiến Giới. Anh thuộc biên chế Sở Văn Hóa từ thời Hồng Quảng sang Quảng Ninh. Anh được trang bị chiếc máy ảnh “oách” nhất vùng mỏ, ấy là chiếc Rolei Flex. Nhưng tất cả số ảnh về Hạ Long mà sở Văn hóa Quảng ninh có được: “Hang Bồ Nâu” vẫn đứng đầu bảng cho tới ngày nó bị ảnh của Đỗ Kha thế chân.
Tuy nhiên, con đường chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật đâu có bằng phẳng. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra miền Bắc; Quảng Ninh thuộc tuyến đầu. Đỗ Kha được xung vào đội ngũ phóng viên chiến tranh. Anh xông xáo tới các trọng điểm máy bay giặc bắn phá như nhà máy điện Cột 5, nhà máy điện Uông Bí, đã suýt bỏ mạng tới mấy lần.
Đang hăng say lao vào công việc thì mắc bệnh hiểm nghèo, tức là bệnh thiếu tiểu cầu trong thành phần máu, khiến nếu xảy ra sự cố thương tích rất khó cầm máu. Bệnh tiến triển xấu, máu cứ rỉ ra từ chân răng. Anh vật vờ khắp các bệnh viện ở Trung ương tới mức gần như tuyệt vọng. May thay khi vào bệnh viện 103 của quân đội, các bác sĩ đang nghiên cứu về đề tài này với giải pháp cắt lá lách. Đỗ Kha tình nguyện và giải pháp điều trị mới đem lại kết quả khá mĩ mãn.
Đỗ Kha trở về tòa soạn công tác được ít lâu thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Anh lại lên đường ra mặt trận cùng cây bút và chiếc máy ảnh. Lần này tòa soạn trang bị cho anh một máy tốt hơn, đó là chiếc Pratika. Anh sát cánh cùng đồng bào và các chiến sĩ khi bên cầu Bắc Luân, khi trên đỉnh Pò Hèn giành giật từng tấc đất. Với những bài viết nóng bỏng không khí chiến trường và những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử chiến đấu oanh liệt của quân dân ta. Những bức ảnh chụp gần, tưởng như phải đổi bằng mạng sống của đời phóng viên. Thế nhưng anh đã thoát hiểm cũng như trước đây căn bệnh thiếu tiểu cầu cũng từng đe dọa sinh mệnh anh.
Bao phen mạng sống của Đỗ Kha không bị lấy đi, hẳn nhiên có sự linh phù của hồn thiêng sông núi và anh linh của liệt tổ. Và một khi tạo hóa đã ban tặng cho nước ta một cảnh đẹp có một không hai trên Trái đất, ắt tạo hóa cũng ban thêm cho ta một tài năng để đem cái đẹp ấy đến với công chúng. May thay, chính Đỗ Kha được nhận ân huệ đó.
Các tay sừng sỏ của các bộ môn nghệ thuật khác không phải đã không thử tài. Nào là văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ và cả điện ảnh, dường như cũng chỉ khơi gợi được đôi nét về vẻ đẹp bề ngoài của Hạ Long, chứ chưa ai nói được cái đẹp thuộc về bàn chất của Hạ Long.
Thật ra đây là một cuộc tuyển lựa tài năng vô hình nhưng vô cùng khắc nghiệt. Khắc nghiệt hơn cả cá vượt vũ môn. Đề thi để ngỏ, ai cũng có thể đọc hiểu. Đó là toàn thể khu vực vịnh. Đáp án cũng cho trước. Đó là phản ánh được cái đẹp vĩnh cửu.
Nhà nhiếp ảnh Đỗ Kha đã dấn thân vào cuộc chơi. Và buổi sát hạch lớn nhất là cuộc trình lên UNESCO bộ ảnh của anh chụp về vịnh Hạ Long gồm 160 kiểu phim dương bản. Tất cả đều được trình chiếu tại Hội đồng thẩm định của UNESCO trong việc tổ chức này xem xét và công nhận Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.
Cùng với hồ sơ của Việt Nam đã nộp trước đó kết hợp với việc UNESCO cử người đi khảo sát, và sau khi xem hết tập phim trình chiếu, cả Hội đồng đã thống nhất thông qua. Nhận định về vẻ đẹp của Hạ Long, trong văn bản xác nhận của UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới có đoạn viết: “…Những núi đá vôi nhô lên từ mặt nước ở vịnh Hạ Long là một cảnh độc đáo tự nhiên với một sự tuyệt mỹ của thiên nhiên ưu đãi…”
Và ngày 17 tháng chạp năm 1994, UNESCO đã ký bằng công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.
Vậy là Đỗ Kha đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc hoàn thiện hồ sơ để cả thế giới thừa nhận vẻ đẹp không gì có thể so sánh của quê hương anh, Tổ quốc anh về mặt pháp lý. Thiết tưởng đó là một cống hiến đáng trân trọng và không phải ai cũng có thể làm được.
Xem kỹ phòng trưng bầy ảnh nghệ thuật về Hạ Long của anh cùng với tập sách ảnh về vịnh Hạ Long in năm 2000, tôi thấy anh có mặt đủ các mùa ở vịnh, và tất cả các sắc độ ánh sáng trong ngày từ bình minh đến hoàng hôn và cả những đêm trăng hoặc khi tối trời ta đều thấy người nghệ sĩ hiện diện với núi non, biển đảo. Nếu không có tình yêu cái đẹp một cách đắm say mê mệt khởi từ tim và óc, chắc anh không làm nổi.
Ấy là chưa kể đến điều kiện kinh tế bó buộc. Tôi chắc chắn những bức ảnh đẹp nhất của anh về Hạ Long không phải được chụp từ những chiếc máy tốt nhất. Những bức ảnh đen trắng chụp cảnh thuyền về bến với những vàng lưới, những buồm cánh dơi, hoặc cảnh phơi lưới, cảnh hun thuyền, cảnh cả đoàn thuyền đang bủa lưới… nom cứ như cảnh trong truyện cổ khiến ta nao lòng hoài nhớ. Và sự thật bây giờ những cảnh đó đã đi vào cổ tích.
Trong lời cảm tạ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha để ở phòng triển lãm, có đoạn anh viết: “…Tôi chịu ơn nhiều nhất đối với những người tôi không quen biết. Ấy là các bác dân chài, những người câu mực, câu cua… đã giúp tôi có mặt ngày đêm trên vịnh và chỉ cho tôi những núi, những hang còn chưa có ai khám phá.”
Đúng vậy, nếu không có những người lao động lam lũ giúp đỡ anh một cách cao thượng thì một nghệ sĩ nghèo như anh sao có được những thành tựu mà ta được chiêm ngưỡng hôm nay.
Tới nay, nghễ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha đã nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, cũng như được vinh danh các tước hiệu quốc tế khác nhau.
Tôi là người “ngoại đạo” chỉ biết thưởng thức hơn là phẩm bình. Vậy xin nhường lời cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.VAPA, nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế A.FIAP. Sau khi xem kỹ phòng trưng bầy ông viết: “…Với cá nhân tôi, nghệ sĩ Đỗ Kha là người chụp về Hạ Long đẹp nhất, sâu nhất, nghệ thuật nhất.”
Thật vậy, nghệ sĩ nghiếp ảnh Đỗ Kha đã biến những kiệt tác thiên nhiên trở thành kiệt tác nghệ thuật như cảm tưởng của nhà thơ Mai Phương ghi lại.
Hà Nội ngày 12 tháng 6 năm 20