Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN HUY QUANG MIÊN MAN VỚI CHÂN TRỜI XA THẲM

Trần Bảo Hưng
Thứ sáu ngày 3 tháng 7 năm 2009 5:40 AM
 
(Đọc “Chân trời xa thẳm” - NXB Phụ nữ 2009)  

“Chân trời xa thẳm” là tiểu thuyết thứ 7 của Trần Huy Quang, đánh dấu một bước chuyển quan trọng của ông trong bút pháp, trong cách tiếp cận và lý giải hiện thực - Một cuốn sách nhiều chiêm nghiệm và trĩu nặng suy tư về cuộc sống. 
 
“Chân trời xa thẳm” là tiểu thuyết thứ 7 của Trần Huy Quang, đánh dấu một bước chuyển quan trọng của ông trong bút pháp, trong cách tiếp cận và lý giải hiện thực - Một cuốn sách nhiều chiêm nghiệm và trĩu nặng suy tư về cuộc sống. Cả cuốn tiểu thuyết là sự lan man (chữ dùng của Trần Huy Quang) của nhân vật chính (mà đến cuối tác phẩm, tác giả mới cho chúng ta biết tên là Ngọc), về cuộc đời, qua những hồi ức, những chiêm nghiệm, những khoảnh khắc sống, những quan sát hiện thực của cô.
Ngọc là cô con gái cả của một gia đình “thuần túy” công nhân; bố vốn là một kiện tướng thủy lợi, nay là cán bộ thi đua của Nhà máy chuyên “bồi dưỡng điển hình”, mẹ trước khi làm thợ tiện ở Nhà máy Cơ khí Ánh Thép đã từng là một cô Thanh niên xung phong dũng cảm ngoài tuyến lửa. Cô lớn lên trong khó khăn, thiếu thốn, nhưng cũng thật là đơn giản - tất cả chỉ có một đường đi, một hướng đến, một cuộc sống đầy kham khổ, nhưng giống nhau và có cái gì đó như là sự ân nghĩa. Những cảm nhận đầu tiên của Ngọc là như vậy, từ cái khu tập thể của Nhà máy Ánh Thép nơi mà cô sinh ra và lớn lên.
Thế rồi Ngọc tốt nghiệp đại học, đi xin việc nhưng không nơi nào nhận. Rồi cô gặp lại nhân vật ông (một nhân vật không có tên), vốn là giáo sư cũ của cô. Thế là một mối tình xuất hiện giữa hai con người cách nhau tới 30 năm - một mối tình vừa bẽ bàng, vừa say đắm, mà một bên là nô lệ, là con chiên, là vật thí nghiệm và một bên là một giáo chủ, là con buôn, là nhà triết học nửa mùa, là kẻ gieo rắc những triết lý và niềm tin bệnh hoạn... Nhân vật ông chính là một sản phẩm - một bi kịch của lịch sử, của một thời đại nhiều biến động, nhưng lại cứ khư khư níu giữ một quan niệm, một lối sống có khi bản thân mình cũng chưa tin là chân lý. Cuối cùng thì Ngọc cũng thoát ra khỏi cái bóng của ông, để có một cuộc sống thực của mình.
Cuốn tiểu thuyết có rất ít nhân vật, trừ nhân vật chính - cô Ngọc, cũng là người kể chuyện và nhân vật ông không rõ tên tuổi, hình hài, các nhân vật khác chỉ được khắc họa thông qua đời sống và cảm nhận của nhân vật chính. Bút pháp này khiến tác giả khó tái hiện sự đa dạng và đa diện của đời sống hiện thực với nhiều biến cố, nhiều sự kiện, nhiều tầng lớp người khác nhau, nhưng bù lại giúp người viết đi sâu vào những góc lấp khuất của thân phận con người thông qua một nhân vật cụ thể cùng với sự trải nghiệm sâu sắc.
“Chân trời xa thẳm” khẳng định sự từng trải của Trần Huy Quang trong nhìn nhận và tái hiện cuộc sống. Đó là một cái nhìn bình tĩnh và đa chiều, không chỉ tái hiện mà còn chú trọng bình giá. Cả cuốn tiểu thuyết như những lát cắt của cuộc sống. Người đọc chắp nối, suy tưởng, thẩm định và từ đó có cách lý giải riêng của mình. Một lối kết cấu mở, nhân vật đơn tuyến, hướng tới sự bình giá hiện thực hơn là phản ánh hiện thực. Đó là điểm mạnh nhưng cũng khiến cho “Chân trời xa thẳm” không hẳn là tiểu thuyết dễ đọc.
Trần Bảo Hưng