Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI VĂN CỦA MÊNH MANG SÔNG NƯỚC NAM BỘ

Hoài Hương
Thứ năm ngày 2 tháng 7 năm 2009 7:37 AM
Hoài Hương

Nhà
 
Nhà văn Vũ Hồng

Nhà văn Vũ Hồng ấn tượng bởi cái chất văn học xanh, văn học sinh thái - Écoliterature, rất đương đại. Trong tác phẩm của anh sự tìm kiếm, tái tạo cội nguồn với cách thể hiện bằng vốn ngôn ngữ mang căn cước dân tộc khá đặc sắc. Nhân dịp anh sắp ra mắt bạn đọc 50% tài sản 20 năm cầm bút tập ”Vuhong.com & info - Thơ & Văn”, Văn nghệ Trẻ có một cuộc trò chuyện”tài tử” với anh.

HOÀI HƯƠNG : Năm 1996 khi anh đoạt giải nhì truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có phải đó là một truyện ngắn nằm trong series “12 câu chuyện của người chăn vịt”, nó đã gây ấn tượng mạnh, chất ma mị của miền châu thổ sông Mê Kông đầy bí ẩn, cái mênh mang của miệt sông nước Tây Nam Bộ… Lúc đó anh đã định hình cho phong cách viết của anh?
VŨ HỒNG : Truyện ngắn “Tiếng chuông trôi trên sông” đúng ra là nằm trong series “Những câu chuyện ở phương Nam” chứ không phải trong series “12 câu chuyện của những người chăn vịt”. Loạt truyện “Những câu chuyện ở phương Nam” cho đến nay chỉ mới viết được 6 truyện, còn “12 câu chuyện của những người chăn vịt” bắt đầu viết từ năm 1999, năm tới sẽ in riêng tập này.
Tự tôi thì không thể nào nhận ra được phong cách của mình, ngoại trừ độc giả, còn riêng tôi, tôi chỉ viết theo cái kiểu quen thuộc của kiểu sống của tôi, kiểu nói chuyện của tôi, hay đúng hơn là kiểu của nhân vật đúng với lô gích trong câu chuyện.
Khi viết về những con người miền Tây Nam Bộ, tôi chỉ nghĩ đến một điều: Làm sao thể hiện được tư tưởng và tính cách của họ mà thôi.Theo tôi, phong cách phải đến từ nội dung tác phẩm chứ không phải đến từ cái vỏ hình thức của tác phẩm.
HOÀI HƯƠNG :Quay ngược lại thời gian, anh có thể cho biết vì sao là “12 câu chuyện của người chăn vịt” mà không phải con số khác?
VŨ HỒNG : Tôi bắt đầu viết “Câu chuyện thứ 1 của những người chăn vịt” vào mùa hè năm 1999, định bụng đến năm 2005 sẽ xong theo như đã hứa với độc giả trên báo Tuổi Trẻ và báo Văn nghệ TP. HCM. Ai dè đã trễ hẹn đến 5 năm trời. Lý do là khi viết xong rồi để đó, sau này đọc lại thấy mình tự dẫm chân mình nhiều quá nên cương quyết bỏ, chỉ giữ lại một số truyện đã gởi in ở báo Tuổi Trẻ TP. HCM, và viết thêm những truyện mới vào quãng những năm gần đây. Truyện này theo kiểu liên hoàn, khi in sách ghép chung vào cũng được, mà khi tách ra thành từng truyện độc lập cũng được. Đây là những câu chuyện, những nỗi niềm của những người cùng khổ trong xã hội (chọn chăn vịt chỉ là để đại diện) về chuyện đời mình, chuyện người, chuyện xã hội đã qua và hiện tại, và nghĩ về tương lai.
Do vậy, nói theo “âm lịch” thì con số 12 ở đây là Thiên Can (Tý, Sửu, Dần, Mẹo…). Bên cạnh đó, khi con người mới sinh ra đã được 12 mụ bà ngầm theo “đỡ”. Sinh mệnh mỗi con người dường như gắn với con số 12 này từ lúc mới lọt lòng.
Còn khi bạn bè hỏi, tôi trả lời chung chung theo kiểu “dương lịch” là, khi tôi bắt đầu viết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12 tỉnh nên tôi chọn đại con số 12. Sau này tỉnh Cần Thơ tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ nên Đồng bằng sông Cửu Long hiện giờ có 13 tỉnh, thành. Như vậy, “12 câu chuyện của những người chăn vịt” của tôi viết chậm quá thành thử trở thành “hàng cũ” mất rồi. Cho nên năm tới phải in thôi vì nếu để chậm nữa biết đâu sau này tỉnh An Giang lại chia thành tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc, nâng con số lên 14 tỉnh, thành thì truyện của tôi sẽ “quá đát” không chừng.
HOÀI HƯƠNG : Không gian liêu trai phảng phất, cái khí chất phóng khóang, hào sảng của các nhân vật trong truyện ngắn của anh có ảnh hưởng từ những câu chuyện dân gian về con người của  miệt sông nước Nam Bộ thời khẩn hoang, khai phá mở đất? Anh lấy chất liệu từ đâu cho những tác phẩm của mình?
VŨ HỒNG : Bên cạnh nhiều thứ mà một tác phẩm văn chương cần có tôi vẫn trung thành với ý nghĩ mình phải chăm chút không gian của truyện. Là tôi lấy suy nghĩ từ chính tôi, một độc giả, khi đọc một tác phẩm văn chương, tôi rất thích hòa mình vào không gian của câu chuyện đó, nói nôm na là mình được “làm một tua du lịch miễn phí”.
Cái “không gian liêu trai phảng phất, cái khí chất phóng khoáng, hào sảng” như đã nói không hẳn chỉ ở miền Tây Nam Bộ mới có. Thiên nhiên và con người ở các vùng đất khác của đất nước ta cũng có không gian và tính cách con người như vậy chứ, chỉ có điều không lộ ra như thiên nhiên và con người Tây Nam Bộ mà thôi.
Chất liệu về con người miệt sông nước Nam Bộ thời khẩn hoang, khai phá mở đất tôi phải tự tìm hiểu qua sách vở, qua những lời truyền miệng, hoặc cũng có khi chất liệu “tự đến nhà tôi” chẳng hạn. Những “chất liệu tự đến” đôi khi là những chi tiết của những câu chuyện hóm hỉnh mà người ông, người bà, người anh, người chị, người bạn… đến chơi nhà tôi kể cho vui, rồi về. Bất chợt có một ngày nào đó, 1/100 “chất liệu tự đến” này sống dậy trong tôi và hóa thân thành tác phẩm. Vấn đề của người viết là mình đưa “chất liệu tự đến” này vào có hợp lý cho toàn câu chuyện hay không mà thôi; tham mà đưa vào nhiều quá cũng làm hư tác phẩm.
HOÀI HƯƠNG : Trong những truyện ngắn và cả thơ của anh, ngôn ngữ rất đặc trưng sông nước Nam Bộ, nhưng anh không dùng nhiều lắm “phương ngữ” địa phương nên tác phẩm của anh có vẻ dễ gần với bạn đọc. Anh nghĩ như thế nào nếu trong tác phẩm dùng quá nhiều ngôn ngữ đặc trưng của địa phương và phải cần những chú giải?
VŨ HỒNG : Tôi không nghĩ mình dùng ngôn ngữ “rất đặc trưng sông nước Nam bộ” đâu mà tôi chỉ viết rất tự nhiên như tôi vốn có, đơn giản chỉ là một sự truyền tải tín hiệu từ tôi – tác giả - đến độc giả thông qua ngôn ngữ. Miễn độc giả hiểu được tín hiệu của tôi là tốt rồi và tôi không cầu kỳ hóa tín hiệu này.
Với tư cách một độc giả, khi đọc một tác phẩm, tôi chỉ quan tâm khía cạnh tính cách của nhân vật đó hơn là quan tâm đến nhân vật đó “phát âm” như thế nào.
Và toàn cục, tác phẩm văn chương phải nói lên được một điều gì đó chứ không hẳn chỉ là nơi “triển lãm phương ngữ”. Phương ngữ chỉ cần đến đúng lúc trong tác phẩm.
HOÀI HƯƠNG : Khi viết, anh thường trong tâm thế nào? Và khi xong một tác phẩm anh có cảm giác thỏa mãn không?
VŨ HỒNG : Tôi nghĩ lâu, nhưng viết cũng… chậm. Mấy anh em ở thị xã Bến Tre thường thấy tôi ngồi ở quán cà phê cả buổi, một mình, cứ ngỡ tôi mê cô chủ quán chứ thật ra tôi đang ngồi “viết”.
Cho đến bây giờ, dù đến với tin học từ rất sớm, quãng những năm 1990, 1991, nhưng hiện tại tôi vẫn viết thơ, truyện bằng tay chứ không phải trực tiếp trên máy tính. Lúc nghĩ đâu đó xong xuôi, tôi phóng xe về vườn của ông bà già ở Tường Đa, leo lên võng nằm đưa tòn ten với cây viết và vài trang giấy trắng. Tôi nằm và viết, theo kiểu tốc ký mà tôi tự qui ước cho đến khi nào thấy xong thì thôi. Có khi đang viết nửa chừng, chán quá thì quay ra ngủ. Truyện nào khi viết mà tôi ngủ trên 5 lần là cương quyết phải bỏ (Mặc dù mạch truyện của tôi cũng thuộc dạng buồn ngủ).
Viết một tác phẩm tôi cũng không “vật vã, đau đớn” gì; viết xong thì thấy tâm trạng cũng bình thường, không buồn, không vui. Tôi để tự nhiên nó đến và để tự nhiên nó ra đi.
HOÀI HƯƠNG : Trong các tác phẩm của anh điều gì làm anh hài lòng và điều gì làm anh vẫn chưa thật sự bằng lòng với trang viết chính mình?
VŨ HỒNG : Điều làm tôi hài lòng là tôi còn thấy siêng viết, khi thì thơ, khi thì truyện, mặc dù viết chậm. Tôi thấy chưa bằng lòng với trang viết của mình ở cái khoản… nhát; ý tứ phải tìm cách giấu đến 4, 5 tầng nấc như… đánh cờ tướng.
(GHI THÊM CỦA HOÀI HƯƠNG): Nhưng theo tôi thì nhà văn Vũ Hồng không hề “nhát” trong trang viết. Đọc tác phẩm của anh thấy cũng mạnh mẽ, quyết liệt lắm. Ý tứ thì đâu đến nỗi “giấu đến 4,5 tầng nấc…”, đó chính là sự tinh tế trong cách diễn đạt của anh muốn chuyển đến người đọc phải lắng một chút, không thể đọc hời hợt qua quít. Anh cũng “khôn” chứ.
HOÀI HƯƠNG : Anh là một trong những nhà văn đầu tiên ở Hội Nhà văn Việt Nam lập trang web cá nhân, và hiện thời anh cũng là một admin của  web www.vannghesongcuulong.org.vn  rất được nhiều cư dân mạng truy cập hàng ngày. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề mang văn chương Việt ra với thế giới qua web - một xa lộ -highway, khi mà các con đường khác rất khó khăn và chỉ là “cánh cửa hẹp”?
VŨ HỒNG : Mang văn chương Việt ra với thế giới thông qua Web là một điều tốt mà lẽ ra Việt Nam phải cổ súy cho chuyện này sớm hơn chứ không phải như ban đầu là có ấn tượng không hay về nó.
Mang văn chương Việt ra với thế giới không có nghĩa với mục đích chỉ mang văn chương Việt ra thế giới không thôi mà còn phải mang đến với độc giả trong nước nữa.
Bên cạnh đó, văn chương Việt trên Web không hẳn chỉ thuần túy ngôn ngữ Việt mà còn phải được dịch ra những ngôn ngữ thông dụng khác mới đúng với tên gọi “mang văn chương Việt ra thế giới”.
Web là một cánh cửa rộng, là một cái kho văn chương nhanh nhạy, phong phú, đa dạng, đồ sộ… Độc giả ở mọi nơi có quyền đến đó sàng lọc và chọn lựa cho riêng mình.
HOÀI HƯƠNG : Văn học VN trong chừng mực nào đó ở thời kỳ này không có nhiều tác phẩm tiêu biểu để gây những “chấn động”, văn học của Đồng bằng Sông Cửu Long cũng hình như không được nhiều chú ý, ngòai một số tác phẩm của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư. Theo anh, lý do của sự “im lìm” đó?

VŨ HỒNG : Tôi nghiêng về ý nghĩ là mình khoái một tác phẩm “sống lâu” hơn là một tác phẩm “chấn động”. Sẽ có rất ít tác phẩm chấn động sống lâu nhưng sẽ có nhiều tác phẩm sống lâu nhưng chưa bao giờ gây chấn động. Là tôi nói về lớp cha anh, là thế hệ mà độ tuổi tác phẩm của họ đã được minh chứng qua thời gian, kể cả tác phẩm của các tác giả trước năm 1975 ở miền Nam.
Văn học Đồng bằng sông Cửu Long cũng không nằm ngoài dòng chảy đó của văn học Việt Nam.
HOÀI HƯƠNG :Ở Văn học nước ngoài đương đại đang chú trọng vào các chủ đề lớn như “Lưu dân” - Immigration, “Lạc địa” - Displacement, “Giạt ra rìa” - Marginalization, “Đa chủng tộc” - Multiracial, “Giao lưu văn hóa” - Acculturation…. Mà những vấn đề này không xa lạ với những gì đang diễn ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Anh nghĩ sao nếu những vấn đề này gắn với đề tài “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” miền Tây Nam Bộ sẽ có thể có những tác phẩm văn học “chấn động”?
VŨ HỒNG : Tôi cứ nhìn và suy nghĩ mãi chữ nông dân trong cụm từ này.
Hy vọng miền Tây Nam Bộ sẽ có những tác phẩm văn học “chấn động” về “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” nhưng tôi hy vọng tác phẩm “chấn động” này sẽ được “sống lâu” hơn với thời gian.
Mà “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” đâu chỉ là chuyện ở miền Tây Nam Bộ mới có. Ở đâu mà không có nông nghiệp, nông thôn, nông dân; ở đâu mà không có con người. Và niềm hy vọng của tôi sẽ được cộng thêm, cái gì tự nhiên đến sẽ đến.
HOÀI HƯƠNG : Nếu như cho anh một điều ước về văn chương VN nói chung, văn học đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, anh sẽ ước gì?
VŨ HỒNG : Giảm tính thời sự, phong trào. Tăng tính nghệ thuật, nhân văn.
HOÀI HƯƠNG : Để kết thúc cuộc trò chuyện “tài tử” với người văn của sông nước Nam Bộ, anh có thể giới thiệu sơ lược về cuốn sách sắp ra mắt bạn đọc “Vuhong.com & info Thơ & Văn”?
VŨ HỒNG : Chân thành cám ơn báo Văn nghệ Trẻ đã quan tâm. Mời xem chi tiết tại Website www.vuhong.com, www.vuhong.info.Chỉ xin nói thêm, đây là tập tác phẩm chọn 50% những tác phẩm của tôi viết trong hơn 20 năm cầm bút.
 
Tên thật là Nguyễn Kim Sơn; sinh năm 1966; quê  Tường Đa, Châu Thành, Bến Tre. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính: Tháp bụi - tập thơ; Người phương Nam - tập thơ; Tiếng chuông trôi trên sông - tập truyện; Người leo dừa - tập truyện ngắn. Giải thưởng: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996; Tặng thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 1999. Hiện là Ủy viên Hội đồng văn xuôi – Hội nhà văn Việt Nam. Làm việc cho Website Sông Cửu Long (bộ mới). 
H.H (Theo Báo Văn nghệ trẻ)