Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN ĐỪNG NẶNG LỜI NHƯ THẾ

Tân Đức
Thứ hai ngày 29 tháng 6 năm 2009 8:39 PM
 
Tôi không có hân hạnh được quen biết ba ông luật sư: Cù Huy Hà Vũ, Lê Minh Phiếu, Lê Thành Kinh mà ông/bà Hoàng Đạt nói tới trong bài viết; “LUẬT SƯ VIỆT NAM LÝ CÙN, CÃI CHÀY, CÃI CỐI...” trên Trannhuong.com. ngày 27-6-2009 và cũng không được hân hạnh quen biết cả tác giả bài viết này. Vì thế,  bài viết của tôi dưới đây không nhằm bênh ai và hại ai cả, mà chỉ là vài lời muốn được trao đổi với tác giả bài viết trên đây của một bạn đọc yêu mến Trang Web TNc.
Tôi thấy ông/bà Hoàng Đạt trong bài viết nói trên có nhiều chỗ quá lời, nếu không muốn nói là thiếu kiềm chế trong khi trao đổi/tranh luận về một vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Tôi xin học ông/bà Hoàng Đạt đánh số từng mục trong bài viết của mình để xin được trao đổi cùng ông/bà:
1. Trước hết, ngay cái “tit” của bài, ông/ bà Hoàng Đạt đã viết thiếu thận trọng, khi “vơ đũa cả nắm”,  không tách bạch hai ông luật sư Lê Minh Phiếu và Lê Thành Kinh mà ông/bà phê phán với cả giới luật sư Việt Nam, khi đặt tên cho bài viết của mình là “LUẬT SƯ VIỆT NAM LÝ CÙN, CÃI CHÀY, CÃI CỐI...” . Tôi không biết ông/ bà Hoàng Đạt đang ở đâu, Mỹ hay Trung Quốc mà viết như vậy? Còn nếu ông/bà đang ở trong nước chắc không đến nỗi nặng lời gọi cả giới luật sư Việt Nam là “luật sư Việt  Nam cãi chày cãi cối” như thế!. Tôi không phải là luật sư nhưng cũng thấy ông/bà viết như vậy chẳng những giới luật sư mà người đọc bình thường cũng không đồng tình.
2. Trong bài viết của mình, ông/bà cho rằng: “Cơ sở bào chữa cho Thủ tướng của ông L.M.P không căn cứ vào luật pháp mà căn cứ vào khuynh hướng chính trị-sợi chỉ đỏ cho mọi tư duy hành động của ông: Những gì mà Chính phủ đã và Thủ tướng đã ký và quyết thì chỉ  có đúng trở lên, do vậy hành động khởi kiện của Ls Cù Huy Hà Vũ là “kiện củ khoai.
Tôi không biết ông/bà Hoàng Đạt căn cứ vào đâu để nói rằng ông Lê Minh Phiếu “bào chữa cho Thủ tướng” trong việc ông Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng về “Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025”; bởi vì đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ đã bị Toà án nhân dân Hà Nội bác bỏ thì làm gì có vụ xử để mà cần luật sư bào chữa, và nếu có thì chắc gì ông Thủ tướng đã cần ông Lê Minh Phiếu bào chữa cho mình! Ông Lê Minh Phiếu chỉ viết bài bình luận về sự kiện đơn kiện của ông Cù Huy Hà Vũ bị Toà án bác bỏ thế mà ông/bà Hoàng Đạt lại nói ông ấy “bào chữa cho Thủ tướng”, như vậy có phải là suy diễn  và  “nói quá” lên không?
3. Trong bài viết của mình, ông/bà Hoàng Đạt phê phán Luật sư Lê Thành Kinh như sau: Nếu quyết định của ông Thủ tướng sai, thì phải kiện ông chính phủ, chứ không thể kiện ông thủ tướng được.
Thật là nực cười vì ông L.T.K nói như là người ở cung trăng, ông Chính phủ là ai: là Nhà số 1 Bách Thảo hay cả mấy chục ông bộ trưởng? Luật Tổ chức và các quy định hiện hành thì cơ quan nhà nước Việt Nam làm việc theo nguyên tắc tập trung, nên quyền lực tập trung vào người đứng đầu. Chỉ có văn bản quy phạm pháp luật mới ghi nhân danh Chính phủ đó là các  văn bản nghị định,nhưng Thủ tướng vẫn là người chịu trách nhiệm đứng đầu khi ký ban hành. Quyết định 167 là một Quyết định hành chính chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật; cơ quan Chính phủ chỉ được ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật đó là Nghị định, đó là loại văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật đã được Quốc hội ban hành.
Theo quy định: đã là văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành thì phải thông qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Còn Quyết định 167 không phải thông qua Quốc hội sao dám nói bừa đó là văn bản quy phạm pháp luật được.
Là văn bản pháp quy phạm pháp luật nếu sai thì tập thể Chính phủ và cả Uỷ ban thường vụ phải chịu một phần trách nhiệm; Quốc hội có biết gì về Quyết định 167 đâu mà chịu trách nhiệm. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên trả lời chất vấn ngày 13/6 cũng cho biết: Quyết định 167 do Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền, Bộ này chỉ thừa hành; Căn cứ ban hành Quyết định 167 đó là Luật tổ chức Chính phủ chứ có căn cứ vào Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Khoáng sản đâu?
Tôi không biết ông/bà Hoàng Đạt căn cứ vào đâu để viết rằng Quyết định số 167 trên đây của Thủ tướng Chính phủ là không thuộc văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là một văn bản hành chính và đã là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ thì đều phải thông qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nếu ông/bà Hoàng Đạt chưa có  dịp biết tôi xin mách ông/bà vào google, gõ mấy chữ “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” thì ra ngay văn bản “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, số 17/2008/QH12, đã được Quốc hội Khoá XII, Kỳ họp Thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008 , trong đó có Điều 2 như sau:
“Điều 2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. 
2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
4. Nghị định của Chính phủ.
5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.”
Ở mục 5 của Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã ghi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo tôi được biết, không có quy định nào bắt buộc các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ trước khi ban hành đều phải trình Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ có các dự thảo Pháp lệnh và các dự án Luật mà Quốc hội giao thì Chính phủ mới phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Viết như ông/bà Hoàng Đạt là “oan” cho Luật sư Lê Thành Kinh, bởi vì Luật sư Lê Thành Kinh nói Quyết định số 167 trên đây của Thủ tướng Chính phủ thuộc văn bản quy phạm pháp luật là đúng. Đó là chưa kể ông/bà Hoàng Đạt viết “Luật Tổ chức và các quy định hiện hành thì cơ quan nhà nước Việt Nam làm việc theo nguyên tắc tập trung, nên quyền lực tập trung vào người đứng đầu”, tôi không hiểu có luật nào gọi là luật Tổ chức chung chung như ông/bà viết hay không, mà chỉ có Luật Tổ chức Chính phủ và nguyên tắc làm việc của Chính phủ là “tập trung dân chủ” chứ không chỉ có “tập trung vào người đứng đầu” như ông bà viết.
Tôi có thể viết thêm vài điểm ông/bà Hoàng Đạt còn quá lời khác trong bài viết của mình, nhưng xin không làm mất thì giờ của bạn đọc. Để kết thúc bài viết này, tôi chỉ xin được thưa với ông/ bà Hoàng Đạt rằng: Đối với mỗi vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần tranh luận hoặc trao đổi ta nên “biết mình biết người”, tránh lối nói v õ đoán , quá lời, thậm chí “cả vú lấp miệng em”, dùng những từ ngữ trong bài viết mà nghĩ cho cùng là đã tự mình thiếu tôn trọng mình, như ông bà đã dùng trong bài viết trên, như: “Luật sư Việt Nam cãi chày cãi cối”, “chúng tôi lấy làm buồn cho thảm trạng pháp lý nước nhà, bởi có những ông tự nhận là luật sư này như lý cùn nên nói năng cù nhầy”, “ nếu ông là Luật sư mà nói như vậy thì thật là kinh khủng khiếp. “xin gọi Ls L.M.P bằng bố, “ông L.T.K nói như là người ở cung trăng”, “Luật sư gì mà nói linh tinh”, “hai ông luật sư này đứng ra cãi chày cãi cối là đã rõ” ...
Có điều gì không phải xin được ông/bà Hoàng Đạt trao đổi lại./.
Hà Nội, ngày 29-6-2009