Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỜNG CA TRƯỜNG SƠN NGỌN LỬA VÀ TIẾNG HÁT

Nguyễn Bao
Thứ hai ngày 29 tháng 6 năm 2009 9:18 PM

(Đọc Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông, Nxb Văn học, 2009)
 
Một trong những con đường đưa nhân dân ta đến Đại thắng Mùa Xuân: quét sạch bóng xâm lược, giành trọn vẹn đất nước thống nhất là con đường huyền thoại Trường sơn
Trong trường kỳ lịch sử bốn ngàn năm không có nơi nào thể hiện ý chí sắt đá giải phóng dân tộc và chồng chất máu xương để mở lối đi đến độc lập, tự do như con đường Trường Sơn hùng vĩ.
Hai tiếng “Trường Sơn” sẽ vang vọng mãi trong tâm khảm các thế hệ mai sau và sừng sững một tượng đài ý chí dân tộc, sánh ngang với những Bạch Đằng, Điện Biên.. năm xưa.
Khao khát tái hiện chiến tích lẫy lừng ấy, biết bao văn nghệ sĩ đã đem hết tâm lực trút vào những trang viết về đề tài Trường Sơn. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người ở một góc nhìn riêng cũng chỉ mới phác họa được một khía cạnh nhỏ của Trường Sơn rộng lớn.
Đến lượt mình, nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông cũng muốn thử sức dựng lại bức tranh lớn Trường Sơn bằng tầm nhìn và cảm xúc của riêng mình.
Với vốn sống trực tiếp từ những  năm tháng với những rung động từ chính trái tim mình, nhà thơ mặc áo lính này đã góp một bản giao hưởng nhiều cung bậc, nhiều màu sắc với hy vọng chân thành là ghi lại những cảm xúc trước Trường Sơn hùng vĩ.
Chúng ta đều biết thể loại Trường ca đòi hỏi một vốn sống phong phú, một kết cấu chặt chẽ, một cảm xúc đa dạng, với dung lượng lớn của không gian và tâm trạng, thể loại này đòi hỏi khắt khe đối với người viết trước yêu cầu: Phong phú mà không dàn trải, bề thế mà không vụn vặt. Nó không phải là một gốc cây đơn lẻ mà là cả một khu rừng với nhiều loại cây, nó cũng là một giàn bầu, một dây mướp dài, qua mỗi nhánh lá lại xòe nở một bông hoa, điểm tô cho màu xanh của chỏm lá.
Đặc điểm ấy làm cho Trường ca có thể cuốn hút người đọc, bồi đắp liên tiếp cho độc giả những cảm xúc mới vừa đa dạng vừa mới mẻ, để có thể đi suốt chiều dài của trường ca.
Đối chiếu mới những tiêu chí ấy, “Trường ca Trường Sơn” của Nguyễn Anh Nông đã phần nào đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc hôm nay.
Về cấu trúc, ta gặp ở đây hai mươi đoản khúc và một vĩ thanh . Với những bè cao, bè trầm, với những nhân vật đại diện cho nhiều thế hệ, với những chứng tích lịch sử như cây cầu tạm, căn hầm dã chiến, với cả những cánh bướm tượng trưng cho những liệt sĩ- trinh nữ…tất cả góp phần tạo nên sự hoành tráng, bề bộn, quyết liệt..cuả hiện thực Trường Sơn.
Với vố văn học dân gian, tác giả cũng sử dụng khá nhuần nhuyễn và có biến hóa các chất liệu ngôn ngữ đa dân tộc, từ đồng Bằng bắc bộ đến rừng núi Tây Nguyên.
Trong rất nhiều hình ảnh của Trường ca này, tôi cứ thấy ẩn hiện bóng dánh những cô gái Trường Sơn, những hồn trinh nữ đã hóa thành cánh bướm chập chờn ảo ảnh, gợi nhớ thương cho bao người lính từng đi qua những cánh rừng xác xơ vì chất độc và đạn bom
“Trường sơn đằng đặc niềm khắc khoải
Ngày tháng găm đầy những vết thương”
Và cả áng mây cũng:
“…Đã cùng ta bạn tri kỷ
Nguyện mãi song hành bước thủy chung
…Mây trắng ngàn năm cứ phập phồng…”
Nguyễn Anh Nông cũng đã khoắc họa khá rõ nét chân dung các thế hệ   ”Xẻ dọc Trường Sơn”  nối tiếp nhau vào trận:
“Ngọn đèn soi dấu chân mở lối
Gặp bước chân người xưa đi mở đất..”
Và:
“Hôm nay
Con vượt Trường Sơn
Cha không còn trên mặt đất
Bước chân con lần theo bóng cha….”
Cái khốc liệt của chiến tranh cùng với niềm quyết tâm của người Trường Sơn đã được tác giả tô đậm bằng những hình tượng khá sinh động, đủ sức khơi gợi cảm xúc cho người đọc, lôi cuốn người đọc hòa vào bản trường ca của Nguyễn Anh Nông.
Những nụ hoa vàng rải rác chốc chốc lại bừng nở dọc theo chiều dài của Trường ca, bồi đắp cảm xúc thẩm mỹ cho độc giả. Và đây là một bông hoa của Tây Nguyên duyên dáng:
“Rượu cần nghiêng ché nghiêng chum.
Mái nhà rông ngân tiếng hát..
Cồng chiêng rạo rực
 núi non nhón gót
 rừng xanh kiễng chân..”
Dĩ nhiên có những đọan, những chương có thể cô đọng hơn nữa, dắt dẫn tự nhiên hơn nữa…để trường ca Trường Sơn này xứng đáng là một đóng góp mới, phát hiện mới vào kho tàng văn học đương đại khi muốn tái hiện một phần lịch sử chưa xa của dân tộc ta.
Với Trường ca này, Nguyễn Anh Nông đã góp một khúc ca có âm điệu, phong cách riêng của mình vào bản đại hợp xướng Trường Sơn hùng tráng.
   23/6/2009
   N.B