Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI QUÊ, CẢNH QUÊ TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA MỘT NHÀ VĂN NỮ TỈNH ĐÔNG

Nguyễn Thị Lan
Thứ bẩy ngày 4 tháng 7 năm 2009 6:55 PM

(“Nàng” – Tập truyện ngắn - vũ thị tuyết mây - NXB văn học 2008)

Là tập sách thứ hai của Vũ Thị Tuyết Mây - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, “Nàng” tập hợp những truyện chị sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2001 trở lại đây.
Mười ba truyện ngắn với nhiều đề tài nhưng phần lớn viết về nông thôn, ngòi bút của tác giả tập trung vào những cảnh đời, số phận của người quê và đây cũng là mảng đề tài viết thành công hơn cả của tác giả.
Như một cô gái có duyên, “Nàng” có vài ba truyện để lại ấn tượng trong lòng người đọc mà sâu đậm hơn cả là cái hồn vía “quê”. Đọc xong người đọc cứ thấy nhớ, bâng khuâng về những cảnh, những người; găm vào lòng người đọc là những ám ảnh, những day dứt và cả nỗi buồn. Vũ Thị Tuyết Mây đã gây ấn tượng cho người đọc vốn sống về một vùng quê.
Khung cảnh xảy ra những câu chuyện trong “Nàng” hầu hết ở một miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ, cụ thể hơn một làng quê nhỏ nằm trên dải đất sa bồi của dòng sông Hồng.
Phong cảnh nơi đây cũng như nhiều nơi khác của làng quê Việt Nam rất gần gũi với những tâm hồn thuần Việt: một dòng sông chảy vắt qua ngôi làng như dải lụa, đôi bờ sông những vạt cải cứ lên xanh biếc rồi nở hoa vàng; một hồ nước mênh mông; một khu đầm toàn cỏ lăn; một gò nổi; một cây đa đứng giữa đồng; một ngôi miếu cổ đầy bí ẩn rêu xanh phủ kín cả mái ngói lẫn tường vôi…chỉ có một lối mòn duy nhất đặt vừa đúng bàn chân dẫn vào cửa miếu; một con đuờng chuột chạy dẫn vào làng; và cái “bến nước” như là biểu tượng văn hoá truyền thống của tính cộng đồng làng quê Việt Nam được tác giả miêu tả thật trìu mến: “Bên khúc sông dài ngút tầm mắt chỗ nào cũng chi chít vết chân người lên xuống gánh nước tạo thành những vết mòn như những bàn tay người khổng lồ cào xước. Lâu dần những vết xước trở thành vô vàn bến nước thân quen”. Chính cái bến nước ấy đã ghi dấu mối tình đẹp đẽ và đầy đau khổ của hai nhân vật trong truyện “Hoa cải vàng” - một trong những truyện hay nhất của tập truyện.
Nếu văn chương là ký ức lâu bền nhất của cộng đồng thì Tuyết Mây viết bằng ký ức: ký ức của bản thân và sâu hơn trong thời gian là ký ức của một làng quê. Truyện của chị đưa ta về một làng quê Việt Nam những năm 60,70,80,90 của thế kỷ trước; một làng quê còn lạc hậu, tăm tối, hoang sơ với vô vàn những huyền thoại mà đến nay nhiều vùng quê còn lưu lại trong trí nhớ: những truyện ma, truyện thần hồ (Chuyện của làng Hạ Điền) khiến những ai yếu bóng vía phải thấy rờn rợn…
Từ bao đời nay, nông thôn vẫn là vùng đất nghèo “truyền kiếp” trên dải đất Việt Nam. Cái nghèo ấy đã đi vào truyện ngắn của Tuyết Mây như một nỗi ám ảnh. Đây là cái làng Hạ Điền: “Những ngày mưa gió đứng bờ đê nhìn xuống, Hạ Điền rặt một màu xám xỉn, mái tranh vách đất ngủ im lìm dưới những bụi tre cà khẳng….”. Cảnh buồn bã thê lương như bao đời nay vẫn thế.
Nghèo và vất vả hình như là anh em sinh đôi. Trong nhiều truyện, tác giả đã cực tả cái vất vả, lam lũ của người quê. Dân làng Hạ Điền: “từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người, ai cũng lăn lưng ra cuốc xới, bất chấp gò đống hay thùng sâu, lấy chỗ giắt hạt lúa, ngọn khoai, hết mùa lại kéo nhau xuống đầm hồ mò mẫm từng con cua, con ốc đem tận chợ huyện chào bán, chạy ăn từng bữa mà nghèo vẫn hoàn nghèo”. Và đây là cái làng ven sông trong truyện Hoa cải vàng: “mỗi năm ba bốn vụ trồng độc canh cây rau cải. Đàn ông đàn bà ai cũng giống ai, người thẳng đuỗn, những đôi vai u sần vì gánh gồng, cày cuốc và thiếu đói…” “mỗi ngày chỉ có hai bữa cơm độn quá nửa là khoai, ngô ăn kèm rau cải…” Đấy là bộ mặt của nông thôn thời kỳ bao cấp, thời kỳ mà cả nước nghèo. Hơn ở đâu hết nông thôn miền Bắc hiện ra trần trụi với tất cả sự nghèo khó.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngòi bút của Tuyết Mây ghi lại hình ảnh nông thôn trong thời kỳ kinh tế thị trường. Bộ mặt nông thôn có những dổi thay, cuộc sống của nông dân có khá hơn nhưng cái xấu và cái tốt, cái được và cái mất cứ đan cài. Ngòi bút sắc sảo của người nữ phóng viên ghi lại cảnh của một làng Hạ Điền ngày hôm nay. Cái làng “bé bằng lỗ mũi” mà có sự phân hoá sâu sắc; ngoài những người hiền lành, cần cù chịu khó thì còn có cả những kẻ vì thua cờ bạc mà trắng tay, có kẻ bóc ngắn cắn dài, có kẻ buôn thua bán lỗ mà mạt vận. Một nông thôn nghèo nàn và êm đềm xưa nay trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế, bùng nổ dân số đẫ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: mặt nước hồ trong xanh ngày xưa “chuyển sang màu tím sẫm” “rác tưởi cứ ùn ùn đổ xuống kết thành bè, đám trôi lơ lửng, mùi xú uế đưa tận vào nhà” (Chuyện của làng Hạ Điền); rồi “nhà nhà đua nhau dồn nước thải ra đường. Trong làng lúc nào cũng nực nụa mùi nước đái bò, lợn, thậm chí người ta còn để cửa lấy phân quay ra đường cái” (Một buổi họp làng). Nông thôn ngày nay có không ít điều không bằng trước kia. Hình như nông thôn chưa được hưởng đầy đủ những chính sách phúc lợi, an sinh xã hội? Một nền nông nghiệp đã có những bước phát triển nhưng chỉ có lợi cho người giàu còn nông dân làm việc rất vất vả nhưng chẳng được hưởng thành quả là bao? Bằng hình tượng văn học sinh động, ngòi bút của Tuyết Mây đã gợi ra cho người đọc suy nghĩ về vấn đề đó.
Trên cái nền xám buồn của cảnh nông thôn, những nhân vật của Tuyết Mây hiện ra. Phần lớn nhân vật chính của tập truyện là phụ nữ và được tác giả chăm chút khá công phu; có hình tượng đạt đến độ lung linh như những huyền thoại. Tác giả đã hoá thân vào những cảnh đời, số phận và đời sống tình cảm của họ.
Đó là cô Đào trong “Hoa cải vàng”, người đàn bà “đẹp nhất làng”, “đẹp người đẹp nết” mà phận hẩm duyên hiu. Đó là cô bé Rừng trong “Mùa hoa keo” mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với mẹ kế rất khổ lại thêm chứng đau bụng kinh niên. Thế mà “con bé Rừng cũng yêu đời lắm, lúc nào đi chăn trâu trong túi áo nó cũng có cuốn sổ con chép đầy bài hát, lại toàn những bài hát về tình yêu. Những lúc thả trâu gặm cỏ, nó ngồi vắt vẻo trên gò đống cao nhất, hát véo von, hát say xưa như chưa từng có khổ đau trên đời”. Đó là cô Là trong “Bà ngoại” đẹp nổi tiếng một vùng; làm lẽ khổ quá, không sống nổi phải bế con về quê, một mình ở vậy nuôi con, suốt đời hy sinh vì hạnh phúc của cháu con…
“Con người là tổng hoà các mối quan hệ của xã hội” (Max). Tuyết Mây đã đặt các nhân vật của mình trong nhiều mối quan hệ để miêu tả; trong tình bạn (Mùa hoa keo), trong tình yêu nam nữ (Hoa cải vàng), trong tình cảm gia đình (Hoa cải vàng, Bà ngoại), trong tình làng nghĩa xóm (Tình làng), trong tình yêu quê hương (Bà ngoại), trong cuộc sống lam lũ làm ăn (Hoa cải vàng, Chuyện của làng Điền), trong sinh hoạt làng xóm (Một buổi họp làng) và trong cả tình yêu với con vật gần gũi - con trâu (Nghiệp chướng). Trong những mối quan hệ ấy bản chất “trọng tình” của người nông dân Việt Nam hiện lên rất rõ.
Với ngòi bút trìu mến yêu thương, đồng cảm xẻ chia, Tuyết Mây đã viết về thế giới những người nghèo ấy với những phẩm chất đáng qúy. Hoàn cảnh xuất thân của họ rất khác nhau. Phần lớn họ là những kẻ nghèo và bất hạnh nhưng đều có một nét chung là hiền lành, cần cù chịu khó, hay lam hay làm, giàu tình cảm, nhân hậu, sống có thuỷ có chung. Nhân vật Đào trong “Hoa cải vàng” là tiêu biểu. Vò võ đợi người yêu đi chiến trường hàng chục năm khi mọi người đã mất hết hy vọng cô vẫn không thay lòng đổi dạ, suốt một đời giữ trọn hai chữ thuỷ chung. Khi cha mẹ khuyên cô (thậm chí ép) đi lấy chồng, cô nói: “Con đợi đã quen rồi, đợi nữa cũng không sao”. Câu nói bình thường và giản dị mà nói lên sức chịu đựng vô bờ: chịu đựng nỗi cách xa, chịu đựng đau khổ của người nông dân Việt Nam. Khả năng đó gần như một bản năng truyền từ đời này qua đời khác. Cảm phục trước vẻ đẹp tinh thần của họ, Tuyết Mây đã để một nhân vật của mình thốt lên: “Có lẽ người xưa sống được là nhờ ở chữ tình, chỉ một chữ tình mà họ đã vượt qua nỗi đời nhẹ nhàng như vậy”. (Hoa cải vàng)
Nhưng những nhân vật của Tuyết Mây không phải ai cũng hoàn thiện và bao giờ cũng hoàn thiện. Có những lúc họ cũng sa ngã lầm lỡ (nhân vật Rừng trong “Mùa hoa keo”, nhân vật Hạnh trong “ánh sáng đường chân trời”) nhưng cuối cùng họ cũng biết phục thiện, họ biết nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực của con người.
Chính vì nhìn người với con mắt yêu thương như vậy nên truyện của Tuyết Mây thường kết thúc có hậu. Ngay cả những truyện có màu sắc bi kịch kết thúc tác phẩm cũng gieo vào lòng người tình cảm ấm áp. Trong truyện “Hoa cải vàng” hai người yêu nhau không lấy được nhau; khi sống họ không được ở bên nhau nhưng khi chết họ được gần nhau mãi mãi. Hình ảnh những vạt cải cứ lên xanh biếc rồi nở hoa vàng rực rỡ sáng cả một góc trời, đặc biệt hình ảnh những đàn bướm kéo đến, chấp chới như tấm thảm hoa trên ngôi mộ vừa mới đắp xong của bà Đào như một chút an ủi với linh hồn người đàn bà bất hạnh. Người đọc vẫn biết rằng đó chỉ là chuyện hoang tưởng, rằng ở đây có ngòi bút lãng mạn của tác giả nhưng họ thực sự ấm lòng, phải chăng cuộc đời không lấy của ai đi tất cả? Trong truyện “Nốt nhạc và cây bạch dương” người chồng đi ngoại tình say mê đến mức tưởng như anh sẽ bỏ vợ để đi theo tiếng gọi của tình yêu sét đánh. Nhưng rồi dông tố đã qua đi, phút cuối cùng anh quyết định ở lại với vợ. Nhìn người vợ bật khóc nức nở anh cúi xuống cầm bàn tay chị vỗ về: “Dông tố qua rồi, nếu cần, em cứ khóc đi cho vợi nỗi buồn cũng tốt cho cả anh”. Truyện “Tình làng” cũng vẫn cái nhìn ấm áp như vậy của tác giả. Truyện miêu tả một cuộc chạy đua để tranh chức trưởng thôn của ba nhân vật. Dân làng cũng bị kéo vào cuộc tranh chấp ấy. Nguy cơ một sự phân hóa, mất đoàn kết xảy ra. Nhưng cuối cùng tất cả đều êm thấm. Mỗi người đều giữ một trọng trách trước làng xóm. Rất nhiều truyện khác đều có kết cục như vậy. Cách kết thúc tác phẩm ấy thể hiện niềm tin và cả mong ước về những điều tốt đẹp với con người và cuộc đời của tác giả. Đây cũng là một đặc điểm trong thi pháp truyện ngắn (và cả ký) của Tuyết Mây.
Như vậy, nguời nông dân Việt Nam trong truyện ngắn của Tuyết Mây đã hiện ra với những phẩm chất truyền thống. Nhưng khi xã hội đã thay đổi, dân chủ hơn, cởi mở hơn người nông dân lại hiện ra với những phẩm chất mới. Trong “Một buổi họp làng” tác giả đã để cho nhân vật trưởng thôn Phong Phú vừa điều hành cuộc họp vừa nghĩ: “…xưa nay hiền là thế. Những buổi họp làng người nào người nấy, đàn bà chỉ cặm cụi vặn chổi, bện thừng; đàn ông tranh thủ hút thuốc lào, kể chuyện làm ăn, nghị quyết đề ra thế nào cứ răm rắp tuân theo. Vậy mà chỉ có mấy năm nay gọi là thời mở cửa hay thị trường gì đó, tâm tính họ thay đổi hẳn. Mạnh dạn, thẳng thắn quá mà đặc biệt xem ra họ còn hiểu biết, thành thạo, họ biết rất nhiều…dân bây giờ gớm lắm, có thể lật thuyền như chơi”
Tập truyện “Nàng” khẳng định những thành công bước đầu của Tuyết Mây trong lĩnh vực truyện ngắn. Có thể nhận thấy mặt mạnh của cây bút này ở những truyện viết về làng quê Việt Nam. Trên con đường văn chương đầy gian nan phía trước, người đọc hy vọng Tuyết Mây sẽ có những tác phẩm viết hay hơn nữa về đề tài này. Và nếu làm được như vậy có lẽ chị sẽ trả nợ được “món nợ tâm hồn” với quê hương yêu dấu - một làng quê nghèo có dòng Thái Bình chảy qua.

Hải Dương đầu hè 2009