Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ MỘT CHUYẾN ĐI THĂM "NGƯỜI KIỂM TU" NĂM ẤY

Vũ Từ Trang
Chủ nhật ngày 5 tháng 7 năm 2009 5:56 AM

               Con tàu kéo hồi còi rền rĩ rồi rời bến. Sương mù  dày đặc bao trùm  dòng Tam Bạc. Gọi là con tàu cho oai, chứ thực ra nó chỉ là chiếc ca-nô cũ càng chở khách từ bến Bính đi Cẩm Phả.  Không chịu ngồi trong khoang sặc sụa mùi dầu ma-zút, mùi nước mắm, mùi hôi của gia súc, Trường kéo tôi chạy lên mũi tàu đứng hóng gió. Mạn tàu va đập xoèn xoẹt vào những cành sú  ven bờ. Mũi tàu xé nước rèo rèo,  không át nổi tiếng máy  nổ ình ịch nặng nề của con tàu già nua, như tiếng kêu rên của người gánh quá tải.
                 Trường là  dân Hải Phòng chính hạng. Anh là một kiến trúc sư tài hoa, đã vậy, anh lại có máu viết văn làm thơ. Viết để chơi thôi, nhưng lòng mến mộ các nhà văn nhà thơ của anh, thì ít người sánh kịp. Biết hai chúng tôi đi Cẩm Phả, bà mẹ Trường lụi cụi dậy sớm, thổi nồi cơm nếp đỗ đen, gói nắm tướng cho hai anh em đi đường. Không phải đi công tác hoặc đi buôn bán gì, mà chỉ là chuyến đi chơi ngẫu hứng. Chả là  tôi được tòa soạn cử xuống thành phố Cảng để lấy tài liệu viết bài ca ngợi không khí sản xuất thủ công. Xong việc,  phấn chí, tôi rủ Trường đi Cảm Phả chơi, thăm anh bạn nhà văn  Tô Ngọc Hiến, Trường nhận lời đi liền.
                 Đấy là thời trai trẻ, mọi cuộc vui và mọi việc làm còn chưa tính toán thiệt hơn, thích đi là đi liền, thích làm là làm ngay. Nhưng ngày đó,   nhà văn Tô Ngọc Hiến đã ra dáng một người lớn rồi. Truyện ngắn “ Người kiểm tu ” của anh được giải nhất cuộc thi truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức năm 1971-1972 , khi anh  ba mươi tuổi.
                  Tôi biết anh  năm 1973, khi cùng về Quảng Bá học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội Nhà Văn  tổ chức. Ngày đó, anh có chứng hay đau đầu mất ngủ. Vì thế, đêm khuya anh thường đi bộ dọc hành lang, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Đôi lúc, lấy tay vỗ vỗ lên đầu, xem chừng khó chịu lắm. Anh vốn trực tính, đã có lần anh vặc nhau với mấy anh bạn phòng bên. Chỉ vì  lý do, quá nửa đêm, mà mấy anh em ấy còn nói cười hô hố, làm anh không ngồi viết được. Ấy nhưng  sáng sớm hôm sau, anh lại sang xin lỗi các bạn, vì tối qua  đã chót nặng lời !
               Hàng ngày, sau giờ học, chúng tôi thường  tụ bạ để tào lào phào dăm ba câu chuyện phiếm. Khi bốc lên, thì đọc những gì mới viết cho nhau nghe. Tô Ngọc Hiến trước khi vào nghiệp văn, anh đã từng làm thơ. Có lẽ cái tạng anh không hợp với thơ lắm,  anh đã tìm ra mạch văn xuôi trong anh, rồi thành danh nhờ văn.  Nhưng anh có giọng đọc thơ, ngâm thơ khá truyền cảm. Anh còn mê  hát nữa. Những bài hát Nga dạo ấy anh hay hát, như  Đôi bờ, Chiều Matxcơva làm một nhà thơ nữ trong lớp phải ngẩn ngơ. Riêng  tôi thấy anh hát cũng được lắm. Anh hát bằng cảm xúc mạnh mẽ của anh, cảm xúc của chàng trai thợ mỏ.
                  Anh là người thẳng tính. Không tán thành, không bằng lòng  việc gì, là anh nói toang ra. Bạn bè nói về tính anh, ruột để ngoài da là vậy. Anh không có thâm ý để dấu trong bụng. Càng không nói thớ lợ để lấy lòng ai. Tôi thấy như  tính thảng thắn của người thợ thấm đẫm vào con người anh. Thêm nhớ cái ngày học trên Quảng Bá, một đêm tối trời, ngoài sân trường bỗng có tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, tiếng đấm đá và tiếng thở hồng hộc. Anh em đang ngồi đọc, ngồi viết ở các phòng, nghe vậy, chạy túa ra. Hóa ra, Tô Ngọc Hiến đang vật nhau với một nhà thơ người dân tộc. Mọi người lao vào kéo hai người ra mỗi nơi. Hỏi đầu đuôi, thì giời ơi, hóa ra hai chàng cãi nhau về cô Na-ta-sa trong  “Chiến tranh hòa bình” của Lép Tôn-xtôi. Người bảo đấy là đêm trăng thánh thần, người thì cho là sự mơ mộng hão huyền. Để bảo vệ hình tượng cô Na-ta-sa thánh thần ấy, hai nhà văn nhà thơ đã giải quyết bằng cách lôi nhau ra sân, rồi vật nhau phân thắng bại. May mà anh em  can ngăn kịp thời, không thì chắc hẳn sự thánh thần của cô gái Nga kia, làm một trong hai anh nhà văn kia chịu trận nhừ tử.
                                                                *
                                                              *    *
                 Phải tới gần trưa, con tàu mới ì ạch cập bến cảng Cẩm Phả. Chúng tôi đi như chạy lên phố dốc tìm nhà anh. Cẩm Phả độ ấy còn là thị trấn nhỏ bé, mấy dãy phố lèo tèo đầy bụi than, vì thế hỏi thăm nhà anh, nhiều người biết và họ chỉ lối tận tình. Tôi còn nhớ hai hàng cây  dâu da nở hoa trắng đường, như muốn át đi cái màu than lầm lũi phố mỏ. Tô Ngọc Hiến vừa đi mỏ về, vẫn  nguyên bộ quần áo thợ đầy bụi than và lấm lem dầu mỡ, anh lao từ đỉnh dốc, chạy tới ôm chầm chúng tôi. Cuộc gặp gỡ, hàn huyên tưng bừng trong căn nhà nhỏ, vách nhà  thưng bằng gỗ hòm mìn khai thác than. Những chiếc ghế gỗ thùng xộc xệch. Nhưng cốc nước cáu bẩn. Chiếc quạt điện bé bằng chiếc bát canh, cũ càng, khi chạy khi dừng. Tất cả những điều đó không liên quan tới cuộc hàn huyên của chúng tôi. Chuyện trên trời dưới biển,  rồi lại quay về chuyện văn chương. Anh hỏi tên từng người trong lớp, nay ở đâu, làm gì, viết  gì? Niềm say mê và vẻ đẹp của văn chương như  đã kéo chúng tôi  thoát khỏi nỗi vất vả, đói khổ của thực tế. Cái sang trọng của chữ nghĩa, như thánh đường  chờ đợi những bước chân thập thững của anh em mới vào nghề viết lách. Những trang sách của bạn bè mới được in ra, như những chân trời chói lọi. Niềm say đắm khi mới vào nghề viết của  thế hệ cầm bút về sau này, không biết có giống  chúng tôi ngày ấy hay không?!
                  Tôi  nhớ bữa ấy, Tô Ngọc Hiến hăng hái đọc cho chúng tôi nghe một chương tiểu thuyết anh mới viết. Với giọng đọc sang sảng , hầm hập lôi kéo chúng tôi ngồi lặng nghe. Tập bản thảo lấm lem  bụi than trên tay anh vơi dần, cũng là lúc con tàu ngoài bến cảng  rền rĩ rúc còi. Đã đến giờ phải xuôi tầu về Hải Phòng, mấy anh em chia nhau miếng cơm nếp đỗ đen, rồi vội ào ra bến cảng. Trường và tôi vừa kịp nhảy lên cầu  tàu, cũng là lúc con tàu nhổ neo rời bến. Tô Ngọc Hiến với bộ quần áo xanh bảo hộ lao động còn đứng trên bờ khươ khươ hai cánh tay chào tiễn biệt. Cái dáng người xương xương , hai hố mắt trũng sâu, hàng lông mày rậm rịt của anh bữa ấy, như đóng đinh trên bãi cảng vừa nhem nhuốc vừa mộng mơ.
                 Sinh thời, anh luôn suy tôn nhà văn Nguyên Hồng là người thầy cao cả của mình. Cũng như Võ Huy Tâm, nhà văn tiền bối của đất mỏ, thời trai trẻ của Tô Ngọc Hiến từng là  thợ mỏ đích thực. Không phải nhà văn được cấy vào thực tế của mỏ, mà anh là người  từ những công việc mỏ và những cảnh đời của đất mỏ, đã dậy anh cầm bút viết văn. Thoạt đầu, anh viết về những người công nhân vất vả và hăng say lao động quanh anh. Đấy là hình ảnh người cha dắt con vào mỏ, cùng đổ mồ hôi và gây dựng cơ nghiệp trên đất mỏ. Đấy là người kiểm tu, cô gái nhà sàng,  cô gái gác  đường, hoặc anh lái xe bò tót…Họ là những người công nhân khỏe mạnh, với phẩm chất tốt đẹp của người thợ xây dựng quê hương đất nước cho ngày một thêm giầu mạnh. Với công việc, họ là những người trần lưng làm việc hết mình; với tình yêu, họ là những người chân thành và đắm say.  Văn chương của Tô Ngọc Hiến, cũng  như  Lý Biên Cương, như Sỹ Hồng, như Nam Ninh, Nguyễn Sơn Hà…những nhà văn cùng thế hệ và cùng trưởng thành trên đất mỏ, đã phác họa được chân dung người thợ mỏ thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Với  những trang văn tràn ngập tình yêu lao động, những  tình cảm đôn hậu và nồng đắm trong sinh hoạt đời thường, đã  vẽ  thành công bức tranh toàn cảnh  vùng mỏ Đông bắc, vựa vàng đen của tổ quốc. Chính các anh đã tạo ra diện mạo mảng văn học đề tài công nhân. Các anh là đội quân chủ lực qua các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân do Tổng Liên Đoàn Lao Động  và Hội Nhà Văn  tổ chức.
                   Sau này, không làm việc trực tiếp ở mỏ nữa, Tô Ngọc Hiến được rút về làm phóng viên của Báo Quảng Ninh. Với tính chất công việc mới, được đi lại nhiều nơi, điều kiện tiếp xúc nhiều  thành phần,  tạo cho anh tầm mắt quan sát, nhìn nhận  rộng hơn về các mặt của xã hội. Chính thế, trang viết của anh thêm đa chiều,  sinh động  hơn trước rất nhiều. Sau các tập truyện ngắn Người kiểm tu ( 1974 ),Mùa hoa sim cuối cùng ( 1978 ), Mùa than trôi ( 1982 ), anh dồn sức viết những tác phẩm dài hơi hơn, như Hãy cho tôi sống lại ( tiểu thuyết, 1988 ), Trên bến bờ riêng khuất ( truyện vừa, 1992 ), Đứa con của hồng thủy ( truyện vừa, 1996 ). Anh còn viết cả kịch bản phim Giọt lệ Hạ Long .
                  Văn chương vốn dĩ phản ánh số phận con người, mà nó không nệ ở một  đề tài nào. Nhưng  với thực tế ở nước ta, có giai đoạn,  đề tài đã tạo ra những lớp nhà văn . Rõ ràng chúng ta có cả một đội ngũ đông đảo các nhà văn công nhân, nhà văn quân đội, nhà văn công an. Tô Ngọc Hiến từng xứng đáng là một cây bút chủ lực của đội ngũ các nhà văn công nhân. Cũng chính trong khu vực đề tài này, anh đã được  vinh danh trong nghề viết. Có lẽ đó cũng là cái mạnh,  và ngược lại. nếu không chú ý, nó lại là điểm yếu cho người cầm bút. May mắn thay, Tô Ngọc Hiến đã biết khoan sâu vào các vỉa các tầng của đề tài này. Để rồi mở ra những quan sát, những chiêm nghiệm, những suy nghĩ về những cảnh đời, những số phận rộng lớn quanh anh. Ngày trước, anh yêu người thợ, viết ngợi ca  phẩm chất cao đẹp của  người thợ. Nay anh vì yêu người thợ, anh đã nhìn ra cả những thiếu sót, những hạn chế của người thợ. Trong số đông những người thợ tốt, anh còn nhận ra có đôi ba người “ như con sâu róm, chỉ muốn rụng lông vào người khác”.Trong  dáng vẻ oai phong bệ vệ của người giám đốc, anh lại phát hiện ra sự tầm thường, ti tiện của họ. Trong tình yêu cao đẹp, anh còn nhìn ra cả sự tính toán nhỏ nhen. Chìm sau vẻ lòe loẹt rẻ tiền của cô gái “mắt xanh mỏ đỏ”, anh lại phát hiện ra nét chân thành , cao thượng của họ.  Ngòi bút anh đã tung hoành ra các biên độ  khác, mang tầm vóc khái quát và triết lý sâu sắc hơn.
                     Lâu lâu, tôi mới gặp lại anh tại Hà Nội. Vẫn giọng nói chắc khỏe, vẫn đôi lông mày rậm, nhưng đôi mắt anh không còn trũng sâu như trước. Không còn cái dáng người gày gày xương xương dạo nào. Anh phát tướng, đỏ da thắm thịt, đi đứng đàng hoàng, áo quần cắm thùng, tóc chải  bóng lộn. Duy giọng cười vẫn thoải mái như xưa,  vẫn nồng nhiệt và hết mình của chất nhà văn công nhân. Anh khoe,  đã làm được ngôi nhà bê tông đúc, thay nếp nhà cấp bốn có vách thưng bằng gỗ thùng  dạo nào. Nom dáng vẻ anh, tôi thấy như anh đã biết chuyển hóa để theo kịp lối sống đương đại. Bạn bè nói, ngoài viết lách, hàng năm anh còn biết tổ chức làm lịch, phát hành lịch  để thêm phần cải thiện kinh tế. Gia đình anh vẫn ở thị xã Cẩm Phả, anh vẫn cắm rễ  ở mảnh đất này. Dù có bôn ba, lang bạt  đâu đó dăm bảy ngày,  anh lại trở về chôn chân ở cái đất mỏ lầm bụi với nhiều kỷ niệm, nhiều con người thân thuộc của anh. Có đôi ba bạn viết đã giã từ mảnh đất này, đi sinh sống nơi khác. Cũng có tờ báo  ở tỉnh nọ, chèo kéo anh, nhưng anh đã chối từ. Anh quyết bám lấy mảnh đất  từng gắn bó, để thâm canh  đất sáng tác của mình. Bạn bè viết ở Quảng Ninh một thời quấn quýt nhau, luôn tạo không khí văn chương sôi sục, ấy rồi tới độ ly tán dần. Nhà văn Nguyễn Sơn Hà, từng gắn bó nửa đời với mảnh đất Cọc 6,  đã gồng gánh gia đình  vào Thanh Hóa. Nhà thơ Phạm Doanh thuyên chuyển vào tận Đắc Lắc. Nhà thơ Yên Đức, nhà văn Nam Ninh thì về Hà Nội. Cuộc sống buộc mọi người phải gồng lên với công việc đời thường. Ấy là lúc Tô Ngọc Hiến đổ bệnh.
                 Nhà thơ Lê Hường kể lại, nhà văn Tô Ngọc Hiến hình như linh cảm được những ngày cuối của mình. Đã mấy lần, đang cuộc vui bia rượu cùng bạn bè, bỗng chợt anh tư lự ngồi im lặng, không ăn uống nữa. Nước mắt anh trào ra. Anh nói nhỏ với bè bạn: mình sắp chết rồi các bạn ạ ! Ai cũng muốn gạt đi câu nói gở ấy của anh và thêm thấy thương anh quá. Biết mình trọng bệnh, nên anh  dốc sức viết nốt những trang viết dở dang. Anh sốt sắng đi mua sắt thép, xi măng để đổ nốt mái bằng  căn  nhà cho vợ con sống bình yên những ngày mưa bão. Anh làm việc hết mình và chơi cũng hết mình hơn. Rồi anh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1 tháng 3 năm 1998, tại Cẩm Phả.
                 Anh là người của đất mỏ, sống và chết trên đất mỏ. Đám tang của anh, được đất mỏ lo chu đáo. Ngoài những người thân trong gia đình,  rất nhiều  thế hệ công nhân mỏ đến viếng anh. Rất nhiều các quan chức của mỏ. Rất đông bạn bè văn chương, báo chí. Có cả các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh. Có cả những người làm nghề xích lô ba gác. Cả những tay anh chị, những cô gái mắt xanh mỏ đỏ, cùng lặng lẽ sụt sùi đến viếng,  tiễn đưa anh. Họ đến tiễn đưa một người con của mỏ, một nhà văn của đất mỏ, mà họ hết lòng yêu quý.
                  Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh, tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã cho ra mắt độc giả tuyển tập “ Tô Ngọc Hiến- Tác phẩm chon lọc ”, dày 700 trang. Đây là bộ sách thứ hai, sau bộ sách của cố nhà văn Võ Huy Tâm.  Đó là nghĩa cử cao đẹp,  là sự an ủi với một nhà văn đã từng sống  chết vì đất mỏ. Những tác phẩm của anh,  tôi tin, nó có sức sống lâu bền trong tâm hồn người dân và người thợ  mỏ.
                  Nhớ chuyến đi thăm anh ngẫu hứng thưở nào, vậy mà đã ba mươi nhăm năm.  Trong tủ sách của tôi vẫn còn lưu giữ tập truyện ngắn “ Người kiểm tu ” với những dòng chữ ký  xiên xiên và tung hoành của anh, đề tặng tháng 4 năm 1974. Cuốn sách 136 trang, với 9 truyện ngắn, do Văn Cao trình bày bìa. Cuốn sách được in số lượng 10.100 cuốn. Số lượng in thời bao cấp, làm cho những người viết văn ngày nay phát thèm. Truyện “ Người kiểm tu ”, nhà văn Tô Ngọc Hiến viết về công việc của người công nhân trên mỏ,  như lời nhắn nhủ:  Mỗi con người có thấy được cái lơi lỏng của mình, mà tu sửa lại được hay không ? Tâm niệm này nó giản dị như công việc, như sự sống của người thợ mỏ. Truyện viết đã lâu rồi, nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn đúng với mỗi con người hôm nay.
    Tháng 5- 2009