Trang chủ » Khúc kha khúc khích

Vế đối chưa chỉnh

Nguyễn Minh Tâm
Thứ năm ngày 5 tháng 3 năm 2009 3:29 PM

 Chuyện vui chống tham nhũng:
 
 Nghe tin một nhà văn nọ có tài làm câu đối tết, buổi sáng ngày cuối năm có hai người đến xin nhà văn  đôi câu đối  để về treo trong nhà, một người là luật sư, còn người kia là một nông dân nghèo.
 Nhà văn rót rượu ra mời rồi thủng thẳng nói :
 - Chả giấu gì các ông, tôi có lệ mỗi khi nghĩ câu đối hay sáng tác một đoạn văn, phải có chút men thì mới xuôi. Nhân tiện, các ông đến xin câu đối, được thôi, nhưng mà phải vui với tôi một chút nhá.
 Thế là ba người vui vẻ cụng ly ra điều tri kỷ lắm. Được vài tuần, nhà văn sau khi nhấp một hơi bèn khà một tiếng :
 - Các cụ nói : “Trà tam tửu tứ”. Ta mới có ba, giá các ông biết ý mời thêm một người nữa thì hay quá. Nhưng thôi, ba ta cũng được.
 Ngừng một lát, nhà văn lại thủng thẳng :
 - Này nhé, tôi sẽ làm cho mỗi ông một đôi câu đối, nhưng mà hôm nay là ngày tất niên của năm chống tham nhũng, tôi ra một vế để tả thằng cha chúa tham nhũng ở ngay kế nhà tôi, tôi biết rõ  cha này  từ lâu mà vẫn chẳng thấy cha bị xử lý gì. Tôi ra vế đối xong, các ông thử đối lại xem sao nhé.
 Rồi nhà văn ngồi mơ màng như hồi tưởng lại tính cách ông tham nhũng bên hàng xóm. Lúc sau, ông ta gật gù đọc :

  KHÔN NGOAN MIỆNG LƯỠI, CHỚ LÒNG MUỐN DẠ THAM,
     MẮT NỌ TAY KIA, THỦ MỌI THỨ TIM GAN GIÒ SỎ.

 Ông nông dân nghèo ngồi há miệng nghe như nuốt lấy từng lời. Nói gì chứ nói đến tham nhũng là ông  căm tức lắm, vì nó mà cả xã hội, nhất là những người chân lấm tay bùn như ông phải khổ cực thế này. Bỗng nhớ đến hoàn cảnh của mình, được ở chung cái nhà với  cha mẹ , nhưng vợ yếu, con đau, nay bệnh mai tật, cha mẹ già mà năm hết tết đến không có gì, ông tủi thân quá, rồi bỗng hứng lên, cao giọng :

  RỘNG RÃI CỬA NHÀ, MÀ VỢ NGHÈO CHỒNG KHÓ,
      NAY BỆNH MAI TẬT, PHỤ TÌNH THÂM CON CÁI MẸ CHA..

Nhà văn vỗ đùi đánh “đét”, cười ha hả :
- Giỏi, nông dân nghèo như ông mà cũng khá gớm nhỉ, chắc ông cũng võ vẽ nho nhe phải không? Nếu không sao ông lại hiểu “THỦ” là “SỎ” để đối lại “PHỤ” là “CHA”?
Ông nông dân nhỏ nhẹ :
- Dạ, nào tôi có võ vẽ nho nhe gì đâu. Vì nói đến tham nhũng là tôi điên tiết lên. Mình đã có cả một Ủy ban chống tham nhũng mà càng chống nó lại càng phình ra. Nhà nước mình cứ loay hoay mãi trong cái vòng luẩn quẩn. Khổ thế! Tôi bực bội quá nên cái bực tức ở trong bụng nó phát ra, chớ có phải nghĩ gì đâu ạ.
Ông luật  sư nãy giờ ngồi im, trầm ngâm ra vẻ nghĩ lung lắm. Lát sau ông mới nói:
- Nghề của tôi là  bào chữa chứ không phải buộc tội. Nhưng nói thật với các ông, có cha  nào phạm tội tham nhũng , mà phạm tội thật cơ, mời tôi bào chữa thì tôi cũng chả thèm vì tôi cũng căm mấy cha lắm. Rồi ông ngồi thẳng dậy, ưỡn người, vươn cổ lên, dõng dạc tuyên bố :
- Dưới giác độ pháp luật, với tư cách người bảo vệ công lý, tôi cũng xin đối lại thế này
:
     BIỆN BẠCH LÝ TÌNH, VẪN VÀO TÙ RA TỘI,
ĐIỀU NÀY KHOẢN ẤY, SÁNG MỌI BỀ LUẬT LỆ CÔNG MINH.

Nhà văn khoái chí, lại vỗ đùi đánh “đét”, kêu tướng lên :
- Ái chà, nếu ai làm pháp luật mà cũng có thái độ như ông thì khá quá. Dân đỡ khổ. Rồi nhà văn ghé tai hỏi nhỏ ông luật sư :
- Này, ông nói, ông đọc như thế nhưng bụng ông có nghĩ như thế không đấy? Ông nông dân này thì tôi tin, còn ông tôi chưa biết có tin được hay không?
Ông luật sư nổi tự ái, bừng mặt :
- Tin hay không, mặc ông! Tôi là tôi như thế!
- Vậy thì xin ông đối lại vế đối tôi sửa lại được không, vì thằng cha tham nhũng này nó gian manh lắm. Vế đối tôi ra ban nãy chưa được chuẩn. Tôi xin chữa lại chữ “MIỆNG” bằng chữ “ĐẦU”. Trong vế đối sửa lại của tôi sẽ có ba từ khác âm nhưng mà đồng nghĩa. Đó là “ĐẦU”-“THỦ”-“SỎ”. Rồi nhà văn đọc lại vế đối mới :

 KHÔN NGOAN ĐẦU LƯỠI, CHỚ LÒNG MUỐN DẠ THAM,
                MẮT NỌ TAY KIA, THỦ MỌI THỨ TIM GAN GIÒ SỎ.

Ông luật sư vò đầu, gãi tai, lát sau mới nói :
- Nói thật với hai ông, chống tham nhũng là công việc của mọi người. Phát hiện tham nhũng thì dễ chứ xử lý nó mới khó, một vế đối thì chả ăn thua gì đâu, có lẽ Nhà nước phải lập một Tòa án đặc biệt?
Ông nông dân hăng tiết :
- Ông nói vậy bi quan quá. Tôi cũng nói thật, nếu phát hiện được cha nào tham nhũng, cứ giao cho cánh nông dân chúng tôi xử lý là đâu ra đó hết!
Ông nhà văn cười :
  - Vậy thì khỏi xin vế đối nữa, mỗi ông lấy một vế của tôi rồi thêm vế đối của mình vào là được. Ông nào không ưng vế đối của mình thì bỏ trống, đợi khi nào có Tòa án đặc biệt thì đối lại cũng được.
 Các bạn thân mến! Cho đến nay, về đối vẫn chưa hoàn thiện, xin mời các bạn thử đối  giúp các nhân vật trong  câu chuyện này nhé?
       NGUYỄN MINH TÂM