Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠO MẪU & NHÀ ĐIÊU KHẮC LÊ CÔNG THÀNH

Trần Thanh Vân
Thứ hai ngày 28 tháng 2 năm 2011 5:43 AM
   
 

Nhà điêu khắc Lê Công Thành

Nhà điêu khắc tài hoa nổi tiếng Lê Công Thành sinh năm 1931, quê ở Đà Nẵng, là học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, ông là lứa lưu học sinh VN đầu tiên được đào tạo bài bản về hội họa và điêu khắc ở Liên xô cũ trong những năm 60, hiện ông đang sống cùng gia đình tại khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội.

Tôi may mắn được quen biết ông vào năm 1975, khi đó ông đã bắt đầu nổi tiếng, đã có một căn hộ sống cùng vợ là Họa sĩ Kim Thái và đứa con gái nhỏ tại khu Tập thể Vĩnh Hồ, còn tôi mới là một cô KTS trẻ, chạy lăng xăng giúp việc cho Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, trong việc nghiên cứu xây dựng khu Tượng đài kỷ niệm Chiến sĩ vô danh ở Quảng trường Ba Đình, nơi góc đường Trần Phú và đường Hùng Vương.

Hồi đó Nhà điêu khắc Lê Công Thành đã cùng nhiều KTS, Họa sĩ và các Nhà điêu khắc danh tiếng khác, bỏ ra gần hai năm công sức, nghiên cứu về vị trí, quy mô, không gian, chất liệu và nội dung của khu Tượng đài này. Nhưng vì vị trí nơi đây quá nhậy cảm, các nhà sáng tác hiểu rằng Tượng đài là một biểu tượng tình thần rất hệ trọng, không thể tùy tiện cho ra một tác phẩm tạm bợ, rồi đến khi thấy không phù hợp nữa thì phá bỏ và công việc buộc phải bỏ giở từ ngày đó. Khu đất định đặt tượng đài, sau 35 năm vẫn là một ô cỏ hình vuông mỗi cạnh 100m ở góc quảng trường Ba Đình.

Năm 1985, Nhà điêu khắc về quê hương Đà Nẵng xây dựng Tượng đài chiến thắng Núi Thành, công việc vừa xong, đúng lúc ông trèo lên cao để kiểm tra tác phẩm lần chót trước Lễ khánh thành thì tai nạn xẩy ra, ông ngã xuống xuýt chết. Sau nhiều ngày điều trị chật vật, Nhà điêu khắc “sống lại” và như đã hóa thân thành một con người khác. Ông trở nên yên lặng, trông có vẻ lẩn thẩn, hơi điên điên và sống xa lánh mọi người, nhưng ông vẫn làm việc cật lực. Ông thiên về nghiên cứu và sáng tác tượng phụ nữ và tôn vinh vẻ đẹp thần thánh của người phụ nữ.  

 vspace=12

Tượng Mẫu - Lê Công Thành

Năm 2006, khi tôi tham gia nhóm nghiên cứu quy hoạch xây dựng Công viên Đại Việt và Tượng Đài Trần Hưng Đạo, tôi lại đến tìm ông. Ông vẫn sống ở tầng ba ngôi nhà 30 năm trước. Hôm nay ông đã làm chủ mấy căn hộ liền nhau để vừa ở vừa sáng tác. Nhà ông trông giống như một nhà bảo tàng thu nhỏ. Lúc này ông đã già, gầy gò hơn trước, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh và vẫn nhận ra tôi.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng nghiên cứu, Nhà điêu khắc nói rằng đã đến lúc ông trở lại với đời, rồi ông đã vui vẻ đi cùng chúng tôi ra ngắm bãi Sông Hồng. Đây là một khu đất bãi ven sông rộng trên 300ha, nằm dọc theo địa phận phường Nhật Tân, phường Quảng An và phường Tứ Liên quận Tây Hồ, bên kia giải đất là cửa sông Thiên Đức, nơi sông Hồng nối với sông Đuống, sông Cầu. Nghe tôi trình bày về quá trình Lịch sử bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta từ thời An Dương Vương, thời Phùng Hưng, Ngô Quyền đến thời Lý Thường Kiệt và đặc biệt là ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thời Trần, đều có liên quan đến vùng đất này, nhà điêu khắc lắng nghe, rất tâm đắc, nhưng ông chỉ lắc đầu nói “Chưa làm được”

Chuyện đang chưa đâu vào đâu thì xẩy ra vụ Quy hoạch Đô thị Sông Hồng, hợp tác giữa Hà Nội và Seoul. Thật trớ trêu, những tài liệu chúng tôi đã nộp cho Sở Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội để thuyết minh ý tưởng của mình thì được người ta dùng, vẽ thành Công viên bờ sông có tên là Công viên Seoul và cũng có một tượng đài kỷ niệm tình hữu nghị Hà Nội Seoul gì đó.

Các Hội nghề nghiệp ở Hà Nội rộ lên làn sóng phản đối dự án QH đó và tổ chức Hội thảo ngày 15/12/2007, cương quyết bảo vệ ý tưởng xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo trên TRỤC THẦN LỘ nối Tây Hồ – Cổ Loa và Đồng Đăng, thậm chí nhiều ý kiến đề nghị nếu chưa xây được tượng đài thì cũng cần đúc một LƯ HƯƠNG LỚN BẰNG ĐỒNG, đặt ở bờ sông Hồng hướng về phía Đồng Đăng, có chạm nổi dòng chữ quan trọng: THÁI SƯ THƯỢNG PHỤ THƯỢNG QUỐC CÔNG, BẮC BÌNH ĐẠI NGUYÊN SÚY, NHÂN VŨ HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG do Vua Trần Nhân Tông phong tặng cho Trần Hưng Đạo sau Chiến thắng quân nguyên Mông lần thứ 3.  

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Bích Tuyên tình nguyện xin chịu mọi chi phí xây lò đúc đồng ở ngay bãi sông Hồng để đúc Lư hương bằng đồng.

Thế nhưng, sau QH sông Hồng bị đổ thì những kiến nghị của các Nhà khoa học cũng bị người ta lờ đi.

Vào thời điểm đó, Nhà điêu khắc Lê Công Thành như nhận được “lệnh” từ trên cao, ông lẳng lặng về Đà Nẵng gặp ông Nguyễn Bá Thanh, đề nghị thành phố Đà Nẵng cử người giúp ông xây Tượng Mẫu Âu Cơ tại Công viên Biển Đông. Ông Nguyễn Bá Thanh đã cử người làm mọi việc như Nhà điêu khắc yêu cầu.

Mọi việc hoàn tất sau ba tháng khởi công. Tượng bà mẹ Âu Cơ đặt đó, như một thông điệp của Đạo Mẫu, quốc đạo của VN, giúp cho Âm Dương hòa hợp, cản sóng Biển Đông đỡ hung giữ và giúp cuộc sống của người con yên ổn an toàn hơn.

Mấy ngày sau Tết Tân Mão vừa qua có nhiều sự kiện vui buồn lẫn lộn, khiến lòng người hoang mang, lo lắng nhiều hơn. Cách mạng Hoa Lài đã nổ ra ở Trung Đông, đang có khả năng lan sang Trung Quốc và còn đi đâu nữa chưa ai biết? Ngoài Biển Đông vẫn liên tục nổi sóng, lòng dân mong mỏi một thái độ rắn rỏi hơn từ những nhà cầm quyền, nhưng hình như “người ta” còn ngần ngại thái độ hung dữ của anh bạn vàng? Ngay cả giới báo chí cũng như đang rơi vào tình cảnh hoang mang, trắng đen lẫn lộn, trong cùng một thời điểm, VNN đưa bài khẳng định những sự thật Lịch sử về Hoàng Sa năm 1974, thì Báo Lao Động lại “tưởng nhầm” Thác Bản Giốc ở Cao Bằng là Thiên Đường của Trung Quốc? Thế rồi người dân ( và cả quan chức nữa ) không biết bấu víu niềm tin vào đâu, họ chen chúc, dẫm đạp lên nhau để đến các Đền Trần ở Nam Định, hoặc ở Hà Nam để kiếm một “túi lương” mong cho năm nay khỏi cảnh “thóc cao gạo kém” hay mua được một “mảnh ấn tín” gồm một miếng lụa màu vàng, có in một chữ Trần về treo trong nhà để cầu may. Đúng lúc đó thì tại Trung tâm Văn hóa Pháp 24 phố Tràng Tiền lại tổ chức một hội thảo và một “Giá Đồng” sang trọng, để tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng Đạo Mẫu là đạo gốc của dân Việt, rằng nếu tổ chức tốt thì hoạt động tín ngưỡng này sẽ là một hoạt động lành mạnh, giúp con người ta biết yêu thiên nhiên, đất nước, biết nhớ ơn các anh hùng dân tộc và biết thờ cha kính mẹ để tạo dựng cuộc sống ấm no và của cải nhiều hơn.

Tôi cũng như nhiều người có lương tri khác, muốn đóng góp chút gì đó giúp mọi người và tự giúp mình có thêm niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn, nhưng chưa nghĩ ra…

Rồi bỗng nhiên…sáng qua, nhà tôi ở cuối con ngõ hẻo lánh bên Đầm Bẩy cạnh Hồ Tây, bỗng nhiên có tiếng chó sủa vang, nhà điêu khắc Lê Công Thành dẫn đầu một đoàn đệ tử 4,5 người đến gõ cửa. Chúng tôi không ngờ có vinh dự được Lão nghệ sĩ già 81 tuổi đến thăm đúng lúc này? Vừa bước vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, ông già gầy gò đã sang sảng: “Ta đang nổi Đồng đây, tất cả hãy ngồi yên, nghe ta phán!”.

Thế rồi, ông nghệ sĩ già nhắc lại “duyên nợ” giữa tôi và ông:

-         Năm 1975 cô đi tìm tôi, mời tôi đến làm tượng ở Ba Đình. Nhưng mà duyên chưa đến, chưa làm được.

-         Năm 2006, cô lại đến tìm tôi để mời làm tượng bên sông Hồng, nhưng duyên vẫn chưa đến, vẫn chưa làm được.

-         Hôm nay, đầu năm 2011, tôi đến tìm cô, cô phải theo tôi lên Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn, ta phải làm tượng Thánh Mẫu trên đỉnh Mẫu Sơn. Hôm nay tôi muốn nhắc cô phải ý thức được việc này. Tôi dẫn đệ tử con nhang của tôi đến đây, cô phải làm quen, sau này sẽ cộng tác với họ.

Thú thật, tôi ngạc nhiên hết sức. Câu chuyện giữa thầy và trò kéo dài từ 10 giờ sáng đến  1giờ 30 chiều, ngay cả trong bữa cơm trưa vẫn làm việc. Ông kể chuyện ông làm tượng Mẫu Âu Cơ ở Đà Nẵng. Trước một ông già hom hem này, từ xưa đến nay tôi luôn thấy mình chỉ là cô học trò nhỏ.

Tôi hiểu rằng cái “vận” này đã trói vào tôi từ khi tôi vẽ TRỤC THẦN LỘ đi từ Phủ Tây Hồ ( nơi thờ Chúa Liễu Hạnh ) đi qua Cổ Loa ( nơi thờ Nàng Mỵ Châu ) rồi nồi thẳng lên Đồng Đăng ( nơi có Đỉnh Mẫu Sơn ) Vâng, Mẫu Sơn là một khu Du lịch rất đẹp, mùa đông ở đó có tuyết rơi. Tượng Đức Thánh Mẫu, Người Mẹ Non Sông ở đó thì không một tên xâm lược nào dám dòm ngó nữa.