Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MINH TRIẾT TRẦN MINH TÔNG

Vũ Bình Lục
Thứ hai ngày 28 tháng 2 năm 2011 5:19 AM

(Qua bài thơ SÔNG BẠCH ĐẰNG)
Phiên âm:

Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan,
Hải thẩn(*)thôn triều quyển tuyết lan.
Xuyết địa hoa điền xuân vũ tễ
Hám thiên tùng lãi vãn phong hàn.
Thiên hà kim cổ song khai nhãn,
Hồ Việt dinh thâu nhất ỷ lan.
Giang thuỷ đình hàm tàn nhật ảnh,
Thác nghi chiến huyết vị tằng can.


Dịch nghĩa:

Núi biếc cao vút, tua tủa như gươm giáo kéo lấy tầng mây
Thuồng luồng nuốt thuỷ triều, cuộn làn sóng bạc.
Mưa xuân mới tạnh, mặt đất nở đầy bông hoa, trông như những cái hoa tai xinh đẹp,
Gió chiều thổi lạnh, tiếng sáo thông nổi lên rung động cả bầu trời.
Cảnh non sông xưa và nay mở đôi mắt mà xem thử,
Ngẫm lại cuộc được thua của nước Việt nước Hồ, tựa mình im lặng bên lan can.
Trông thấy nước dòng sông rọi bóng mặt trời buổi chiều đỏ ối,
Lầm tưởng rằng máu người chết trận vẫn chưa khô.

Trần Minh Tông(1298-1356) ra đời khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông vĩ đại của quân dân triều Trần kết thúc vừa tròn ba mươi năm. Làm vua trong cảnh đất nước đã thái bình, dễ khiến những ông vua kém đức trở thành kẻ lười biếng, sa vào hưởng lạc, đắm chìm trong váy lĩnh quần hồng, rồi chết yểu, thậm chí, còn kéo theo sự sụp đổ của vương triều. Trần Minh Tông thì khác. Ông nối được nghiệp lớn của tiền nhân, nối được chí của tiền nhân. Một lần, chắc là đi kinh lý vùng Đông Bắc, đến ngắm nhìn phong cảnh sông Bạch Đằng, ông xúc động làm thơ. Lại còn là một bài thơ hay!
 Bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường, tiêu biểu cho khí cốt thơ văn thời Lý-Trần, mạnh mẽ, hùng tráng mà đằm thắm trữ tình.
 Hai câu đầu là cảnh sông Bạch Đằng ở tầm nhìn khái quát, rộng lớn. Trước mắt là dãy núi Tràng Kênh dựng san sát như luỹ thành, như gươm giáo chĩa lên trời, “cao vút, tua tủa” như muốn kéo cả tầng mây xuống. Nhìn xuống dòng sông, sóng lớn dữ dội, trông như vô số “thuồng luồng đang nuốt thuỷ triều, cuộn làn sóng bạc”.
 Chỉ bằng vài nét vẽ phác thảo, đã thấy một Bạch Đằng hùng vĩ, như thể tạo hoá đã sắp sẵn nơi đây thành đất hiểm, linh thiêng, thành chiến địa vùi chôn tham vọng ngông cuồng của bất cứ bọn xâm lược ngoại bang nào, bất kể chúng từ đâu tới. Câu thơ mở đầu đã cho thấy cái mênh mông rộng lớn của trời đất, cái dữ dội hiểm trở của núi sông, cái oai hùng của hồn thiêng sông núi, bằng thủ pháp khoa trương đầy ấn tượng. 
 Hai câu 3&4 là tả thực. Đó là những quan sát gần và âm thanh vỗ trực tiếp vào đôi tai người ngắm cảnh:
 “Mưa xuân mới tạnh, mặt đất nở đầy hoa, trông như những cái hoa tai xinh đẹp / Gió chiều thổi lạnh, tiếng sáo thông nổi lên rung động cả bầu trời”…
 Hình ảnh “mưa xuân mới tạnh, mặt đất nở đầy hoa” vẫn thấy đâu đó trong thơ Việt đương thời, và cả thơ Đường bên Tàu trước đó, không có gì mới. Nhưng so sánh những bông hoa dại (chắc là hoa cúc?) vàng rực bên bãi sông “như những chiếc hoa tai xinh đẹp”, thì lại là một liên tưởng bất ngờ, thú vị. Hoá ra, một vị vua bận trăm công ngàn việc quốc gia đại sự, vẫn có thể là một thi sỹ đa tình. Một hình ảnh đầy mỹ cảm, quyến rũ, có thể làm mềm đi những đá sắc, những sóng cồn dữ dằn, những trái tim giá băng lạnh lẽo. Sau mưa xuân, bên sông “gió chiều thổi lạnh”, lại bỗng nghe “tiếng sáo thông nổi lên rung động cả bầu trời”…Thuỷ triều dâng lên, sóng dữ và gió mạnh ùa vào rừng thông bên vách núi, tạo ra những âm thanh vi vút. Tiếng sáo thông đấy! Nó miên man bất tận như tiếng nhạc Thiên Thai phổ mãi vào đất trời non nước.
 Như thế là mầu sắc và âm thanh hoà điệu, gợi cảm xúc lâng lâng, bồi hồi, xao xuyến.
 Hai câu 5&6 chính là những suy ngẫm của tác giả, về việc đời, về sự được thua hưng phế:
 “Cảnh non sông xưa và nay, mở đôi mắt mà xem thử / Ngẫm lại cuộc được thua của nước Việt nước Hồ, tựa mình im lặng bên lan can” …
Vậy là ngắm cảnh Bạch Đằng bằng mắt, nhưng phải nghĩ bằng tâm, bằng cái đầu tỉnh táo, minh triết. Xưa nay vẫn có sự nhìn, nhưng nhìn mà không thấy. Trần Minh Tông nhìn cảnh non sông mà ngẫm việc đời, việc được thua của nước Việt nước Hồ, của Ta của Địch, mà tự rút ra những bài học của lịch sử, về sự tồn vong của dân tộc này, để thấy rõ trọng trách của chính mình và các thế hệ mai sau. Người cầm lái con thuyền dân tộc mà tâm đức như thế, minh triết như thế, thật đáng nể trọng!
 Tác giả không đi đến cùng sự luận bàn, chỉ gợi, nhưng ý tình đã đủ. Rằng đất nước còn đây, vững bền muôn thủa, đủ thấy rõ lý do của sự thắng thua thành bại. Luận bàn cho đến ngọn ngành, thì Trương Hán Siêu đã viết: “Giặc tan, muôn thủa thanh bình / bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao!”(Bạch Đằng giang phú). Địa thế núi sông Bạch Đằng hiểm trở là cực kỳ quan trọng, nhưng yếu tố quyết định thắng lợi vẫn là “Đức cao”! “Đức cao” chính là một phạm trù mở, là đoàn kết dân tộc, là vua tôi đồng lòng, là “tráng sỹ một lòng phụ tử /  hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”, là tài năng của người lãnh đạo, là chính nghĩa dân tộc, là âm đức của tổ tiên, là sự phù trợ của thánh thần…Tất cả những yếu tố trên chính là cái đức lớn yêu hoà bình, “Đức Hiếu sinh” như Nguyễn Trãi viết sau này. Thi nhân chỉ “tựa mình im lặng bên lan can” mà trầm tư nghĩ ngợi, không nói, nhưng mà “nói”rất nhiều.
 Nghĩ gần, nghĩ xa, mọi sự nông sâu việc đời thắng thua, dường như đã đủ, thi nhân lại quay về với cảnh trước mắt, đương nhiên vẫn là cảnh sông Bạch Đằng hùng vĩ:
 “Trông thấy nước dòng sông rọi bóng mặt trời buổi chiều đỏ ối / tưởng rằng máu người chết trận vẫn chưa khô”.
 Đó chính là hai câu kết của bài thơ này. Các cụ Đào Phương Bình và Nam Trân dịch là “Chan chứa dòng sông ngầu bóng xế / Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi”. Trộm nghĩ, các cụ Đào và Nam Trân có lẽ chưa chuyển tải được đầy đủ tình ý của tác giả ở hai câu kết này. Trần Minh Tông viết “tưởng rằng máu người chết trận vẫn chưa khô”, nghĩa là máu giặc xâm lăng như còn đỏ ngầu trên dòng sông Bạch Đằng, và cả máu hàng vạn những anh hùng hữu danh và vô danh con dân nước Đại Việt ta nữa chứ! Máu ta, máu giặc cùng hoà vào dòng sông, đều cùng là máu người cả, bởi “máu người không phải nước lã”. Những chiến binh phía Nguyên Mông, chỉ là những nông dân vô tội, bị ép buộc phải cầm vũ khí, phải chết một cách vô nghĩa vì quyền lợi và tham vọng bẩn thỉu của bọn cầm quyền ngạo mạn, sao chẳng đáng thương? Nên chi vua Trần Minh Tông mới viết là “máu người chết trận”, chứ không chỉ là “máu giặc”, đủ thấy một tấm lòng thương người không biên giới, một minh triết nhân văn sâu rộng đến chừng nào!
 Cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Bạch Đằng giang” của Trần Minh Tông là cảm hứng lịch sử. Âm hưởng thơ khi hào sảng phơi phới niềm kiêu hãnh, lúc trầm lắng nghĩ suy. Thơ văn viết về dòng sông Bạch Đằng, một địa danh lừng lẫy của nước Việt ta, rất nhiều. Một dòng sông huyền thoại mà gần gũi thân thương như máu thịt của chúng ta, rất đỗi tự hào. Nó đã nghiễm nhiên hoá thành lịch sử, thành điểm tựa vững vàng cho người Đại Việt, ngay cả những phút hiểm nguy nhất, như sau này sứ thần Giang Văn Minh thà chết trong tay giặc mà ca lên lời ca nghĩa khí” Đằng giang tự cổ huyết do hồng!” Văn chương như thế, thật hữu ích lắm thay, cao quý lắm thay!
    
Hà Nội 5-12-2010