Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ DUẬT, THÊM MỘT LẦN NỮA…

Tô Hoàng
Thứ hai ngày 27 tháng 12 năm 2010 7:25 PM

 

Đã bước vào những ngày cuối năm…Giữa bận bịu, tất tưởi vì mải kiếm những đồng tiền còm phụ giúp vợ con lo cho hai bữa cơm gia đình bỗng cứ mang mang, buồn buồn cảm giác vì hình như những ngày này năm trước, năm trước nữa, mình đã tiễn đưa một người anh, một người bạn thân yêu nào đó đi sang thế giới bên kia.
Thôi rồi, đó là anh Phạm Lệnh-đạo diễn ở Xưởng phim Quân đội, là Nhạc sỹ Huy Du và ..Phạm Tiến Duật.
Mới đấy đã là giỗ hết của Duật rồi ư ?
Bạn hiền ơi, âu lo, nghĩ ngợi điều gì mà không lên tiếng khóc thương Duật vậy ?

Thuở còn là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm I Hà nội, Phạm Tiến Duật thường bị anh em trêu chọc vì cái mũi hơi khoằm, chân tay dài ngoẵng, dáng dấp con gái. Trong cái túi vải đựng sách vở đeo bên hông, bao giờ anh cũng mang theo một cuốn sổ nhỏ chép những bài thơ ngắn, nửa như ca dao. Nhưng it ai đóan định được rằng, sau này anh sẽ trở thành nhà thơ. Vì anh rất say mê và nhiệt tình tham gia tốp ca nam của khoa, dàn đồng ca của trường.
Đầu tháng 8 năm 1964, vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp xong, chúng tôi xung phong nhập ngũ. Mang mộng văn chương, cần phải xê dịch, không thằng nào thích nghề “gõ đầu trẻ” cả. Tôi, Vương Trí Nhàn, Phạm Tiến Duật được điều về Sư đòan 316, Quân khu Tây Bắc, được huấn luyện thành lính bộ binh, chuyên đánh rừng. Sau sự kiện mồng 5 tháng 8, đất nước đã bước vào thời chiến. Các đơn vị quân đội luôn ở tình trạng báo động số 1, số 2. Bị quần thảo tập tành vượt những đỉnh núi cao, những ngọn thác dữ; bữa ăn chỉ có độc món bí đỏ; nhớ Hà nội, nhớ những nàng Đuxinê (1) vô tả, nhưng rất vui vì được thử thách, vì sổ tay dày lên những dòng ghi chép sinh động, mới lạ hứa hẹn cho những trang văn sau này.
Sau sáu tháng huấn luyện, đánh đùng một cái chúng tôi bị gọi trở về Hà nội. Té ra, “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Cho làm lính vừa đủ biết mùi vậy thôi, bây giờ đeo binh nhì về dạy văn hóa tại các binh quân chủng. Chúng tôi lồng lên làm đơn gửi khắp nơi xin được về các đơn vị chiến đấu, xin vào Nam. Để có cơ hội mà trở thành những Konstantin Simonov, Ilya Erenbuar, Ernest Hemingway..Tôi gặp may vì được gọi nhập học lớp đào tạo phóng viên chiến trường. Vương trí Nhàn nhăn nhó vì có thể sẽ bị điều sang Quế Lâm (Trung quốc) chăn dắt đàn vương tôn công tử con các vị tướng, tại trường Trỗi. Phạm Tiến Duật vẫn dạy học ở Cục Vận tải quân sự. Chẳng bao lâu sau, chú chuột này  sa chĩnh gạo: Cục Vận tải quân sự sát nhập về Bộ Tư lệnh 559 và từ đó Phạm Tiến Duật bắt đầu quãng đời Trường Sơn Đông nhớ Trường sơn Tây!
Với một bài thơ không nổi tiếng lắm trong chùm thơ Trường Sơn, bài “Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và Tôi” Duật viết:

Trong khi bụi mù tứ phía
Tôi muốn xoay cửa kính lên
Đồng chí lái chính không muốn
Đồng chí lái phụ ngồi yên

Giữa đường gặp một cô gái
Tôi nghĩ cô này xinh đây
Đồng chí lái chính hớn hở
Đồng chí lái phụ cau mày…

 Buồng lái những chiếc xe Zin, xe Trường Xuân thừa chỗ cho lái chính, lái phụ, thêm một chàng “ Tôi” nữa thì có chật chội gì? Huống hồ chàng “Tôi” ấy lại là một cử nhân văn chương, biết đủ thứ chuyên kim cổ, đông tây; lại cùng tuổi với lái chính lái phụ, cùng bừng tỉnh ngủ tức thì khi tình cờ xuất hiện “ những bóng hồng” trên đường. Gạo, mì chính, thịt hộp, lương khô thì cánh lái xe dư thừa. Khi xe bị pa-ti-nê trong bùn lầy hoặc lúc xe lên lên dốc chàng “ Tôi” săm sái, năng nổ ghé vai đun đẩy cùng họ. Chàng “Tôi “ấy lại bình tĩnh khi xe vượt trọng điểm đang nhóang nhòang trong lửa đạn. Hoặc cùng lái chính, lái phụ và đám thanh niên xung phong dỡ hàng trên xe xuống khi phía đuôi xe lửa napal đã bén cháy, đe dọa lửa sẽ lém tới những thùng đạn cối 120, 160 chất đầy trong thùng xe. Duật đi theo những chuyến xe chở đạn, gạo, chở thương binh vượt các cung đọan địch đánh phá ác liệt trên đường Trường Sơn như đi trong cơn mộng du. Những năm ấy tôi cũng có dịp vào, ra Trường Sơn dăm ba lần mà gặp được Duật thật khó. Có tin anh đang ở trạm giao liên phía trước. Đi vượt trạm, tới nơi, anh đã rời trạm đi rồi. Lại có khi, biết anh đang đi với đội xe vào, đón đường chờ, thất vọng vì anh rẽ lên thăm  một chốt phòng không cheo leo trên một đỉnh núi. Lính lái xe, thương bệnh binh đều như tự hào, sung sướng vì được gặp anh, đều khoe họ thuộc lòng nhiều bài thơ của anh, mới nghe anh đọc thơ tối hôm qua, tối hôm kia. Và sau rốt, bao giờ anh chị em cũng rút trong túi ngực ra bài thơ anh tự tay chép tặng mỗi người. Duật thuộc quân số Ban Tuyên huấn, Cục Chính trị, Đoàn 559. Anh dễ dàng xin cánh văn thư một xếp pơ-luya để chép thơ tặng đồng đội. Nhưng anh không thích như thế. Anh xin cánh pháo thủ thứ giấy bao ngòi liều đạn cối, đạn pháo tích sẵn trong ba lô lính để dùng làm giấy chép thơ. Nét chữ của Duật khá bay bướm, dưới mỗi khổ thơ anh đều vẽ một bông hoa nho nhỏ. Ngay cả phía cuối chữ ký của anh cũng ngoắc thêm một bông hoa như thế. Những bài thơ chép tay trên mẩu giấy dầu xé vội, lem nhem dầu mỡ, khói đạn, bùn đất Trường sơn – theo Duật có gì đó chiến sự hơn, đời hơn. Duật thường khoe, anh vừa sáng tác, vừa làm luôn công tác in ấn và phát hành là như vậy đó.
 Những lần tình cờ gặp Duật, tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh than van súyt bị bỏng vì xe cháy ở nơi này, thóat chết ở nơi khác. Chỉ thấy anh khoe những nơi đã tới, gương dũng cảm của đồng đội ở ngầm cạn này, cua đường chữ A kia..Và say sưa đọc những bài thơ mới. Từ mảnh đất nhiều đạn bom, từng ngày từng giờ chiềng mặt với cái chết, thỉnh thỏang được ra Hà nội, điều mà Duật thích thú nhất là được ngồi với chén trà nóng, điếu thuốc “Tam đảo” bao bạc mà tào lao với những Đỗ Chu, Nghiêm Đa Văn, Lưu Quang Vũ, Lâm Râu…Còn một điều thích thú khác nữa là anh phải gắng gỏi tìm mua bằng được tờ báo “ Khoa học và Đời sống”. Thuở ấy, ở ta không có những tờ báo, tạp chí hoặc mạng intenest đăng mọi thứ chuyện cần biết hoặc tò mò muốn biết như bây giờ. Duật chăm chỉ đọc báo “ Khoa học và Đời sống” thâu gom các kiến thức về cây cỏ, hoa lá, chim muông, mưa nắng.. để chế biến ra, tạo thành những chi tiết lạ trong các bài thơ Trường Sơn mà chúng ta bắt gặp bây giờ.
 Nhiều người đã viết, đã nói về cái hay, cái đặc sắc trong thơ Trường sơn của Phạm Tiến Duật. Hồn thơ- dĩ nhiên- đó là sức rung động của anh đối với cuộc sống, với con người và những kỳ tích của Trường Sơn huyền thọai. Cách diễn đạt của thơ anh có phần hơi…sẩm xoan, bởi lẽ cái hiện thực anh chứng kiến hàng ngày khó khuôn bó chỉ trong thơ mà cứ muốn tuồi sang địa hạt văn xuôi.Còn cái làm nên giá trị của thơ anh-phải nói thẳng thừng ra rằng, không có nhà thơ nào, kể cả lớp đàn anh lẫn lớp cùng thời, đã lăn lộn, đã sống chết với từng cung đường Trường Sơn; đã san sẻ vui buồn , âu lo, cùng với những người lính Trường Sơn như Duật để viết ra những câu như:  Muỗi bay rừng già cho dài tay áo. Hết rau rồi em có hái măng không?  Mai ngày giã bạn ta về. Nghe tiếng kẹt cửa nhớ tre rừng Lào. Mấy con chó đùa rỡn nhau trong rừng vắng.Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi…Những chi tiết, những liên tưởng sống động, cụ thể như thế nhiều không đếm hết trong thơ Duật và trở thành món đặc sản của thơ anh. Những người lính thích thơ anh cũng vì những câu thơ như vậy-những câu thơ nói giúp họ những điều họ cảm nhận, họ rung động mà không thể thốt ra thành hình, thành sắc màu,thành nhạc cho bất tử với thời gian, với không gian.
 Bạn ơi, bây giờ trong lĩnh vực lịch sử, địa lý, hành chính đâu đâu người ta cũng dùng mấy từ quen thuộc TRƯỜNG SƠN ĐÔNG, TRƯỜNG SƠN TÂY. Tựa như mấy tiếng ấy có từ thời Vua Hùng, thời Bà Trưng, Bà Triệu. Riêng tôi, bằng vào trí nhớ của mình, tôi đinh ninh tin rằng khái niệm (hoặc cái tên Trường sơn Đông, Trường Sơn Tây ) chỉ ra đời bởi chính từ bài thơ “ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của anh.  
 Hồi tôi sống ở chiến trường B3 ( Tây nguyên) anh em thường kháo nhau: Ra Binh trạm 47 ( Binh trạm cuối cùng của tuyến đường Trường Sơn, nằm trên đất Nam Lào), cố vượt dốc, lội thác mà tới bản Đak-Tụt; rồi đi một ngày cật thì tới bản Lăn Tăn, rồi đi thêm nửa ngày nữa đặt chân tới huyện lỵ Lằng Khằng. Ở đó sẽ gặp những ngôi chùa bom đạn chưa phá hủy, những đêm trăng sáng ngan ngát hương thơm hoa đại; những nhà sư Lào mặc áo cà sa màu vàng, những cô gái Lào da trắng bóc, dù xanh dù đỏ che nghiêng, e ấp dấu nụ cười có hai  lúm đồng tiền thiệt sâu... Chao ơi là thèm khát, là ước ao đối với những thằng lính quanh năm suốt tháng không hề nhìn thấy một mớ tóc dài, một tấm lưng thon; bị giam hãm bịt bùng giữa những cánh rừng nồng nặc mùi khói bom khói đạn  như chúng tôi. Bỗng một đêm nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt nam ngân nga bài thơ “ Hang đèn chín ngọn” của Duật trong đó có câu:

Buổi tiễn nhau, chỉ buộc tay rồi đó
Chăm- pa đi Lằng khằng huyện nhỏ
Ôi, thằng cha đã vào tận nơi đó, hưởng lộc trời  trước bọn mình rồi sao? 
        
TP HCM, tháng cuối năm 2010, ngày Duật mất       


Ghi chú :
-Ảnh: Thuở Phạm Tiến Duật là lính Trường Sơn 
-( 1) Nàng Đu-xi.nê, người tình trong mộng của Don Kihote