Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÙM TRUYỆN NGẮN MINI CỦA NGUYỄN HIẾU

Nguyễn Hiếu
Thứ hai ngày 27 tháng 12 năm 2010 7:56 PM
 
1. Đứa con gái ấy .
 
             Chỉ căn cứ vào vóc dáng bề ngoài thì đứa con gái đó đoán cho hết mức cũng chỉ độ 14 cùng lắm là 15. Tôi đã ngoại 60 vậy thì nếu đứa con gái ấy là con tôi thì tôi tin nó được hình thành sau một chuyến công tác dài ngày. Tôi nói đến chuyến công tác dài ngày vì lúc đó tôi đã xấp xỉ 50. Cái tuổi mà thằng đàn ông xứ ta đã chuẩn bị bước sang thời hao hao như giai đoạn mãn kinh của đàn bà, mọi ham muốn đã về chiều và ở vùng nông thôn ngoại thành cách đây nửa thế kỉ và vùng đồng ruộng hẻo lánh cách Hà Nội mở rộng hơn trăm cây số người ta đã gọi bằng ông và có người kĩ tính đã gọi bằng cụ một cách trân trọng. Nhưng sau chuyến công tác dài ngày có thể do xa cách vợ lâu, cũng có thể vì cố làm ra vẻ nhớ nhung và cũng để chứng minh một cách vật chất về sự chung tình với vợ thì gã đàn ông trên dưới 50 sẽ có một đêm giống như sự nồng nàn thời đương thì với vợ. Sau chín tháng mười ngày của lần đắm say hãn hữu, gắng gượng đó sẽ tòi ra đứa con gái như thế này đây. Trông con bé thật khỏe mạnh và tươi rói theo kiểu của cái bắp cải được chăm sóc, tưới tắm theo phương pháp cổ truyền của nông dân Việt nam gồm có nước giải tích ở nồi đình pha loãng bằng nước ao, hay phân chuồng ủ gốc chứ không phải thứ đẹp nõn nà, lừa đảo bởi thuốc tăng trưởng Tầu. Chiếc bắp cải này mới vào thời kì chớm cuốn lá. Chính vì thế nên ngay cả trang phục của nó thật quá kiệm vải với chiếc quần sóc bò gấu te tua và chiếc ao hai giây màu vàng nhạt thì con bé vẫn tịnh không gợi lên một chút ý nghĩ vẩn đục nào kể cả từ những cái đầu con trai, đàn ông chỉ lăm le nghĩ đến chuyện nọ chuyện kia với đàn bà, con gái. Cả thân hình con bé đang cúi khom trên chiếc xe đạp thể thao toát lên sự  trẻ trung, trong sáng pha đôi chút tinh nghịch. Xe tôi vừa đến đó thì đèn tín hiệu chuyển màu đỏ. Ba chiếc xe máy đang bao quanh con bé hình như không thèm để ý đến tín hiệu đèn đỏ. Cả ba đứa lầu bầu cố lách xe qua những chiếc xe của những người đang dừng trước vạch sơn. Thằng con trai mặc quần vải bạt mầu đen, đầu không đội mũ bảo hiểm khi vượt qua con bé đang hạ một chân dừng xe xì ra một câu “con hâm, mày sợ cái gì mà không vượt “. Đôi môi gọn, mỏng có nét của con bé cong lên, đôi mắt trong veo của nó nhíu lại . Hình như con bé cũng biết tôi nghe được lời của thanh con trai quần bạt, nó quay sang nhìn tôi. Đôi mắt hiền lại, đôi môi gọn, mỏng, có nét của con bé mấp máy. Tôi nghe rõ tiếng của nó. “Bọn nó láo quá bác nhỉ. Đèn đỏ như thế mà không dừng. Đúng là … “. “Cháu đi xe đạp cơ mà” . Tôi nói khẽ với nó. Đôi môi con bé lại mấp máy.”Không, cháu không muốn các bác khinh ngầm cháu”. Nghe con bé nói tôi ngẩn người ra. Làm sao tôi không ngạc nhiên trước một câu nói chứa đựng rất nhiều điều từ một đứa con gái đang tuổi nghịch ngợm. Lâu lắm rồi, tôi mới nhận ra ở giữa đường Hà Nội lại có thanh niên suy nghĩ có thể coi là lạ như vậy. Mải nghĩ tôi không để ý đến ánh bật lên và con bé đã nhổm người đạp xe vọt đi từ lúc nào. Đầu óc tôi miên man đủ thứ suy nghĩ, để rồi đột ngột tôi phải đạp gấp phanh khi chặn ngang đường là một đám đông nhốn nháo. Tôi xuống xe. Đám người nhốn nháo bao quanh một đám đang ẩu đả nhau. Tiếng con gái the thé nổi lên giữa muôn ngàn tiếng lào xào cùng những tiếng va chạm của những nắm đấm va vào cơ thể. “Tiên sư chúng mày, có giỏi thì có trò gì giở hết ra”. Tiếng huỳnh huỵch cùng tiếng hò hét, chửi quát cùng tiếng xuýt xoa đan vào nhau nổi lên . Rồi một tiếng con gái thét lên thật to “mẹ mày chấp hết chúng mày đấy. Cậy đông hả Được rồi. Có giỏi thì đợi mẹ mày ở đây”. Đám đông chợt rẽ ra. Một chiếc xe đạp lao khỏi vòng vây. Trên xe là cái dáng tươi trẻ của đứa con gái trong chiếc áo hai giây vàng nhạt ướt đẫm mồ hôi. Đằng sau nó là thằng con trai mặc quần bạt đen đang đứng hơi xiêu về  phía trước . Tay nó giơ nắm đấm về phía đứa con gái đang dần mất hút ở chỗ ngoặt phó. Tôi ngồi lên xe cố nén tiếng thở dài .
Chiều Quỳnh Mai 1/10
Người thích rậm mình

          Ông có tuổi rồi, lại thuộc típ người cả nghĩ. Khổ nỗi ông laị toàn nghĩ về những chuyện đâu đâu không dính dáng gì đến mình. Kiểu như ba ông ăn mặc sang trọng, tay xách cặp da đàng hoàng, ngồi trên xe hơi bóng lộn mà thò tay vứt toẹt vỏ thuốc lá, rối giấy lau tay ra đường cũng làm ông day dứt, muốn chạy ngay đến bắt chiếc xe dừng laị để nói mấy câu cho hả. Đứa cháu nội mới học lớp hai mà cặp thì rõ nặng đến trĩu vai, cả ngày, cả tuần chỉ thấy đi học hết phụ đạo, lại đến học ngoài giờ. Chung qui chỉ vì thầy cố muốn kiếm thêm. Nền giáo dục mà trẻ con trĩu vai, bố mẹ thủng túi như thế thì con trẻ nên người làm sao được. Khi đồng tiền đã len vào nhà trường, bục giảng  thì đâu còn đạo thầy trò tôn sư trọng đạo nữa… Cứ theo cái sự nghĩ đó thì biết, chỉ người có tâm sống lâu mới nghĩ ngợi lẩn thẩn như thế, chứ bọn trẻ và những ngừơi đương chức đương quyền đâu có để ý. Bực bội không đâu trong ông bật nói ra lời thì hai thằng còn lại lầu bầu “ đấy không phải việc của bố “. Ngay bà vợ cũng bảo “ ông toàn lo việc triều đình. Người ta sống được mình cũng sống lo gì”. Phòng làm việc và cũng là phòng ngủ của ông trên gác hai. Lướt mạng, xem tivi xong cũng chòm chèm hơn mười rưỡi. Mắt chớm thấy mỏi ông bèn ngả lưng xuống hi vọng giấc ngủ sẽ đến. Nhắm mắt được một lúc ông chợt mở mắt hướng tai ra cửa sổ lắng nghe. Có tiếng gì rào rào liên tục khi đậm khi nhạt vẳng lên. Ông ngồi nhỏm dậy, bật đèn.Vợ ông từ phòng bên cất tiếng. “ Tắt đèn đi cho cháu nó ngủ. Mai nó phải đến lớp tập trung sớm”.” Bà có nghe thấy tiếng gì không. Rõ ràng trời khô ráo.Thời tiết nói rồi. Vậy mà…”. “Tiếng gì đâu, ông chỉ toàn nghe hểnh nghe hoảng ”.” Bà nghe lại xem nào. Có tiếng lào xào thật. Hình như tiếng nước chẩy thì phải “.”Úi dào tưởng gì . Đúng đấy. Ông không nhớ mấy hôm nay công nhân người ta xây lại đường cống à ?””Xây đường cống thì can hệ gì đến nước chẩy “.”Ban chiều một chú công nhân vô ý làm vỡ ống nước “.”Thế cho nên nước chảy tung tóe chứ gì . Từ chiều ?’”Chứ sao nữa. Vì thế nên từ tầng ba cả khu này đều không có nước dùng .Thấy bảo vì áp lực, thủy lực gì đấy yếu nên ra sự ấy. Nhà mình cũng thế ” ”.” Tạm thời không có nước dùng tầng ba cũng chưa chết ai . Cái chính là lãng phí nước. Chảy hàng chục giờ đồng hồ như thế thì tốn phải biết. Làm ăn như thế là vô trách nhiệm, mà cả mấy ông lãnh đạo dân phố này cũng quá thờ ơ”.”Thôi ông ơi, ông khẽ mồm chứ cho cháu nó ngủ. Lúc ống vỡ đã hết giờ làm việc rồi “.”Hết giờ mà là hết tránh nhiệm hay sao.Hừ, không thể tưởng tượng được. Ai cũng tắc trách thế thảo nào. Thế giới ngừơi ta đã cảnh báo. Chỉ chục năm nữa thôi, loài người không chết vì bệnh tật đâu mà chết khát vì thiếu nước “.”Thôi,  bố ơi. Bố ngủ đi. Con xin bố. Truyện có phải của nhà mình đâu cơ chứ “.Thằng con đến bên ông từ lúc nào, vừa nói vừa chắp hai tay vái liên tục. ”Hôm nao bố cũng thế này thì con ngủ làm sao được “. ”Ông thương con cháu, ông đi ngủ cho tôi nhờ “. Nghe vợ con nói ông lẳng lặng vào phòng. Ngả lưng xuống rồi, ông xoay đủ chiều mà không tài nào ngủ được. Hình như tiếng nước lúc này lại to hơn vì đường ống bị phá rộng hơn.”Chết, chết. Vô tránh nhiệm một tí là thiệt hại vô kể. Tệ một nỗi là ai cũng chỉ biết lo cho việc nhà mình “…..
               Sáng hôm sau, lật mình dậy là ông đã mở cánh cửa sau nhà nhìn ra. Đường ống cống đang xây chan chứa nước, trong khi từ ống nước vỡ toách nước tuôn ra xối xả. “Thế này thì còn gì là nước …”. Đang lẩm bẩm ông thấy một tốp công nhân đang khom lưng đi tới. Ông cau mặt, chỉ thẳng tay vào chỗ nước đang tuôn xối xả:
- Các cậu không thấy sót ruột à ?
- Úi giời ơi nước lã chứ có gì mà bố bảo sót ?
- Nước mà không là tiền của hay sao.
       -  Bố quan trọng hóa quá. Người ta còn vứt đi hàng đống của cải trị giá hàng vài chục nghìn tỉ còn chả sao nữa là …
- Cậu nào hôm qua làm vỡ ống nước
    Tốp thợ sững lại khi nghe ông hỏi. Một cậu cao to, mặt đen bóng hơi cau mặt :
- Hình như ông không phải là tổ trưởng dân phố. Đúng không ?
       -   Phải biết sót ruột chứ. Cả đêm qua chí ít cũng hàng trăm khối nước mất đi vô ích .
- Có phải nước nhà bố đâu mà bố lắm chuyện thế .
- Các cậu phải bịt ngay đi trước khi tiếp tục.
- Chúng tôi không bịt thì ông làm chúng tôi. Mà kể cả ông có gọi lên giám đốc công ty nói chuyện này thì ông ấy cũng cười cho đấy. Việc bằng cái mắt muỗi lại làm to chuyện.
- Các câu không bịt tôi dứt khoát không cho các cậu làm nữa
        Vừa nói ông vừa đi đến chỗ ống nước đang chảy xối xả, ông vừa định cúi xuống thì tay công nhân mặt đen bóng túm lấy tay ông vừa giật mạnh vừa nói to:
      -Thách ông đấy. Đừng có vớ vẩn .
             Ông cảm thấy chân ông như bị tụt xuống một cái hố rất sâu đó khủy tay trái và đầu ông đập mạnh vào thứ gì đó rất cứng. Mắt ông tối xầm, ông không biết gì nữa .
Quỳnh Mai tháng 10/2010
 
Khi người ấy ở hai nơi

                                                  
             Quán bia ấy đang đến điểm đỉnh. Tiếng ồn ào, náo loạn do tác động của chất men nằm trong thứ nước uống được giống người phát hiện từ vài nghìn năm nay và cho đến giờ phút này nhân loại vẫn chia hai phái để phồng mang tranh luận nhau rằng đó là một phát minh vĩ đại làm lợi cho con người hay là một quà tặng ác độc của ma quỉ làm băng hoại thế giới động vật cao cấp đi thẳng bằng hai chân. Vốn là kẻ nhút nhát, lại bị ảnh hưởng quá nhiều tin tức về các vụ án đăng tải trên báo chí. Thoáng chút thở dài. Chưa thời buổi nào người ta có thể đâm chém, giết nhau vì những nguyên nhân đơn giản như vậy. Khi chỉ bởi một cái nhìn có thể rất thiện cảm nhưng bị hiểu lầm thành nhìn đểu, hay chỉ tại cổ áo của anh làm khó chịu một gã nào đấy, nhất là trong người gã ta đang có chất nước quà tặng của ma quỉ. Tôi lại đang đi một mình. Về nhà không kịp, giấy mời cuộc họp ghi rõ một giờ 30 phút, vậy thì chỉ có thể uống một cốc để giải cơn khát đang dày vò. Thôi cùng đành. Mình sửa soạn lại một chút cổ áo, rồi cụp mắt bước vào phía ngoài cùng của quán. Cố rặn ra một nụ cười nịnh nọt với thằng con trai chạy bàn mồ hôi đang chảy dài trên khuôn mặt đỏ hắt để nó đặt xuống cốc bia, sau đó mình sẽ nhanh chóng uống hai hơi cho cạn rồi nhanh chóng rời khỏi quán. Rón rén ngồi xuống chiếc ghế nhựa đỏ, cúi gằm mặt vào cốc bia đang do chính tay mình nâng lên, đôi môi khát khao chưa kịp chạm vào thành cốc mát lạnh đến sùi  bong bóng để thụ hưởng thì có tiếng vật gì đúng là thuộc thứ đồ cứng kiểu như gỗ hay sắt gì đấy đập vào nhau. Tôi rụt cổ kín đáo ngước nhìn về phía tiếng động, hơi sững lại khi nhận ra gốc tích của tiếng động đó bắt đầu từ cuốn sổ khá dầy màu đen đang trên tay người đàn ông cao đến một mét bảy, da mặt hình như có màu da nguyên thủy không thuộc loại trắng trẻo, giờ lại như xạm hơn vì tức giận, và cũng có thể vì đôi lông mày rậm rì, đen kịt. Bàn tay có những ngón tay tròn, lẳn ngắn chỉ thẳng vào một người nhỏ bé đang cố giữ nụ cười cầu hòa :
           - Mày đã nhìn kĩ mặt thằng anh mày chưa mà dám bảo là tao say. Này còn lâu nhé, cứ phải dăm vại nữa anh mày cũng chẳng mùi mẽ gì. Không tin anh với mày cùng uống. Mày chơi bao nhiêu anh mày chiều mày từng nấy…
           - Em đâu dám bảo anh sếp say. Em chỉ muốn nhắc là chiều nay sếp phải họp …
           -  Bố láo. Họp trên thành phố, trên trung ương cần tao tham luận, phát biểu tao còn chả ngán nữa là họp ở cụm công ty lằng nhằng này…
          -  Bố không say mà lúc nãy nghe điện thoại của con mẹ ấy cứ líu hết cả lưỡi.
            Gã đàn ông lùn tịt mặc dù đang bị tay bé nhỏ liên tục lấy khủy tay  tay hích hích vào mạng sườn nhưng vẫn thao thao trêu .
         - Này thằng kia, tao nể mày là bạn thân thằng đệ ruột của tao. Mày tưởng mời được tao ra uống thì mày có quyền nhận xét tao hả. Ranh con. Nứt máu mắt. Láo quen. Thôi tiền bữa này tao gỉa. Cần đếch gì vài đồng tiền rách của mày mà sĩ diện.
  - Kìa sếp. Em đùa tí thôi. Sếp tự ái làm gì .
         - Tự ái, tự ái cái cứt. Đồ ngu, nói điện thoại với đàn bà con gái cứ toang toang ra thì có mà ăn cám cho chúng nó. Hiểu chưa. Thôi câm ngay đi, không đừng trách tao. Tao ý à. Từ bé đến nay chưa biết sợ thằng chó nào hết kể cả tay thứ trưởng hôm nọ xuống định khiền tao. Tiên sư khỉ, dúi cho cái phong bì thì nhũn như bún rối  …Còn thứ mày…
- Em nói em xin đại ca rồi còn gì …
            Vừa lúc đó gã ‘sếp” nhìn về phía tôi. Hốt hoảng tôi bèn vừa đánh mắt ra chỗ khác vừa uống thật nhanh cốc bia khiến chỉ thiếu chút nữa tôi nghẹn . Đặt cốc xuống thật nhanh, làm thêm động tác đưa tay lên xem đồng hồ , trả tiền cùng thật nhanh cho đứa con trai chạy bàn, tôi cố thu người nhỏ hơn bình thường hi vọng tránh ánh mắt của người đàn ông có máu yêng hùng,  len lén bước vội ra chỗ gửi xe.
                Loanh quanh mãi để nguôi nỗi sợ mơ hồ về người đàn ông trong quán bia cùng hai lần bị tắc đường, tôi đến cuộc họp được mời trễ đến gần 50 phút. Tôi chưa yên vị thì gã đồng nghiệp của tôi vỗ nhẹ vào cánh tay tôi nắc nỏm vẻ thành thạo :
         -   Thằng cha vừa đi học chính trị cao cấp về có khác .Nói hay ra phết .
            Không ngẩng mặt lên, tôi hỏi chiếu lệ:
- Sao cậu biết ?
       -  Thì tớ vừa học chính trị cao cấp với tay ấy chứ đâu. Trông thế nhưng bình dân lắm. Tiền nhiều nhưng chỉ khoái bia hơi thế mới lạ .
          Nghe tiếng “bia hơi “ tôi giật mình ngẩng lên và lại thêm một lần cảm thấy sống lưng có một đường lạnh chạy suốt khi nhận ra khuôn mặt da xạm, đôi lông mày rậm rì. Bàn tay có những ngón ngắn, tròn cầm cuốn sổ đen đang đều đặn đưa lên đưa xuống làm nhịp cho lời nói :
        -  Thưa các đồng chí. Nếu chúng ta cứ vin vào cơ chế thị  trường thì chúng ta sẽ bỏ quên nếu không muốn nói là xem nhẹ tình người của chế độ chúng ta. Bao nhiều trẻ em các vùng sâu vùng xa không được đến trường đến cái ăn còn chưa đủ. Rồi còn bao nhiêu bà con đang khốn khổ ở các vùng bão, lụt. Kinh doanh sòng phẳng để kiếm lãi thì dễ nhưng chúng ta cần cân đối giữa lợi nhuận với trách nhiệm của tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
             Tràng vỗ tay làm mồi lẹt đẹt vang lên kéo theo cả hội trường ran lên tiếng của hàng trăm bàn tay đập vào nhau. Tai tôi ù lên trong khi tay đồng nghiệp của tôi gật gù và lẩm bẩm câu gì không rõ .

Quỳnh mai ngày thứ 5 Đại Lễ 2010
Nguyễn Hiếu