Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỬA KHẨU TÂN THANH LAN MAN KÝ

Vũ Duy Chu
Thứ sáu ngày 24 tháng 12 năm 2010 9:24 PM
 
Chúng tôi đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tầm 4 giờ chiều nên“ Thiên đường mua sắm” này đã vãn người. Tuy thế khu vực chợ Trung tâm nhiều cửa hàng bán quần áo, dày dép, túi xách, điện máy, đồ chơi trẻ em vẫn còn mở cửa. Tôi nhìn sang phía Trung Quốc: Một khu nhà đồ sộ sắp hoàn tất, như một quả núi, chính diện cửa khẩu, chắn trọn tầm mắt. Tôi ước lượng tòa nhà ấy cách chỗ tôi đứng chừng 400 m là cùng.
Hàng hóa Trung Quốc đổ bộ vào rất nhiều quốc gia trên thế giới. Người Việt ưa gọi là hàng Tàu. Hàng Tàu đã len lỏi vào tận ngóc ngách mọi làng quê phố thị Việt nam, với giá rẻ đến mức kích thích, tạo ra nhu cầu tiêu dùng cầu ảo. Tôi ghé vào quầy bán quần áo ấm. Một chồng áo len dài tay dầy dặn, đủ mẫu mã, đồng giá 70 ngàn đồng một chiếc. Quần Jean các cỡ các màu, đồng giá 120 ngàn đồng một chiếc. Chiếc đèn pin bằng nhựa chính phẩm, loại nhựa dùng làm vỏ tivi bóng và rất cứng, to bằng ngón chân cái, có gắn sẵn viên pin, giá 18 ngàn đồng. Một rừng đồ chơi, đồ dùng trẻ em sặc sỡ, tha hồ…
Trên đường từ Cao Bằng về Lạng Sơn, bạn tôi bảo rằng hãy cảnh giác với sự nói thách của những người bán hàng ở cửa khẩu Tân Thanh, nhất là người Tàu. Cái giá của họ đưa ra to bằng con voi so với giá thực bán bằng con ễnh ương, nên nhiều người mua hàng trả giá kiểu gì cũng dính đòn. Sự nói thách với giá cắt cổ ấy phải gọi tên của nó là sự lừa lọc mới bõ ghét.
Tôi đã từng mua hớ nhiều món hàng ngay tại Thượng Hải, Bắc Kinh. Không đoàn du khách nào của Việt Nam sang Tàu mà không mắc phải sai lầm khi mua hàng hóa. Người thì mua kem thoa mặt có bột ngọc trai. Người thấy võ sư Tàu tuốt tay trần vào dây xích nung đỏ lừ thì mua ngay kem trị bỏng. Kẻ thấy thầy lang Tàu bẻ cẳng gà cái rốp, bó thuốc vào chỗ gẫy, vài phút sau gà phơi phới chạy vượt rào thì vội vàng mua thuốc trật đả. Mít-xì-tơ nào ghiền trà thì mua bình gốm pha trà làm từ đất sét khoáng moi từ độ sâu 300 mét, uống trà pha trong bình này khỏi ối bệnh… Mấy anh Tàu quảng cáo hàng thì nói tiếng Việt véo von, tự giới thiệu em là người Trung Quốc sinh sống ở Định Quán Đồng Nai mấy chục năm, em sinh sống ở Chợ Lớn mấy chục năm, sau tháng 2.1979 mới về bên này…Cô bác anh chị mình mua đi, giá ưu đãi…. Mật đã rót đầy tai thì tay mở ví thôi…
Ngã tư phía ngoài chợ Trung tâm loa điện tử oang oang, quảng cáo rằng đang bán hàng khuyến mãi của Công ty Liên doanh thương mại Việt Trung. Giá một cái áo “da bò rừng xịn” từ 6 triệu còn 1,8 triệu đồng. Áo sơ mi giảm chỉ còn 100 ngàn đồng ba chiếc. Vậy mà khi tôi hỏi mua bộ quần áo thể thao gắn mác Adidas, người bán hàng hét giá 500 ngàn đồng một bộ. Tôi trả giá 150 ngàn đồng rồi giả vờ bỏ đi. Trả lên 180 ngàn đồng rồi giả vờ bỏ đi lần nữa. Vẫn không thấy người bán gọi lại. Chiêu mua hàng này do anh bạn cùng đi chỉ cho tôi đã bị bắt bài chăng?
Người ta hay dùng cụm từ “hàng Tàu” để chỉ hàng kém chất lượng. Quả thực quần áo may sẵn của Tàu đường may không thẳng, chỉ vắt sổ thưa và hay tuột. Hoa quả Tàu trông cực ngon nhưng ướp nhiều chất bảo quản độc hại. Đồ điện máy, gốm sứ Tàu hay hư, rạn. Người ta lại nói hàng Tàu dỏm là hàng do các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ sản xuất, chứ hàng quốc doanh hoặc các công ty đại gia thì cũng uy tín ngon lành. Cũng có lý.
Tân Thanh mưa lắc rắc và lạnh buốt. Tự nhiên tôi nghĩ đến những cái quạt điện để sưởi ấm mà các ông bà già, các bà mẹ trẻ mới sinh nở ở quê tôi khen nghi ngút. Giá lúc cuối thu năm trước chừng 300, 350 ngàn đồng một chiếc. Vào đông, đợt rét đậm rét hại kéo dài, giá lên tới 1 triệu, 1,2 triệu vẫn không có mà mua. Lên tận Hà Nội cũng không có. Năm nay tôi về quê, thằng cháu tôi vẫn còn hỉ hả loại quạt này, dùng sà sã đâu hỏng hiếc gì. Con nó còn bé tí mà lị…
Nói cho công bằng, những người dân nghèo quê tôi đã mấy phen được “mát mặt” nhờ có hàng Tàu. Thanh niên diện Veston 250,300 ngàn đồng một bộ, cưỡi Dream Tàu 5, 6 triệu vi vu đường làng, phố huyện. Chăn nệm vừa mỏng, vừa ấm rực, cô dâu chú rể nào cũng mê mẩn. Bây giờ bói không ra một cái chăn bông dày cộp 4, 5 ký nữa. Dân làm ruộng đâu biết nhập siêu là gì. Họ chả hiểu tại sao lại phải tấy chay hàng nọ hàng kia, thứ hàng mà họ nằm mơ không thấy, bỗng lù lù trước mặt, vừa với túi tiền thì…sướng âm ỉ.
“Thương trường là chiến trường”. Câu nói của ai đó làm sang trọng các nhà sản xuất, nhà buôn. Hàng tiêu dùng Việt Nam đang ở đâu? Lên cửa khẩu Tân Thanh, nói rộng hơn, lên các tỉnh phía Bắc, thì… khó mà trả lời được.
Tôi đang miên man ở góc phố thì giật mình bởi một cái vỗ vai. Quay lại, gặp ngay một gái già toe toét:
- Ông anh mua thuốc “sung sướng” không, loại cho anh, cho chị ở nhà, cho chuyến đi ”đánh bắt xa bờ” cũng có, đảm bảo hàng xịn, giá rẻ!
- Ông anh mua “Đồ chơi” không. Loại quý phái, loại bình dân, Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, đủ. Mua bướm nhựa, chim nhựa không?
Thằng bạn tôi gắt:
- Mẹ kiếp, bướm thật còn giương cờ trắng, mua bướm nhựa mua nhục hả?
Cả bọn phá lên cười rồi lên xe. Chợt một thanh niên hớt hải chạy tới, dí vào tay tôi một cái bọc:
- Chú ơi, bộ quần áo thể thao chú chọn lúc nãy đây này, 180 ngàn, chú!
Bố khỉ!
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, 21.12.2010
V.D.C