Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN LÀNG CÀ KÊ (2)

Vũ Duy Chu
Thứ ba ngày 28 tháng 12 năm 2010 4:46 PM
 
Trước đây, cứ giáp Tết thì đồng đất quê tôi nhộn nhịp tất bật mùa thu hoạch khoai tây, xu hào, cải bắp. Không khí Tết nóng lên từng ngày. Người đang làm đồng thường ngóng lên con đường giữa làng, đoán già đoán non rằng người đang xách túi du lịch, người đạp xe là con ai, vợ ai, chồng ai về nhà ăn Tết. Khoai thì nhiều, củ mập mạp, xu hào bắp cải thì xanh non mướt mát. Người gánh, người đẩy xe thồ rau củ ra chợ, về nhà tíu tít. Cứ nhìn thấy khoai tây là thấy Tết.
Cảnh ấy bây giờ không còn nữa. Một năm cấy hai vụ lúa, giống ngắn ngày, chừng 90, tối đa 105 ngày là thu hoạch. Nghĩa là một năm chỉ có 200 ngày trên đất có cây trồng, còn lại 165 ngày đất bỏ hoang. Người ta đã chán làm ruộng, chán thật sự. Từng làm ruộng chai tay, tôi hoài nghi điều này. Nông dân mà đã chán đồng đất thì không còn gì để bàn luận hết.
Tôi hỏi anh vợ:
- Anh ơi, sao ruộng rẫy mình không trồng khoai tây, su hào, cải bắp, đất bỏ hoang cả mấy tháng như thế, phí phạm quá.
- Ai cũng biết thế là phí phạm. Nhưng 3 ngàn đồng một cân su hào, 4 ngàn đồng một cân cà chua, 2 ngàn một cân bắp cải, chú có trồng không?
- Nghe nói 7– 8 ngàn một cân cà chua mà?
- Đấy là đầu vụ, sáng mai chú ra chợ Thị trấn Lâm thì biết.
Tôi hỏi chị dâu:
- Chị ơi, ruộng bây giờ ít, khoai tây trồng không bõ bán thì mình trồng để ăn dần được chứ chị?
- Dào ơi, cả hơn chục năm nay, cứ sau vụ lúa thì kênh mương cạn kiệt, không có nước. Cách đây vài ngày người ta mới cho nạo vét mương máng, chả biết rồi có nước để tích trữ không? Với lại khoai giống đắt, phân tro đắt, càng trồng càng lỗ. Ngày xưa mênh mông khoai tây, xu hào cải bắp, nhà nào cũng trồng, chả ai lấy của ai. Bây giờ trồng trộm lấy sạch…
- Một công cấy bao nhiêu hả chị?
- Một trăm ngàn, chú.
- Công cao thế sao anh bảo thuê người cấy khó?
- Đúng thế. Đàn bà con gái làng ta bây giờ đi mua ve chai khắp thiên hạ, ngày nào cũng đi, khối người khá lên đấy. Cả năm chầu chực một vài công cấy, chả bõ bèn…
- Thế thanh niên trai tráng không làm đồng áng thì làm gì chị?
- À, lớp thì làm thợ xây, quanh năm làm không hết việc. Thợ chính 120 ngàn/ ngày, cộng thêm bữa trưa, thợ phụ 70-80 ngàn/ ngày. Cai thầu ở Hà Nội, Sài Gòn về kéo đi cả lũ…
- Chả lẽ tất cả trai tráng đều đi như thế hả chị?
- Không, lớp khác đi đục lèo( đục các họa tiết trên đồ gỗ). Một số lên làng Tống Xá, Cổ Liêu làm thợ đúc đồng…
Thế là nhà ít thì một sào, nhà nhiều ba, bốn, năm sào ruộng, đều do ông già bà cả quán xuyến. Họ thuê mướn tất tần tật từ khâu cày bừa, cấy hái, cho tới thu hoạch. Chưa bao giờ ở quê tôi làm nông lại rỗi rãi, đủng đỉnh như bây giờ.
Có người nói hiện nay đời sống bà con nông dân khá lên, chứng tỏ đất nước mình đang phát triển mạnh mẽ, chứ còn gì? Không nhà nào đói rạc như hồi những năm 1970,  1980 nữa. Bây giờ không ai khoe mới mua được một chiếc xe đạp cả. Làng đã có nhiều xe máy. Tống Xá – Cổ Liêu, hai làng đúc đồng đã có cả chục cái xe ô tô con, ô tô tải…
- Ối giời ơi, các ông cứ so sánh cái quạt mo với cái quạt điện, cái vỉ nan tre đập ruồi với cái vợt muỗi xạc điện của Tàu để nói rằng bây giờ đời sống chúng tôi cao vun vút. Thì cũng chẳng ai cãi được đâu. Các ông có con đi làm xa quần quật ngoài thiên hạ, gần Tết nó về dúi cho các ông khoảng chục triệu đồng, thế là các ông thấy đời phơi phới. Hãy vào các khu nhà trọ ở Sài Gòn, Bình Dương mà nhìn con các ông ngủ xếp lớp 5, 6 đứa trên nền xi măng rộng hơn chục mét vuông mà phơi phới xem nào. Tại sao thế? Chúng nó tiết kiệm, làm sao đủ tiền thuê một mình một phòng? Sáng thì toàn ăn mì tôm, ăn xôi, chiều ca kíp về ba bốn đứa nấu chung cơm cho bớt chi phí. Thu nhập của chúng nó khoảng hơn 2 triệu mỗi tháng. Các ông cứ chia cho 30 ngày, chia cho gạo thóc, điện nước, quần áo, xà phòng, điện thoại, vé tàu xe, cưới xin bè bạn xem sao…. Cái làng Tống Xá - Cổ Liêu bao nhiêu đời nay đúc đồng, ai có nhà ngói, sân gạch, cây mít đã là nhất hạng. Ừ thì thôi, cứ mừng cho những cái xe hơi. Nhưng cũng nên mừng rằng những công trình như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nứt nẻ không phải cánh đúc đồng làng Tống Xá, làng Cổ Liêu mình đúc nhá…
Ông anh họ của tôi bức xúc góp chuyện. Chả là anh có cô con gái đang làm thuê cho một công ty nước ngoài ở Bình Dương.
Tôi hỏi một lão nông kỳ cựu uy tín ở làng về chuyện đất đai hoang hóa. Giọng trầm trầm, ông bảo:
Người nông dân mà không sống nổi bằng nghề nông là chuyện rất bất bình thường. Đời sống nông dân có khá hơn trước thật đấy, nhưng đâu phải do từ hạt lúa, củ khoai mà có. Lúa loại một được giá cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tấn. Nhà ông có ba sào, một năm hai vụ giỏi lắm hơn một tấn là cùng. Cả làng, ruộng nhà ai thu hoạch 2 tạ rưỡi một sào là cao ngất ngưởng. Mọi ăn uống, hiếu hỉ, sinh hoạt chi tiêu gia đình 4 người nhà ông cả năm đều trông cậy vào tấn lúa ấy. Rồi còn lợn gà, phân gio, giống má, thuốc trừ sâu cho vụ mới…
- Thế xã, huyện, tỉnh không có chủ trương trồng xen canh, thâm canh giữa hai vụ lúa hả ông?
- Có, một dạo xã huyện cũng đưa vấn đề này ra. Nghe đâu họ đưa về  giống lạc năng suất cao gọi là lạc Sư tử gì đấy, đậu nành, đậu Hà Lan gì đấy, nhưng thất bại. Rồi thôi…
Ông anh họ tiếp:
- Chuyện trồng cây xen canh, thâm canh là chuyện đã xưa như… Kim Ngọc. Thì tivi chả đang chiếu phim Bí thư Tỉnh ủy nói về ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ những năm 1960 - 1970 đấy thôi…Từ đó đến nay làm gì có thêm ông Kim Ngọc nào nữa. Bây giờ các ông cán bộ to nhỏ hay nói phát huy nguồn lực, thế mạnh sắn có của địa phương để trồng cây gì, nuôi con gì tại các hội nghị, các diễn đàn về nông nghiệp. Nhưng người nông dân thì… biết rồi, khổ lắm, nói mãi… Và họ nói với nhau: Trồng cây…, nuôi con…. Rất chế nhạo và hài hước…
Đời sống người nông dân mãi mãi không thể khá lên từ hạt lúa, củ khoai. Thế nên các cuộc di dân tự phát từ làng quê ra phố thị càng ngày càng ồ ạt, không thể ngăn cản nổi.
Có ai muốn làm cái anh nông dân không? Có ai không?
Yên Xá, Ý Yên, 11.12.2010.
V.D.C