Trước kia, tránh cái rét mùa đông, nhiều người Hà Nội thường đi TP Hồ Chí Minh; nay đi Cần Thơ sẽ tuyệt hơn. Mùa này Cần Thơ thời tiết thường 20- 25 độ C, sáng se lạnh, trưa hơi nắng rát nhưng tối lại mát mẻ với những cơn gió từ sông Hậu, sông Cái Răng, từ những cánh đồng bát ngát, những vườn cây trái xanh mướt … miên man thổi về. Sân bay Cần Thơ đang được mở rộng thành sân bay quốc tế, hiện có hai chuyên khứ hồi mỗi ngày với Hà Nội; thời gian bay cũng hơn một giờ, ngang với vào TP Hồ Chí Minh. Cầu Cần Thơ qua sông Hậu và cầu Hưng Lợi qua sông Cái Răng cùng được khánh thành trong năm nay, không chỉ thuận tiện cho giao thông bộ mà còn đem lại gương mặt mới cho thành phố. Giao thông ở Cần Thơ thông thoáng với hai đại lộ 30 Tháng tư và Mồng 3 Tháng 2 song song chạy xuyên suốt thành phố. Nhiều tuyến đường, bờ sông, bến cảng được mở rộng; bến Ninh Kiều cũng được chỉnh trang, tôn tạo khá khang trang. Có một câu ca dao mới: Chiều chiều ra bến Ninh Kiều, dưới chân tượng Bác rất nhiều trẻ thơ. Dưới ánh đèn mờ ảo, chơi đùa trong một không gian sạch đẹp như vậy quả là hạnh phúc với trẻ em.
Đường phố buổi tối đèn đường rực sáng, đèn trang trí xanh, đỏ tím vàng nhấp nháy khắp nơi. Cần Thơ xài điện quá sang! Người Cần Thơ cũng như dân Đồng bằng Nam bộ quá nhiệt thành, thân thiện. Đồ ăn, tôm, cua, cá tươi, trái cây bán khắp nơi với giá dễ chịu hơn Hà Nội, Sài Gòn nhiều. Mình gặp mấy học trò cũ, thế là họ cứ thay nhau dẫn đi khắp hang cùng, ngõ hẻm. Ra khu chợ mới Tân An, họp ngay hai bên đường, khá nhếch nhác, lộn xộn, lại gặp nhiều Tây du lịch thích ra đây. Thì ra cái Chợ Cần Thơ cũ bị phá đi xây Siêu thị mấy tầng, sang trọng lại chả hấp dẫn Tây; còn bà con tiểu thương mất chợ, chạy dạt ra cái chợ tạm này cũng lại “hút” Tây theo. Ôi, cái chợ bà con ngồi xổm dọc hai bên đường, bày la liệt những sản vật của đồng quê, người bán kẻ mua ríu rít mới sống động làm sao! Thì ra Tây mê cái không khí dân dã ở đây cũng như cái cách mua bán, giao tiếp độc đáo ở Chợ nổi buổi sáng sớm trên sông Hậu của những người dân bình dị quê mùa… Cái ồn ào, tanh tao ở chợ thì hút người ta đến, còn những tiếng ình ình phát ra từ những chiếc loa thùng cỡ đại và mùi thuốc xịt phòng hăng hắc từ các cửa hàng trên phố lại xua đuổi người ta đi!
Nhìn băng rôn, cổng chào, cờ phướn thì biết đang có Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tại Cần Thơ, thế mà mình chẳng được, xem, nghe một hình ảnh, tin tức nào! Đó là vì ban ngày mải làm việc, tối nào cũng bị kéo đi nhậu từ 6 giờ đến 9 - 10 giờ! Gặp lại những học trò cũ thấy họ vẫn quý mến, tin yêu thày quả là hạnh phúc, pha chút tự hào, an ủi cho cái nghề giáo viên thanh bần. Quanh bàn nhậu lại quan hệ thân tình mới biết lắm chuyên nhân tình thế thái. Thì ra ông Hà Phan trước khi ra Hà Nội làm ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tich Quốc hội, rồi mất hết, từng làm Chủ tịch Cần Thơ, có phong cách lãnh đạo đầy ấn tượng, hiệu quả, bây giờ người dân vẫn nhắc đến để so sánh với quan chức đương thời. Lúc đi trên đường, một cậu chỉ: Nhà ông Sáu Phan đó, ổng vẫn sống khỏe. Một chiếc xe sang trọng vừa vụt qua trước mặt, cậu ta lại chỉ: Đó xe bí thư thành ủy vừa đi qua, trông biển số đẹp nhứt thành phố, dân biết liền, lo mà nhường đường!
Nhậu là một lối sống của cư dân Nam Bộ, đáng là một đề tài nghiên cứu xã hội học, văn hóa học tầm cỡ. Chưa biết hoàn cảnh ra đời và lịch sử phát triển của nó ra sao, chỉ quan sát hiện tại đã thấy nó hấp dẫn lạ lùng. Từ việc lớn đến việc nhỏ, việc gì cũng phải có nhậu mới vui vẻ, suôn sẻ. Một học trò cũ, nay là trưởng phòng của một sở quan trọng, bảo: Ở đây đến cơ quan thì bàn chuyện nhậu, trên bàn nhậu thì bàn chuyện cơ quan mà. Nhậu là cả một nghệ thuật, nhậu sao thật vui vẻ hết lòng với đối tác mà không xỉn, biết nhiều câu chuyên vui bù khú, râm ran, chúc tụng…rồi đúng lúc đưa ra những yêu cầu, cho đối tác …OK. Đại loại: “Cái vụ đó, em mong hoài mà chưa thấy anh ba nhớ tới”; “Anh Hai đã ký cho em cái giấy đó chưa, mai hay mốt em cho người lên xin anh được chớ?”; “Hôm rồi em đến nhà gặp chị…”; “Có vụ nầy hay lắm anh Tư à…”… Đó là nhậu vì công chuyện. Còn nhậu vui bạn bè thì nhậu tới số, xỉn luôn. Tôi lại nhớ hôm đi taxi, hỏi cậu lái xe: Sao ở ở Hà Nội có nhiều xe taxi 4 chỗ, còn ở trong này toàn xe 6 đến 8 chỗ? Cậu ta trả lời thật có lý:
- Chú coi, cái bụng con bự vầy, ngồi xe bốn chỗ đụng vô lăng, sao lái được. Phải xe 6 chỗ, người ta đi nhậu về, cái bụng bự mới ngồi thoải mái, mát mẻ được chớ! Tôi ngó sang, cậu tài xế mới khoảng ngoài 30 tuổi, hỏi:
- Cậu lái xe, nhậu vậy không sợ sao?
- Lúc lái con đâu có nhậu, tối về và ngày nghỉ mới nhậu thôi.
- Mập vậy, nhậu hoài không sợ bệnh sao?
- Sợ chớ, nhưng bạn rủ, ngồi vào bàn rồi hết sợ liền, vui là nhậu tới thôi. Hôm qua sinh nhật thằng bạn, con nhậu từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối luôn. Bọn bạn cứ đến lần lần mà.
- Vậy không xỉn sao?
- Không. Con về còn coi hết trận đá banh mới đi ngủ đó.
Thì tôi cũng đang chịu trận với cái “nhậu lần lần” đáng sợ này. Có ba anh rủ đi nhậu. Vào bàn rồi mới sực nhớ còn “thằng tư”, “thằng năm”, “cô hai”…nữa và gọi đến. Có khi sau 30 phút, 1 giờ, giờ rưỡi mới lần lượt đến (vì mắc câu chuyện, vì kẹt xe, vì đang ở đám nhậu khác…). Người mới đến lại có sáng kiến gọi món mới, lại cụng ly, lại đem theo nhiều câu chuyện hấp dẫn. Đang nhậu ở bàn này, nhìn thấy “anh hai”, “anh năm”… ở bàn bên, lại sang cụng ly, có khi ngồi đó luôn một hồi…Quan chức nhậu kiểu quan chức, dân nhậu kiểu dân; thầy nhậu kiểu thầy, trò nhậu kiểu trò…Chi cho bữa nhậu toàn là người dưới trả tiền mời người trên. Nhậu quả là hấp dẫn, vui vẻ và nhiều thông tin truyền miệng lý thú, dễ thuộc, dễ nhớ, chả hơi đâu mà đọc sách, lên mạng, tìm kiếm thông tin, suy nghĩ mệt óc! “Cuộc sống ở đây, làm việc lu bu và nhậu tới bến, zui zẻ, zậy thôi.” Một anh bạn tổng kết.
Nhưng nói “zậy mà không phải zậy” đâu. Trên bàn nhậu giữa những người thân tình, nhiều nỗi niềm tâm sự bộc bạch chân thật, cảm động lắm. Ở Cần Thơ, trong không khí vui vầy, càng chạnh lòng nghĩ đến chị Ba Sương, liền hỏi:
- Năm ngoái, độ này mình ở nước ngoài mà vụ án Ba Sương được quan tâm bàn tán sôi nổi lắm. Còn nhớ một câu ai đó viết: “Cần Thơ anh dũng kiên cường, xét xử vụ án Ba Sương lẫy lừng”, không biết Ba Sương bây giờ ra sao?
- Vụ đó họ làm dữ lắm thầy ơi. Nhưng nhờ mấy ông bà lớn ở trung ương can thiệp nên cô Ba giờ hổng có sao…
- Nghe nói dân ở nông trường, mấy trăm người ký tên xin tha cho cô Ba và hàng trăm người xin đi tù thay cho cô Ba kia mà?
- Có chuyện đó. Nhưng dân thì nhằm nhò gì, các ổng cho công an hỏi mấy câu là sợ liền à!
- Mình muốn đến thăm nông trường và thăm cô Ba được không?
- Được. Tụi em sẽ đưa thầy đi nông trường. Còn cô Ba ở Sài Gòn giờ có biết ra sao!
Cậu N. từng là giáo viên ở Nông trường Sông Hậu, nay dạy ở một trường Cao đẳng, nói:
- Năm 98 em mới ra trường về Nông trường, ngoài lương được cấp 16 kg gạo một tháng, có nhà ở, ăn uống đàng hoàng. Ai có gia đình được cấp 2,5 ha đất, được bác Năm (ông Năm Hoằng) cho mượn vài chục cây bạch đàn lớn để làm nhà, sau đó trồng trả cho nông trường bằng cây con. Tụi em sống đề huề lắm thày ơi…
Chiều thứ sáu, 24/12 N. cùng hai người bạn đưa tôi đi thăm nông trường Sông Hậu. Từ Cần Thơ đi về hướng Long Xuyên, khoảng 30 km mới đến lối rẽ vào Nông trường. N. bảo: Bắt đầu từ những rặng bạch đàn kia là đất nông trường. Đầu những năm 80 nơi đây là đất hoang, sình lầy, mênh mông, đầy lau lác. Bác Năm về thu gom dân nghèo lại, vỡ hoang, vay vốn làm ăn, lần lần gây dựng thành nông trường lớn tới 7 ngàn ha, nuôi sống năm, sáu ngàn dân…
Nhìn những hàng bạch đàn chạy dài tít tắp hai bên đường, soi bóng xuống dòng kênh đầy ắp nước dưới nắng chiều, chợt nhớ đến câu thơ “Đường bạch dương sương trắng, nắng tràn” của Tố Hữu. Cảnh ở đây thật đẹp vì thân cây bạch đàn hệt cây bạch dương, lá lại buông mềm như liễu đung đưa, soi lấp loáng trên mặt nước. Phía sau đó là những cánh đồng lúa, những vườn cây trái sum suê lấp ló các mái nhà dân. N. đưa chúng tôi đến trường học của Nông trường. Các nhà trẻ và trường mẫu giáo phân tán ở các Khu của Nông trường, còn trường phổ thông thì ở trung tâm. Hiện tại thấy Trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông xây liền kề nhau, đều mang tên TRẦN NGỌC HOẰNG.
Cơ sở trường lớp đều khang trang, “xanh, sạch, đẹp” thật sự, sân chơi, bãi tập rộng rãi. Khắp nơi cây trái xanh tươi. Chiều muộn, học sinh về hết, chỉ còn vài em chơi đùa, đánh cầu lông trên sân trường.
Ngồi trò chuyên với mấy thầy giáo của trường mới biết rõ thêm nhiều điều. Trước đây tất cả trẻ em của Nông trường được đến nhà trẻ, trường Mẫu giáo, cấp I, cấp II, cấp III miễn phí hoàn toàn, còn được nông trường mua cho sách giáo khoa, đồ dùng dạy học… Nay toàn bộ ruộng đất và gần một vạn dân của nông trường chuyển thành một xã gọi là xã Thới Hưng thuộc huyện Cờ Đỏ. Đây là xã kiểu mẫu vì ngày trước ông Năm quy hoạch vuông vắn, hệ thống đường sá, kênh tưới tiêu thuận tiện, hài hòa; nhà trẻ, trường học, bệnh xá đầy đủ. Ngày xưa ông Năm coi nông trường như một gia đình lớn, lo cho mọi thứ. Nay thành xã rồi, dân phải đóng học phí, tiền xây dựng trường, tiền khám chữa bệnh … như các xã khác thôi. Bây giờ các cán bộ cũ của Nông trường sử dụng các cơ sở của Nông trường lập thành Công ty TNHH kinh doanh nông nghiệp: cung cấp giống, phân bón, vật tư… thu mua, tiêu thụ sản phẩm…
- Dân ở đây còn nhớ cô Ba Sương không?
- Trời ơi, có chớ - Một giáo viên lâu năm ở đây thốt lên. Ông Năm với cô Ba chỉ suốt đời lo cho dân, chứ bản thân có gì đâu. Em còn được cấp 2,5 ha đất, chứ cô Ba chẳng có gì! Các quan muốn xử tội sao thì nói, chớ dân thì biết rõ mà, cô Ba có tội chi đâu! Mà không hiểu sao, mấy ông bắt người, xử hoài rồi tới giờ chẳng nói rõ đúng sai? Mấy người bị bắt cùng cô Ba giờ vẫn về nhà sống khỏe mà.
Tôi chợt nghĩ, sao cô Ba Sương không về sống với bà con ở nông trường, nơi những tấm lòng chân chất của người dân vẫn ghi sâu ân nghĩa với cha con cô; nơi ghi nhớ biết bao nhiêu ký ức thân thương về ông Năm, người anh hùng của nhân dân, suốt ngày đi chân đất lội ruộng cùng bà con… Quan nhất thời, dân vạn đại mà, cô Ba!
Mải chuyện, gần tối chúng tôi ra thăm mộ ông Năm rồi về. Cậu N. trước đã dẫn học sinh viếng mộ ông Năm, nay cứ loay hoay tìm đường vào. Hỏi một bà cụ bên đường, bà bảo: Từ ngày cô Ba đi, Nông trường cũng giải tán rồi, lối vô mộ ông Năm cây cỏ mọc kín tùm lum, phải đi vòng đường nầy… Không có hương hoa gì viếng, mấy người xúm vào nhổ cỏ quanh mộ ông, lòng thấy xót xa…
(Mấy GV nhổ cỏ trước mộ ông Năm Hoằng)
Chiều về, N. bảo đi con đường “đau khổ” 91B xem sao.
- Sao lại là đường “đau khổ”?
- Con đường quốc lộ này làm không biết bao nhiêu tỉ, do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư. Lễ khánh thành hoành tráng khủng khiếp, hàng trăm quan chức về, cờ biển rợp trời… Nhưng mới thông xe được nửa tháng, đường sụt lún, ổ trâu, ổ voi la liệt, đi lại ngán muốn chết! Sau đó phải cấm ô tô để sửa chữa! Lại tốn không biết bao nhiêu tỉ!
Con đường 91B thẳng tắp, cắt ngang qua đồng lúa mênh mông, đáng ra nó tuyệt đẹp. Nhưng nhìn ánh đèn xe quét trên mặt đường mới thấy ghê. Nó lồi lõm, mấp mô, vá víu chằng đụp, chỗ thì ổ gà mới được san lấp, chỗ thì mới sụt, chỗ thì đổ từng đống đá sỏi ngổn ngang… Xe phải luồn lách mà vẫn nhảy lên tưng tưng, đúng là “con đường khốn nạn!”. Trầy trật mãi rồi cũng về đến đoạn cuối con đường nối vào thành phố. Một cậu chỉ tay:
- Vùng sáng kia là trang trại của Tư Thắng đó.
- Tư Thắng là ai mà ánh điện từ trang trại lại hắt lên sáng cả vùng trời?
- Là em ruột ông Ba Dũng, Thủ tướng đó. Mà không phải trang trại đâu, trong đó xây dựng như cung điện, đền đài… lớn lắm…
- Vào xem được không?
- Giờ tối chắc không được, lúc nào cũng có tiểu đội lính gác mà. Con đường 91B này cũng phục vụ cho trang trại của Tư thắng đó (?).
Xe về thành phố đã thấy khắp nơi dân nô nức trong đêm Noel. Người có Đạo Thiên Chúa hay không cùng đến nhà thờ cầu Chúa ban cho phước lành.
25/12/2010