Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẢN ÁN VỀ ÔNG ÍCH KHIÊM, CÁI CHẾT CỦA ÔNG VÀ GIAI THOẠI “TẤT CẢ ĐỀU LÀ CHÓ”

Trần Xuân An
Chủ nhật ngày 19 tháng 12 năm 2010 3:10 PM

Trần Xuân An

Lời tác giả:
         Trong Tạp chí Xưa và Nay, số 369, tháng 12-2010, tr. 13-16, có đăng bài “Câu chuyện về Ông Ích Khiêm” của nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô. Qua bài viết, tác giả đã biểu lộ những ngộ nhận đáng tiếc về gần 5 trang sách của tôi (TXA.), đề cập đến bản án về danh tướng Ông Ích Khiêm, cái chết của ông và giai thoại “Tất cả đều là chó”. Thứ nhất, ông Lưu Anh Rô cho rằng cái chết của của Ông Ích Khiêm trong ngục Bình Thuận là “rất mờ ám”. Thứ hai, bản án đã được ghi rõ trong “Đại Nam thực lục”, kỉ Kiến Phúc (tập 36, bản dịch, 1976), theo ông Lưu Anh Rô, là còn phải bàn. Thứ ba, trong bữa tiệc dùng món thịt chó (tôi gọi là món “ngu trung”), thuộc giai thoại “Tất cả đều là chó” (hay “Vạ miệng”), ông Lưu Anh Rô cũng cho rằng tôi đã thêm thắt chi tiết Ông Ích Khiêm có mời cả hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Thứ tư, cho đến nay, ông Lưu Anh Rô vẫn còn gọi hai đại thần chủ chiến ấy bằng một danh từ ngụ ý phê phán, mà các nhà nghiên cứu theo quan điểm bảo hoàng, thân Pháp, thân phái “Thiên-Chúa-giáo--tả-đạo” và mị dân chủ trước đây thường gọi, là “quyền thần”. Thứ sáu, để biện minh cho Ông Ích Khiêm, ông Lưu Anh Rô lại kết án Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sai lầm khi chủ trương “sát tả đạo”. Thiết tưởng, chỉ cần đọc lại trích đoạn từ cuốn sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Trần Xuân An, truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., trọn bộ bốn tập, 2004, tr. 787-791), cũng có thể thấy rõ những ngộ nhận đáng tiếc ấy. Tự thân nguyên văn đoạn trích ấy (trong sách in giấy đã xuất bản) được trích ra dưới đây đã chứa đựng những chi tiết cần thiết để làm sáng tỏ năm điểm ngộ nhận trên của nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô. Riêng điểm thứ sáu, bản thân tôi cũng đã bàn trong cuốn sách đang được trích dẫn và trong nhiều bài khảo luận của tôi ở những đầu sách khác. Nếu có thể, cũng xin vui lòng tham khảo trực tiếp hai cuốn sách của GS. Nguyễn Văn Kiệm (“Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỉ XIX”, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Hội KHLS. VN., TT. UNESCO BT. & PT. VHDT. VN, 2001; “Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam”, Nxb. VH.-TT., 2003) và luận án tiến sĩ tại Pháp về chuyên đề “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914)” của GS. Cao Huy Thuần (Nguyên Thuận dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2003), và nhiều sách khác cùng loại, như của linh mục viện sĩ Trần Tam Tĩnh (Nxb. Trẻ), Yoshiharu Tsuboi (Thành ủy TP.HCM. xuất bản)… Cố nhiên, nhận định của tôi về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886) vẫn y nguyên như trong các đầu sách, bài viết của tôi về ông, và ngày càng khẳng định thêm nhận định ấy.
         Ngoài ra, ông Lưu Anh Rô còn cho rằng tính cách riêng (cá tính) Ông Ích Khiêm là “rặt Quảng Nam”, “Quảng Nam chay”. Tôi nghĩ điều đó là oan cho nhân dân, trong đó có tầng lớp nhà nho, và quan viên Quảng Nam mà tôi ít nhiều thấu hiểu vì đã từng sống, học hành ở Quảng Nam, đã đọc nhiều sách sử về nhân vật Quảng Nam, và không nguôi niềm yêu mến. Nói cho đúng, xét riêng về mặt tính cách, thì cá tính Ông Ích Khiêm là rất cá biệt.
         --- TXA. ---

      … Tháng bảy với những công việc trong triều ngoài tỉnh như thế, trong tình hình như thế, lại được tin Ông Ích Khiêm đã chết trong ngục tại Bình Thuận (140)!
      Không phải nhầm lẫn, chính là Ông Ích Khiêm, thần đồng văn chương, danh tướng trận mạc và cũng là một quái kiệt “tâm hoả”. Ông đã trở thành phạm viên (người vi phạm luật pháp), bị xử án lưu đày vào Bình Thuận để sung quân (140). Mức lưu đày nhưng được sung quân là tương đối tự do, thoải mái, như một viên lính mới nhập ngũ, và đến khi mãn hạn chấp hành án sẽ được khai phục (như Nguyễn Công Trứ trước kia chẳng hạn, với câu nói nổi tiếng: “Khi làm quan ta không lấy làm vinh, khi làm lính ta không lấy làm nhục”). Nhưng vì Ông Ích Khiêm chống đối các quan thi hành pháp luật, nên bị giam vào ngục. Tại ngục Bình Thuận, ông đã chết!
      Việc các quan chức vi phạm luật pháp, bị án, không có gì đáng ngạc nhiên. Ông Ích Khiêm cũng đã nhiều lần bị trói, khoá tay, giải về kinh nghị xử, nhưng đều được miễn nghị. Lần này, Ông Ích Khiêm mới thực sự bị án. Việc Ông Ích Khiêm bị án chẳng có gì là lạ! Điều gây sửng sốt cho các quan tại triều, là Ông Ích Khiêm đã chết như thể là tự sát!
      “PHẠM VIÊN  LÀ ÔNG ÍCH KHIÊM CHẾT Ở NHÀ NGỤC BÌNH THUẬN” (140):
      “Ông Ích Khiêm, [vào tháng năm nguyệt lịch] mùa hạ năm ấy, vâng mệnh phải đi khám Sơn phòng Quảng Nam, bị bọn chưởng ấn là Đào Hữu Ích, Nguyễn Doãn Tựu đem việc chỉ hặc (tự tiện bắt lính kinh hơn năm mươi (50) tên hộ tống, và lấy công nữ, đuổi dân cư, xây nhà riêng), giao cho đình nghị. Sau thành án: cách bỏ chức tước (nguyên Binh bộ thị lang, phong tước nam), phát đi Bình Thuận sung quân (theo về khoản tự tiện bắt người hỏi tội), thu hết ấn quan phòng cấp cho cũ [:trước đó], khóa tay giải đến chỗ đi đày. Khi đi đường đến Quảng Ngãi, bị bệnh, nghỉ.
      ([Ông Ích Khiêm] nói: “Đi theo việc bắt giặc, trải một trăm năm mươi (150) trận, mình bị trọng thương; nay đi đường bị nóng, nhức đau, xin nghỉ lưu lại”).
      Tỉnh thần là Trần Nhượng y cho hạn xin ở lại. Bộ Hình cho rằng, vì tình riêng, khinh thường pháp luật, [nên] tâu hặc, phạt Nhượng bị giáng hai cấp, lưu lại làm việc; sai [Ông Ích Khiêm] mỗi ngày phải đi hai trạm, hạn cho đi tới các tỉnh (Bình Định, Phú An [:Yên], Khánh Hòa), không được hạn lưu lại một khắc. Kịp khi tới chỗ đày, phủ thần là Lê Liêm an trí xuống ngục. [Ông] Ích Khiêm tháng ấy chết ở trong ngục. 
      [Ông Ích Khiêm được] gia ơn miễn tội sung quân, khai phục Hàn lâm viện thị độc, chiếu hàm cấp tiền tử tuất” (140). 
      Người ta còn kể một giai thoại về Ông Ích Khiêm, không biết có xác thực hay không. Giai thoại thường do người sáng tác, truyền khẩu thêm thắt, thậm chí hư cấu, nên dẫn đến tình trạng có nhiều dị bản. Có truyện thuộc loại này xem ra cũng phần nào phù hợp với tính cách riêng của nhân vật lịch sử.
      Giai thoại ấy được kể rằng (141): Có một lần, Ông Ích Khiêm mời một số đường quan đến nhà riêng dự tiệc. Trong bữa tiệc ấy, những món ăn đều có vị lạ nhưng rất ngon miệng. Các quan đa số đều là nhà nho, chỉ một ít có thiện cảm với Phật giáo, Lão giáo hoặc số ít ấy vừa là nhà nho, vừa sùng tín một trong hai tôn giáo kia. Với các món ăn Ông Ích Khiêm thiết đãi, nhiều quan biết ngay và tất nhiên rất thích. Họ gọi đó là món “ngu trung”. Ngu trung là trung thành một cách mù quáng, không phân biệt kẻ được mình trung thành là ác hay thiện. Nhà nho vốn duy lí, vốn xem câu nói của Mạnh Tử là kinh điển: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, Đất nước thứ nhì, vua chúa chỉ đáng xem nhẹ). Kẻ sĩ nho giáo luôn luôn xem “dân vi bản”, lấy dân làm gốc. Nhưng món “ngu trung” ấy, một vài quan không từng được nếm, và tất nhiên các món ăn trên bàn đều được trình bày khác với món “ngu trung” bình thường, cho nên không nhìn ra. Nếu trình bày theo cách bình thường, dẫu chưa từng nếm nhưng cũng có thể biết đó là món gì. Do đó, các vị quan vốn kiêng ăn món “ngu trung” thành thật không biết món ăn có vị lạ và cách trình bày cũng lạ mắt đó.
      Một người hỏi:
      - Các món ăn nấu bằng thịt gì ngon đáo để! Quan gia chủ có thể cho tôi biết được không?
      Ông Ích Khiêm đáp tỉnh bơ:
      - Đều là chó cả! Đâu cũng chó cả!
      Các quan hơi tái mặt hoặc hơi đỏ mặt, tuỳ theo phản ứng bẩm sinh của từng người. Nhưng tại sao Ông Ích Khiêm lại vô ý đến thế! Vả lại chừng như qua ngữ điệu, ông ta muốn nói xỏ xiên gì đây. Sỉ nhục nhau chăng? Cá tính Ông Ích Khiêm vốn thế, cho nên, chấp trách làm gì! Thôi, bỏ qua. Đến vua Tự Đức cũng bỏ qua cho Ông Ích Khiêm cơ mà! Hẳn mọi người đều nghĩ thế, cho dẫu họ hiểu Ông Ích Khiêm chửi họ “ngu trung” như chó! Được trung thành với ông chủ có đạo đức, có tri thức, được mọi người kính trọng, ngưỡng mộ mà không cần tô son vẽ phấn, đó là con chó may mắn. Cái may mắn ấy con chó không tự chọn lựa, vì nó vô tri, chỉ có mỗi một bản năng trung thành. Con chó trung thành với bất kì ông chủ nào đã nuôi nó từ nhỏ, kể cả loại ông chủ là kẻ cướp của giết người, đầu trộm đuôi cướp. Loại thứ hai này đúng là không may mắn tí nào! Kẻ sĩ, những trí thức luôn luôn tự nhắc nhở “dĩ dân vi bản”, phải tâm niệm chữ trung (trung quân một cách sáng suốt), lẽ nào không biết chọn vua để phụng sự? Ông thừa hiểu, hiểu một cách sâu sắc, hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và các quan chủ chiến không ngu trung một chút nào, mà trung thành với triều Nguyễn, với Đất nước, với nhân dân bằng tất cả sự sáng suốt đã được minh chứng bằng hành động! Ông Ích Khiêm cũng tự chửi mình đấy sao?
      Dẫu bữa tiệc mất ngon vì sự vô ý, vô tứ của Ông Ích Khiêm, nhưng các quan vẫn cố vui vẻ với nhau và với Ông Ích Khiêm.
      Bỗng có một vài viên quan khác đến trễ, được gia nhân mời vào. Tất nhiên người đến trễ lại là quan không phải nhỏ, cũng biện lí, chủ sự, tham biện tại kinh đô. Ông Ích Khiêm đã dành sẵn một mâm ở bàn riêng. Bàn liền được gia nhân bưng vào, đặt ở vị trí cao nhất, có thể gọi là bàn thượng. Các quan vừa mới được đón vào thấy thế, đâm ngại. Một người nói, sau khi đảo mắt nhìn quanh:
      - Chúng tôi có lỗi thất lễ đã đi trễ giờ, vả lại… Thật không dám vô phép ngồi ở bàn trên đó!
      Ông Ích Khiêm liền nói như chửi:
      - Tất cả đều là chó! Ngồi trên bàn thượng cũng chó, ngồi dưới bàn hạ cũng chó!
      Lần này, Ông Ích Khiêm cố ý nói sai hai chữ “trên”, “dưới”. Các lần trước thì thôi, bỏ qua, hơi đâu chấp trách Ông Ích Khiêm, nhưng lần này rõ là Ông Ích Khiêm phạm thượng, khi quân (khinh vua)! Tội khi quân là tội chết, với mức án lăng trì xử tử!
      Các quan dứt khoát đứng dậy, kẻ trước người sau nói lời cáo từ. Ông Ích Khiêm cản tay lại, không để các quan về. Ông nói:
      - Tôi xin các quan vui lòng ngồi lại để uống nước đã chứ!
      Ông Ích Khiêm gọi gia nhân:
      - Nước đâu? Thật là bọn vô tích sự! Ăn rồi chỉ lo mỗi việc nước cũng không xong, cứ vục đầu mà ăn rồi chơi nhởi thôi!
      Các quan không thể nói Ông Ích Khiêm không có ý xỏ xiên, chơi khăm, sỉ nhục đồng sự. Rõ ràng Ông Ích Khiêm mắng nhiếc các quan đều là chó, vua cũng chó, tôi cũng chó, không chăm lo việc nước, chỉ vục mặt lo ăn!
      Tất nhiên với ngữ cảnh đó, ngữ điệu đó, cộng với tính hệ thống, ai cũng có thể kết án Ông Ích Khiêm, đều có thể bắt trói ông giao cho Bộ Hình xử án đúng luật. Mọi tội có thể châm chước, khoan tha, nhưng tội lần này, nhất là tội phạm thượng, khi quân, làm sao khoan tha, châm chước được!
      Nhưng rồi mọi người vẫn khoan tha, châm chước cho Ông Ích Khiêm. Không ai dâng sớ đàn hặc con người rất tài năng, văn võ kiêm toàn nhưng “tâm hoả” ấy (141).
      Dẫu sao, đó cũng là giai thoại, không rõ có xác thực hay không!
      Không chỉ giai thoại, người ta con truyền tụng nhau một vài bài thơ, câu đối “động thời văn” của Ông Ích Khiêm. Đây là bài thơ phê phán các quan thời vua Tự Đức còn sống, vì bấy giờ quan ta phải phối hợp với quân Thanh do tướng Phùng Tử Tài thống lãnh để tiễu phỉ, và sử dụng cả quân Cờ đen đã quy thuận, đánh Pháp:
“Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu
Đến khi có giặc phải thuê Tàu
Từng phen võng giá mau chân nhảy
Đến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê hiến mãi đứa văng bầu (*)
Ai ơi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!” (141).
      Ông Ích Khiêm lo âu dân tộc ta phải bị đồng hoá thành người Thanh cạo nửa đầu trước, đánh tóc nửa đầu sau thành hình con rết!
      Trong nhiều giai đoạn lịch sử, có khi người ta cần có một nhân vật nào đó, thường là đã chết, để gán vào những điều người ta không dám nói, dám viết, hoặc chỉ để hả lòng ghét, khoái miệng chửi, thoả mãn thói đời thích công kích, châm biếm, trào lộng, có khi nhắm đến chính nhân vật ấy… Ai đi bắt tội người đã chết! Mặt khác, đó chỉ là truyền khẩu, mà “khẩu thiệt vô bằng” (miệng lưỡi không có bằng cứ), đâu phải giấy trắng mực đen, ai bắt tội được người truyền khẩu!
      Chuyện văn chương truyền miệng, khẩu thiệt vô bằng với nội dung như thế, dẫu sao, cũng độ lượng cho Ông Ích Khiêm. Tình cảm thơ ca, ngôn từ thi sĩ nhiều khi rất cảm tính! (**) Nhưng còn những tội khác như các quan Khoa đạo Đào Hữu Ích, Nguyễn Doãn Tựu đã tâu hặc thì đâu phải là chuyện văn chương khẩu thiệt! “Luật pháp bất vị thân” (luật pháp không thiên vị người thân), kể cả đồng chí chủ chiến! Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm sao bênh vực cho Ông Ích Khiêm được!
      Sự thật về án phạm, về cái chết ở ngục Bình Thuận của Ông Ích Khiêm là đúng như bản án Bộ Hình đã nghị xử, đã tuyên bố, cho thi hành án, và do chính bản thân Ông Ích Khiêm. …
Trần Xuân An
_________________________
Chú thích trong nguyên bản:
(*) Bầu: dụng cụ đeo ở thắt lưng. “Bầu” tiểu đối với “mướp”.
(140) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL.CB. (Đại Nam thực lục, chính biên), tập 36, sđd. (bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH.), 1976,  tr. 163 – 164.
(141) Nguyễn Đắc Xuân, “Hương giang cố sự” (HGCS.), giai thoại “Vạ miệng”, Tủ sách Sông Hương xb., 1886, tr. 31 – 33.
Chú thích mới (17-12 HB10):
(**) Vì thế, các nhà văn chương, trong đó có nhà thơ, chắc hẳn nên quan tâm nhiều hơn đến tính khoa học, cụ thể là sử học, trong sáng tác văn chương.