Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI TIỂU PHẨM CỦA CAO THÂM

Cao Thâm
Thứ bẩy ngày 18 tháng 12 năm 2010 6:58 PM

NHÀ THƠ VÀ HAI BÁC PHÓ
Tiểu phẩm của Cao Thâm

Tên làng tôi là Gạo. Có người cho rằng, sở dĩ có tên ấy là bởi, các cụ xưa từ mạn xuôi lên đây khai hoang, đói ăn triền miên nên mơ ước sau này con cháu làm ra nhiều gạo. Người khác lại giải thích, đơn giản vì làng tôi có cây gạo. Cây gạo đứng ở đầu làng. Thân cây nham nhở những hình thù kỳ quái, tục tĩu bởi những vết khắc của lũ trẻ chăn trâu. Từ đường cái quan nhìn vào, vòm cây nhô lên trước những mái nhà lúp xúp. Vào quãng tháng Ba, vòm cây đỏ rừng rực như tảng máu lớn. Đó là mầu đỏ của hoa gạo.
Mấy năm nay nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo con đường đổi mới của Đảng, dân làng tôi cơ bản được đáp ứng nhu cầu về gạo. Nhưng điều đáng buồn là cả làng không có lấy một người nổi tiếng.
Thực ra, làng cũng có hai ông học cao nhưng đều vứt. Ông phó cạo, học tổng hợp văn, từng làm cán bộ biên tập ở Hội Văn nghệ nhưng khi gặp khó khăn, thối chí, về “một cục”, mở hiệu cắt tóc. Ông phó cối cũng vứt. Ông từng học nghề viết văn, hệ đại học. Dân làng Gạo bàn tán, ngày xưa, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ chẳng được học đại học mà để lại cho hậu thế những áng văn thơ bất hủ, chắc hẳn rồi đây làng gạo sẽ có người…vượt qua cả cụ Nguyễn Du! Nhưng tốt nghiệp đại học, chẳng thấy anh ta viết lách gì, chỉ thấy chê câu đối ở nhà thờ chưa chuẩn; chê thơ đường các cụ trong làng chưa đúng niêm luật; chê các tiết mục văn nghệ của xã lôm côm. Anh làm cán bộ tuyên truyền trên huyện, hàng ngày vác loa đi theo đội thông tin lưu động, vận động nhân dân đặt vòng tránh thai, đình sản v.v. Được mấy năm, anh bị đuổi việc vì dám chửi ông chủ tịch huyện ngu, chửi cả huyện ngu, nay làm nghề đục cối.
Mới đây, đột nhiên làng tôi xuất hiện một nhà thơ. Thực ra cái tên nhà thơ là do dân làng đặt cho chứ thơ anh chưa bao giờ được đăng lên báo. Tên cúng cơm của anh là Nhu – Ma Văn Nhu – trước mọi người anh tự giới thiệu mình là Mai Văn Nhu. Anh giải thích, anh sùng bái thơ Maiacốpski (nhà thơ Nga) nên tôn nhà thơ vĩ đại này là bậc sư huynh!
Anh Nhu người nhỏ thó, mặt quắt, nhằng nhịt những vết nhăn nom giống quả đu đủ đực bị héo. Bộ ria mép thưa, mọc từ hai chân mũi khoanh cái mồm của anh lại, trông như miệng điếu cày. Tóc anh lúc nào cũng xù ra, không chải và hình như không chải được. Quần áo anh mặc thường là vải sáng mầu. Có điều, anh ít quần áo để thay, lại không thường xuyên giặt dũ, nên nó nhàu nát, loang lổ màu cháo lòng và hôi hám quá! Được cái anh lúc nào cũng sơ vin, không đeo dây lưng, bên ngoài khoác áo gile nên ra dáng nghệ sĩ tợn!
Nơi anh Nhu hay lui tới đọc thơ là gốc cây gạo. Bởi, ở đấy là nơi tụ tập của những người đi chợ vào nghỉ chân trú nắng, những người chờ cắt tóc ở quán ông phó cạo và có cả lũ trẻ chăn trâu. Trước đám đông không phải anh đọc thơ mà là hét. Anh hét rằng:
“Trăng
Nhễ nhại
Bên hồ
Ngọn gió hoang
Lang thang
Bờ suối vắng
Sơn nữ
Áo chàm
Mê đắm
Bầy liếu điếu trong vòm cây
Nghe
Nghe
Đàn dê con
Trong chuồng
Quậy phá…”
Tôi không hiểu gì về những điều anh hét. Nhưng nhìn tóc anh xù lên, mồm sùi bọt mép, mặt co rút như lên cơn động kinh, tôi gai hết người. Đám đông thì vỗ tay hò hét, yêu cầu anh đọc tiếp. Tôi biết, sự tán thưởng của mọi người là sự bỡn cợt, nhạo báng. Nhưng anh Nhu tưởng đó là sự hâm mộ mình nên cao hứng đọc tiếp. Lần này tôi lờ mờ hiểu rằng, hình như anh đang nói về cái chết:
“Cái chết ơi
Mi ở đáy vực
Há toác
Đen ngòm
Ta
Gã đàn ông giang hồ phiêu bạt
Ta đi qua trận mạc
Đói khổ và đạn bom
Qua những cánh rừng
Đầy quạ đen và hơi độc
Ôi cái chết
Mi chẳng có gì đáng sợ!...”
Đám đông lại rú lên. Bà Xuyền nhổ bãi nước trầu rồi rằng:
- Này, tôi hỏi nhà thơ: nhà thơ bảo mình là gã giang hồ phiêu bạt, vậy ông đã phiêu bạt những đâu? Ông đi bộ đội ngày nào mà biết cả cánh rừng nhiều quạ đen và hơi độc, hử?
Bị dồn vào thế bí, anh Nhu ngẩn mặt, miệng dểu ra, bộ râu lúc này giống như dấu hỏi. Rất may, ông phó cối nhanh nhảu đỡ lời:
- Thế mới tài! Nhà văn, nhà thơ người ta còn tưởng tượng ra đủ thứ, chứ LẠM DỤNG CUỘC SỐNG, LẠM DỤNG SỰ THẬT, CHẲNG HÓA RA NHÀ THƠ NHÀ VĂN LÀ CÁI ANH SAO CHÉP CHUYỆN VỈA HÈ À?...
Ông phó cối vừa ngừng lời thì bất ngờ, thằng Thiên con nhà Thăng vớ đâu con cóc cụ, thả vào chân anh Nhu. Anh Nhu rú lên chạy thục mạng.
… Có một sự kiện làm dân làng Gạo bất ngờ sửng sốt, đó là tập thơ “Gió hoang” của anh Nhu ra đời. Tập thơ tập hợp những bài mà anh từng đọc cho dân làng nghe dưới gốc cây gạo. Thơ được tin trên giấy tốt. Bìa một in một cô gái mặc áo tắm, ngồi hớ hênh trên dòng suối. Góc trái bìa bốn là ảnh anh Nhu, với gương mặt như trên đã miêu tả. Sự kiện này khiến dân làng đánh giá lại anh Nhu. Riêng tôi cũng có cảm giác rằng, những bài thơ mà mọi người đùa cợt anh Nhu như chứa đựng những điều cao siêu, huyền bí, tôi không thể hiểu nổi, dân làng tôi cũng không hiểu nổi. Và giờ đây, mái tóc, bộ râu, bộ quần áo của anh Nhu xem ra có vẻ thuận mắt. Hóa ra, trong cái dị lập, ngồ ngộ hâm hâm của anh Nhu như chứa đựng một tâm hồn lớn, tài năng lớn. Dân làng tôi, cả đời chỉ biết kiếm gạo, không phát hiện ra.
Trong làng có ông phó cạo là phê phán thơ anh Nhu kịch liệt. Mỗi khi có ai đó nhắc về thơ anh Nhu trước mặt ông, ông nổi khùng:
- Thơ gì? Thơ con cóc, thơ tắc tị…
Biết ông là một trong hai người nhiều chữ nhất làng nên chẳng ai dám tranh luận. Duy chỉ ông phó cối, là anh em thúc bá với anh Nhu, thi thoảng lại được anh Nhu mời uống rượu lòng lợn tiết canh, lớn tiếng vặc lại. Tuy nhiên, để chứng tỏ mình là người “đông” văn hóa nhờ học ở trường đại học lại lượm lặt được từ những chuyến đi kiếm ăn trong thiên hạ, ông phó cối có vẻ khiêm nhường:
- Thưa bác, tôi thiển nghĩ, một khi nhà xuất bản đã cho in thì rõ ràng thơ của anh Nhu được nhân dân cả nước đọc chứ không đùa đâu bác ạ.
Ông phó cạo băm bổ:
- Ai đọc tôi không cần biết. Riêng tôi, những câu chữ được gọi là thơ ấy nó vô nghĩa và dung tục lắm.
- Ô hay, đấy không phải là thơ, vậy là gì, thưa bác? Bác không được đi nhiều nên không hiểu tình hình thời sự văn nghệ hiện nay rồi. Bác ơi, chính những thứ câu chữ được ghép thành vần điệu mà lâu nay ta vẫn quen gọi là thơ ấy, mới là thứ đáng xổ toẹt. Giờ đây, thi ca hiện đại người ta đề cao chất tâm linh. Thậm chí người ta còn quan niệm rằng, thơ chỉ là cái bóng của chữ, nhìn vào thì thấy sướng mắt; đọc lên nghe sướng lỗ tai. Tôi nghĩ, thơ hãy cứ đáp ứng được hai nhu cầu ấy của con người đã là điều quá sức đối với nhà thơ. Cần gì phải gò ép, lệ thuộc vào ý tứ, khuôn mẫu, phải không ạ?
Ông phó cạo ngừng cắt tóc. Cái kéo trên tay chĩa vào ông phó cối như sắp nhảy vào cuộc ẩu chiến. Giọng ông sắc lẻm như tiếng kéo xén tóc:
- Các ông muốn quan niệm về nhà thơ như thế nào, mặc. Riêng tôi, tôi thấy những loại thơ như của anh Nhu anh nhiếc gì đấy, ít nhất là không phải thơ Việt Nam, nếu không nói đó là sản phẩm của thói hư danh bệnh hoạn, muốn khác người, muốn muốn nổi tiếng đành bày đặt ra một thứ hình thức méo mó, lập dị để lòe bịp mọi người. Theo tôi, nghệ thuật muốn đạt độ siêu lại là cách thể hiện sao cho giản dị nhất.
Bác phó cối giận run người:
- Ông thì biết cái gì? Quanh năm ngồi gốc cây gạo, biết gì mà lớn tiếng!
- Còn ông quanh năm bới ăn ở lỗ cối, cùng lắm nghe lỏm, học đòi chuyện người khác chứ hơn gì tôi mà đòi tranh luận về học thuật?
Ông phó cối dứ dứ cái đục vào ông phó cạo, mà rằng:
- Này, thằng già! Mày là cái thằng đầu chày đít thớt, chứ hơn gì tao…
Cuộc đấu khẩu giữa hai bác phó lúc đầu có vẻ như tranh luận về học thuật, bỗng trở thành cuộc cãi vã thô lậu, sặc mùi chợ búa. Khiến thơ văn và thịt chó, thi sĩ và lưu manh, lộn tùng phèo hết cả, dân làng Gạo chẳng biết ai đúng, ai sai…
Bà Xuyền nhổ toẹt bãi nước trầu ra khỏi miệng, rồi rằng:
- Thôi, thôi, em xin hai bác. Ai lại người nhớn mà mang chuyện riêng của nhau ra réo chửi như thế, dân làng người ta cười cho! Mà em “lói” khí không phải, các bác đừng cười chứ thơ văn là phải đặt được những bài thơ như truyện Kiều, hay bài gì mà có đoạn “em ơi em ở lại nhà…” ấy hai bác nhẩy? À, phải rồi, bài “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính… Đấy, đặt thơ phải đặt được những bài như thế mới mê li quằn quại. Còn thơ của cái chú Nhu, em cấm hiểu cái cóc khô gì sất.
Rốt cục, trong cuộc cãi vã giữa hai bác phó, bác nào cũng bị thiệt hại, chỉ có anh Nhu là được lãi. Nhờ có cuộc cãi vã mà tên tuổi anh Nhu nổi như cồn, có người bên tận làng Chum cũng muốn biết mặt mũi anh Nhu. Những lúc như thế anh Nhu mừng vui nhảy nhót như người lên đồng.
… Vẫn dưới gốc cây gạo. Anh Nhu đang cao hứng đọc thơ trước công chúng. Chợt, một người đàn bà xồ sề hộc tốc chạy tới. Chị rít lên:
- Trời ơi. Lại thơ phú…
Nói rồi chị túm tóc anh Nhu lay kịch liệt. Mọi người kinh ngạc, không biết điều gì đã xảy ra. Bác phó cạo ngừng tông-đơ chạy tới can ngăn:
- Kìa chị Nhu. Xin chị bình tĩnh…
- Bác bảo em bình tĩnh thế nào được. Ai lại chồng con, chẳng có lo chuyện làm ăn, suốt ngày mải mê chuyện thơ phú rồi nói năng bậy bạ linh tinh.
- Ô kìa, sao chị nói vậy? Anh ấy làm thơ được tiền nhuận bút lại được cả tiếng tăm còn gì!
Chị Nhu kêu khóc lồng lộn như bị chọc tiết:
- Ôi trời ơi. Lúc đầu em cũng tưởng thế nên nghe theo hắn, bán đi lứa lợn với hai tạ thóc để in thơ. Ai ngờ thơ ấy chỉ để hắn đi khoe. Giờ còn ba bó ở kèo nhà. Bọn làm pháo cũng chả thèm mua, vì Nhà nước cấm đốt pháo… Ối giời ơi, tôi xót của lắm bà con ơi! Công mẹ con tôi mấy tháng giời dậy sớm thức khuya làm lụng để cho hắn… Này! – Chị hướng về phía anh Nhu, nghiến răng kèn kẹt – Mày đi đâu kiếm ăn được thì đi. Đi đi cho khuất mắt bà!
Anh Nhu nấp ở gốc gạo. Gương mặt tái mét, ngây dại. Có lẽ anh sợ quá, không để ý rằng, ngay trên đầu anh, chỗ thân cây gạo, là hình vẽ tục tĩu của bọn trẻ trâu…
 
 
 
CON NGƯỜI UYÊN BÁC
Tiểu phẩm của Cao Thâm
 

Chỉ nhìn bề ngoài đã thấy chú Hài toát lên vẻ trí thức: da bóng loáng, trán hói xộc lên đỉnh đầu; mái tóc chải ngược bóng lộn dễ chừng làm người đi thuận sáng nhìn vào bị lóa mắt! Còn vốn hiểu biết của chú, theo tôi, đó là trái núi tri thức di động. Những kỳ quan thế giới, sự phát triển của đồ gốm, của hạt nhân… ở trong cái đầu hói của chú, có hết; kể cả tranh của Vangoh, thơ của Puskin, nhạc của Beethoven… cũng chứa đựng trong cái đầu hói. Vào tuổi tôi, người ta thường hâm mộ những ngôi sao sân cỏ hay các tài tử điện ảnh. Riêng tôi, tôi hâm mộ chú Hài, thần tượng của tôi là chú Hài.
Hằng ngày, không biết công việc của chú ở cơ quan gồm những gì, nhưng tôi tin là công việc chẳng xứng gì so với năng lực của chú nên mới nhàn nhã thế. Thường, tôi thấy chú hay đảo qua nhà, cời bếp lò, cho lợn ăn, thái chuối, thi thoảng bắt gặp chú ngồi ở quán. Chú chỉ ngồi uống nước, hút thuốc lào và nói chuyện. Chuyện chú kể tạp nham, không đầu không cuối. Nghe chuyện, người tinh ý thấy toát lên một chủ đề lớn, rằng, chú Hài đã từng sống một quãng đời vô cùng vẻ vang và rực rỡ.
Một hôm, tôi sang nhà chú để mượn cuốn sách, thấy chú mặc độc chiếc quần đùi bờn bợt, ngồi xổm bên chậu tã. Hình như ngượng với tôi, mặt chú đỏ lựng. Chú chép miệng thở dài:
- Khổ thế đấy cháu ạ, trí thức nước mình cứ phải bù đầu vào những việc tẹp nhẹp thế này thì còn làm ăn cái nỗi gì! Ngày xưa, đến như ông giáo Thứ còn có thằng Mô để mà sai vặt.
Bỗng, từ trong buồng vọng ra giọng nói xoe xóe của người đàn bà:
- Ngày xưa! Lúc… đ… nào cũng ngày xưa.
Tôi nhìn vào nhà, thấy thím Thơm, vợ chú đang ngồi ở giường, vén áo tận ngực cho con bú. Có lẽ chú Hài ngượng với tôi, mặt chú đỏ hẩy, môi lập bập. Tôi đoán, từ cái miệng lập bập kia sắp gầm lên. Sao vô ý thế! Chú đã nói động gì đến thím mà thím văng tục. Nhưng không, từ cái miệng lập bập ấy dểu lên thành nụ cười gượng gạo:
- Mẹ mày buồn cười… cứ toàn chấp vặt!
- Nhưng mà ngứa tai! – Thím đốp ngay – Lúc… đ… nào cũng mở cái giọng hoài cổ. Rằng, ngày xưa… ta đây tài lắm! Tài giỏi thì nó còn nơi ông chứ đâu mất. Làm như mèo mửa lại còn…
Trời đất, thím suy diễn tùy tiện quá! Đang từ câu nói vu vơ thay cho lời chào của chú mà thím chộp vào đấy để nhiếc móc, để xỉa xói thì thật là quá thể. Mà chú không vinh quang thì còn ai! Trong tay hai bằng đại học. Kiến thức uyên bác, vùng này đã ai sánh kịp! Chú là tri thức chân chính. Thời buổi này, đồng lương còm cõi thì bù vào chú đã băm bèo, thái chuối, rửa chuồng lợn, giặt tã… mà không kêu ca, phàn nàn gì. Thử hỏi, còn người đàn ông nào tốt như chú? Mà cũng tại vì thím nên chú mới phải làm việc ở tỉnh lẻ, giờ chú phải khổ thế. Giá chú cứ ở viện nghiên cứu dưới Hà Nội xem nào. Biết đâu, với trình độ uyên bác ấy, chưa biết chừng chú sẽ phát minh ra những chuyện động trời. Nghĩ thế, tôi bênh chú:
- Thím ơi, cháu thấy chú Hài là nhất. Chẳng qua về đây chú bị hãm tài thôi ạ.
- Gớm! - Thím dài giọng. Ở đâu thì cũng phải biết tính toán mà làm ăn. Mày tính, nhà có mỗi con lợn, ngày ăn hết bao nhiêu cám, bao nhiêu rau và xem nó lớn được mấy cân? Áp với giá thị trường thấy lỗ thì bán quách. Đằng này, tao về quê nghỉ đẻ mấy tháng, lên vẫn thấy ông ấy bê cám hầu con lợn. Mà lợn có ra lợn đâu, đít nhọn như cái bay! Sao có người ngu thế. Kỹ sư kinh tế phải biết vận ngay vào đấy chứ ở đâu. Người đâu cứ ù ù cạc cạc. Lại còn mang cả sách Liên Xô ra chuồng lợn mà tra cứu mới rởm đời.
Từ đó tôi nghĩ mãi về chú. Con người chú đã từng hiểu hết cả đông-tây-kim-cổ, vậy mà ngày nào cũng bê cám lợn, giặt tã, hầu vợ, còn bị vợ mắng cho xa xả, vẫn im lặng nín chịu. Chẳng bù cho bố tôi. Cả đời bố không đi đâu xa, cả đời không đọc báo, đọc sách. Mặc dù học hết lớp ba “bình dân học vụ” nhưng bố không viết nổi cái đơn vay tiền ngân hàng. Bố chỉ huy cả nhà đóng gạch, nung vôi. Bố không nhúng tay vào việc nào cụ thể, chỉ nói, quát. Vậy mà cả nhà răm rắp tuân lệnh. Còn chú Hải đáng kính của tôi thì…
Thỉnh thoảng tôi vẫn sang thăm chú. Chú lại kể chuyện cho tôi nghe. Nguồn tri thức trong chú luôn chảy lai láng. Tôi là đứa mới hết phổ thông, sống quẩn quanh ở cái thị xã miền sơn cước nhỏ bé và hiu quạnh. Tôi khao khát được đi xa, được hiểu biết những điều mới lạ. Chính chú Hài đã mở rộng tầm hiểu biết của tôi. Chú đưa tôi đến những chân trời khoa học; những nhà máy khổng lồ mà người điều khiển nó qua những nốt bấm…
Một buổi chiều chú rủ tôi vào quán nước. Nhìn khuôn mặt chú đỏ gay, điệu bộ khẩn khoản, tôi đoán là có sự gì rất quan trọng đã xảy ra với chú.
- Uống nước đi mày!
Chú đẩy chén nước nhợt nhạt về phía tôi. Tôi thấy lạ, không hiểu sao trước đây chú nhũn nhặn, mực thước mà bây giờ chú “nhắng” thế (tôi không có cách nào diễn đạt hơn). Trông chú như ngồi trên đống lửa. Chú nhấp nhổm đứng ngồi và hắng giọng hằn học:
- Ở đời buồn lắm mày ạ. Con giun ngoi lên làm người. Tiên sư nó!...
Chú chưa bao giờ gọi tôi là mày và nói năng lỗ mãng như vừa rồi. Tôi biết chú giận lắm. Nhưng giận ai? Tôi rụt rè hỏi:
- Thưa chú, có chuyện gì làm chú bực mình ạ?
Chú trợn mắt và vung tay lên:
- Sao phải bực! Tao khinh! Mày biết không, nó là con nhà sơn tràng, học xong lớp bảy bổ túc đi lâm trường. Thế mà ta đây lên mặt.
- Thưa chú, cháu vẫn chưa hiểu chú nói gì ạ!
- Cái thằng Lô Văn Ngưu, tai dơi mặt chuột chứ còn ai nữa! Ngữ ấy chỉ có cái tài bám đít lãnh đạo.
Vậy là tôi hiểu. Thì ra chú đang bất mãn với chú Ngưu nào đấy cùng cơ quan, nhưng không biết san sẻ cùng ai. Gặp tôi là người tâm đắc với chú nhất nên chú mới dốc hết nỗi ấm ức ách trong lòng. Nhưng tôi thì giúp gì được cho chú? Ngay như cái chú “tai dơi, mặt chuột” ấy tôi cũng chưa biết mặt.
Bỗng, ngoài cửa quán xuất hiện một người đàn ông nhỏ thó, da đen, mặt nhọn như lưỡi cày, tai quắt và mỏng như cái nấm mèo. Bà chủ quán đon đả mời:
- A, chú Ngưu. Mời chú vào xơi nước.
Chú Ngưu không đáp lại bà chủ quán mà liếc cặp mắt ti hí về phía chú Hài, nói giọng trịch thượng:
- Thế nào ông Hài, giờ này là giờ gì mà ông ngồi quán, hả?
Mặt chú Hài chợt tái nhợt như bụng cá, giọng lắp bắp:
- Tôi… tôi… À, rét quá, tạt vào uống chén rượu cho ấm bụng. Anh uống với tôi chén rượu, nhá?
Chẳng đợi chú Ngưu có đồng ý hay không, chú Hài liền với tay lấy chai rượu rót đầy một chén. Chú Ngưu lừ lừ ngồi xuống, cầm chén rượu lên uống một hơi, chíp chíp mấy cái rồi nhón mấy hạt lạc, giọng nhòe nhòe:
- Cái bảng tổng hợp ông làm sai bét cả. Hừm, lạc rang hơi cháy.
Ngoài cửa quán lại xuất hiện mấy người đàn ông. Họ reo lên:
- A, chào “sếp”, cả ông Hài nữa. Vào đây chúng mày ơi, ông Hài khao.
Thế là mấy người quây vào bàn, rót rượu uống nháo nhào. Tôi đang xem một tấn trò lạ. Hồi nãy, thần tượng của tôi vung tay thóa mạ kẻ vô học “tai dơi, mặt chuột” thì giờ đây chính kẻ ấy lại được chú kính cẩn mời rượu, gương mặt lưỡi cày vênh vênh, còn chú thì xo ro đến tội nghiệp. Ngoài trời gió rít từng đợt, ở trong quán không khí rộ lên. Chú Hài là trung tâm cho họ khen. Họ khen chú Hài học cao, kiến thức uyên bác. Đương nhiên rồi! Nhưng tôi biết, trong những lời khen đó hàm chứa sự cợt nhả. Vậy mà chú Hài tưởng thật, gương mặt hân hoan kỳ lạ. Và tôi chợt hiểu, thì ra bấy nay thần tượng của tôi không những bị vợ khinh nhờn mà ngay cả anh em trong cơ quan cũng coi chú là kẻ hâm hâm, vô tích sự. Hồi nãy, họ khen chú Hài, giờ họ lại chê rằng, chú chỉ lý thuyết suông, rằng, hai bằng đại học mà lắp cái công tắc điện cũng không biết…
- Sao không! - Chú Hài vung tay lên.
Bà chủ quán chộp thời cơ:
- Vậy chú Hài ơi, tôi có sợi dây điện đang đứt, nhờ chú giúp tôi…
- Chuyện vặt! Ông Hài làm phút mốt chứ mấy.
Đó là cây cột điện bằng tre, đầu cột, dây điện bám chằng chịt, một dây đứt treo thòng lòng, việc sửa chữa khi chưa cắt điện là rất nguy hiểm. Nhưng chú Hài vẫn dại dột leo lên, trong tay không một dụng cụ về điện. Có lẽ, chú Hài bị kích động bởi rượu và những lời khích bác, châm chọc. Tôi hoảng quá ngăn chú Hài. Nhưng tiếng của tôi bị át bởi tiếng reo ầm ầm của mọi người. Chú đã leo lên đầu cột, bàn chân của chú bám vào mấu tre run bần bật. Tay chú lập cập với lên cao. Bỗng, một tia lửa xanh lét nhoằng ra, kèm theo tiếng “rẹt”. Chú Hài rú lên kinh hoàng rồi rơi bịch xuống.
Sau cú nhảy dù thục mạng ấy, chú Hài phải nằm viện hơn tháng trời. Ra viện, người chú béo trắng. Gặp ai, chú cũng khoe “Tăng năm ký! Có lẽ sau khi điện giật, môi trường i-ông trong cơ thể được cân bằng nên ăn khỏe, ngủ khỏe lắm”…