Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỠ NHỊP

Chinh Chí Phán.
Thứ hai ngày 20 tháng 12 năm 2010 9:59 PM
 
Thế mà đã thấm thoát hơn 16 năm trời.
Tối thứ 7. Tôi vừa từ Hà Nội về. Một trăm cây số trên chiếc ‘Simson 51’ cà tàng, đường bụi, ổ gà, ổ trâu nhưng cũng chỉ làm tôi đau mỏi chút ít. Cái vui của sự đoàn tụ với vợ con sau hơn chục ngày miệt mài đèn sách ở Hà Nội cộng với sức lực còn ở tuổi mới vừa bốn mươi vẫn giúp tôi hăng hái vui vẻ cùng gia đình vào những tối cuối tuần đáng nhớ ngày ấy. Chả thế mà vợ tôi còn được tặng thưởng vì có thơ hay đăng trên tập san của trường. Nàng đang là ‘thủ thư’ kiêm ‘ phụ trách thư viện’ (tôi hay gọi đùa là ‘giám đốc thư viện’). Mà thơ là về nỗi nhớ và sự hy sinh giúp tôi ‘bỏ đi làm nghiên cứu sinh’ như tôi vẫn nói đùa mới hay chứ.
Con gái, con trai ríu rít nói chuyện như ‘thủy thủ lên bờ’. Chúng nói với nhau nhiều hơn là với bố mẹ những chuyện chúng cùng nhau đã biết mà cứ tung hứng vui đáo để. Vợ tôi phô:
- Có cuộc thi thơ báo Người Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng thủ đô đấy anh ạ.
- Em nghĩ anh có thể thi thố cả thơ cơ à. Tôi cười nhìn vợ con.
- Giải thưởng cao nhất là 5 triệu đồng đấy anh ạ.
- Hóa ra là em ước ao có được cái giải thưởng đó đúng không!
- Em nghĩ anh chịu khó viết mấy bài mà gửi thì biết đâu lại trúng giải lớn đấy.
Vợ tôi nghĩ như vậy vì nàng có lúc nghe tôi đọc thơ mà cảm động ‘rơi nước mắt’ vì tôi đã nịnh nàng ‘khéo như thật’ bằng những ngôn từ có cánh. Đọc cho bạn thơ cùng làm nghiên cứu sinh với nhau, Mai Xuân Giang bảo tôi: “đúng là thằng lừa đảo vĩ đại”. Tôi vẫn phục nghệ thuật ngôn từ trong thơ Giang, mặc dù tính cách không giống nhau.
Con gái vốn vẫn khéo nịnh bố, chêm vào:
- Mẹ vẫn bảo thơ bố hay nhất thế giới mà.
Cả nhà rộn rã trong sinh hoạt gia đình ấm cúng.

Tôi trở lại Hà Nội và âm thầm nghĩ về các vần thơ sẽ cố nặn ra để gửi đến Hội đồng giám khảo. Một đêm tôi mê mệt rồi tỉnh giấc lúc 1, 2 giờ khuya. Tôi vừa gặp trong cơn mê một bé trai trên sân ga Hà Nội. Tôi không còn nhớ rõ hoàn cảnh đẩy cháu đến sự bơ vơ trên sân ga thế nào mặc dù cháu bồng bềnh kể cho tôi nghe trong khi cúi đầu thổn thức. Tôi liền lấy giấy bút ghi vội cảm xúc vừa vụt đến:
                                             Từ đâu cháu ở đâu về
                                              Cúi đầu cháu kể tôi nghe nghẹn ngào
                                             Trời ơi tôi biết làm sao
                                              Sao không để bé xà vào lòng tôi.
Tôi đặt tựa cho đoạn thơ với cái tên : ‘Trên sân ga Hà Nội’  ( viết sau một cơn mơ). Tôi dùng từ ‘cơn mơ’ chứ không phải ‘giấc mơ’ để viết phụ chú sau tên bài thơ.
Chủ nhật tiếp sau là dịp nghỉ lễ Quốc khánh mồng 2 tháng 9. Chúng tôi không về nhà mà cả hội 5, 6 NCS rủ nhau đi rong ruổi thăm thú Thủ Đô. Quả là một dịp may mắn để tôi sau đó có vốn tham dự cuộc thi mong mỏi. Chúng tôi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm; ăn kem Bốn Mùa, ngắm Hồ Gươm từ nhà hàng Thủy Tọa, cầu Thê Húc. Chúng tôi nối đuôi nhau trên những chiếc xe máy cà tàng qua quảng trường Ba Đình; rồi vào thăm Cột Cờ Hà Nội. Chúng tôi leo lên đỉnh cột cờ; tất nhiên bước qua những bậc thang xoắn phía trong cột cờ lên chỗ cao nhất trong lòng tháp. Người thuyết minh cho biết chỗ đó cao khoảng 30 mét (sau đó tôi viết được một bài thơ ngắn về Cột Cờ Hà Nội). Tôi được dịp chụp khá nhiều ảnh từ chiếc máy ảnh ‘bán điện tử’ Practica, Mai Xuân Giang nửa bán nửa cho (để cám ơn tôi đã truyền tay mấy ngón soạn thảo bằng vi tính ; mà cũng để thay máy xịn hơn). Giang tranh thủ chỉ cho tôi các ngón ‘cắt cup’, ‘bố cục ảnh’, ‘luật trái sáng’…Chính nhờ những bức ảnh nhận được vào chiều ngày hôm sau từ tiệm rửa mà tôi mới ‘làm tươi’ được những cảm hứng để viết một mạch mấy bài thơ. Tôi đánh máy và in cẩn thận rồi mang 5 bài dự thi đến tòa soạn báo Người Hà Nội.
Tôi định bụng sẽ gặp nhà thơ Vũ Quần Phương – chủ bút và ‘sếp sòng’ của tòa báo. Tôi cho rằng nếu nghe tôi đọc bằng chính cảm xúc của tôi thì cái hay của thơ tôi mới lột tả hết được. Vũ Quần Phương cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi.
Tôi gặp cô văn thư qua khung cửa sổ tiếp khách sát cửa vào tòa soạn.
- Chào chị, làm ơn cho tôi gặp anh Vũ Quần Phương.
- Anh có hẹn không, tôi vẫn chưa thấy anh Phương đến.
     -   Tôi đến để xin nộp bài dự thi, vậy tôi có thể chờ gặp anh Phương ở đây được không chị.
Cô văn thư đã chỉ cho tôi vào chờ ở phòng ‘Ban Biên tập’.
- Chào các anh các chị. Tôi chào vậy nhưng thực ra chỉ có 2 phụ nữ còn khá trẻ ngồi trước bàn làm việc trong văn phòng. Ở góc xa có một người đàn ông ngồi chăm chú trước máy tính. Hai cô nhìn nhau rồi hỏi tôi:
- Anh có việc gì không ạ.
- Tôi muốn tham gia cuộc thi thơ dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng thủ đô. Nhưng tôi muốn được anh Vũ Quần Phương nghe tôi đọc xem thế nào rồi tôi mới dám nộp bài. Tôi trình bày ngắn gọn ý định của mình.
- Ồ, anh cẩn thận quá. Nhưng thật tiếc đã hết thời hạn từ hơn một tháng rồi anh ạ. Anh Phương hôm nay đi công tác vắng. Nhưng anh có thể đọc cho bọn em nghe thơ anh và để lại bài đăng báo cũng được anh ạ. Ở đây chúng em đều là biên tập viên
- Tôi không dám có ý định làm nhà thơ. Chỉ thử tham gia cuộc thi thơ cho vui ấy mà.
- Thì anh cứ đọc cho bọn em nghe được không. À,… xin lỗi, mời anh ngồi.
Tôi mạnh dạn ngồi vào trước ghế tựa gỗ ‘ba nan cong’ đối diện bàn cô gái đang tiếp chuyện. Tôi không mở cặp lấy mấy tờ giấy đã in sẵn mà đọc ngay bài thơ ‘Nhớ’.
- Vậy tôi xin đọc thử một bài trong 5 bài tôi định dự thi, tôi viết về Bờ Hồ:
Bộn bề.
Lại nhớ ngày xưa
Leng keng tàu điện
Sớm trưa ven hồ
Đâu rồi
Hà Nội mộng mơ
Áo tân thời
Nón bài thơ
Đi về
Lim dim
Hàng xấu ven hè
Phố phường rộn rã
Xuân về
Hoa Đăng.
- Anh sống ở Hàng Khay phải không? Cô biên tập viên không bình luận gì mà hỏi tôi.
- Không, tôi ở Phú Thọ; chính xác hơn là tôi sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Yên với bố mẹ, công tác và có gia đình riêng ở Lâm Thao, Phú thọ; tôi về Hà Nội và đang làm nghiên cứu sinh.
- Nghe thơ anh em nghĩ anh là người ở ngay Bờ Hồ và đã từng hẹn hò người yêu ở ga Cầu Gỗ. Nhưng Phú Thọ cũng nhiều người có khiếu văn thơ. Anh để lại đây bọn em sẽ cùng ban biên tập chọn lựa gửi đăng vào mục phù hợp theo các số cũng hay đấy. 
- Thôi, tôi cám ơn, tôi chỉ muốn tham gia cuộc thi nhưng đã hết hạn thì thôi vậy.
Tôi vẫn túc tắc viết lách như một nhu cầu tự nhiên từ ngày ấy đến tận bây giờ. Tôi vẫn thầm nghĩ rồi những gì tôi viết sẽ còn được đọc lại; tôi muốn được con cháu lưu truyền. Đôi khi ‘trà dư, tửu hậu’ tôi đọc thơ theo ngẫu hứng cũng có bạn bè, người thân tán thưởng, thế là vui rồi.
Sài Gòn, 12/2010- Chinh Chí Phán.