Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MAIA PLISETSKAYA, CÁNH THIÊN NGA BAY QUA HAI THẾ KỶ

Tô Hoàng
Thứ hai ngày 20 tháng 12 năm 2010 5:23 AM
 
Ngày 20 tháng 11 năm 2010 này giới hâm mộ ba lê tòan thế giới hân hoan chào đón một ngày lễ: Nữ diễn viên ba lê xuất chúng người Nga Maia Plisetskaya tròn 85 tuổi ( 20-11-1925&20-11-2010).
Cùng với những tên tuổi như Anna Pavlovna, Galina Ulanova, Ekaterina Maksimova, Maia Plisetskaya đã tạo dựng nên trường phái ba lê Nga có sức chinh phục tòan thế giới. Nữ nghệ sỹ đã khắc họa những hình tượng múa xuất sắc trong những tác phẩm nổi tiếng như “ Nàng Lọ Lem” của S. Prokofiev,”Raimonda” của A.Glazunov, “ Hồ Thiên nga” của P.Traikovsky, “Spartak” của A.Khatraturian, “Anna Karenina” của R.Sedrin…Maia Plisetskaya đã 3 lần được trao tặng Huân chương Lê nin, được phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Anh hùng lao động Liên Xô, 2 lần được các Tổng thống Nga V.Putin và D.Medvedev trao tặng huân chương “ Phụng sự Tổ Quốc” –huân chương cao quý nhất giành cho giới văn học nghệ thuật Nga.
Thật thú vị và cũng thật xót xa khi chúng ta được biết những quan sát, những chiêm nghiệm của một người nghệ sỹ xuất chúng đối với các diễn tiến lịch sử và những người đứng đầu nước Nga-Xô viết qua các thời kỳ nhiều biến cố. Những đọan chọn dịch dưới đây rút từ cuốn hồi ký “ Làm cho cuộc đời mình trong sáng hơn” của nghệ sỹ ba lê Maia Plisetskaya. 

TÔI  BIẾT LÀM GÌ ĐÂY
VỚI CÁI MIỆNG KHÔNG BIẾT KIỀM CHẾ CỦA MÌNH?
Đương nhiên cuộc đời của tôi rất dài, đầy ắp mọi chuyện. Nhưng không có chuyện buồn. Tôi thường tự nhủ lúc nào tôi cũng như lạc tới một thế giới khác.
Tôi chào đời sau ngày Lênin từ trần đâu đó chừng một năm. Cha tôi bị bắt rồi bị xử bắn trong thời kỳ Stalin. Tôi cũng đã biểu diễn cho “ người khổng lồ” này xem một số lần. Ở tuổi bẩy mươi của mình, Stalin giương cặp mặt sói màu vàng chăm chú nhìn tôi từ chiếc ghế ngồi đặc biệt của ông trong điện Kremli. Vào ngày Stalin chết tôi 27 tuổi cộng thêm 3 tháng rưỡi.
Tuổi ấy đối với một vũ công ba lê không còn trẻ trung gì.Một nửa cuộc đời của một nghệ sỹ múa chuyên nghiệp đã ở lại phía sau. Tôi nhớ, có  lần cánh phóng viên hỏi tôi, tương lai của vũ nữ N. sẽ ra sao đây?
-Cô N. ấy bao nhiêu tuổi rồi? Tôi hỏi lại.
-Gần 30!
- Thế thì cô vũ công N. không có tương lai nữa. Cô ta chỉ còn những ngày tháng hiện tại thôi!-tôi trả lời như đinh đóng cột.
 May sao những năm tháng Stalin không làm thui chột nghiệp múa kéo rất dài của tôi. Tôi nhẩy múa rất nhiều, thường xuyên và ở rất nhiều nơi. Nhưng hôm nay, khi ngày phán xử cuối cùng đã tới, nhiều tài liệu hãi hùng về việc trù dập, hãm hại giới trí thức sáng tạo vào những năm tháng đó được phơi bày, nỗi sợ hãi một lần nữa lại xâm chiếm tôi. Thật vui mừng vì tôi còn nguyên lành và vẫn còn sống. Nhà hát Bolsoi đã trở thành nhà hát của các đấng quân vương. Stalin ưa thích các cuộc hội họp quan trọng, những lần ông ta đọc diễn văn hoặc khi ông xem các vở kịch, các bộ phim mới được tổ chức ở đây. Không một nơi nào khác trong tòan Liên bang Xô viết có thể có một nhà hát như vậy. Nhà hát Bolsoi lúc nào cũng đầy ắp mật vụ, công an chìm cùng những công cụ chụp lén, nghe lén hoặc quan sát từ xa. Tôi biết làm gì đây với cái miệng không biết kiềm chế của mình, với tính nhẹ dạ cả tin, với thói quen luôn xê dịch nay đây mai đó?
 Nhưng tôi đã gặp may vì Chúa nhân từ luôn che chở cho tôi.
Một “người khổng lồ” khác cũng đã tới xem tôi biểu diễn tại Nhà hát Bolsoi. Đó là ông Mao Trạch Đông. Sau khi “ Hồ thiên nga” kết thúc, Mao Trạch Đông đã cho người mang lên sân khấu tặng tôi một lẵng hoa tử đinh hương. Nhiều “ người khổng lồ” khác, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước Xô viết cũng bị kiệt tác “Hồ Thiên nga” của nhà sọan nhạc Nga thiên tài P.Traikovsky cuốn hút.
KHÔNG PHẢI LÀ CHIM BỒ CÂU
MÀ LÀ THIÊN NGA HÒA BÌNH
 
Lãnh tụ Xô viết tiếp theo của chúng tôi, N. Khrutsov thường xuyên đưa các quốc vương, các vị thủ tướng nước ngòai đi xem ba lê. Trong thời buổi ồn ã, khoa trương của  N. Khrutsov, vở  “ Hồ thiên nga” bỗng trở thành chiếc tủ kính bày hàng lộng lẫy, tấm giấy thông hành để cuốn hút người nước ngòai tới thăm chế độ Xô viết đang nở hoa dưới sự lãnh đạo nghiêm ngặt, có tầm nhìn xa của ông lãnh tụ này. Còn tôi trong tấm váy áo thiên nga hầu như đã trở thành biểu tượng cho khuynh hướng hòa bình trong đường lối chính trị mới của N. Khrutsov.
Không phải là con chim bồ câu mà là con thiên nga hòa bình!
Một lần nữa những lặng hoa tươi lại xếp đầy sân khấu. Những lẵng hoa như thế thường được hai nhân viên mang lên, chứ một người mang không nổi.
Những tràng vỗ tay, những nụ cười xuất hiện ở lô ghế dành cho các nguyên thủ nhà nước. Những cái vẫy tay của các bậc quyền thế...
Nhưng trong chính những năm này- những năm tháng sung sức nhất trong cuộc đời múa của tôi-người ta lại giam hãm tôi rất nghiệt ngã. Trong sáu năm liền tôi không được cấp hộ chiếu ra nước ngòai. Theo bước chân tôi lúc nào cũng có bóng dáng của nhân viên cơ quan phản gián Nga KGB. Người ta thực sự bám sát “mụ gián điệp Anh Maia Plisetskaya”.
Thời gian càng trôi đi tôi càng ngày càng nhận ra tính chất tàn bạo, ngu ngốc, sự ma mãnh của N. Khrutsov; tính bốc đồng và sự giả dối của ông ta.
Tính chất vô học một cách suống sã của vị Sa Hòang mới này đã kìm hãm mọi lĩnh vực đời sống của chúng tôi vào những năm tháng đó. N. Khrutsov đặc biệt quan tâm tới việc mở mang trí tuệ cho các nhà văn, các họa sỹ... Thật đáng tiếc, vì ông ta không còn đủ thời giờ để nâng cấp trình độ ba lê cho chúng tôi! 
NHỮNG QUY ĐỊNH
CỦA CUỘC CHƠI
 L.Bregienev cũng say mê vũ kịch “ Hồ thiên nga”. Một lần nữa tôi cần phải là biểu trưng cho lòng yêu hòa bình, tinh thần nhân đạo của nhà nước chúng tôi. Dưới thời L.Bregienev số thủ tướng, quốc vương tới nhà hát Bolsoi giảm đi trông thấy, nhưng không vì thế mà lô ghế đặc biệt giành cho các vị lãnh đạo quốc gia thưa vắng người. Hoa tươi trong các khu nhà kính trồng hoa ở vùng ngọai ô Moskva không hề giảm bớt. Những nhân viên bảo vệ, đám công an chìm bớt lăng xăng dòm dỏ hơn, nhưng cơ bắp của bọn họ không hề mềm yếu đi. Và họ vẫn nghênh ngáo tự hào vì sứ mệnh thiêng liêng của mình.
 Trong các buổi diễn tôi nhìn thấy các bậc nguyên thủ của chúng ta trong cự ly gần hơn, chăm chú lắng nghe những lời ngợi khen ngọt ngào của họ, đồng thời cũng nhận ra sự nghèo nàn về mặt trí tuệ cùng sự ấu trĩ, ngây ngô đáng thương ở họ. Và tôi xót sa khi nghĩ rằng nhân dân chúng ta thật bất hạnh biết bao khi có những người đại diện như thế lèo lái, sắp đặt số phận mỗi người.
 Muộn hơn, thấp thóang trong lô ghế vàng của nhà hát Bolsoi là bóng dáng của Antropov, Chernenko (1).
Nhưng sự xuất hiện của các vị này tại nhà hát Bolsoi khi tôi biểu diễn đã giảm thiểu ý nghĩa quan trọng đi nhiều.
 Ngày hôm nay khi nhìn lại cuộc đời mình- dù muốn hay không-tôi vẫn buộc phải nhìn qua sự vận hành của những vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết. Tòan bộ đất nước, tòan bộ nền nghệ thuật Xô viết dù thế nào đi chăng nữa, đều phải sau trước trở thành những kẻ nô lệ cho các “Vầng mặt trời” Xô viết.
 Nhưng chúng tôi ( và tôi) vẫn sống. Và mọi điều rồi cũng qua đi...
 Những thế hệ hôm nay khó mà hiểu nổi “ những điều kiện của một cuộc chơi” mà ông bà, cha mẹ chúng đã buộc phải chấp nhận để bảo vệ lấy nghề nghiệp, gia đình và những điều kiện sống tối thiểu là như thế nào. 
 Tất nhiên hèn hạ, nhục nhã rồi. Nhưng tôi sinh ra trên cõi đời này là giành cho ba lê. Trên khắp hành tinh này không có một sân khấu nào tốt hơn nhà hát Bolsoi. Dàn nhạc ở đây thật tuyệt vời. Âm nhạc của P.Traikovsky dường như để dành cho ba lê, dấy lên lòng ham muốn nhẩy, nhẩy mãi. Cần phải chấp nhận “ những điều kiện của một trò chơi” thời Xô viết. Không còn con đường nào khác!
Nhà hát Bolsoi và  Rodin (2) của tôi đã giúp tôi đứng vững.     
…Tiếp tới là Thời kỳ Cải cách. Vị đại diện mới Gorbachov tuyên án chủ nghĩa xã hội với gương mặt người. Và Raisa Maksimova –gương mặt con người ấy- đã độc chiếm nhà hát Bolsoi và trường múa.
 Tôi buộc phải rời khỏi nhà hát thân yêu ruột già của mình, rời khỏi Moskva. Tất cả những gì tôi đã cống hiến tại nhà hát Bolsoi biến thánh khỏan lương tháng tôi sẽ nhận được qua ngân hàng. Tất cả thành số không, thành tro bụi. Tôi và Rodion cần cấp thiết nghĩ tới chiếc bánh mì tồn tại hàng ngày.
 Thế còn ba lê ? Chẳng lẽ “ Hồ thiên nga” vĩnh viễn sẽ trở thành tù binh của những nhà chính trị dung tục, tầm thường, của các vị quốc vương hung hăng, kiêu ngạo sao?  Còn tôi nữa sẽ ra sao với bộ váy áo thiên nga của mình? 
 Cải tổ, đổi mới mang tới sự tự do. Tự do trong chuyển dịch và tự do trong ý nghĩ. Nhưng hình như cũng sẽ sống một cách nghèo khổ, đạm bạc hơn? Liệu xã hội mới có bảo đảm những điều kiện sống cho con người không? Có làm họ tin tưởng và hy vọng vào ngày mai không? Liệu có rút ngắn khỏang cách giàu nghèo không?
 Elsin bước lên vũ đài. Lời đáp cho những câu hỏi trên càng mờ mịt. Khỏang cách giữa giàu và nghèo đạt tới kích cỡ khó mà tưởng tượng nổi.
 Bây giờ xin nói tới những ngày hôm nay. Thời buổi của Putin đã đến. Putin đã thực hiện thành công nhiều điều. Chặn lại được cơn say của tính chuyên chế không biết ngượng ngập. Thống nhất được một quốc gia phát triển. Khôi phục lại uy tín cho xứ sở đó. Cân bằng được đồng lương tại các nhà hát chính của nước Nga với các nhà hát ở phương Tây.Những vũ công Nga xuất sắc nhất được quyền ký kết hợp đồng, làm ở trong nước hay ở nước ngòai đều được phép. Và cuối cùng ngành múa ba lê của chúng tôi tìm lại được đời sống bình thường, ổn định.
  Văn hóa tựu trung chỉ có một và là gương mặt của mỗi dân tộc. Tự do, tự do thẩm mỹ, tự do được mong đợi từ bao đời nay -tất cả là những điều tuyệt vời. Mọi lệnh lạp, mọi sự cấm đóan đều không thể làm thị hiếu nẩy nở tốt đẹp hơn. Chúng ta biết làm gì đây khi chúng ta gạt bỏ khỏi đời sống yếu tố thị hiếu, hoặc đơn giản hơn là không tìm thấy nó ở đâu…
     
/ theo những trang Web tiếng Nga/
Ghi chú:
1-Hai Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô, tiếp sau L.Bregienev.
2-Rodion Sedrin-nhà sọan nhạc Nga-Xô viết xuất sắc, chồng của M.Plisetskaya.
Ghi chú ảnh: 
Nữ nghệ sỹ Ba lê M.Plisetskaya trong vở “ Hồ thiên nga”