Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN MỘT - VĂN CHƯƠNG VÀ VÙNG ĐẤT

Phan Đình Minh.
Chủ nhật ngày 19 tháng 12 năm 2010 3:01 PM

Một không phải nhà nông học mà nói chuyện như một chuyên gia về môi trường. Dòng sông là con người. Một rất giống dòng sông nơi Một đang oằn người vượt dốc – Sông Đồng Nai. Đầy đặn, đườn đưỡn, tràn trề… “Nguyễn Một chưa trình làng tác phẩm văn học đỉnh cao nhưng đã trường vô khối vấn đề văn học dáng dấp núi đồi”- Hậu tiên tửu (Votka tửu), nghĩa là cuộc trà dư tửu hậu. Một đàn anh thế hệ trước, xứ Bắc, buông câu.
“Câu nói bất hủ của Pavencooxaghin”; Con chim nhỏ lao ngực vào gai hoa hồng nhọn hoắt rồi cất tiếng hót hay nhất trong đời - Tiếng chim hót trong bụi mận gai; chiếc lá trên tường dường kéo dài sự sống của cô bé - truyện Henry (điều này là tôi ngẫm )… đấy là gạch vàng xây lên đền đài văn học bất hủ, chủ nhân bất hủ trong đời sống văn học đương đại. Sinh thời, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ nói: “Nếu đánh đổi hết những tác phẩm văn học của tôi đã có lấy một câu thơ hay, để đời, tôi cũng sẽ đổi”. Nhà văn mạnh về chi tiết, giầu có vốn sống. Mọi người nói Một vậy, nhưng tôi vẫn thấy Một sống, Một nói chuyện, cái tình… và tính cách thô tháp của Một tuyệt hơn nhiều văn chương Một. Cũng may Một chuyển từ nghề dạy học sang viết văn, cứ, cứ đà làm nghề gõ đầu trẻ, nguy cơ Một sẽ tạo một loạt các cô cậu, mẫu người công tử xứ miền Đông như chơi vậy.
Nghe đồn, có người con gái xứ Bắc rất xinh đẹp, đẹp cỡ “thanh long vùng cát” mê Một. Phải lòng cái tính rổn rảng, ồ ạt, xông xênh mà sẵn sàng quên hắn đã vợ hai con, yêu hắn như tầu hỏa… Hắn như con ác thú trước người đẹp. Hắn nhớ nhung, lồng lộn boots vé trong cơn cuồng si từ một phi trường bay ra Bắc một ngày giáp tết (nghi lắm, độ chính xác của thông tin!) để gặp người đẹp, nhưng khi lưng chừng trời hắn phải y ô ga để bình hòa thân nhiệt, hòa loãng ý nghĩ đàn ông ngơi ngơi trỗi dậy. Để rồi tã tười, mệt nhoài trong xa cách, để giữ an toàn bông hồng pha lê, vừa đặt chân xuống sân bay, hắn vào ngay nhà chờ, chờ chuyến bay cứu hồi sau đó… Hắn vậy. Con đò Trương Chi cứ neo hoài trong lòng hắn, lòng nàng, để người đẹp vài năm nay mãi chẳng chất củi lòng với gã trai nào.
Ngoài Bắc thường thường nhà văn bước ngay từ đời sống làm văn sĩ, nhưng cây bút miền Trong hình như đều phải qua bước đệm phải là nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ, dân gian học… rồi mới trở thành nhà văn. Nhà văn Nam Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy… trước khi trở thành nhà văn các “nhà” này đã là nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học...
Cứ nghĩ văn đàng Trong dông dài, dễ dãi, xôi xổi... cho rằng những nhận xét kia chỉ là lời nói. Văn chương Nam bộ là sự kết tinh, chưng cất đời sống một cách hiện vật trong văn học chứ chắc chắn không phải là thứ gì lỏng, xốp như ai nghĩ. Cái phóng khoáng, cập nhật thường lột tả, vu khoát chính xác gần như tuyệt đối cả trong định lượng và định tính ở văn Nguyễn Một. Đọc Một còn thấy Một trong rất ít các nhà văn miền Đồng, miền Tây xứ Nam ngõi được ra ngoài cái gọi là Phong cách phương Nam. Tức là tính chuyện trong truyện, trong tiểu thuyết, trong các thể loại khác... không còn coi là thứ yếu, xương cốt Nam bộ hoặc được thể hiện một cách trực thuật mà đã nâng lên, xem chỉ là yếu tố trạng tính, dữ liệu,.. thôi. Tính chuẩn mực, dung nạp cả hàm lượng đúc rút nữa, đã được nhà văn dụng công trong câu chữ, từng ngoại khái thăng hoa sương khói, từng giấc mơ của nhân vật, đến nửa bước thung dung... để chắt chiu ấp lên tình huống đắt, chia lát đâu đó trong từng tác phẩm. Đây sẽ là cái cốt, cái lõi của ngòi bút nhà văn. Pau-tốp-xky lấy chi tiết làm trọng; Hê min uây lấy đối thoại làm giá trị tác phẩm mình; sinh thời Nguyễn Công Hoan nói: truyện cốt ở tựa và kết... suy cho cùng tất cả chỉ để phục vụ mỗi mục đích chuyển tải thông tin đến độc giả bằng phương tiện ngẫm, kể và tả mà thôi. Và quan trọng là phải thể hiện trong trạng thái đi trong sương, đừng tỉnh táo quá... thì sẽ ra tác phẩm tốt. Hãy đọc ĐẤT TRỜI VẦN VŨ của Nguyễn Một mà xem. Cảm giác các chương hồi trong đó nhà văn viết trong trạng thái cố ép mình tỉnh táo, hoặc mỗi lần đẫm người sáng tạo, nhà văn phải ỰC thật nhiều giọt cafe đặc sánh để lựa dữ liệu nào quý, dữ liệu nào cần đưa ra trong lúc mình đầm đìa vô vàn mạch nguồn và cái cách thắp sáng đèn thợ mỏ trên đầu nhiều khi không đem lại hiệu quả gì... nhà văn càng phát hiện ra vô vàn mạch nguồn, vỉa quặng, càng cố tỉnh táo để chọn, để sáng tạo, thì càng ngập trong trạng thái sương khói... và cuối cùng Đất trời vần vũ ra đời vậy. Nghe đâu đó “nhà văn thường không có trí nhớ tốt”. Nên hiểu một cách đơn thuần là những hạt sỏt, những mảnh gió, phần nhỏ của hạt sương mai, câu nói, dáng hình, sự việc, truyền thuyết... nhà văn thu nhận quá nhiều trong đời sống khi nạp vào vỏ não dữ liệu xóc lộn hoà tan và chỉ định vị mơ màng trong cảm thức, cách lấy ra là bắt buộc phải nhờ những trạng thái chênh chao, chòng chành tâm lý, sự thoát tục ý niệm, tách mình hoàn toàn khỏi lý trí để đào xới, móc máy, tìm ra. Có nghĩa, phải dùng khả năng đặc biệt, thứ công cụ đặc biệt, trong thời điểm giao hoà đất trời đặc biệt mới có thể lấy để dựng lên tác phẩm. Điều này khẳng định phải ở những thời khắc đặc biệt tác giả mới viết ra những tác phẩm để đời.
Văn Một không có chỗ cho áng mây, vệt nắng ầy à. Mọi thứ đều trực diện, dễ hiểu, cả lúc trai gái sắp hôn cũng không cần... mào đầu. Vậy mà người khó tính nhất chẳng chê, đó là cái văn riêng, hiếm.
“... Đó là loại nấm tự nhiên, mọc ở các gò mối, ăn rất ngon.Vào mùa nấm, những người thợ đá và những thợ rừng gói vào lá chuối nướng ăn, ngọt lịm như tổ yến vậy. Chàng ở đây đến mùa mưa chàng sẽ được thưởng thức. Nấm mối là món quà tặng của thế giới song song dâng tặng cho thế giới vật chất. Những ai được dẫn đường mới tìm được nấm, nếu không ở ngay trước mắt cũng không nhìn thấy.
Cô gái dịu dàng ngả đầu lên đùi chàng, hương thơm từ cơ thể nàng tràn ngập cả không gian, Trương Phước ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ ấy. Chàng đặt nụ nôn trên môi nàng
- Ông già tiên tri quả quyết rằng, đến khi thiếp lớn, chàng sẽ đi tìm thiếp, chúng ta có duyên tiền định. Chàng sẽ đến xứ này và cùng thiếp se duyên. Ông tả cho thiếp hình ảnh của chàng, trong những giấc mơ của thiếp, luôn hiện lên hình ảnh của chàng. Hôm chàng đến rừng tre trên lưng con bạch mã, thiếp đã nhận ra chàng”.
Hoặc:
“Ông Mười Cao còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện nữa, nhưng tôi quên dần chuyện chính sử của vùng Biên Trấn, mà lại nhớ những chuyện bàng bạc xa xưa, với cái hoang sơ đầy thơ mộng trong thời thơ ấu của người kể chuyện. Không gian xưa ấy, hấp dẫn tôi nhờ vào chất giọng nói thuần Nam, chất phác hiền hậu và ánh mắt say sưa của ông nhìn xuống dòng sông Đồng Nai, mỗi khi kể chuyện cho tôi nghe bên tách cà phê nguội ngắt. Những câu chuyện kể luôn xen lẫn những kỷ niệm buồn vui, những thăng trầm của đời người, của vùng đất ông đã sinh ra và lớn lên suốt nửa thế kỷ. Dù bận rộn với trăm ngàn công việc không tên, nhưng ông vẫn luôn sống với kỷ niệm về thời thơ ấu nhọc nhằn bên dòng sông Đồng Nai. Ấn tượng về dòng sông qua những lần kể chuyện lớn dần lên trong tôi.
Có lần tôi cùng ông đi dọc bờ sông, ông khoát tay một vòng chậm rãi :
- Tôi sinh ra ở đây, gia đình đông anh chị em, tôi thứ mười nên cha mẹ đặt tên là Lê Tấn Mười. Năm Nhâm Thìn (1952) tôi mới được ba tuổi thì Biên Hoà ngập lụt, trận lụt lịch sử đó chưa bao giờ lặp lại trên đất này, từ đó đến nay, sau này nghe cha mẹ kể lại thấy cơ cực chẳng khác gì miền Trung. Ngày ấy, ven sông còn hoang vu lắm, đá chập chùng, tre mọc thành rừng, sáng sớm đi học ở Trường tiểu học Nguyễn Du còn sợ cọp vồ”
Đọc Một, có lúc tưởng như ta và cây đa đang văng vẳng nghe ông cụ già rổn rẳng đọc nghe. Đọc lúc trưa hè yên ả. Đọc như đọc hịch. Một, tiết chế ngẫm, kể ít, và tả nhiều. Văn tả, nhất là tả động của Một, có thể thay cho cả ngẫm và kể. Đó là “bệnh”, của người vốn sống đuề huề và cũng là cái tạng phương Nam, cũng là thế văn mạnh, hiếm.
Cách đây mười năm năm. Tôi về Đồng Nai, uống rượu, vớt cá, tắm đã trưa hè, rướn người ngặt vú sửa chũn chĩn nhúng sông tại một quán rượu sát mí nước. Cảm xúc dâng, tôi viết một truyện ngắn. Giữa mưa tầm tã, tôi ra đứng giữa cầu Đồng Nai, giữa đêm, nhìn về cù lao Cảnh, và trong phút phấn khích, tôi tuột mũ, áo, đằm mưa hàng tiếng đồng hồ. Đêm đó tôi sốt gần 42 độ, rồi viết được cái truyện có tựa Qua đường, một trong những cái đời văn tôi ưng nhất. Chỉ hiềm rêu rao bốn năm trời chẳng tờ báo nào đăng. Ngày đó, sông Đồng Nai sạch lắm, trong lắm, ngọt lắm. Ở một cái Ký gì gì, Một kể, “từng đàn cá bay rào rào xuống sông”. Lúc giầm mưa trên cầu Đồng Nai, hình như tôi có thấy điều này. Thế mà trước, Một đã dự báo “sông Đồng Nai sẽ quằn quại, dòng Thị Vải sẽ chết thôi”. Đúng vậy, giờ nó chưa chết hẳn nhưng đang nguyềnh ngoàng ngoắc ngoải bởi mấy chục con cọp, con bạch tuộc, con bò tót sắt là hàng chục khu công nghiệp đẻ ra sắt thép, cao su, mì tôm, mì chính... nhổ thừa, nhổ vô tội vạ xuống lòng sông hiền hoà ngọt nước những thứ phế thải úa cây, chết cá làm sông đỏ ngầu, đặc sánh, chảy máu ồng ộc. Buồn quá.
Ở trên đã nói: “Văn Một không có chỗ cho...” thế mà mỗi lần nói về sông lại thấy Một mềm đi, mềm vì yêu quá dòng sông nơi hắn đạy đuỗi oằn mình. Mềm vì sông thuần phục hắn lâu rồi. Viết chính diện sông, Một có những đoạn văn đọc thăng hoa, ngây ngất.
“... Thả tầm nhìn dọc bờ bãi bên sông, nơi có con đường mới mở thẳng tắp phía sau chợ, tôi tưởng tượng qua lời kể của ông :
Bờ sông Đồng Nai với những hàng cây bằng lăng trổ hoa tím ngát. Những bụi cây Gừa buông bộ rễ hững hờ trên mặt nước như những cô gái ngồi chải tóc bên sông. Mùa hè đến, bờ sông lảnh lót bài hoà tấu rộn ràng của bầy chim chích choè về ăn trái Gừa chín. Những đứa trẻ lang thang dọc bờ sông với cái cần câu không có mồi vì cá nhiều vô kể, nhiều đến nỗi chỉ cần ném lưỡi câu không xuống nước là có thể câu được những con cá to như bắp tay. Mùa nước lên có thể bắt được những con cá ngược to như thân cây chuối, mùa nước rút cá con bay vun vút, mang rổ hứng chừng vài chục phút về kho tiêu ăn không hết...
Tôi thật sự ngạc nhiên bởi dòng sông Đồng Nai trong ký ức của ông Mười Cao lại huyền thoại và đẹp đẽ như vậy. Tôi nhìn dòng sông oằn mình chở nặng các chất thải của đời sống công nghiệp và thì thầm hỏi: Có thật như thế sao sông ơi? Có thật đấy, ngày xưa như thế đấy. Câu trả lời xa xăm vọng lại, đầu óc mơ hồ tôi không rõ câu trả lời của dòng sông hay của ông Mười Cao đang ngồi dõi ánh mắt thăm thẳm về phía bên kia sông, nơi vạt nắng vàng đang trải lụa trên những hàng cây.
Thế đấy, giờ hò hẹn bạn văn chương, hình như Một không rủ ai ra bờ sông Đồng Nai uống rượu nữa.
Cái Ký tôi thích nhất của Nguyễn Một là “Thúng quà quê”. Tôi nghĩ, đây là một trong những tác phẩm tốt của Một và là Bút ký có hạng bây giờ. Nó từa tựa như “Nhà ba hộ” của Nguyễn Văn Thọ, “Chuyến đi săn cuối cùng” của Sương Nguyệt Minh; “Lời nguyền dòng họ”- Tạ Duy Anh;... Kể ra, so sánh cái sự được, sự hay của Ký với truyện thì có vẻ ngô nghê gì ấy, nhưng tôi cứ đánh sóng, cứ nói vậy, ai chê thì chê. Thực ra, truyện hay sẽ là ký mà Ký hay cũng sẽ là Truyện. Viết được Ký để người đọc cảm nhận (ở một bình diện nào đó) như một truyện ngắn hay, thì đấy là thành công ngoài tưởng tượng của nhà văn. “Thúng quà quê”, ngoài những giá trị văn học nó đã dồn lén giai đoạn lịch sử máu lửa vào những sự việc, trăn trở, vận mình của một lớp người, không kể giới tuyến, ý thức chính trị vào những giá trị thăng hoa của cuộc sống đó là tính nhân bản và lẽ người trong hành trình thơ ấu, tâm tưởng của một cậu bé sống bằng nhiên trong một đất nước máu lửa rang người. Ở đó, những đứa trẻ vừa sinh, tiếng khóc, nghe đã phải khác, phải át tiếng bon rền đạn nổ. Ký viết ngọt, và chân. Đọc nhiều lần Ký này, mà lần nào tôi cũng rưng rưng và bao giờ cũng cảm giác nghèn nghẹn nơi ngược trái.
Tôi sẽ dành vài ngàn từ để nói về Đất trời vần vũ, tiểu thuyết vừa ra đời đã gặt hái nhiều khen chê, khẩu chiến, bút chiến cả trên báo viết, báo mạng cả những lúc trà dư tửu hậu các cuộc hội ngộ văn chương và hiện tại Đất trời vần vũ đang tạm dừng phát hành, hiểu đơn giản là bị đình. Sự đình lại thiển nghĩ có khi hay, như chuyện tái ông mất ngựa của một thân phận văn học (xin được nghĩ hoàn toàn ở khía cạnh văn chương). Đã có rất nhiều người, nhiều nhà văn nổi tiếng đọc rồi nói về Đất trời vần vũ. Tôi biết, có người đọc qua qua, rồi nói, có người cầm trên tay, nhìn bìa rồi nói, có người đọc kỹ, đọc ba bốn lần rồi nói chẳng được bao. Và lại có người nghe thông tin về Đất trời vần vũ rồi phán. Còn cái câu “Đất trời vần vũ không dành cho những người yếu bóng vía” nghe sạo quá. Cái người viết mấy dòng giới thiệu Đất trời vần vũ trên một tờ báo nào đó, thoáng đọc tôi đinh ninh sẽ là chưa đọc hết tác phẩm đâu. Vì xét khía cạnh nghề, nhòm qua là biết. Đất trời vần vũ có dăm sự kiện, hình tượng... thuộc lối spine-chilling; bloodcurdling (rợn người). Vì vậy, nó mới có giá, chứ từ đầu chí cuối đọc đều gai thì Đất trời vần vũ thành tập sách ma, liệt vào loại sách kinh dị mất rồi. Cái lớn, cái được, thành công ở tiểu thuyết đã nói ở trên. Tôi là người chính thức cầm trên tay tác phẩm thì chưa nhưng tôi đã đọc từ bản thảo thô đầu tiên trên máy tính tác giả ưu ái gửi cho.
Có triết gia nói: “Muốn có tác phẩm để đời cần ba điều: Vùng đất, dân tộc đó có gì để viết; vùng đất, dân tộc đó có nhà văn xuất sắc không; và nhà văn đó viết có đúng vào thời điểm sung sức, phát tiết tinh hoa?”. Đồng Nai là miền đất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đàng Trong khai phá khi còn rất hoang vu. Ông đặt Đại bản doanh ở Cù lao Phố; lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đất đai mở mang ngàn dặm. Ông chiêu mộ lưu dân lập nghiệp, tổ chức bộ máy hành chính từng bước hanh khai, khuyến khích phá hoang, thúc đẩy Cù lao Phố hưng thành cảng thị sầm uất, năng động nhất Đàng Trong suốt thế kỷ XVIII. Ông lại phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu dẹp vua Chân Lạp giữ vững biên ải phương Nam. Đồng Nai có Chùa Ông, thờ Quan Vân Trường, dũng tướng hiển thần đời Tam Quốc – Trung Quốc, dựng năm 1684 gắn liền hành trang mở cõi; ở đây còn khai quật được tượng Phật Bà xác định phong cách nghệ thuật tiền Angkor hay hậu Óc Eo, niên đại thế kỷ thứ VII-VIII sau Công nguyên. Vậy, điều kiện cần đầu tiên để có tác phẩm tốt là đủ đầy, “Đất trời vần vũ” được dựng với tâm thế, thế. Và “Nguyễn Một bị tác phẩm lôi đi”- Quả không sai. Nguyễn Một đang sung sức, sẵn sàng nhất ở thời điểm từ trước đến giờ. Tôi trong số rất ít người được may mắn tham gia hành trình trong hành lộ giao hoan Đất trời vần vũ. Những lúc khuya khoắt, hay khi chính ngọ, quãng say mềm đang viết, khi đang nghĩ, khi chớm ấp ủ, gợt, vun những chi tiết văn học tái tạo dằng dặc quãng lịch sử máu lửa ba trăm năm mà cù lao Phố, mảnh đất giờ tồn tại chiếc mộ vọng của Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chắc chắn là cù lao Dao trong tác phẩm Một thường kể, nhắn tin se sắt hoặc hân hoan chia cảm xúc. Khoan nói về giá trị nghệ thuật, khoan nói về diễn tiến của sự chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ nhiều chiều khác lạ. Có thể khẳng định Đất trời vần vũ là một dấu ấn, khắc dấu mạn thuyền về một thiên văn học giá trị của xứ sở suốt mấy trăm năm đất dựng trời vần vũ này.
Đất trời vần vũ được viết khác so với các lối cách diễn tiến những tác gia tiểu thuyết. Đất trời vần vũ có dáng dấp từa tựa như Quovaris (tôi muốn nói là cách tiếp cận vấn đề của tiểu thuyết). Cũng người dẫn chuyện, kể chuyện, xưa gắn với nay, truyền thuyết gắn với đời sống thực; sức mạnh vũ trụ quyền năng gắn với trần thế; thế lực gắn với người bị áp bức và trên hết là sức mạnh, quyền năng của tình yêu được trải dài trong nhiều chương, rồi cao hơn nữa là vấn đề hành tiến văn hóa, lẽ người trong tác phẩm. Rất nhiều câu chuyện, điển tích, được kể như một chứng nhân, hòa loãng, tan vụn trong đời sống song hành dã sử, hoặc ẩn dụ, là mầm cây trong những nhân vật văn học (tôi xin nhấn mạnh, là nhân vật văn học) mà khi đọc, độc giả chỉ cảm nhận được xử lý tình huống của tác giả là thông điệp, trạng huống, chứ không đưa đến những câu chuyện, hành động cụ thể. Chính vì vậy người có nghề (ít nhất là nghề đọc) sẽ cảm được cái hay, cái vượt của Đất trời vần vũ, còn người đọc qua, hoặc hiểu sơ giản, máy móc sẽ cảm thấy lỗi bởi tôi tin rằng, với bút văn ngót hai chục năm Nguyễn Một, hay bất cứ một nhân mới vào nghề cũng đều có thể nhận thấy và sửa ngay. Có câu chuyện: Cồng chiêng Tây nguyên của ta được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nên hiểu là unesco công nhận là công nhận cái không gian cồng chiêng của Tây Nguyên chứ mấy bộ cồng chiêng này sánh sao những bộ cồng chiêng ở vùng Suncothai -Thái Lan, giàn cồng 10 chiếc có tên là bonang của indoneisa nổi tiếng khắp Đông nam á... Xin được cắt nghĩa chuyện là ở chỗ này!
Không gian văn học Đất trời vần vũ được thẩm cảm bởi không gian suốt chiều dài lịch sử ba trăm năm, được tái hiện từng đường nét, các nối, dựng đứng trong nhiều sự việc, điển tích và điều đặc biệt là tái hiện trong từng tính cách nhân vật, từ Trần tướng quân, đến Ba Chuông, từ nhà thơ đến nhân vật thầy Trí; từ một Tư Ngồng ghê rợn đến cô Gấm hồng chuân nghi ngờ cả con tim mình nữa; nhân vật Trần Đình sống kiêu hùng, chết oan khiên đến đoạn trước bênh biêu mà sắc đậm reo trong tiếng mõ chiều cuộc đời ni cô Diệu Lan... và cả lưỡi gươm Trần Đại vung lên gọt lắt đêm đen, cắt phăng ruột thịt bởi chữ ngu Trung của một dũng tướng xa cơ, vân vân và vân vân. Có những chương viết rất thăng hoa, đọc cực hay và cuốn hút như chương 25: Chuyện kể của nhà thơ: Dục vọng như dòng nước chảy xiết của thượng nguồn dòng Thanh Long hùng vĩ, nó dễ dàng cuốn trôi tất cả những bông hoa đẹp đẽ nhất, nếu tính cờ rơi vào dòng xoáy của nó; chương 3: Con người không dễ dàng quên được quá khứ của mình. Quá khứ đôi khi như lưỡi dao bén ngót cứa vào trái tim đau buốt để lại vết thương mãi mãi không lành miệng; chương 20: Trở về một bữa hôm nay. Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần.(* Thơ Bùi Giáng...) Chương 38: Chuyện kể cuối cùng của nhà thơ: “Hắn chưa đủ nội lực để giết chết phụ nữ, cho dù đó là một cô gái điếm, bởi họ đã sinh ra những giấc mơ và các vị thần, họ mạnh hơn đàn ông gấp trăm lần…”
Còn cái gọi là thế giới song song Nguyễn Một dùng để hóa giải, then lẫy trong sự giải quyết vấn đề của truyện, những chuyện. Đây là giải pháp an toàn và thông minh của nhà văn. Khi thấy cách xử lý của tác giả, tôi rất thích thú bởi trong rừng rập rì chi tiết, sự việc, xung đột mà cách giải quyết dù tối ưu đến mấy, thậm chí dùng cả hệ quy chiếu của văn hóa cũng khó có thể xử lý thấu đáo, nhất là nhiều sự việc chưa có độ lùi thời gian, không gian để chiêm nghiệm, khởi tạo và kết thúc. Thế giới song song trong tiểu thuyết ví như cõi tĩnh hằng, bến sống đặc biệt ba chiều, là nơi cảm thức - vật chất, không lằn ranh. Ở đấy tồn tại thế giới vô chiêu và diệu nghiệm. Ở đấy sẽ hoà loãng, lý giải tĩnh liệt hoàn toàn các chu trình hồi chuyển. Ở đấy doanh biên tái tạo, nối dài diễn trình sự sống. Ở đấy thăng hoa giá trị theo đường xoắn ốc, và quan trọng tổng hòa cân bằng mọi thuyết lý, suy tưởng, ước mơ, miền tồn tại, khiến con người đủ pháp giới vũ hằng dễ dàng vượt lên những giá trị hiển mực tinh thần và vật chất... Thế giới song song được Nguyễn Một mở ra dung dị và thuận giản, khiến người đọc kết tủa được cảm xúc ngoại khái văn học. Nhưng điều đặc biệt như bông hoa nở bung ở những trang về cuối của tiểu thuyết đó là sự kết luận sự kỳ vĩ quyền lăng của thế giới song song xuyên suốt mấy trăm trang tiểu thuyết vẫn không thể sánh được với tình yêu, không thể tiên tri được lẽ người, bản thể tuận hành của lẽ người, lẽ sống tự nhiên. Đó là thông điệp lớn mà Nguyễn Một gửi đến cho đông đảo độc giả. Có thể nói Đất trời vần vũ có dáng dấp một tiểu thuyết lớn, nó dường mang sứ mạng lĩnh hội và tổng kết. Hiện tại (xin chỉ nói là hiện tại) có thể gọi Đất trời vần vũ là một trường ca – tình yêu – máu và đất. Tin rằng, lần tái bản tiếp Đất trời vần vũ sẽ được hoàn chỉnh để làm tròn xứ mạng đất rựng trời vần vũ của một vùng đất gửi gắm và trao cho Nguyễn Một. Lần nữa, xin cảm ơn tác giả, nhà văn Nguyễn Một đã chắt cạn những giọt mồ hôi lao động tháng ngày qua để đưa đến cho độc giả những cảm nhận nhiều chiều, những đúc kết sống động, những ngoại luận định giản, hoặc làm sáng rỡ thêm những giá trị nhân bản về con người, sự tổng kết văn học thấu đáo về sự vật vã của một dân tộc, vùng quê văn hóa. Tin rằng những giá trị mà Đất trời vần vũ khắc dấu, sẽ là dấu ấn văn học được tôn trọng, tôn vinh trong lòng bạn đọc khắp cả nước./.
Phan Đình Minh.