Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ANH HAI CHÚA ĐẢO VÀ CHIẾC ỐNG XÌ ĐỒNG

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh
Thứ sáu ngày 29 tháng 10 năm 2010 2:29 PM
 
Huỳnh Thiện Hòa quê gốc ở Củ Chi. Anh là con cả nên chúng tôi quen gọi là Hai Hòa, người ít tuổi hơn thường kêu bằng anh Hai. Hòa là học sinh Miền Nam tập kết. Học chưa hết phổ thông anh đã tình nguyện nhập ngũ và lên đường đi “B”. Hòa là lính vận tải Trường Sơn, ôm “vô-lăng” từ Hà Nội phóng thẳng vào chiến trường. Lúc lên đường, anh chỉ kịp bứt vội mấy cành lá dâm bụt ở hàng rào công viên Thống Nhất để thay hoa tặng Hải Yến - cô ca sĩ xinh đẹp của Đoàn văn công Phòng không - Không quân mà không hẹn ngày gặp lại.
Năm ấy, mùa mưa đến sớm. Mưa ở phía Tây Trường Sơn rất lớn và kéo dài, làm đình trệ mọi hoạt động vận chuyển trên toàn tuyến. Mưa rừng Trường Sơn đã tạo ra những cơn lũ khủng khiếp, có thể bất ngờ cuốn trôi những đoạn đường, cây cầu thậm chí cả những phương tiện vận tải hạng nặng. Nước dâng lên ở hai bờ sông Xê Băng Phai gần phía thượng nguồn, khiến cho vũ khí, lương thực, thuốc men bị ứ đọng lại ở bờ Bắc. Đoàn xe vận tải của Hai Hòa hành quân trong tình hình thời tiết khắc nghiệt và chiến sự vô cùng tàn khốc như vậy. Mang theo câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”; Chiếc xe Zil chất đầy hàng chiến lược cùng anh lính trẻ Hai Hòa ngày đêm dũng cảm vượt Trường Sơn để tập kết đúng thời gian quy định tại binh trạm. Vừa trả hàng ở kho B2 thì máy bay Mỹ thình lình ập đến oanh tạc dữ dội. Chiếc xe Zil - đứa con thân yêu của anh bị trúng rốc-két nổ tung, thân xe oằn cong như vỏ đỗ. Còn Hòa thì bị bỏng nặng, được đưa về trạm xá tiền phương điều trị. Vết thương chưa lành hẳn, Hai Hòa đã vội vã lên đường hành quân để kịp tham dự đợt huấn luyện hỏa tốc ở Chiến khu Đ, Miền Đông Nam Bộ.
Bộ chỉ huy “Cứ” nằm giữa khu đồi, với hệ thống giao thông hào, địa đạo liên hoàn, là nơi làm việc của lãnh đạo Khu uỷ và các cơ quan trực thuộc, nơi đây được bao phủ bởi nhiều tầng đại thụ, lá xanh, dây leo dày đặc lại tiếp nối với những rừng tre lồ ô bạt ngàn dọc triền Bắc sông Bé. Cả một vùng rừng núi hoang vu “Mã Đà sơn cước”, “Lâm sơn chướng khí”. Mùa mưa kéo dài gần nửa năm, có tháng mưa tầm tã suốt ngày đêm, các sông suối nước chảy cuồn cuộn, đục ngàu. Con sông Bé hiền lành thế mà bỗng to rồ lên hung dữ lạ thường, nước cuồn cuộn tung bờm ngựa như muốn cuốn phăng đi tất cả đã  tạo thành một cứ địa “Bất khả xâm phạm”. Khu uỷ Miền Đông đã đứng chân trong suốt thời gian dài để lãnh đạo cách mạng, làm nên những chiến thắng oai hùng: Phước Thành, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Sắn…
Ngày ấy, Hai Hòa vừa là Tiểu đội Trưởng vừa kiêm “cần vụ” riêng cho Thủ trưởng Huỳnh, Hòa cứ ngỡ mình cùng họ Huỳnh với thủ trưởng nên được ông cưng, chọn.
Tôi là người sau cùng bổ sung về tiểu đội để đủ sĩ số 12. Chúng tôi từ đủ mọi miền tụ lại, người ở Củ Chi, kẻ quê Hòa Vang, Quảng Trị, đứa ở Nam Định, Thái Bình… Sống trong gian khó nên thương nhau hơn anh em ruột thịt. Cả tuần nay kẹt tuyến tiếp vận nên chúng tôi rã họng vì nhai rau rừng, măng tre với lương khô, nước suối… Nhớ chuyện “Rừng mơ” trong “Tam Quốc”, tôi vui miệng kể về những ngày còn nhỏ theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa, tôi hay lấy cành đu đủ làm ống “xì đồng”, ngậm hột xoan vào miệng để thổi chim sẻ, con nào gan, háu ăn là bị “dính” liền. Hai Hòa nghe chuyện, bỗng trợn to đôi mắt, tuyên bố hùng hồn: Vụ này để tui lo, tiểu đội mình sẽ “ăn tươi” nghen!
Vài hôm sau, Hai Hòa lọ mọ tầm đâu ra một ống hút rượu cần bằng cây trúc rừng, dài cỡ hơn một mét. Anh khéo léo hơ lửa uốn, nắn cho thật thẳng, rồi hý hoáy dùng sợi cây Sể cứng như dây thép để thông nòng, phải mất mấy ngày ống xì đồng mới hoàn thành. Hòa còn kỳ phu tìm bằng được một nắm đất sét nhào nặn thật dẻo để làm đạn.
Chừng gần trưa hôm sau, Hai Hòa tay xách nách mang, vai đeo túi dết tài liệu và khẩu AK47 nặng trữu, anh luồn chiếc ống xì đồng vào sau cổ áo xuống tận thắt lưng, đoạn trên vọt lên sau chiếc mũ tai bèo đã bạc màu, trông như cần ăng-ten của lính Thông tin. Tay anh xách một chùm chim sâu, cả mấy chục cái đầu nhỏ xíu dốc ngược trông như mớ củ ấu vớt ở ao làng. Hai Hòa cười tươi, trẻ trung như đem niềm vui từ trạm giao liên về Cứ.
Bàn giao tài liệu cho “Bảo mật” xong, Hai Hòa cẩn thận gỡ dây trói chân chim rồi chia cho anh em trong tiểu đội vặt lông cho lẹ để kịp bữa trưa. Riêng tôi được miễn trừ vì đang trong phiên gác.
Chim sâu vặt sạch lông chỉ còn lại bằng ngón tay cái. Hòa đem thui, mổ, rửa sạch rồi cho vào chiếc cà-mèn. Anh làm công tác “dân vận” với anh nuôi để xin ít muối và măng tươi thái mỏng, sau đó khẽ khàng “dúi” ké vào bếp Hoàng Cầm chừng dăm, mười phút, thế là chúng tôi được một bữa ăn tươi nhớ đời. Mà đúng là “nhớ đời” thật. Sau bữa ấy, cả tiểu đội chúng tôi không một ai dám nhắc đến chuyện ống xì đồng của Hai Hòa nữa. Chiến tranh đã không cho chúng tôi thời gian để kịp hiểu ra mọi nhẽ.
Chuyện là thế này: Xẩm tối hôm ấy, Hòa bị “triệu” lên phòng “chỉ huy”. Căn phòng hẹp, chỉ đủ kê một chiếc tủ và một bộ bàn ghế, trên tường đóng mấy chiếc nêm gỗ nhô ra chừng 20 phân để làm giá treo mũ hoặc treo súng cá nhân…Trời nhá nhem, nhưng Hòa vẫn nhìn rõ trên mặt bàn ghép bằng những tấm ván mộc, hoen ố màu thời gian, đã để sẵn vài tờ giấy “một mặt” và cây bút chí ngắn tũn.
Căn phòng vắng tanh, ớn lạnh. Vị Thủ trưởng dáng đậm, oai vệ không giống một nghệ sỹ lớn đã làm nên tên tuổi ông. Vẻ mặt căng thẳng, hình như ông đang kiên nhẫn kìm chế nỗi bực bội trong lòng. Hai Hòa bước vào phòng đứng nghiêm trang, khép bàn tay phải đưa lên vành mũ chào theo nghi thức. Thủ trưởng gật đầu rồi chỉ ghế cho Hòa ngồi đối diện. Ông vào đề ngay: - Ai đầu têu ra “vụ” bắn chim sâu? Hai Hòa đinh ninh rằng thủ trưởng gọi lên để giao nhiệm vụ lo bữa ăn tươi cho tiểu đội nên khấp khởi, tự tin trả lời: Báo cáo Thủ trưởng em mần một mình, không ảnh hưởng đến công việc chung ạ! Ông chậm rãi hỏi: Con chim sâu nó ăn gì? Hòa tỏ ra thông thạo: Dạ chim sâu tụi nó ăn những con sâu rừng nên rất sạch và béo lắm ạ!
Thủ trưởng lại hỏi tiếp: Những con sâu rừng ấy nó ăn gì vậy? Hòa lại rốt ráo trả lời: Dạ thưa thủ trưởng, nó ăn lá rừng dữ lắm ạ, mà toàn ăn những lá non, mầm non tận trên cao nên rất sạch!
Ông gằn giọng: Lá rừng có tác dụng gì? Hai Hòa bí quá đành trả lời đại: Dạ thưa nó làm mát rừng ạ! Ông lớn tiếng hỏi như quát: Tôi hỏi lá rừng có tác dụng gì đối với quân giải phóng kia? Hai Hòa chợt nhớ ra câu thơ của Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” ạ!
Vị Thủ trưởng gật gật đầu, rồi đứng phắt dậy nói hùng hồn như phát biểu trong hội nghị chỉnh huấn: Rừng không những chỉ “che bộ đội” mà che được cả những đoàn xe hàng trăm chiếc. Rừng không chỉ “vây” mà còn “bịt mắt” quân thù. Đó là chưa nói những khu kho chiến lược, bệnh viện, trạm phẫu thuật dã chiến, những doanh trại của bộ đội ta cũng đều được rừng bao bọc, bảo vệ. Nếu không có rừng thì chắc chắn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Vì vậy, là quân giải phóng, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ rừng. Triệt hại chim sâu là tiếp tay cho đế quốc, cho bọn Mỹ - Ngụy. Đồng chí giết hết chim, sâu rừng phát triển hàng vạn, hàng triệu triệu con, ăn trụi hết lá rừng thì làm sao có thể “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” được (?) Hành vi của đồng chí là tiếp tay cho kẻ thù, là phá hoại cách mạng. Nếu không kịp thời ngăn chặn hành động vô trách nhiệm này thì cả tôi và đồng chí sẽ không thể lường hết được hậu họa của nó.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi không thấy Hai Hòa trong lán tiểu đội. Anh đã nhận mệnh lệnh lên đường đi mặt trận Đồng Xoài từ lúc nửa đêm.
Rời chiến khu Đ, Hai Hòa được điều về đơn vị chủ lực hành quân từ Đồng Xoài, luồn sâu để đánh áp sát Sài Gòn. Trong một trận chống càn ác liệt, không cân sức, nhiều đồng đội đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ trọng  điểm. Hai Hòa bị thương nặng, không kịp rút về cứ nên anh bị địch bắt làm tù binh chính trị, đày ra Côn Đảo. Năm 1973, anh được trở về đất liền trong diện trao trả tù binh sau Hiệp định Paris. Về với đồng chí, đồng đội, anh lại hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, khao khát cống hiến như người ốm dậy được “ăn trả bữa”. Năm 1975, ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Hai Hòa quyết định trở ra đảo, gắn bó máu thịt với Côn Đảo trong suốt 20 năm. Ngót 10 năm giữ cương vị Chủ tịch, Huỳnh Thiện Hòa đã có nhiều công lao đóng góp vào công cuộc xây dựng nền tảng và phát triển huyện đảo từ đói nghèo, lạc hậu trở thành vùng kinh tế biển vững mạnh, một khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng và là khu du lịch độc đáo, hấp dẫn nổi tiếng bậc nhất của nước ta. Người dân Côn Đảo yêu mến và quý trọng vị Chủ tịch của mình, nên gọi anh là Anh Hai Chúa đảo.
Hơn 10 năm mới có dịp gặp lại, Hai Hòa mời vợ chồng tôi về thăm cơ ngơi của anh, một Trung tâm đào tạo lái xe khang trang và hiện đại bậc nhất hiện nay ở thành phố Vũng Tàu. Anh lại còn bố trí cho chúng tôi ra thăm Côn Đảo, đến thắp nhang tưởng niệm nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu.
Hôm chia tay, Hai Hòa chọn nhà hàng sang trọng ở Vũng Tàu, tọa lạc đúng vị trí mà trước đây thời anh Ba Giao là Chủ tịch đã chọn làm Văn phòng Cơ quan đại diện huyện đảo ở đất liền, như để kỷ niệm những ngày cùng công tác ở Côn Đảo. Bữa tiệc thật vui và cảm động, hải sản Vũng Tàu rất ngon và đặc biệt nhưng bà xã tôi chỉ ngồi lặng yên, rưng rưng lắng nghe chúng tôi ôn lại những kỷ niệm buồn, vui của một thời lính chiến.
Tôi băn khoăn hỏi lại Hai Hòa về “vụ án” ống xì đồng và những con chim sâu hồi ở chiến khu Đ. Anh nhấp một hớp rượu rồi trầm ngâm kể như tứa ra từ trong ký ức: Ổng mất năm 89 ở Sài Gòn. Nhớ lại Tết năm 82, tôi được đón tiếp ổng ở trụ sở Ủy ban Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhìn thấy thủ trưởng cũ hồng hào, khỏe mạnh mình mừng quá, “cậy thế” là lính của ổng nên tui chạy ào đến bắt tay và tự giới thiệu: Em đây! “Gòa” chiến khu Đ đây!  Anh nhớ ra em không? Như bị bất ngờ, ông chững lại vài giây, rồi hồ hởi vỗ vỗ vào hai bàn tay tôi: Vẫn “Hòa” hử? vâng, em vẫn tên “Gòa”! Ông nói như hài lòng: Tốt, cứ thế nhé! Ông hỏi tiếp: Vợ con gì chưa? Tui đáp: Dạ, một vợ và bốn con rồi ạ! Ông ân cần, hoan hỷ như khẳng định: Thế tốt, mình biết cậu làm được. Hai Hòa mừng quýnh lên, nói như giãi bày: Vợ em bị bệnh tim nên ốm yếu quanh năm! Ông động viên: Tốt, cứ thế nhé! Hai Hòa lại như muốn báo cáo thêm: Bốn cháu nhà em còn nhỏ, vừa trông nhau vừa học, nhôi nhai lắm anh ơi, lương chủ tịch huyện chỉ đủ đóng tiền học cho bốn đứa, chật vật dữ lắm! Ông vẫn hồn nhiên: Tốt, cứ thế nhé! Mình biết cậu làm được…
Đôi bàn tay ấm áp của Hai Hòa như bị hút hết sinh lực, buông rời khỏi bàn tay mềm mềm và nhẹ bẫng của người thủ trưởng cũ, để ông còn giao tiếp, còn đón nhận tình cảm của những người đang chờ được nắm lấy nó như một vinh hạnh trong đời. Hòa ngơ ngác lùi ra khỏi đám đông, như người bị bước hụt, cổ họng anh thắt nghẹn, sống mũi bỗng cay sè… Cho đến tận hôm nay, khi nhớ lại kỷ niệm sau chót và những câu nói vô cảm luôn thường trực nơi cửa miệng ông, Anh muốn quên đi chuyện những con chim sâu và chiếc ống xì đồng nhưng dường như vẫn còn vướng víu, đắng đót trong lòng anh Hai Chúa đảo./.
Họa sĩ  Đinh Quang Tỉnh

Ảnh: Vợ chồng họa sỹ Đinh quang Tỉnh và anh Huỳnh Thiện Hòa
Vũng Tàu tháng 9/2010