Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN TRUNG - NÉT PHÁC THẢO

Hà Ngọc
Thứ tư ngày 27 tháng 10 năm 2010 7:52 PM

 

Những người yêu thơ đã có dịp tiếp cận với Trần Trung qua một số tác phẩm: “Bình thơ từ 100 bài thơ hay thế kỷ XX” (Nhiều tác giả - NXB Giáo dục, 2008, 2 tập), hay “Thơ cho bốn mùa” (Hội Hữu nghị Việt Nhật, NXB Văn hóa-Thông tin, 2008, Tuyển tập các bài thơ Nhật Bản từ xưa đến nay) với cương vị người bình thơ; và, xa hơn là tập thơ “Chân dung đêm” (NXB Văn học, 1999) do ông sáng tác. Ngoài ra, ông còn in rải rác thơ và bình thơ trên báo chí.

 Nét cảm nhận rõ rệt ở Trần Trung là năng lực viết nhanh và ngắn. Nhiều bài bình dăm bảy trăm chữ ông viết ngay tại nơi gặp gỡ bạn bè. Người thân nhận được thơ ngắn của ông qua tin nhắn điện thoại di động khá thường xuyên (riêng người viết bài này, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, đã nhận và chép lại gần 50 bài ông gửi !). Giả dụ:

 Giữa đôi bờ thực-ảo, mong manh đi
Nước mắt-nụ cười, sóng đôi nhòa nhập
Cái được nhân sinh, rập rình cái mất
Tự thỏa tìm mình: thanh-thản-vô-vi

Hay:

Gọi gió mê man vẫn chưa về
Nắng giời thiêu đốt cả chân đê
Sông trôi nước chảy âm thầm quá!
Gió ở nơi nao trong cõi mê?

 Nhanh nhưng không vội. Cái nhanh ấy chứng tỏ khả năng nắm bắt ý thơ nhạy và chóng vánh biểu hiện thành ngôn ngữ thơ (hoặc bình thơ). Tất nhiên, để tập hợp thành tác phẩm thì còn lựa chọn để tránh lặp ý, lặp tứ, lặp chữ. Ông bật mí: đã viết được khoảng 700 bài thơ ngắn – một con số ấn tượng đấy chứ !  

Thơ của Trần Trung không “êm đềm” theo lối xưa, mà trăn trở đến “nghiêng ngả” ở cấu tứ, đăc biệt là chữ, song vẫn giữ được nhịp điệu, tạo nên hồn thơ và cái riêng của một “tạng” không ưa miêu tả, đi thẳng vào trạng thái của sự vật và hiện tượng, gọi cái ẩn tàng lộ diện. Dẫn bài “Chân dung đêm” trong tập thơ cùng tên của ông để thấy “cái tạng” của tác giả:

Đất với trời
hổn hển vào đêm
Lá vẫn thức
run cành buốt
Và gió – gió đưa tang mùa thu
Đêm đá mù
Đêm mộng du
Ai chuốc rượu cho đất trời thao thức
Ly rượu suông
Cháy thấu dạ người
Nốt nhạc trầm ngân ngư đơn côi
Đêm trườn qua tôi
bước chân mèo hoang dại
Tiếng rao đêm u ơ tê tái
Đồng vọng tiếng khóc trẻ con
tràn vào chân tóc của tôi
Đồng hồ gõ
rã rời như bước chân thằng thọt
Ta rót thêm ly rượu cho mình
Ai rót ta vào đêm...

Cảm thức của người thơ cho ta hình dung sự cô đơn của chính người viết, hay chính chân dung của mình, tự mình “rót” mình vào đêm. Bức “Chân dung đêm” lững thững theo bước chân Trần Trung cả khi thanh thiên bạch nhật. Ông thú nhận: vướng vào thơ là tự chấp nhận nỗi buồn cô đơn (dường như người làm thơ thiếu sự cô đơn thì khó lòng thăng hoa!). Và, ông cũng xác định: quan trọng đối với thơ là “tứ”. Có vẻ như quá vắn tắt, như chính thơ ngắn của ông vậy, nhưng Trần Trung có độc giả riêng của mình. Ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè và những người yêu thơ ông, qua tập “Chân dung đêm”, đã tổ chức hẳn một đêm giao lưu thơ ông. Đó là đêm Thơ Trần Trung do Câu lạc bộ Thơ quận 12 tổ chức hôm 22-6-2010. Đó là hạnh phúc mà không phải bất cứ người làm thơ nào cũng có được.

Xuất phát từ công tác giảng dạy môn văn học trong nhà trường (Trần Trung nguyên là giáo viên dạy văn của trường năng khiếu thuộc Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nay về hưu vẫn tham gia giảng dạy tại trường THPT Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội), Trần Trung có niềm say mê với công việc bình thơ. Trong thao tác bình thơ, ông vẫn giữ “cái tạng” viết nhanh và ngắn, nhằm đi thẳng vào “đích” để bộc lộ sự cảm nhận của riêng mình trước vẻ đẹp của mỗi tác phẩm thơ; nhưng không có nghĩa sự riêng tư ấy làm cản trở sự tiếp nhận chung của người yêu thơ. Ông viết:

“... người viết bài này không sợ võ đoán và cảm tính, khi đưa ngay ra một lời bình giá khái quát. Rằng: Đồng dao cho người lớn của Nguyễn Trọng Tạo với một dung lượng có thể nói là kiệm lời, đã tạo được sự tương hợp tự nhiên của hai tố chất cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và triết lí... để trao gửi bức thông điệp nhân sinh mà như tác giả thật hóm hỉnh và sâu sắc, từ tên bài thơ của mình”. Ấy là lúc “một mình một sân”, còn khi “cặp đúp” – hai người cùng bình một bài, như trường hợp với bài “Miền Trung” của Hoàng Trần Cương, bên cạnh bài bình của Trần Hòa Bình, Trần Trung vẫn giữ giọng điệu của mình khi viết: “Với Miền Trung , Hoàng Trần Cương có một cách cấu tứ vừa sóng đôi, lại vừa hòa hợp, bổ sung (...) Cũng chính từ lối cấu tứ ấy, câu chữ và hình ảnh của nhà thơ đã luôn tượng hình lên hai mặt đối cực và đồng nhất khi gọi tên và khắc họa chân dung mảnh đất và con người miền Trung ...” Cách viết trực diện của Trần Trung trong thao tác bình thơ, một lần nữa thể hiện “cái tạng” trong sáng tác thơ vốn có của ông. Điều đó phù hợp với cảm nhận chung hay không còn tùy thuộc vào người tiếp nhận. Giọng điệu ấy cũng được Trần Trung “mang” vào những bài bình trong Tuyển tập các bài thơ Nhật Bản từ xưa đến nay có tên: “Thơ cho bốn mùa” (cùng với các tác giả khác); trong đó có nhiều bài Trần Trung và Đặng Tương Như “song hành” bình cùng một bài thơ, mà mỗi bài bình lại gợi lên cách cảm thụ riêng, bổ sung cho nhau. Với cách này, người đọc có thêm điều kiện thưởng thức cái hay, cái đẹp ở những tác phẩm thơ Nhật Bản.

Thảng gặp, có thể thấy một Trần Trung nghiêm nghị, rồi lại nhận ra một người vui tính chen khôi hài. Nhưng, đăm chiêu, tư lự vẫn choán chỗ của hoan hỉ ở con người này. Trong tâm tư ông dường như khoảng trống, nơi trú ngụ của sự buồn cô liêu, ngày càng rộng ra theo thời gian của cuộc đời, mà chỉ có cách duy nhất che đậy là “dấn” sâu thêm vào cõi thơ...

Hà Nội, ngày 26-10-2010

H.N.