Đó là câu Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong của nhà thơThanh Tịnh. Ông rất đáng tự hào bởi câu ca dân vận từ thời kháng chiến chống Pháp của ông đã được dân gian hoá. Đã thành tài sản chung của toàn dân.
Vậy mà, trong nhiều trường hợp các nhà tuyên truyền hoặc báo chí lại nói rằng câu đó là Hồ Chủ tịch dạy. Tất nhiên, nhà thơ Thanh Tịnh mất từ năm 1988, không thể đòi bản quyền. Nhưng gán câu đó là câu Hồ Chủ tịch dạy, thì Bác Hồ nếu sống lại cũng không dám nhận của mình.
Đến ngay một số nhà văn nhà thơ cũng hiểu không chuẩn về tác giả của câu ca trên. Mục Tiếng nói nhà văn trên báo Văn Nghệ số 43 ngày 23/10/ 2010, bài Người chủ trì của Nhà thơ Lê Duy Phương cũng viết Tôi hy vọng như Bác Hồ đã dạy:Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Trong bài Người hát xẩm của thời đại của Nguyễn Huy Thắng in Văn nghệ Quân đội ngày 11/3/2009 cũng khẳng định câu ca ấy của Thanh Tịnh. Bài Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng của Ngô Minh Khôi trên Quảng Nam online nói rõ ràng hơn: Trong kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ thường hay dẫn câu của nhà thơ Thanh Tịnh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Cũng nên đối chiếu với tác phẩm của nhà thơ Thanh Tịnh, khẳng định hơn. Câu ca trên là của Thanh Tịnh trong bài ca Dân no thì lính cũng no viết năm 1948. Để tránh nhầm lẫn tác giả của câu ca đó. Nhà thơ Thanh Tịnh khỏi mất bản quyền, mà Hồ Chủ tịch cũng vui!
Ngọc Bái