Nhà thơ Hoàng Quý đã giành giải thưởng cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do Báo Văn nghệ và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội tổ chức. Việc ông hiến tặng số tiền giải thưởng của mình cho các em khiếm thị Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội là một nghĩa cử đẹp, làm xúc động nhiều độc giả. Được biết năm 2003, ông cũng đã tặng toàn bộ số tiền giải nhất - Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Hội Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đầu năm 2009, ông cũng hiến tặng toàn bộ tiền giải thưởng của giải nhì cuộc thi sáng tác 50 năm văn học Biên phòng vào Quỹ mái ấm cho đồng bào nghèo biên giới, hải đảo …
Bình Nguyên Trang (BNT): Thưa nhà thơ Hoàng Quý, xin chúc mừng ông đã giành giải Ba cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do Báo Văn nghệ và Đài phát thanh Truyền hình Hà Nội tổ chức. Việc ông hiến tặng số tiền giải thưởng của mình cho các em khiếm thị trường THCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội là một nghĩa cử đẹp, làm xúc động nhiều độc giả. Được biết năm 2003, ông cũng đã tặng toàn bộ số tiền giải Nhất - Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho Hội các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đầu năm 2009 ông cũng hiến tặng toàn bộ tiền giải thưởng của giải Nhì cuộc thi sáng tác 50 năm văn học Biên phòng vào Quỹ mái ấm cho đồng bào nghèo biên giới, hải đảo… Từ câu chuyện của ông tôi thầm nghĩ, rằng, với tài năng của mình, nhà thơ không chỉ góp phần làm giầu có đời sống tinh thần của nhân dân, mà họ còn có thể giúp đỡ về mặt vật chất cho những người khó khăn, hoạn nạn…Ông nói gì về điều này?
NT Hoàng Quý: Thưa chị, câu hỏi của chị làm tôi rất bối rối. Nhà tôi đông anh chị em lắm. Tôi là con út, thứ 13. Chị cứ thử tưởng tượng một gia đình có tới chin anh em trai, bốn chị em gái sẽ giữ nếp thế nào. Sinh thời, cậu mợ tôi vẫn dạy, đi cùng người hãy biết cầm lấy tay người, trong đám đông các con phải biết bước lùi lại. 30 năm sống với nhạc mẫu tôi, được cụ dạy, hạt gạo nào cũng hình hài nước mắt. Tôi hiểu, cậu mợ tôi và nhạc mẫu tôi đă dạy những điều cần. Khi tôi và nhà tôi nên vợ nên chồng, tiếc là nhạc phụ tôi đã hy sinh quá sớm. Tôi tin rằng nếu ông còn sống, ông cũng sẽ dạy chúng tôi về lẽ thiện sinh.
BNT: Ông sinh ở Phú Thọ nhưng cha mẹ ông lại là người gốc Hà Nội. Phải chăng vì thế mà sau này dù chọn đất Vũng Tàu làm nơi sinh sống, lập nghiệp, nhưng thơ ông vẫn tràn ngập nỗi nhớ quê nhà Hà Nội?
NT Hoàng Quý: Theo gia phả, khoảng 300 năm trước Tiên Tổ tôi dạt vào đất Hưng Yên, vùng thôn Mụa Mát, xã Độc Lập, huyện Kim Động bây giờ. Ở đó còn mộ phần Cô Tổ của dòng họ chúng tôi. Có câu chuyện màu sắc rất liêu trai, rằng mộ Cô Tổ họ Hoàng tôi kết trong cuộc đất có hình con cá chép bơi đi. Rằng những ai dám lập chí lập thân xa, thường phúc vượng.
Chả biết có phải vì thế mà từ nhiểu đời trước có một nhành họ Hoàng trực hệ của tôi chọn Thăng Long làm nơi sinh nghiệp, tôi cũng không hiểu được, chỉ nghe kể. Mợ tôi lập nên hãng sơn ta Sinh Tài Đông Dương có kho hàng và cơ sở giao dịch ở phố Hàng Rươi khi tuổi còn rất trẻ. Mùa đông 1946, Pháp tái chiếm Hà thành, anh cả tôi khuyên cậu mợ tôi đưa các em ra vùng ATK vì lo mật thám Pháp đã biết dưới nền đất của cái hãng sơn nhiều năm là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ Việt Minh, nếu ở lại khó bề sống hợp pháp. Cũng như hàng vạn gia đinh người Hà Nội mùa đông lịch sử ấy, cậu mợ tôi cũng phải bỏ lại tất cả đưa con cái ngược lên Phú Thọ..
Có lẽ chị đã nói đúng. Dù Phú Thọ nơi tôi chào đời hay Vũng Tàu nơi tôi và gia đinh đến ở, Hà Nội vẫn là vùng thức trong sâu xa tôi. Trong tôi có vệt chảy thẳm sâu Hà Nội. Cũng cần nói thêm, nhạc mẫu tôi cũng người Hà Nội gốc. Vợ tôi cũng được sinh ra trên vùng đất Phú Thọ năm tháng tản cư. Nếu nhiều bài thơ của tôi tràn ngập nỗi nhớ quê nhà Hà Nội thì… (cười) tôi cũng đã nói thay cho cả vợ tôi niềm nhớ và những vui buồn sống.
BNT: Thực sinh năm 1952 nhưng đến tận năm 1996 ông mới xuất bản tập thơ đầu tiên, tập “Giấc phì nhiêu”. Vậy trước khi làm thơ, ông đă làm những công việc gì?
NT Hoàng Quý: Có một tuổi thơ tôi trong ngăn ngắt xa/ Chợ người thì đông, chợ mẹ thì ế/ Tôi tha thủi trong khung cửa ngỏ/ Trông lên huếch hoác mây trời/ Có một tuổi thơ tôi ở tít quê người/ Đọn cói thì to, người tôi thì bé/ Tôi lết gánh cói xanh ra chợ/ Lạnh tay thu về nhúm xu kèng...Gia đinh đông anh em, tôi biết làm mọi việc từ rất sớm. Những câu thơ này chị đã đọc. Nó là một phần tuổi thơ tôi đấy. Cậu tôi lâm bệnh và mất ngay sau khi một người anh trai tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ. Cụ được tin anh tôi mất chỉ đêm trước ngày chiến thắng có vài giờ, mà quyết không chịu ăn uống hơn tháng ròng, rồi đi. Mợ tôi gan góc hơn cậu tôi. Có khi chúng tôi được trời phú cho cái gien gan góc của bà nên cũng có vẻ… bền như đất (cười)…
Tôi học hết lớp 9 phổ thông đã thành một người lính. Không riêng gì tôi cả, một thế hệ nhiều người tình nguyện ra trận tuổi mới 16 như tôi. Ở sư đoàn 304B tôi được coi là em út. Những năm tháng ở trung đoàn 246 độc lập tôi sống gần với nhà thơ Ngọc Bái. Ông biết tôi thích đọc sách và yêu thơ, nên nhiều dịp đọc cho tôi nghe những sáng tác của ông.
Sau chiến tranh tôi rời quân ngũ làm thợ phay ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội, và tranh thủ học lại. Những người lính sau chiến tranh hầu hết biết tự giác học. Tôi hơi bị mơ mộng nên theo học cả lớp múa ban đêm tại Nhà nghệ thuật Hà Nội chỗ Ngõ Gạch bây giờ. Lại học cả lớp kèn và trống vào ngày chủ nhật tại Câu lạc bộ Thanh niên ở hồ Thiền Quang. Nhưng xem ra, năng khiếu có vẻ… chê tôi.
Thế rồi, anh cả tôi khuyên tôi về Vĩnh Phú. Tôi làm người sưu tầm văn hóa dân gian và rẽ theo một lối khác. Cứ tưởng sẽ gắn mãi với cái công việc tôi đã bị thôi miên khi tìm được một số bài bản đánh trống đồng cổ trên các bản làng Mường heo hút và phục dựng thành công, thì vì sức khỏe của những người thân, tôi bỏ lại nhiều việc vừa khởi đi tàm tạm để vào sống ở Vũng Tàu. Rồi làm báo. Rồi làm nghề chống ăn mòn kim loại cho một công ty dịch vụ kỹ thuật. Số tôi nó cứ mê tơi thế. Chả đâu với đâu cả.Còn bây giờ, tất nhiên là… nhà thơ.
BNT: Thế hệ ông, chiến tranh là một phần đời, một câu chuyện có sức ám ảnh dai dẳng. Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về chiến tranh của ông và thấy rằng ký ức có khi lại là thứ có sức sống mạnh mẽ trong lòng người hơn cả hiện tại. Ông nghĩ sao về điều này?
NT Hoàng Quý: Khi chiến tranh qua đi cái nhớ, cái quên/ Cái nhớ đã làm duyên, cái quên không cả thẹn/ Cái nhớ cái quên cô độc trên đời/ Như không nói ra thì không tiện, thế thôi! Những câu thơ ấy tôi viết trong bài thơ “Khi chiến tranh đi qua” và cũng trích làm đề từ cho cả một tập thơ, tập “Ngang qua cánh đồng”gồm trên một trăm bài. Có một câu chuyện vui vui thế này, cũng vì mấy câu ấy, và cả mấy câu này nữa: Chỉ cánh chúng ta chẳng nghĩ lo nhiều/ Đi vào chiến tranh như đi chợ/ Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn mà có vị trong hội đồng biên tập nọ cân kéo mãi mới thuận. Ông là một nhà thơ mực thước và có lòng tốt nên hay lo cho người khác.
Cũng trong cái tập thơ ấy, ở bài “Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức”, khi ông đọc những câu”Bông cúc ta từng hái ở mùa thu/ Khô xác gần 30 năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại trên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai - Hoa cúc! Thì ông càng lo cho tôi, và rằng, tôi có nên viết bạo quá thế không. Nhưng, có một ngiệm khác (chí ít cũng riêng tôi) sau cuộc chiến tranh mà tôi và nhiều đồng đội tôi đâu chỉ biết có “xem” nó như xem xi - nê! Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức/ Mưa kí ức rơi như một bài hát buồn/ Mưa kí ức rơi vào bông cúc cũ/ Mỗi cánh hoa như một linh hồn.
Tôi không tin sự nghèo nàn và ngoảnh mặt, hoặc rũ bỏ quá khứ hay lãng quên, sẽ làm nên các thần đồng thơ bay lượn như diều. Huống hồ chúng tôi, một phần đời bước ra từ chiến tranh. Chiến tranh và những hệ lụy không bao giờ đáng để ngợi ca. Nhưng, cuộc chiến tranh giữ nước và chống những kẻ xâm lược thì sao lại không là một phần bền dai trong kí ức những nhà thơ thế hệ chúng tôi? Chỉ có điều, phải viết về chiến tranh một cách trung thực. Mà sự trung thực lại cần rất nhiều can đảm.
BNT: Nhìn vào đời sống văn nghệ như ta đang thấy, không ít người làm thơ nhắm tới một mục tiêu duy nhất là để nổi tiếng, càng nhanh nổi tiếng càng tốt. Còn với riêng ông, công việc làm thơ có ý nghĩa như thế nào?
NT Hoàng Quý: Những năm tuổi trẻ tôi cứ khăng khăng là tôi rất có tài. Những người chung quanh rồi cũng thông cảm cho tôi. Năm tháng dần dà, tôi nhận ra mình cũng tầm thường và chả có gì đặc biệt. Trong Kỷ yếu nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà thơ Nguyễn Duy khi phát biểu về nghiệp chướng thi sĩ, chỉ rất ngắn gọn “Khó. Rất khó!”. Đọc cứ thấy như là ông đang nói với tôi.
Chị hỏi về công việc làm thơ, mà tôi cố tình lảng tránh thì rất không phải. Với tôi ư, có lẽ Thơ chia sẻ và cho tôi quyền chia sẻ. Thơ cho tôi phiêu linh miền tự thoại, và đôi khi đối thoại với miền người. Cố nhà thơ Ngô Quân Miện trong một bài tứ tuyệt hai vế, đầy băn khoăn về quà chữ, viết thế này:”Bạn bè tặng sách cao như núi/ Tôi tựa lưng vào hứng gió tươi/ Câu thơ mình viết như tro bụi/ Biết lấy gì đây tạ lại người!”. Tôi chả biết những người huyễn mộng đọc những câu trầm tư và khiêm nhường của Ngô thi sĩ nghĩ thế nào. Tôi đọc xong thấy lòng nhiều sợ hãi.
BNT: Ông đã từng nhiều năm sưu tầm văn hóa dân gian. Ông có thể kể vài kỷ niệm mà ông không thể quên? Theo ông, văn hóa dân gian có vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa hiện tại và tương lai của một dân tộc?
NT Hoàng Quý: Tôi luôn coi một số năm sưu tầm văn hóa dân gian Mường trên đất Vĩnh Phú (cũ) là một may mắn và hạnh phúc lớn của tôi. Những chuyến đi sưu tầm ở các bản Mường tưởng chừng chỉ làm khổ vợ, vì lần nào ghé qua nhà củng chỉ có quà tặng là cái đầu tóc bù xù những chấy là chấy.
Những năm sau chiến tranh ở đâu mà chả thiếu thốn. Đồng bào rẻo cao càng khó khăn hơn về tất cả mọi phương diện. Nhưng, cũng từ sự mách bảo tận tình của rất nhiều pố, mế mà tôi tìm được một số bài bản đánh trống đồng cổ tưởng đã thất truyền, còn lưu giữ ở một số cụ già cao tuổi. Sự việc trở nên rất quan trọng. Sau khi nghe báo cáo mô tả và tóm tắt từ các đợt điền dã, những ghi chép sơ khởi, anh Ngô Quang Nam là Trưởng Ty Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh trực tiếp cùng tôi về bản Cự Thắng. Trống đồng không có, tôi cùng các pố, mế lấy một chiếc thùng phuy cắt ngắn, vẽ bốn con cóc phân chia vị trí và nghe các mế đánh “trống đồng” thùng phuy mà ai cũng lặng người vì biết rằng nhiều bài trống của Tổ Tiên chúng ta chưa mất.
Hai tháng phục dựng, một chiếc trống đồng cổ được phép đưa ra từ Bảo tàng Hùng Vương. Và Giỗ Tổ năm ấy, 1979, Lễ đánh trống đồng cổ đã khởi lên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Chưa bao giờ, đồng bào mọi miền đất nước lại tụ hội đông đến thế! Tất nhiên, sau đó là một công trình nghiên cứu khoa học hơn. Và, cũng tất nhiên, nhiều chuyện vui buồn tôi sẽ tường tận vào một dịp thích hợp.
Văn hóa dân gian đóng vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa hiện tại và tương lai của một dân tộc là một vấn đề khổng lồ và bức thiết. Kiến thức hạn hẹp của tôi không thể nói phiến diện và chủ quan. Những nhà giáo dục, những nhà hoạch định văn hóa và những nhà lãnh đạo văn hóa gọi chung là những nhà chăm lo và tiên phong trong sự nghiệp trồng người, cần trả lời không ngụy biện một câu hỏi thôi: Có phải ngày càng có nhiều con cái chúng ta rất lơ mơ lịch sử của chính đất nước mình. Câu trả lời còn vòng vèo, thì tôi làm sao dám ti toe trước câu hỏi bao trùm nhiều nội hàm chị đã nêu!
BNT: Được biết cha mẹ ông xưa kia làm chủ hang sơn Sinh Tài Đông Dương trên phố Hàng Rươi. Mẹ ông có cổ đông trong một vài hãng kem của Hà Nội. Ở Vũng Tàu ông cũng đang cùng với gia đình xây dựng một thương hiệu kem để nối nghiệp. Xin hỏi, công việc kinh doanh đối với một nhà thơ có thuận lợi và khó khăn gì ?
NT Hoàng Quý: Cách nay sáu năm, khi mẹ tôi đã rất yếu, cụ gọi vợ chồng tôi ra Hà Nội và đưa một cuốn sổ nhỏ. Trong cái cuốn sổ đã mòn sờn vì thời gian, mẹ tôi ghi chép hơn chục công thức kem cứng và kem mềm. Mẹ tôi dặn cầm về Nam. Lại dặn, cố thu xếp làm những loại kem này để mang chút hương vị Hà Nội vào trong ấy. Mẹ tôi lại bảo, một người Nhật từng đến Hà Nội tìm thị trường mở tiệm kem rồi bị hỏa hoạn, được cụ ít nhiều giúp đỡ, nên bày cho cụ. Nhưng hãng sơn của mẹ tôi đang nhiều thuận lợi, cụ chỉ góp vốn với vài người bạn cần vốn mở hãng kem tư. Riêng những công thức thì cụ chỉ giúp phần nào.
Mẹ tôi thọ 103 tuổi thì mất. Tôi chả biết nên làm kem thế nào. May quá, năm ngoái ra Hà Nội được tướng Ma Văn Kỳ giúp. Tôi phải nói thác cái sự thích làm kem kiểu Hà Nội như một sáng kiến của tôi. Ông thích thú và thu xếp cho tôi thọ giáo từ những bậc thầy làm kem của Hà Nội. Thế là vỡ vạc được về máy làm lạnh và từng khâu của quy trình. Tôi được đồng thuận của vợ tôi và các con, nên kem “Tuyết Mùa Hè” làm đúng công thức mẹ tôi giữ kín, có dịp khoe với thực khách sành ẩm thực là nhà văn Hoàng Minh Tường, cùng nhiều anh chị dự trại viết ở Vũng Tàu.
Lại đúng cái lúc Hoàng tiên sinh đón tin vui con gái sinh cháu ngoại Nguyệt Nhi chạm ngày Hà Nội mở lễ mừng 1000 năm tuổi. Quá phấn khởi, Hoàng tiên sinh làm luôn cái tùy bút in Báo Phụ nữ, lại khen nức nở mấy cái kem “Tuyết Mùa Hè” tôi mang mời các văn bá thi bá. Thế là chút hương vị Hà Nội trong kem nhà tôi được dịp maketin miễn phí. Nhiều khách du lịch đến tận nhà hỏi mua (cười lớn), ăn và phán về “cái sự kem” ông Tường viết trong đoạn vĩ thanh cái tùy bút kia là rất chính xác. Thế là, chỉ mấy ngày chúng tôi đã có mươi điểm nhận bán kem. Xem ra “Kem Tuyết Mùa Hè” cụ tôi để lại chịu ơn phúc của Tháng Mười năm nay, tháng Phúc trong năm Thiêng.
Tôi làm thơ nhưng không ảo tưởng thơ là nghiêm trọng. Kinh quá, có nhà thơ lý luận như thể thiếu cái việc làm ra thơ thì họ quá bơ vơ. Các con tôi bảo, bố không phải lăn tăn gì cả, chúng con sẽ lo cho kem của bà nội đến tận các thực khách. Vậy thì, cả cái việc giữ gìn và nối dài thêm một chút hương vị Hà thành và cái sự làm thơ của tôi không ngược nghịch.
BNT: Ngoài làm thơ ông còn là người rất yêu âm nhạc. Ông đã viết nhiều ca khúc bằng cách tự phổ nhạc thơ mình. Xin hỏi, ông đã đến với âm nhạc như thế nào ? Liệu rằng ông không tự tin với thơ của mình hay sao mà cần đến sự “hỗ trợ” của âm nhạc?
NT Hoàng Quý: Vì yêu linh tinh nên hồi còn bồng bột, tôi học cả múa, tập thổi cả kèn tây và chơi cả bộ gõ. Chết nỗi, yêu thích là một chuyện, thành tài là chuyện xa vời. Thơ, nhạc, họa là anh em sinh ba, điều ấy các thi nhân đã đúc rút từ thuở Hán, Đường, có khi còn từ trước nữa.
Việc chị nghe phong thanh tôi viết nhiều ca khúc bằng cách tự phổ nhạc thơ mình là bởi tại có một số bạn bè và bạn đọc quá yêu mà nói quá lên cho tôi thôi. Cũng có vài bài thơ tôi muốn hát lên. Mấy cái ca khúc tự phổ thơ mình như “Buồn tường vy”, “Khi hoàng hôn qua đây”, “Gửi sông Hồng”, và, “Và tin rằng em đợi tôi” viết vào ngày 3 tháng Giêng vừa qua, rồi được ca sĩ Trọng Thành của Nhạc viện Hà Nôi hát trong đêm 14 tháng Giêng của Đại Lễ hội thơ chào mừng Hà Nội - Thăng Long 1000 năm, tại Văn Miếu, đêm dành cho cuộc thi và trình diễn thơ Sinh viên thì có đâu mà nhiều.
Tôi là nhà thơ. Tôi cần nhắc lại rằng, tôi chưa bao giờ hoắng lên kiểu như “thiếu thơ không sống được” hay đại loại thế. Nhưng, những bài thơ tràn đầy cảm xúc âm nhạc, ta có thể hát lên theo cách của riêng mình. Mà thơ thì… “Khó! Rất khó” như thi sỹ Nguyễn Duy đã nói. Trời ạ! Thế là nhà thơ thì anh (hoặc chị) không làm thơ thì nuôi…bò à!
BNT: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Quý !