Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HEO MAY VỀ LẠI NHỚ...

Nguyễn Khắc Phục
Chủ nhật ngày 31 tháng 10 năm 2010 6:10 AM
 
Giời hửng sang sáng. Thấy lạnh lưng, tay hơi cóng khi mở mắt, loạng choạng nhỏm dậy giữa nhà trọ, chẳng biết heo may đã về chưa ? Bỗng thấy mọi cái lo lắng, cay cú, hăm hở của mình thật vớ vẩn... Càng thấm thía nỗi nhớ. Mà nhớ nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão, hai người anh, hai bàn phím, một giấc mơ…
                                                              
Tôi lần đầu được gặp nhà văn Nguyễn Dậu khoảng 1958-1959, tại nhà anh rể tôi lúc đó là biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Vùng Mỏ, khi nhà văn vừa viết xong cuốn tiểu thuyết “Mở hầm” và bị phê phán khá nặng là viết theo lối “tự nhiên chủ nghĩa”. Lúc đó tôi còn là cậu học trò lớp 7, tất nhiên chả hiểu cái gọi là “chủ nghĩa tự nhiên” mặt ngang mũi dọc thế nào và vì sao người ta lại căm ghét, lên án cái chủ nghĩa ấy khủng khiếp như vậy. Và dĩ nhiên, nhà văn Nguyễn Dậu tác giả của cái cuốn sách mang hơi hướng của thằng “ chủ nghĩa tự nhiên” phải gánh đủ thứ rắc rối, khổ sở. Bẵng đi nhiều năm, tôi không được gặp nhà văn Nguyễn Dậu, chỉ biết theo lời kể của nhà văn Vũ Bão ( nhân vật thứ hai trong câu chuyện này), thì sau khi bị rầy rà vì cuốn “Mở hầm”, anh Nguyễn Dậu đi làm thợ cúp tóc ở gần đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm-Hà Nội). Cũng theo anh Vũ Bão, trong một lần tổng kết thành tích của tổ chức văn nghệ hồi ấy, người ta bảo rằng: Tổ chức ấy có công “biến một nhà văn (Nguyễn Dậu) thành một anh thợ cúp tóc” và ngược lại, “biến một anh thợ cúp tóc (ai?), thành một nhà văn”.
 Chả rõ thực hư thế nào, chỉ biết là vào khoảng sau 1984-1985 gì đó, tôi được gặp lại nhà văn Nguyễn Dậu tại Sài Gòn. Hình như trước đó anh cũng vừa gặp rắc rối này nọ ở Phnom-pênh (Cămphuchia). Chưa kịp hàn huyên thì giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên lúc đó là anh Hoàng Phong (nếu tôi nhớ lầm, rất xin anh Hoàng Phong tha lỗi), mời nhà văn Nguyễn Dậu đi cùng xuống Vũng Tầu tìm hiểu thực tế sáng tác. Trên đường đi, anh Dậu hầu như không đả động đến những chuyện không vui, bất hạnh của mình, anh toàn say sưa nói với tôi về nghề nghiệpvăn chương, những ý đồ sáng tác anh đang ấp ủ, chán rồi quay qua chuyện lý số, tử vi, y lý, thuốc men, cây cỏ dược thảo…
Lại bẵng đi, không được gặp anh nhiều, chỉ biết là nhà văn viết say sưa, nhiều cuốn sách, truyện ngắn của anh (tác phẩm cũ được in lại hoặc những cái mới viết và công bố) nhiều người đọc khen hay, đánh giá cao.
Lại bẵng đi, cho đến khi tôi trở lại Hải Phòng, được một anh bạn cũ đưa đến thăm nhà văn Nguyễn Dậu. Thấy anh bây giờ có tổ ấm mới, nhà cửa khang trang, vẫn hăm hở muốn viết, tôi mừng quá, ngỏ ý muốn biếu anh một món quà. Anh bảo:
-  Cái máy chữ cũ của anh vừa nặng, vừa không có dấu. Giá có cái mới, có dấu diếc đàng hoàng thì tốt quá.
Tôi hớn hở cùng anh bạn văn Hải Phòng, lùng khắp các cửa hàng máy chữ trong thành phố, mua được một “con” Olympia mới cứng, dấu diếc đàng hoàng, hùng hổ mang xuống biếu ông anh, kèm theo 6 câu lục bát đề tặng:
Đố ai nhìn thấu ruột tằm
Để ta khuyên nó thôi đừng nhả tơ
Một bàn phím, một giấc mơ
Một đôi mắt chẳng bao giờ ngủ yên
Khóc cùng kẻ nọ oan khiên
Hãy ru ta ngủ trong duyên của Người…
Vậy mà mới chia tay nhau, tôi về Hà Nội rồi vào miền Tây Nam Bộ tìm chất liệu viết tiểu thuyết “Châu thổ”, chưa đầy hai tháng, bỗng nghe tin dữ qua điện thoại di động. Cô con gái riêng của vợ anh nghẹn ngào báo tin:
-  Chú ơi, bố Dậu cháu đi rồi…
Lúc xuống thắp hương 49 ngày anh, tôi mới hay là anh chỉ kịp gõ vài chữ trên cái “con Olympia” dấu diếc đàng hoàng, đã ngã bệnh nặng. Và đi.
Tôi khấn anh:
-  Anh Dậu ơi, tha lỗi cho em nhá, em về muộn quá…
Và bây giờ, cái máy chữ ấy được ban quản lý dự án Bảo Tàng Nhà Văn Việt Nam gìn giữ. Chắc cũng chả lâu nữa, nó sẽ có mặt bên những trang in, tập bản thảo của anh tại góc trưng bầy những di vật của nhà văn Nguyễn Dậu…
Lạ kỳ sao, câu chuyện ấy lại cũng diễn ra gần đúng như thế với nhà văn Vũ Bão…
Tôi được gặp nhà văn Vũ Bão muộn hơn, tại một trạm giao liên Trường Sơn đầu mùa hè năm 1970. Tôi đang đi vào, còn nhà văn Vũ Bão đi ra. Gặp nhau giữa rừng trong hoàn cảnh chiến tranh, chả biết tương lai, sống chết thế nào, có gì dốc ra hết: lương khô 701, 702 (loại cao cấp hơn một tý), mắm ruốc, thuốc Điện Biên (bao bạc), chè hương Thanh Tâm, Hồng Đào… Nhưng vui nhất, hào hứng nhất vẫn là chuyện văn chương, lý tưởng sống, cảm nghĩ trước thời cuộc, chiến tranh, thân phận con người và những ký ức Hà Nội, ký ức quê hương, bạn bè…
Nhà văn Vũ Bão cười, cái cười không lẫn vào đâu được. Mà sau này, có lần viết về anh, tôi đã tả: Anh Vũ Bão cười bằng toàn bộ thân thể, mặt mũi, tóc tai, tâm thế lẫn thể chất. Con người “cười quán triệt” như vậy thì làm sao không sống hết mình, yêu thương, hi vọng và hài hước hết mình? Nghe anh cười, nhìn anh cười, cảm nhận nụ cười của anh, tôi – lúc đó mới tập tọng viết văn, cứ ngơ ngác tự hỏi: Nghe nói anh Vũ Bão từng bị “đánh gần chết” vì cái vụ “Sắp cưới”, sao bây giờ, giáp mặt với hiểm nguy, đói khát, bom đạn, vẫn phơi phới thế nhỉ?
Trước khi chia tay tại trạm 254 (đường dây “xã hội chủ nghĩa”, tôi vào nữa sẽ đi theo đường dây “dân chủ”), nhà quay phim Lò Minh có chụp cho chúng tôi một bức ảnh kỉ niệm. Anh ngồi trên võng bạt, tôi ngồi dưới chân anh, cùng cười toe toét cứ như thể mấy anh em vừa đi ăn cỗ về. Vài chục năm sau, anh Vũ Bão mặt mũi nghiêm trang, giơ tấm ảnh đen trắng chụp hôm ấy, dọa tôi:
- Tớ sẽ giữ tấm ảnh này để bán cho hoàng gia Thụy Điển lấy vài triệu đô khi họ trao giải Nô-ben cho cậu.
Nghe anh đùa mà lòng tôi vừa trào dâng thương quý, kính trọng, biết ơn vừa ngậm ngùi chua xót. Tôi chỉ muốn kêu lên tự đáy sâu hồn mình: Anh Bão ơi, anh em mình viết văn ai chả muốn được thế giới biết đến, nhưng sức mình, tài mình, hoàn cảnh mình có vậy thôi, bao giờ mới đạt đến mức Nô-ben?
Nhưng để câu chuyện đỡ bi thảm và tuyệt vọng, tôi quả quyết: Nô-ben thì chưa biết thế nào, nhưng em chắc chắn đã từng được “lang-ben” hồi ở nhà quê!
Cứ thế, mỗi lần gặp nhau, vẫn nụ cười “huy động toàn thân”, vẫn cung cách hóm hỉnh, sâu sắc, anh Bão luôn làm chúng tôi không thể không phấn chấn, tự nhủ phải vượt lên hoàn cảnh để sáng tác, để sống. Và quan trọng hơn, để hi vọng.
Rồi có lần, khi tôi muốn biếu anh chút quà, anh bảo, sao mà giống hệt ý muốn của anh Nguyễn Dậu: một “con Olympia” mới cáu, có dấu diếc đàng hoàng. Tôi cùng anh ra một cửa hàng bán máy chữ ở Hàng Bài, kiếm đúng được “con máy chữ’ như anh mô tả. Ông chủ hàng máy chữ nhận ra ngay anh Vũ Bão, hồ hởi:
- Bác viết “Người vãi linh hồn” phải không?
Anh Bão gật đầu, ông chủ tuyên bố dõng dạc:
- Em thích truyện ấy và lối viết của bác. Em xin bớt bác 50.000 tiền máy chữ. Bác phải viết hăng nữa lên, văn chương vừa phải làm người ta chừa được thói xấu nhưng lại vừa thấy ham sống hơn mới là văn chương đáng kể! Em tin bác!
Tôi mừng muốn rơi nước mắt, không hẳn vì được bớt 50 ngàn, mà vì thấy anh mình được bạn đọc yêu mến và chờ đợi.
Hai anh em hì hục vác “con Olympia” về nhà anh ở một cái ngõ nhỏ đường Thanh Nhàn. Lại long trọng làm lễ “rửa máy chữ”.
Ở xa nhau, thỉnh thoảng anh lại kiếm đâu ra một tờ mẫu điện tín, gửi cho tôi bằng thư, bao giờ cũng ghi rất long trọng: Kính gửi- Nhà văn Nguyễn… Ôi chao, đọc nội dung anh viết chẳng bao giờ tôi không khóc, toàn chuyện đùa mà thấm thía tâm can. Chả hạn, có bức “điện tín” anh viết: Yêu cầu nhà văn Nguyễn…, thanh toán tiền đọc Thăng Long Ký, đơn giá: đọc văn bản: 1.000 đ/tr x 2.000 trang, tiền ngẫm nghĩ: 2.000 đ x 2.000 tr, tiền cảm xúc 4.000 đ x 2.000 tr, tiền bồi dưỡng niềm hi vọng: KHÔNG ĐỊNH GIÁ ĐƯỢC! VÔ GIÁ!
Rồi đến trước kì đại hội Hội Nhà Văn vừa rồi, nhờ trúng một cuộc đánh đố với Văn Chinh, tôi “biếu” anh Vũ Bão một “con mô-bai’. Anh vui lắm, chẳng phải vì anh, chị Phong hoặc các con cháu anh không sắm nổi cho anh một chiếc di động. Mà tính anh thích đùa, thích kịch tính và đặc biệt, thích cái gì chan chứa tình cảm bạn bè đồng nghiệp. Chuyện này mới vui nữa, anh nhận chiến lợi phẩm do Văn Chinh thua cuộc phải “đóng chiến phí” là cái con mô-bai, vậy mà anh vẫn “lại quả” cho Văn Chinh… một tút thuốc Vina!
Vậy mà, “con Olympia” anh chưa kịp gõ cho xong một truyện ngắn nào (tôi biết sau đó, các cháu mua cho anh máy tính), “con mô-bai” anh chưa kịp gọi hết một lần nạp thẻ… Định Mệnh đã gõ cửa và Số Phận đã gọi anh đi khi dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy…
Ôi, hai người anh, hai bàn phím gõ chữ mà cùng một giấc mơ: Mơ văn chương tử tế giúp ích cho đời, văn chương cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, văn chương là sống, yêu, hi vọng và hướng tới những điều tốt đẹp nhất…
Vườn Tre ven sông, một sáng heo may ngồi nhớ hai người anh…
nguyễn khắc phục