N hân đọc bài thơ chất vấn các nhà văn cả nước ta vô tình hoặc thiếu trách nhiệm hoặc e ngại, sợ bị lôi thôi khi bày tỏ ý kiến riêng chung quanh vụ quyết định triển khai khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp đã có rất nhiều ý kiến của nhiều giới am tường trong và ngoài nước đã từng lên tiếng can gián và phản đối, chúng tôi cũng xin mạnh dạn phúc đáp đôi lời.
Đọc bài thơ ngắn của ông tôi thật thấm thía và cảm phục. Ông trách các nhà văn chưa làm tròn thiên chức của các “kỹ sư tâm hồn” trốn tránh trách nhiệm làm “người phát ngôn tiêu biểu của lương tri dân tộc” và cũng là người “đại diện chân chính của tòan dân” để “bày tỏ khát vọng của quần chúng” trước những khúc quanh lịch sử nguy hiểm mà toàn dân tộc ta đang phải băng qua. Ông cũng nhắc nhở các nhà văn nhà thơ đừng xa rời thực tế, gửi hồn vào mây gió, đắm mình vào ảo mộng hoặc quá sa đà vào chuyện cơm áo gạo tiền, hèn nhát và bất lực kiếm sống… bỏ mặc chuyện “trái bom bùn đỏ hủy diệt sự sống cực kỳ nguy hiểm đang được treo lơ lửng trên đầu hàng chục triệu con người đang sinh sống ở Tây Nguyên và cả một vùng rộng lớn của đất nước ở phía Nam”.
Là một người cầm bút viết văn, làm thơ và viết báo, làm báo đã trên một nửa thế kỷ, tôi vô cùng xấu hổ thấy mình thật hèn nhát và vô trách nhiệm với vận mệnh non sông, với toàn dân đang sống hiện thời và với cả muôn thế hệ con cháu về sau … khi mình không dám bày tỏ chính kiến công khai trước những quyết định sống chết của toàn dân tộc. Cơn lũ bùn đỏ ở Hungary đã khiến đất nước này và cả một vùng lưu vực sông Danube bị chìm vào thảm họa tiêu diệt sự sống, hủy hoại môi trường… cũng là một dịp tốt cảnh tỉnh chúng ta đừng nhắm mắt làm liều, chạy theo lợi ích trước mắt mà đánh cược với số phận dân tộc mình như thế .
Trước bài học đắt giá nhỡn tiền chúng tôi cũng giật mình, sáng mắt ra, bừng tỉnh…Chúng tôi không muốn rồi ra cảnh tượng ghê gớm này sẽ diễn lại ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Chúng tôi không muốn những cánh rừng Tây Nguyên hoang tàn, những đồi chè, cà phê chết héo, chúng tôi không muốn các dòng suối, con sông thơ mộng trở thành dòng chảy của thảm họa bùn đỏ độc hại …Chúng tôi muốn la to phản đối những quyết định cực kỳ phiêu lưu và xuẩn ngốc, ác tâm…không đếm xỉa gì tới quyền sống của đại đa số nhân dân. Chúng tôi muốn ký tên ngay vào bản kiến nghị đòi dừng ngay cái trò biến Tây Nguyên thành vùng mỏ bauxite và alumin chết tiệt!
Thế nhưng, thật đau đớn vì đa số chúng tôi cũng biết là việc triển khai khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được coi là “chủ trương lớn là “quyết sách chiến lược” mà trên đã dề ra
Là nhà văn nhưng đại đa số chúng tôi cũng là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nếu chúng tôi ký tên vào bản kiến nghị này tức là chúng tôi chống Đảng, vi phạm vào Quy Định số 19- QĐ/TW quy định về những điều đảng viên không được làm. Trong 19 điều quy định ấy, điều số 1 đã quy định rõ là đảng viên không được “nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, làm những việc mà pháp luật Nhà nước không cho phép công dân , cán bộ, công chức làm”.
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng…Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đã thông qua Quy Định đó và Bộ Chính Trị đã chính thức ban hành QĐ từ ngày 03 tháng 01 năm 2002. Cho tới nay Bộ Chính trị vẫn chưa hề có Quyết định hủy bỏ Quy định này và như vậy là nó vẫn còn nguyên giá trị.
Mặc dầu chúng tôi hiểu rằng vận mệnh của toàn dân tộc và quyền sống của đại đa số nhân dân lớn gấp ngàn lần sự tồn tại của Đảng ta, song chúng tôi không muốn vi phạm những điều Đảng cấm để phải chịu những hình thức kỷ luật vô lý.
Ông Bùi Công Tự ơi, ông đưa ra những vần thơ trách mắng và đòi hỏi chúng tôi ký vào bản kiến nghị dừng ngay việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên …. là ông đặt đa số nhà văn chúng tôi vào thế kẹt cứng thật khó trả lời. Chúng tôi xin khất với ông sẽ có quyết định sau. Để chúng tôi còn kính chuyển những vần thơ của ông lên Bộ Chính Trị TW, xin ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo tối cao của Đảng và chờ các đ/c đó đưa ra quyết định.
Vậy nhé! Xin thân ái chào ông./.
TP. Hồ Chí Minh ngày 30/10/2010.
Nhà văn, nhà thơ và nhà báo về hưu Đinh Kỳ Thanh bút hiệu Tô Thùy Anh
Hiện cư ngụ tại Phường 10, Phú Nhuận, TP. HCM.