Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG

Đỗ Hoàng
Thứ năm ngày 28 tháng 10 năm 2010 9:01 PM

      Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện sống bên Nga cùng quê với nhà thơ dịch giả Trần Hậu, bạn tôi. Tôi chỉ thấy anh Hoàng loáng thoáng một vài lần nhưng đọc thơ anh và nhất những điều anh viết về thơ tôi rất tâm đắc.
  Bây giờ nhiều kiểu thơ, nhiều nhóm thơ, nhiều tổ chức thơ, ai cũng có sừng, có mỏ nhọn hoắt, họ có diễn đàn, có vị trí xã hội, không thể cải được với họ. Có kẻ cho rằng cứ nói ra là thơ tất. Thơ không cần nhớ, không cần hiểu, không cần đến ký tự, có thể xáo trộn văn chương với thịt chó, mắm tôm... Con người cứ gào rú, khoe chim, khoe bướm, giao hoan, làm tình như con vật cũng không sao.
   Vậy tôi đưa bài của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng để sẻ chia sự đồng cảm với nhà thơ.
    Nguyễn Huy Hoàng viết:
"Tôi cũng như những nhà thơ cùng thời, sáng tác trong một giai đoạn thi ca đã đi qua biên độ của đỉnh cao hình sin hưng thịnh. Văn hóa đọc dang bị xâm thực bởi các loại hình giải trí dễ dãi, bởi các thứ ngụy nghệ thuật và chính bởi cả thi phú rẻ tiền, phản nghệ thuật nữa
  Việc nhiều người vì mong muốn sớm trở thành thi sỹ, nhiều người làm thơ mong sớm thành danh, sáng chế ra những tác phẩm lập dị, núp sau khẩu hiệu cách tân, thực chất là che đây sự bất lực trong sáng tạo và bế tắc về sự thể hiện. Nó càng làm cho công chúng quay lưng, dị ứng với thơ.
  Đã có những điều tra xã hội về chỉ số các độc giả văn học hiện thời. Có cảm tưởng đại bộ phận độc giả của chúng ta thiên về những sản phẩm sơ chế, dùng ngay, không tinh luyện, ít huy động đến tư duy. Còn những tác phẩm tinh tuý cao vọng thì số độc giả khiêm tốn của nó tập trung ở những người có khả năng cảm thụ, thẩm định và có học vấn. Họ là những tín đồ chân chính và đáng trân trọng của văn miếu thi ca!
   Lịch sử văn học nhân loại đã chứng minh rằng, những tác phẩm có nội dung tiến bộ, có giá trị nhân đạo cao cả, càng trong sáng, càng giản dị, càng kinh điển thì nó sẽ bất tử và có ý nghĩa to lớn đối với con người; còn những tác phẩm cố làm ra vẻ quái gở hoặc tô phấn, trát son cho những gì đang bị đào thải thì ngay lập tức sẽ bị đào thải. Khi thơ ca rơi vào sự a dua, nô lệ, minh họa cho một khẩu hiệu nào đó thì nó nhanh chóng rơi vào điểm chết.
   Hơn bao giờ hết, trong một thế giới đầy "nhiẽu nhương và thiếu bình yên" như A. I Solzhenitsyn nói, thì thơ phải có sứ mệnh đem đến cho công chúng một cách nhìn, một dự cảm mới, hướng thiện và hướng đạo. Nói cách khác chức phận của thơ là phải giáo hóa tâm hồn và lý tưởng chân, thiện, mỹ.
  Nhà thơ bao giờ cũng là một nhà văn hoá, phải "hành quá vạn lộ, độc vạn quyển thư" phải nghiêng mình xuống những số phận thiệt thòi, phải mang lại cho nhân quần một sự sẻ chia, một niềm an ủi.
  Nhà thơ phải có lý tưởng phụng sự dân tộc mình, bảo vệ và tôn vinh những giá trị lịch sử và văn hiến. Nhà thơ phải dũng cảm viết theo tiếng gọi của lòng mình, vượt qua sự can thiệp của ngoại lai và sự trục lợi.
  Sẽ thiệt thòi biết bao cho những người không đủ trí lực và tình yêu để đến được với thánh địa thi ca. Và đáng thương biết bao cho những người dám đem sự hiểu biết hạn hẹp và tư cách thấp hèn của mình để phủ nhận và xúc phạm thi ca đích thực..."