Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA CÂU CHUYỆN CỦA ĐỜI TÔI

Steven Jobs
Thứ bẩy ngày 30 tháng 10 năm 2010 10:08 PM
Gửi các bạn sinh viên mới ra trường

Hôm nay tôi hân hạnh được cùng các bạn dự lễ tốt nghiệp tại một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Thành thật mà nói, đây là một trong những lễ tốt nghiệp đại học thân mật nhất tôi chưa bao giờ được dự. Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu chuyện trong đời tôi. Đây chẳng phải là những chuyện to tát gì cả mà chỉ là ba câu chuyện nhỏ nhặt thôi.
Câu chuyện thứ nhất: vài điểm lặt vặt về cuộc đời tôi
Tôi học ở trường đại học Reed được sáu tháng thì xin thôi học, nhưng sau đó vẫn lưu lại trường làm sinh viên bàng thính, nghe giảng thêm 18 tháng nữa, sau cùng mới rút ra khỏi trường. Tại sao tôi lại bỏ học giữa chừng như vậy?
Chuyện này phải bắt đầu kể từ trước khi tôi ra đời kia. Người sinh ra tôi là một bà mẹ trẻ chưa chồng, hồi ấy đang làm nghiên cứu sinh trong một trường đại học. Bà ấy đã quyết định sẽ trao tôi cho một người nhận con nuôi. Bà khăng khăng yêu cầu người nhận nuôi tôi phải là một cặp vợ chồng đã tốt nghiệp đại học. Cho nên khi tôi vừa chào đời, bà đã làm xong mọi thủ tục trao thằng bé này cho hai vợ chồng một ông luật sư. Chỉ có điều là sau khi tôi ra đời, tới phút cuối cùng ông bà ấy lại muốn nhận nuôi con gái kia. Nửa đêm một ngày nọ, một cặp vợ chồng khác có tên trong danh sách xin con nuôi – cũng tức là bố mẹ nuôi của tôi hiện nay – nhận được một cú điện thoại: “Có một cháu trai không mời mà đến. Ông bà có muốn nhận nuôi không?” Họ trả lời: “Dĩ nhiên muốn chứ ạ!” Nhưng sau đấy ít lâu mẹ đẻ tôi mới phát hiện ra là bố mẹ nuôi tôi đều chưa tốt nghiệp đại học, thậm chí bố nuôi tôi còn chưa học xong trung học phổ thông nữa kia. Thế là mẹ đẻ tôi từ chối ký vào văn bản trao con nuôi. Mãi cho đến mấy tháng sau, khi bố mẹ nuôi tôi hứa sau này sẽ cho tôi được học đại học, mẹ tôi mới động lòng thương và đồng ý.
Mười bảy năm sau, quả nhiên tôi thật sự được đi học đại học, nhưng vì còn trẻ chưa biết nghĩ nên tôi chọn một trường có học phí đắt ngang với trường Stanford. Bố mẹ nuôi tôi đều thuộc tầng lớp công nhân, họ phải dốc hết tiền tiết kiệm ra để trả học phí cho tôi. Học được sáu tháng thì tôi phát hiện mình hoàn toàn chẳng biết nếu cứ học tiếp thế này thì sẽ được gì. Hồi ấy tôi chưa có ý định mình sẽ làm gì trong đời mình và cũng chưa hiểu đại học có thể giúp được cho mình những gì. Tôi chỉ biết vì đi học đại học mà mình sẽ tiêu hết số tiền bố mẹ nuôi cả đời tích cóp. Do đó tôi quyết định thôi học và tin rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt cả thôi. Khi đưa ra quyết định ấy tôi rất sợ hãi, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong đời mình mà tôi có thể đưa ra được. Kể từ hôm thôi học, tôi đã có thể không đi nghe giảng những môn học mà tôi vốn chẳng thích. Tôi bắt đầu dự nghe giờ giảng các môn học mình yêu thích.
Tôi làm những việc ấy không chút nào lãng mạn cả. Vì không còn chỗ ở trong ký túc xá nữa nên tôi đành phải ngủ trên sàn nhà trong phòng của các bạn mình. Để có tiền mua thức ăn, tôi đi nhặt những vỏ chai người ta vứt đi đem đổi lấy tiền cược: tiền cược mỗi vỏ chai Coca-Cola là 5 xu. Và mỗi tối chủ nhật tôi lại cuốc bộ 10 km đến ăn bữa cơm không mất tiền tại ngôi đền Hare Krishna. Tôi thích cuộc sống như vậy. Nhiều việc hồi ấy tôi làm theo tính hiếu kỳ và trực giác, sau này đã mang lại cho tôi các kinh nghiệm vô cùng quý giá. Tôi xin kể cho các bạn một thí dụ.
Hồi ấy Đại học Reed có các lớp dạy viết chữ mỹ thuật tốt nhất trong cả nước. Mọi mẫu chữ trên các poster, biển hiệu… xung quanh trường đều được viết rất đẹp bằng tay. Vì đã thôi học và không phải dự những môn bắt buộc nữa, tôi quyết định chọn lớp học mẫu chữ mỹ thuật để học cách viết chữ cho đẹp. Nhờ thế tôi học được các kiểu chữ có nền và không nền, cách thay đổi khoảng cách các chữ ở giữa các tổ hợp chữ khác kiểu và cách làm quy cách trang in cho đẹp. Đây là một cảm giác thẩm mỹ, cảm giác lịch sử và cảm giác nghệ thuật mà khoa học chẳng thể nào dạy cho tôi được. Tôi phát hiện thấy điều này thật là hết sức thú vị.
Hồi ấy tôi chưa hề có hy vọng gì về việc các kiến thức ấy sau này sẽ có bất kỳ ứng dụng thực tế nào đó trong đời mình. Mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, các kiến thức ấy đã trở lại với tôi. Và chúng tôi dùng tất cả chúng vào việc thiết kế chiếc máy tính này. Đây là chiếc máy tính đầu tiên có các kiểu dạng chữ rất đẹp. Nếu ngày xưa tôi không dự lớp thư pháp ở trường đại học thì có lẽ chiếc máy tính cá nhân (PC) Macintosh sẽ chẳng bao giờ có được các kiểu chữ đa dạng hoặc nhiều phông chữ tỷ lệ khoảng cách hợp lý. Và do Windows chỉ cóp pi Macintosh, dường như chẳng một máy tính cá nhân nào có được tính năng ấy. Nếu tôi không bỏ học thì có lẽ tôi chưa từng dự học lớp thư pháp và máy tính cá nhân chẳng thể có được chức năng sắp chữ tuyệt vời như ngày nay chúng có. Dĩ nhiên khi còn học đại học thì tôi chẳng thể xâu chuỗi các sự việc vặt vãnh ấy một cách có dự kiến đầy đủ từ trước. Nhưng mười năm sau đấy nhìn lại thì tất cả đều rất rõ ràng.
Xin nhắc lại, bạn chẳng thể kết nối các sự việc lặt vặt theo hướng có dự kiến đầy đủ từ trước; chỉ sau này bạn mới có thể làm được việc kết nối ấy. Bởi thế bạn cần vững tin rằng những gì hiện nay bạn trải nghiệm, sau này trong cuộc đời tương lai của bạn lúc nào đó chúng sẽ nối xâu chuỗi lại với nhau. Bạn không thể không tin một số điều, như lòng dũng cảm, số phận, cuộc đời, nghiệp báo (karma) v.v... Chính là các niềm tin đó đã khiến tôi không hề mất hy vọng, nó tạo ra tất cả sự khác nhau trong đời tôi.
Câu chuyện thứ hai: Tình yêu và sự mất mát
Đời tôi gặp may mắn ở chỗ khi còn trẻ đã biết mình yêu thích cái gì. Năm 20 tuổi, tôi cùng Wozniak sáng lập công ty Apple (Quả táo) ngay trong ga-ra ô tô nhà bố mẹ tôi. Chúng tôi cần cù làm việc. Sau mưới năm ngắn ngủi, Apple từ chỗ chỉ có hai thằng bạn trong ga-ra ô tô phát triển thành một doanh nghiệp có hơn 4000 nhân viên và giá trị sản phẩm lên tới 2 tỷ đô-la Mỹ. Trong năm trước đó, chúng tôi vừa sáng chế được một sản phẩm tuyệt vời là chiếc máy tính Macintosh. Hồi ấy tôi vừa qua cái tuổi ba mươi.
Sau đấy thì tôi bị cuốn gói ra khỏi công ty Apple. Sao lại có chuyện một người bị chính công ty mình sáng lập tống khứ nhỉ?
Câu chuyện là thế này. Cùng với sự lớn mạnh của Apple, chúng tôi thuê một anh chàng vốn dĩ được tôi coi là tài ba lỗi lạc đến cùng tôi quản lý công ty này. Năm đầu tiên mọi việc suôn sẻ. Nhưng về sau hai chúng tôi bắt đầu có quan điểm khác nhau về tương lai phát triển của công ty, và cuối cùng chúng tôi có mâu thuẫn với nhau. Khi chúng tôi tranh luận thì Hội đồng Quản trị công ty đứng về phía anh ta. Vì thế nên năm 30 tuổi thì tôi bị hất ra khỏi công ty Apple. Một cú tống khứ dư luận đều biết rõ. Tôi choáng váng khi thấy công sức cả quãng đời trưởng thành của mình bị tiêu tan.
Tôi cảm thấy mình không xứng đáng với các doanh nhân lớp trước, đã bỏ lỡ cơ hội khi nó đến với mình. Tôi tìm gặp David Packard và Bob Noyce và cố gắng xin lỗi họ vì đã làm hỏng mọi chuyện. Mấy tháng đầu tiên tôi thực sự chẳng biết làm gì. Tôi trở thành kẻ thất bại ai cũng biết tên tuổi. Thậm chí tôi còn định rời khỏi Thung lũng Silicon nữa kia. Song dần dần tôi bắt đầu nhận ra là mình vẫn còn ưa thích các công việc mình làm trước đây. Bước ngoặt sự kiện ở Apple không hề làm tôi suy suyển chút nào. Tuy bị người ta từ chối nhưng nhiệt tình của tôi vẫn còn đó. Tôi quyết định làm lại từ đầu.
Lúc đó tôi chưa nhìn ra, nhưng sự thật chứng tỏ việc tôi  bị Apple sa thải lại chính là sự việc hay nhất từng xảy ra với tôi. Bây giờ mọi việc không còn định sẵn kế hoạch như trước đây nữa mà tôi hoàn toàn tự do tự tại bước vào thời kỳ có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất trong cuộc đời.
Trong 5 năm tiếp theo, tôi sáng lập một công ty lấy tên là NeXT rồi tiếp đó là công ty Pixar, và yêu Laurene, một phụ nữ tuyệt vời sau này trở thành vợ mình. Pixar sản xuất ra bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới toàn bộ dùng máy tính – phim Câu chuyện đồ chơi (Toy Story). Hiện nay Pixar là một trong các xưởng làm phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Về sau, trải qua một số sự việc nữa, Apple đã mua lại công ty NeXT. Tôi lại trở về Apple. Công nghệ chúng tôi từng nghiên cứu phát triển ở NeXT trở thành động lực chính thúc đẩy sự phục hưng công ty Apple. Laurene và tôi có một gia đình hạnh phúc mỹ mãn.
Tôi hoàn toàn khẳng định là nếu Apple không hất tôi ra khỏi công ty thì mọi chuyện vừa kể đã không xảy ra với tôi. Đó là một liều thuốc đắng, nhưng tôi đoán rằng bệnh nhân cần liều thuốc ấy. Cuộc đời như thế đấy, có lúc nó choảng một viên gạch vào đầu bạn. Nhưng chớ nên mất lòng tin. Tôi tin rằng sự yêu thích công việc của mình – đó là lý do duy nhất luôn giúp tôi không ngừng tiến lên. Bạn cần phải tìm cho mình cái mình yêu thích. Và điều đó là đúng đối với công việc của bạn cũng như đối với người mà bạn yêu quý. Công việc sẽ choán hết phần lớn cuộc đời bạn. Cách duy nhất để ta toại nguyện là hãy làm cái ta tin là công việc lớn nhất. Và cách duy nhất để làm công việc lớn ấy là hãy yêu thích công việc mình làm.
Nếu bây giờ mà bạn vẫn chưa tìm thấy công việc ấy thì bạn hãy tiếp tục đi tìm đi. Chớ có dừng lại. Hệt như mọi chuyện của trái tim, khi nào tìm thấy nó thì bạn sẽ biết nó. Tương tự như bất kỳ mối quan hệ to lớn nào, nó sẽ chỉ có thể ngày càng tốt hơn và tốt hơn trong thời gian ta sửa soạn thực hiện nó. Bởi vậy hãy tiếp tục tìm kiếm cho tới khi nào bạn tìm thấy nó. Chớ nên dừng lại!
Câu chuyện thứ ba: Về cái chết
Năm 17 tuổi, tôi đọc được ở đâu đó một câu cách ngôn hình như là: “Nếu ngày nào bạn cũng coi đó là ngày cuối cùng trong đời mình thì sẽ có một ngày bạn phát hiện thấy, thì ra bạn đã đúng”. Câu cách ngôn này đã để lại cho tôi một ấn tượng to lớn. Từ đó trở đi, trong suốt 33 năm qua, sáng nào tôi cũng soi gương tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời ta thì phải chăng ta còn muốn làm những việc đáng lẽ hôm nay ta sắp sửa làm hay không?” Khi rất nhiều hôm liền tôi đều trả lời “Không”, thì tôi hiểu rằng đã đến lúc mình phải thay đổi điều gì đó.
Luôn ghi lòng tạc dạ rằng mình sắp sửa chết đến nơi rồi – đây là biện pháp quan trọng nhất đã giúp tôi đưa ra những lựa chọn to tớn trong đời mình. Bởi lẽ khi đứng trước cái chết thì hầu như mọi thứ đều sẽ tan thành mây khói hết – toàn bộ những niềm hy vọng của người khác đặt vào ta, mọi niềm tự hào, mọi nỗi lo sợ xấu hổ hoặc thất bại –  lúc ấy chỉ còn lại cái thực sự quan trọng. Trong các biện pháp tôi từng biết, cách ghi nhớ ta sắp chết chính là cách tốt nhất để tránh rơi vào cái bẫy nghĩ rằng ta còn có cái gì đó để mất đi. Ta sẽ tay không mà đi sang thế giới bên kia, chẳng có lý do nào không nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.
Cách đây chừng một năm tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. 7 giờ rưỡi sáng hôm ấy tôi đi khám bệnh. Kết quả chụp cắt lớp thể hiện rõ lá lách tôi có một khối u. Hồi ấy thậm chí tôi còn chưa biết lá lách là cái gì nữa kia. Bác sĩ bảo tôi, gần như có thể khẳng định đây là một loại khối u bất trị, nhiều nhất tôi chỉ có thể sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Ông kiến nghị tôi về nhà thu xếp ổn thỏa mọi việc – đây là cách nói theo quy tắc đạo đức của thầy thuốc với bệnh nhân sắp chết. Điều đó có nghĩa là anh phải dùng thời gian chỉ có vài tháng để tranh thủ nói hết với con cái mình mọi chuyện 10 năm sau của anh. Nó có nghĩa là cần bảo đảm rằng mọi thứ sẽ được thu xếp ổn thỏa để gia đình anh được dễ dàng suôn sẻ hơn. Cũng có nghĩa là đã đến lúc anh vĩnh biệt mọi người.
Suốt ngày tôi chỉ nghĩ đến kết quả chẩn đoán. Tối hôm ấy người ta làm sinh thiết để kiểm tra lại. Bác sĩ luồn dụng cụ nội soi đi qua cổ họng và dạ dày vào tới ruột rồi chọc kim vào lá lách lấy ra một số mô tế bào của khối u. Lúc ấy tôi được dùng thuốc an thần, nhưng vợ tôi có mặt. Sau này cô ấy kể lại: khi các bác sĩ dùng kính hiển vi quan sát các tế bào mô, mọi người đều khóc vì thấy đây là một loại u lá lách rất hiếm thấy, có thể dùng phẫu thuật để chữa lành. Thế là tôi được mổ, hiện nay tôi đã khỏe mạnh.
Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt gần nhất với cái chết, và tôi mong rằng đây là lần tiến sát cái chết gần nhất trong mấy chục năm nay. Sống sót qua lần này, giờ đây trước một khái niệm hữu ích nhưng thuần túy lý trí là cái chết, tôi có thể khẳng định hơn khi nói với các bạn một điều:
Chẳng ai muốn chết cả, ngay cả những người thích lên thiên đường thì vẫn cứ không muốn chết ở trên ấy. Thế nhưng tất cả chúng ta đều sẽ chết, chẳng ai tránh được nó. Và điều đó nên xảy ra, bởi lẽ Cái Chết dường như là phát minh duy nhất tốt nhất của Sự Sống. Nó là yếu tố làm biến đổi Sự Sống. Nó dọn sạch mọi cái cũ và mở đường cho cái mới. Giờ đây cái mới là các bạn, song một ngày nào đó không xa lắm các bạn sẽ dần dần trở thành cái cũ và bị đào thải. Xin tha lỗi cho tôi khi tôi nói chuyện này một cách đầy kịch tính, song chuyện ấy hoàn toàn là sự thật.
Thời gian của các bạn là có hạn, cho nên bạn chớ nên phí phạm thời gian của mình vào việc sống cuộc đời của kẻ khác. Đứng nên sa vào cái bẫy của những giáo điều – tác là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Chớ nên để cho tiếng ồn phát ra từ quan điểm của người khác nhấn chìm tiếng nói nội tâm của bạn. Điều quan trọng nhất là phải có lòng can đảm đi theo nội tâm và trực giác của mình; chúng có thể đã biết thật ra bạn muốn trở thành một người như thế nào. Mọi chuyện khác đều không quan trọng.
Hồi tôi còn trẻ có một tờ tạp chí rất hay tên là  Bảng ghi chép toàn cầu (The Whole Earth Catalog), được coi là loại ấn phẩm gối đầu giường của thế hệ chúng tôi. Tạp chí ấy do một anh chàng tên là Stewart Brand sáng lập tại Công viên Menlo cách đây không xa. Anh ấy đã làm cho tờ báo đầy chất thơ mộng. Đó là cuối thập niên 60, hồi ấy chưa xuất hiện máy tính cá nhân và phương tiện xuất bản hiện đại như ngày nay, cho nên người ta phải sử dụng máy chữ, kéo, máy ảnh polaroid. Nó tựa như một dạng Google trên cuốn sách, 35 năm trước ngày Google ra đời. Tạp chí ấy thật là lý tưởng và chan chứa những công cụ khéo léo và ý tưởng lớn lao.
Stewart và nhóm của anh ra được vài số Bảng ghi chép toàn cầu. Và khi đang ăn nên làm ra thì bọn họ in số tạp chí cuối cùng. Đó là thời buổi giữa thập niên 70, khi tôi đang ở vào cái tuổi hiện nay của các bạn. Trang bìa sau số tạp chí cuối cùng ấy có in bức ảnh một con đường làng buổi ban mai; nếu là người thích phiêu lưu đi nhờ xe thì bạn thường gặp những con đường như thế. Dưới bức ảnh là dòng chữ Hãy còn khao khát. Hãy còn dại khờ (Stay Hungry. Stay Fooolish). Đó là lời chào tạm biệt họ để lại cho người đọc khi ngừng xuất bản tờ tạp chí này. Hãy còn khao khát. Hãy còn dại khờ. Và tôi luôn luôn mong mỏi mình như thế.
Giờ đây, khi các bạn tốt nghiệp ra trường bắt đầu cuộc đời mới, tôi xin tặng lại các bạn câu nói ấy. □
Nguyễn Hải Hoành   dịch
Ghi chú:
Trên đây là bài nói chuyện ngày 12/6/2005 của Steven Jobs tại lễ tốt nghiệp của các sinh viên Đại học Stanford khóa 2005. Bài nói này có tiếng vang rất lớn trong thanh niên Mỹ. Steven Jobs (s. 1955) là một điển hình thành công của “Giấc mơ Mỹ” trên lĩnh vực công nghệ cao. Năm 1976 (21 tuổi), Jobs cùng bạn là Stephen Wozniak chế tạo được chiếc máy tính để bàn đầu tiên trên thế giới, sau đó họ lập công ty máy tính Apple, nhưng vì thiếu vốn nên phải mời công ty đầu tư mạo hiểm KPCB bỏ vốn giúp nghiên cứu phát triển máy tính Macintosh. Năm 1983 Jobs mời John Sculley, nguyên CEO Công ty Pepsi hồi ấy về cùng ông lãnh đạo Apple; năm 1984 họ làm ra được máy tính Macintosh nổi tiếng thế giới. Về sau do mâu thuẫn với Sculley nên Jobs buộc phải đi khỏi Apple. Nhưng như Jobs đã trình bầy, cuối cùng anh lại trở về Apple (1995) làm CEO Apple và CEO xưởng sản xuất phim hoạt hình Pixar Animation Studio. Từ đó Apple sáng chế được nhiều sản phẩm kỳ diệu như iMac, iPod, hệ điều hành MacOSX … Các phim hoạt hình của Pixar thu được 3 tỷ USD tiền bán vé. Trong đó phim Toy Story (1995) và Finding Nermo (2003) được tặng giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ. Năm 2006 Walt Disney bỏ 7,4 tỷ USD mua lại Pixar, Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Walt Diney và trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ. Jobs hiện sống với vợ và 3 con.
Nguồn:      http://news-service.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html
                  [“You’ve got to find what you love,” Jobs says].