Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN HUỆ CHI VÀ BÀI CA TRÊN CÁT

Nguyễn Hữu Liêm
Thứ tư ngày 27 tháng 10 năm 2010 3:49 PM

San Jose, tháng Mười, 2010. Nguyễn Huệ Chi đến California đúng mười năm trước. Mùa thu năm nay anh trở lại. Một con người qua cả thập niên không có gì thay đổi. Anh chỉ muốn trở lại xứ này, xứ của người ta nhưng có nhiều bạn gặp gỡ năm xưa, để mà thăm hỏi, để mà hàn huyên. Chuyện Việt Nam không có gì mới cả. Chuyện California cũng vậy. Trông anh vẫn như xưa, khỏe mạnh, vui vẻ và hồn nhiên tươi cười trong hăng say nhiệt huyết của một ông đồ nghè gốc Nghệ Tĩnh.

Huệ Chi bước vào nhà, hành trang nặng những sách và sách. Lòng thư sinh chứa đầy cổ thư trĩu kéo bước đi theo gánh nặng thời sự đang là. Đây là một Huệ Chi say mê mà cẩn trọng; can đảm nhưng không liều mình. Nhiều người vui mừng nghe tin anh đến. Họ tìm tới nơi để thăm hỏi, để chúc mừng, để cảm ơn anh. Họ thấy nơi anh như một niềm hy vọng, một tiếng nói, một đại biểu cho lương tâm thế hệ trí thức Việt Nam đang bất lực đứng ngoài lịch sử và xã hội. Khi mà cách mạng dân tộc với lòng yêu nước ngút ngàn nay đã biến thành một hệ thống quyền lực suy thoái, áp bức, có kẻ trí thức này vẫn cần cù, cương quyết, bước vào vòng cương tỏa để thắp lên một ngọn nến lương tâm cho thời cuộc.

Đêm đã về khuya, Huệ Chi ngồi kể cho thân hữu nghe về những tháng ngày lặn lội leo núi rừng Yên Tử, Đông Triều, Tuyên Quang, Thanh Hóa… để tìm ra văn bia Lý Trần, rồi học tiếng Hán, đi tận sang Tàu nghiên cứu lại, để khôi phục một nền nhân văn mà người Tàu đã bao lần muốn tiêu diệt. Anh là người đem văn học Lý-Trần về lại cho thời đại, cho con người thời nay, bắc lại một nhịp cầu văn hóa dân tộc bằng một chiều sâu đa dạng mà tổ tiên ta để lại. Anh hăng say kể lại từng chi tiết của triều đại xưa và từng mẩu chuyện con người Hà Nội hôm nay trong bối cảnh nhân văn và chính trị nhiều giới hạn khắt khe. Anh thấy trong lịch sử cái quy luật biện chứng tương tác giữa cá nhân và tổ chức mà ý thức con người là chính.  Anh soi ra mối hiểm nguy từ sự kìm kẹp và chuyên chế của hệ thống – khi mà ý chí tổ chức đã trở nên một con khủng long mang đầy tính quyền lực. Như là sự sa đọa của Tây phương khi mà nguyên lý khoa học đã trở thành một nền chuyên chính kỹ thuật hữu hạn, cách mạng Việt Nam khởi đi từ chí khí trong sáng nay đã thành chính trị chuyên quyền và bất lực. Chỉ có con người – mà trí thức là những kẻ tiên phong – có thể giữ được bờ cõi nhân văn cho dân tộc trước sự tiêu hủy tàn bạo và đầy sa đọa của hệ thống quyền lực như hiện nay.

Chúng tôi cùng ngồi uống rượu với Huệ Chi trong khu vườn đêm. Trăng California vừa ló lên bên rặng núi phía đông. Anh đứng dậy đưa tay chỉ vầng trăng kia và ngâm “Trà giang thu nguyệt ca” của Cao Bá Quát. “Trăng sông Trà. Đêm nay vì ai mà trong sáng? Muôn dặm quan sơn trắng xóa một màu…” Chúng tôi lặng nghe hồn thơ của 160 năm trước nay lại trở về. Trong nhịp ngâm bi tráng của chàng nghè Nghệ Tĩnh, chúng tôi rùng mình nhận ra rằng lịch sử Việt Nam chưa hề tiến bước. Gần hai thế kỷ qua, chúng ta cũng lại bị ám ảnh bởi một hồn trăng vốn chứa nhiều âm lực điên loạn. Ôi thôi là “kỷ nguyên bóng tối” của Việt Nam. Chúng ta đã thiếu những anh hùng trí thức, những bóng dáng sĩ phu như Nguyễn Trãi, để hòng nhân văn hóa nhiệt lượng điên cuồng của lòng yêu nước Việt Nam vốn chỉ thành công trong việc cứu nước ra khỏi ngoại xâm nhưng không xây dựng được quốc gia trong thời bình. Khi ý chí cuồng say trỗi lên dưới ánh trăng tròn kia, người trí thức Việt Nam ở thế kỷ hai mươi mốt vẫn còn đeo mộng cũ. Chuyện nước nhà như gánh nặng nội thân – như một số phận làm người mà cái ta này không tìm thấy an vui, thỏa mãn trong một xã hội mà chính ta không soi rõ được bóng mình. Có phải hồn nhân văn Nguyễn Trãi đang hiện về tối nay trong chén rượu Huệ Chi?

Huệ Chi nhấn mạnh rằng cho mỗi thời đại, trí thức phải biết và có can đảm tự tái tạo lại chính mình bằng con đường dấn thân trong sáng vào công việc xã hội. Thế kỷ qua ư? Đó là thời đại của những cá nhân yêu nước nồng nàn chỉ biết hiến dâng ý chí cá thể nhằm nương mình vào làn sóng tổng thể khách quan. Cho đến khi thất vọng với đối tượng trông chờ, họ chỉ còn biết rút lui về căn phòng mong được làm những “tâm hồn cao thượng.” Đây là lúc đất nước lâm nguy. Đó là căn nguyên của vấn đề Việt Nam trong suốt thế kỷ qua. Bao nhiêu chàng trai trẻ, trí thức Việt đã nương theo cơn sóng dân tộc độc lập, nhắm mắt đi theo sức mạnh của thời đại. Dù cho trong thâm tâm vẫn từng lặng mang những nghi ngờ, uẩn khúc về giá trị cách mạng mà họ đang hy sinh cho, nhưng cuối cùng vì ánh sáng nhân văn dân tộc và thời đại đã không đủ soi sáng cho lịch sử, họ đau lòng nhìn và chấp nhận con khủng long chiến thắng đầy kiêu hãnh đang phản bội và nuốt nghiền tất cả. Huệ Chi biết thế nên anh đã không gia nhập Đảng, hoặc không được gia nhập Đảng. “Tôi luôn là người không đảng phái. Tôi đứng với tổng thể con người bằng giá trị nhân văn. Tôi không thích và tôi sợ tổ chức”, anh nói.

Cái khoảng cách tha hóa giữa tổ chức và cá nhân, giữa công dân và quốc gia, giữa nội tâm và xã hội đang hủy hoại lịch sử và con người Việt Nam. Huệ Chi nhìn thấy thời đại Lý-Trần như là một thuở hoàng kim, biểu trưng cho khả thể tính quốc gia và dân tộc, cho sự hòa nhập giữa hai vế con người và xã hội. Tức là chúng ta phải xây dựng nền tảng xã hội bằng sức mạnh tri thức trên những giá trị nhân văn để dung hóa và cai chế bớt bản chất máy móc của tập thể tổ chức. Nói như Hegel thì quốc thể là vô hồn mà công dân phải đứng trên nó. Nếu không, chúng ta lại bị rơi vào vũng lầy lịch sử và văn hóa Đông phương – tức là cá nhân luôn luôn bị bất lực với guồng máy quốc gia. Độc tài, chuyên chế không phải từ trên trời rớt xuống – mà là do sự cho phép trở nên by default bởi công dân, nhất là của trí thức.  Chúng ta đừng trách ai cả. Đừng đổ lỗi cho chính quyền, đừng trách Đảng, đừng trách ngoại bang. Tất cả là lỗi của công dân, lỗi của trí thức. Tức là 160 năm qua, từ lúc Cao Bá Quát cảm tác bài “Sa hành đoản ca”, kẻ mang lỗi lớn nhất trước tòa án lương tâm lịch sử dân tộc là người trí thức Việt Nam.

Đêm đã về khuya, trở lại thư phòng, Huệ Chi vẫn thầm lặng ngồi trước bàn máy vi tính, dấn thân bằng những ngón tay, như những phím đàn điều hợp chuyện quê nhà, trao đổi với thân hữu khắp địa cầu. Rượu đã không làm anh say; trăng cũng không làm anh luỵ. Thời hoàng kim Lý-Trần đã từ lâu đi qua. Anh không không mong cầu dĩ vãng về cứu rỗi hiện tại. Thơ văn chỉ vui chơi trong phút chốc. Nhưng anh đang dấn thân trong nhẹ nhàng, khiêm tốn, trong sáng để nhắc nhở với hệ thống chính trị quyền lực về những chuyện nước nhà mà cái bộ máy vô hồn đó đang tạo ra cho dân tộc Việt Nam.

Gần ba giờ sáng, Huệ Chi bỗng ngừng tay, đứng lên, cầm ly nhỏ uống hết đáy rượu khuya, như là tiễn trăng về phía núi. Nhìn ra cửa sổ, anh ngâm tiếp, “Gió vàng đêm qua, từ cửa Trời thổi xuống. Móc trắng sương trong, lạnh suốt xương da…!” Huệ Chi trông như là chàng trai trẻ Cao Bá Quát đang chu du xứ Jakarta từ gần hai thế kỷ trước đăm nhìn ra sóng biển nước Nam dâng tràn mà cất cao lời thơ đầy chính khí.
 
Nguồn: nguyentrongtao.org