Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ TIẾC CÁC BẬC LÃNH ĐẠO CÓ TẦM VÓC LỚN

Đinh Kỳ Thanh
Thứ sáu ngày 29 tháng 10 năm 2010 9:12 PM

        Trong cuộc đời viết văn, viết báo và làm báo của mình dài suốt 50 năm kể từ lúc mới là một đoàn viên TNLĐ  Việt Nam tuổi 20 cho tới khi đầu bạc trắng với tuổi già 70, tôi thật sung sướng vì đã có được nhiều lần gặp gỡ, tháp tùng đi công tác hoặc được sống gần gũi với những vị lãnh đạo nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta như Hồ Chủ Tịch, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ... Các Bác các Chú tôi vừa nhắc tên với tất cả tấm lòng yêu kính và khâm phục của mình nói trên đều là những tấm gương yêu nước yêu dân hết lòng, luôn luôn quên mình làm việc vì hạnh phúc của nhân dân, luôn nêu gương hy sinh vĩ đại... Và càng đáng quý trọng hơn nữa là ở họ luôn có sẵn một "bản lãnh lãnh tụ" vững vàng, luôn ngời sáng phẩm chất người cộng sản, người cách mạng chân chính ... Tôi còn nhớ mãi cái thời chân ướt chân ráo về làm báo Độc Lập , một tờ báo của Khối Dân vận Mặt trận TW, tờ báo mang danh cơ quan TW của Đảng Dân Chủ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Đảng Nghiêm Xuân Yêm. Được giao viết những bài báo về các điễn hình làm ăn kinh tế giỏi, những tập thể nổi danh như  Nhà máy cơ khí Duyên Hãi, nhà máy xi măng Hải Phòng, HTX nông nghiệp Định Công, Nhà máy thủy điện Thác Bà, tập thể thày cô giáo trường PT cấp 2 Bắc Lý ...tôi đã có dịp được chính đ/c Trường Chinh sửa bài cho, rồi đ/c Phạm Văn Đồng gọi điện thoại về Tòa soạn đòi gặp gở và động viên tác giả trẻ viết tốt  ...  Chính Thủ Tướng Phạm Văn Đồng còn cười lớn chê tôi : Cậu viết mái đầu tôi bạc trắng như một thúng bông ... là sai rồi ! Tóc tôi bạc thật nhưng chỉ tạo nên một mãng trắng nhỏ thôi, làm sao giống như một thúng bông được?! Lần sau có viết nhà báo đừng nên nói quá lời như thế nhé ! 
Tôi còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt  trong lần đi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Trị An. Mặc một bộ đồ bộ đội, đội nón cối, đi dép râu, tay xách một cái bòng màu cỏ úa ... đồng chí luôn sánh vai cùng các cán bộ lãnh đạo ngành điện phía Nam hăng hái băng mình vào bụi đỏ Chiến khu Đ. gương mẫu luồn rừng lội suối bất kể lúc nào... Đồng chí luôn nhắc nhở chúng tôi : Thành phố mình đang đói điện, dân mình còn sống thiếu thốn, sản xuất và sinh hoạt của ta còn bị hạn chế nhiều vì thiếu điện dùng, vậy thì càng phải quyết tâm làm gấp, làm cho kết quả cái thủy điện này, có thế chúng ta mới "phá vỡ thế kìm kẹp" lâu nay của nghèo nàn, lạc hậu...Rồi đêm Trị An đồ xuống, gió lạnh hun hút thổi, trong lán tạm giữa rừng, sau bửa ăn đạm bạc , đồng chí và mấy anh lãnh đạo bên Công ty điện lực 2 lại giở bản đồ dã chiến ra xem xét, đánh dấu những vị trí dự định sẽ ngăn sông, đắp đập chính đập phụ, xây dựng nhà máy và làm đường tạm đảm bảo thi công và vận chuyển máy móc thiết bị vế lắp đặt...Chúng tôi cũng xúm quanh háo hức nghe đồng chí giảng giải và chất vấn các lãnh đạo ngành điện...Tới khuya, đồng chí giục mọi người đi ngủ lấy sức mai còn đi thực địa khảo sát tiếp. Thế rồi  đồng chí nhẹ nhàng mở cái bòng, lấy ra tấm mền túi và trải xuống mặt bàn, thanh thản chui vô nằm ngủ bên cạnh đám cảnh vệ, nhà báo chúng tôi cũng trải bạt nằm xếp lớp chung quanh. Sáng ra, lúc lên xe chạy tiếp về phía rừng Lạc An, đồng chí lại nhắc nhở : Phải làm bằng được cái Trị An này, đây là lối ngõ duy nhất cứu cả thành phố ta đang còn nghèo khó....Sau này khi được theo chú Sáu cùng các cán bộ ngành điện đi khảo sát làm đường dây 500 KV  Bắc Nam từ  Đồng Xoài tới Bình Phước, Phước Long... tôi càng thấy rõ quyết tâm lớn vì nước vì dân của vị Thủ Tướng lăn lộn hy sinh vì đại nghĩa này. Tôi còn nhớ mãi lời đồng chí nói đùa với các lãnh đạo ngành điện : Tôi nhất quyết làm bằng được công trình này. Tôi sẽ thuyết phục Quốc Hội phê duyệt dự án và hứa rằng : Nếu làm đường dây thành công thì sẽ để các đ/c dựng tượng tôi ở trên đường dây. Còn nếu thất bại thì các đ/c cũng cho dựng tượng, nhưng sẽ để tượng tôi cắm đầu xuống đất !                                                                                                                                   
Có lần ra Hà Nội công tác, khi đi ngang qua qủang trường Ba Đình, tôi bất chợt lại thấy chú Sáu thật giản dị trong chiếc áo blu- dông sĩ quan quân đội bạc màu đang lúi húi cùng các chuyên viên nào đó xem xét hệ thống ngầm gì đó tại góc quảng trường, ngay trước Phủ Thủ Tướng... Tôi và Minh Thu, phóng viên đài truyền hình TP. HCM, xáp lại chào chú, chú cười độ lượng nói vui : Ủa, tụi bay ra lúc nào vậy ? Làm xong mọi việc nhớ kêu điện thoại và ghé chú chơi nghe !  Chúng tôi kính yêu chú và luôn coi chú như cha chú thật sự trong gia đình mình vậy !                                                                                                                                             
Một vị lãnh đạo khác của Trung Ương Cục Miền Nam, của Thành Ủy TP HCM và sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta là đồng chí Nguyễn Văn Linh, bí danh Mười Cúc, hay "chú Mười" như bọn tôi thường gọi, cũng là một tấm gương đức độ, một bản lãnh lãnh tụ siêu phàm, một trí tuệ mẫn tiệp và một tấm lòng thương yêu quần chúng vô bờ bến...  Chú Mười luôn sống hòa đồng với mọi người, thương yêu và quan tâm chia sẻ mọi thứ cả với đám nhân viên thường, đám nhà báo, cảnh vệ ...ở xung quanh. Chú thường dẫn đầu cả đoàn đi khảo sát thực tế ở các cơ sở, lắng nghe các cán bộ cấp dưới và đồng bào báo cáo các việc đang làm, các vướng mắc chưa được tháo gỡ... Ngay tại chỗ đ/c chỉ đạo cán bộ lãnh đạo các cấp liên quan ghi nhận và tìm cách tháo gỡ, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ... Có nhửng việc tưởng chừng bế tắc, đồng chí đưa ra biện pháp giải quyết gọn hơ mà thấu tình đạt lý khiến tất cả vỗ tay nồng nhiệt hoan nghênh.  Những ngày quyết xóa sạch cảnh "ngăn sông cấm chợ" ở khắp cả nước, toàn dân đều ghi nhớ công ơn chú. Nhìn cảnh các nhân viên các  trạm cũ đội nón cối khoác A.K , tay đeo băng đỏ luôn xáp tới kiểm soát khắt khe, hùng hổ và lạnh lùng tịch thu từng lon mỡ, bịch gạo hay ký thịt của bà con đáp xe đò qua trạm... mà phóng viên truyền hình TP HCM quay được  và chiếu trình đồng chí, chú mười rơi nước mắt nghẹn ngào : Chúng ta làm cách mạng đâu phải để bà con phải cực khổ thế này. Ngăn sông cấm chợ kiều này chỉ làm cho hàng hóa ứ đọng chẳng lưu thông, chỉ làm thị trường bị đóng băng vô lý và chỉ tạo ra một sự  thiếu thốn hàng hóa giả tạo...khiến cả nước phải chịu cảnh đói nghèo. Phải xóa bỏ ngay các rào cản phi lý, phải xóa sạch các trạm để triệt để chống ngăn sông cấm chợ, làm cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, xóa bỏ nạn bao cấp cửa quyền tệ hại "bán thì như cho, mua thì như cướp", xóa bỏ nạn địa phương cục bộ và cát cứ, nạn quan liêu hách dịch cướp trắng các sản vật của dân...
Cũng một lần khác theo chú đi Vũng Tàu chỉ đạo công việc cho ngành dầu khí, lúc ngồi ăn tại nhà khách bên bãi Dứa, nhìn thấy chú có nét buồn phiền, chúng tôi nhắc nhau hỏi thăm chừng chú có tâm sự gì chăng. Bất ngờ chú đỏ hoe cặp mắt và trải lòng với chúng tôi không câu nệ : Các đồng chí phải làm sao công tác thật tốt, phục vụ nhân dân hết mình, giữ  vững phẩm chất người cách mạng để được toàn dân tin yêu, bảo bọc, lập nên hàng rào bảo vệ thành quả cách mạng cho thật đảm bảo... Chớ để xảy ra sự đổ vỡ niềm tin trong quần chúng mà dẫn đến sự sụp đổ chế độ như ở bên Liên Xô và nhiều nước XHCN Đông Âu vừa rồi....
  Trong đời chú, kỷ niệm cay đắng nhất  là mới vài ngày trước chú được đứng trên lễ đài cùng các lãnh tụ các đảng anh em mừng Quốc Khánh nước CHDC Đức với cả triệu đồng bào Berlin sôi động và tin yêu đảng cộng sản... Vậy mà chỉ mấy hôm sau họ giật sập bức tường Berlin, ào ào đánh đuổi các sĩ quan, binh lính cảnh sát và quân đội, truy sát các đảng viên cộng sản và ngay cả các vị lãnh đạo của mình. Đ/c Tổng bí thư Hô- nếch- kơ  củng phải chạy trốn, chịu sống lưu vong... Đó cái sự đổ vỡ niềm tin dẫn tới sự phản bội đập phá điên cuồng để trả thù đảng cộng sản nó ghê gớm như thế đó ! Đây cũng là một bài học lớn, đắt giá nhất mà chúng ta cần xem xét kỹ và luôn suy ngẫm để tự tìm ra kết luận cho mình ...      
  Chú Mười lặng lẽ bỏ dở chén cơm ra bàn rót nước uống và ngồi ngó xa xăm ra biển... Chúng tôi thấy cặp mắt chú còn đỏ hoe và ướt mãi....                                                                   

Một vị lãnh đạo cao cấp khác có lối sống rất hòa đồng với cấp dưới và thường đùa vui quậy tếu với nhân viên là chú Năm Xuân tức Mai Chí Thọ, vị đại tướng Công An và từng là Chủ Tịch UBND TP HCM , Bí thư Thành Ủy TP HCM.  Chú Năm khi làm việc thì thật nghiêm và suy nghĩ rất sắc sảo, là một vị lãnh đạo quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, thường ra quyết định táo bạo và bất ngờ...Chú rất ghét thói báo cáo chung chung, kết luận nước đôi. Thậm chí có lần một Chủ Tịch UBND huyện Thủ Đức cũ báo cáo một chuyện gì đó chưa giải quyết được theo yêu cẩu của dân và nói chờ xin sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp trên là UBND TP, chú Năm bực quá vặc lại khá sỗ sàng : Xin ý kiến lãnh đạo chỉ đạo cái ...mẹ gì ! Phải quyết ngay cho dân nhờ chứ , chuyện vậy mà không xử lý ngay thì để dân chết cả đám à. Cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, và phải làm ngay không cần chờ cấp trên cho ý kiến. Làm quan chức như các cậu cứ vậy thì làm sao dân tin yêu được. Chúng ta là đày tớ của dân chớ không phải là một lũ quan lại hay thơ lại chuyên ăn trên ngồi trốc, chuyên sách nhiễu và coi rẻ quyền lợi của dân...                                                                                Chú Năm Xuân cũng thường có những cách đối phó sáng tạo bất ngờ  với những chuyện so bì tỵ nạnh hoặc mẻ nheo xin xỏ đặc quyền đặc lợi.  Hổi chú còn làm Chủ Tịch UBND TP HCM , chiều nào sân nhà chú cũng có rât nhiều cán bộ thân thiết cấp dưới họp mặt bàn bạc nhiều chuyện cũng như gầy sòng nhậu lai rai. Chú chấp nhận và coi đây như một kiểu giao ban thu hẹp để lắng nghe  phản ánh tình hình ở các cơ sở và bàn nhau tìm ra các phương cách giải quyết kịp thời. Nhưng bữa đó có một  Phó Giám Đốc Sở nọ lợi dụng chiếu rượu phàn nàn về cung cách làm ăn không hay của sếp mình (vắng mặt tại chiếu rượu) và năn nỉ chú cho chuyển sếp này qua đơn vị khác kẻo " hắn với em kỵ rơ, khó phối hợp làm việc" lắm !  Chú Năm cứ tủm tỉm cười và gắp mồi nhậu tiếp vô chén của anh ta và nói tỉnh bơ : Này làm thêm miếng mồi và uống cạn ly đi!  Đây là cuộc nhậu vui chớ càm ràm mất hứng. Vả lại  mày nói gì tao củng quên liền hà !  Chớ nói nữa nha, bời tao cứ nghỉ là rượu nói chớ không phải là mày nói... Anh chàng Phó Giám Đốc Sở nọ bỗng ngồi im re bởi biết thủ trưởng đang rất giận song vẫn còn thương mình, không nỡ nạt nộ đàn em.                                   Cách đối nhân xử thế của chú Năm như vậy thực quả là siêu đẳng.                                           Khi chú chuyển qua làm Bộ trưởng Bộ Công An, chú vẫn nhớ đám phóng viên báo Sài Gòn giải phóng đang còn phải ở trong chung cư chật hẹp và xuống cấp. Chú lại nhắc anh Bảy Thanh, tức VõViết Thanh , tân Chủ Tịch UBND TP : Đám phóng viên SGGP tụi nó còn sống khổ cực quá, cậu ráng lo cấp đất cho tụi nó xây khu nhà ở mới, có vậy tụi nó mới an tâm làm việc, phục vụ đắc lực cho cấp Ủy và toàn thể đồng bào. Có an cư mới lạc nghiệp, được ăn ở tốt thì tụi nó mới viết tốt..."                                                                                                                              Với các vị lãnh đạo tuyệt vời như vậy chúng tôi luôn kính phục và tin yêu và quyết học tập họ để phục vụ tốt cho sự nghiệp cách mạng của đảng ta và dân ta. Chúng tôi luôn bảo nhau :  Thật quý hóa vì dân ta, đảng ta có được các vị lãnh đạo có Tâm và có Tầm vóc lớn lao như thế !   
                                                                                                                                                  
TP . Hồ Chí Minh ngày 29/10/2010                                                                                 
Đinh Kỳ Thanh tức Tô Thùy Anh                                                                                  
Nguyên PV kiêm BTV báo Sài Gòn Giải Phóng .