Nói đến ông Trương Kiện (Trương Văn Kiện), nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1979
-1982), nhiều người dân xứ Nghệ khó quên câu đối hóc hiểm, cay độc về ông:
“Kênh Vách Bắc dựng lên, đẩy thằng thọt lọt vào nhà Đỏ - Cống Mụ Bà sập xuống, vùi thây mấy chục mạng dân đen”.
Vách Bắc là công trình thủy lợi, đào vào những năm 1976-1978, tiêu nước cho nhiều xã của ba huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An). Trong đó, Diễn Châu và Yên Thành là cái lòng chảo, mấy hôm nay đài báo liên tục loan tin về sự tàn phá kinh hoàng của lũ lụt.
Quê tôi ở xã Hồng Thành (tách ra từ xã Phú Thành), huyện Yên Thành, ngay giữa cái lòng chảo ấy. Xa quê đã mấy chục năm nhưng mỗi khi nghe đài báo bão, trong ký ức tôi lại dội lên những cảnh tượng hãi hùng về mưa bão. Có những trận bão càn quét làng tôi xác xơ. Rồi mưa. Nước từ vùng bán sơn địa dồn về, cánh đồng làng tôi nước ngập mênh mông. Nghĩa địa Cầu Vồng loi thoi mấy cồn mả. Có năm, lụt ngập cả vùng, hàng nghìn người dân ngoi lên Rú Đót, nháo nhác hoảng loạn, sống bằng bánh mì cứu tế từ máy bay. Sau mỗi trận mưa bão, cánh đồng làng tôi ngập úng hàng tháng. Dân làng tôi chẳng có việc gì làm mà nom ai cũng hớt ha hớt hải như đang rất bận.
Năm tôi lên mười, đang học lớp 4, mẹ tôi mua lưới rồi gửi tôi cho ông Thụ kèm cặp. Chiều, chúng tôi chống đò xuống Cầu Vồng, chọn một cồn mả cao dựng lều thả lưới, sáng hôm sau mới về. Cùng đi còn có o Ban, con đầu ông Thụ, bằng tuổi tôi. Một bữa, thả lưới xong, bất ngờ trời nổi gió, phía đông trời đen ngòm. Ông Thụ hốt hoảng lo nhà đổ vội chống đò về nhà.
Ông Thụ rời Cầu Vồng vài chục phút, gió giật điên loạn và mưa xối xả. Căn lều của chúng tôi chỉ là bốn cây sào cắm bên mé cồn mả, buộc túm ni lông vào bốn cọc, bị bão tốc mất. Mưa ào ào như trút nước. Sóng dội ầm ầm lên các cồn mả. Khu nghĩa địa, gió hú rùng rợn. Chuột, rắn nước, cào cào bâu quanh chúng tôi. O (cô) Ban khóc thét lên, tôi cũng bật khóc rồi chúng tôi chui vào cái bao ni lông đựng phân đạm, run cầm cập chờ ông Thụ xuống đón. Gần sáng, bão tan, một chiếc đò hướng mũi về phía Cầu Vồng. Từ đằng xa, tiếng ông Thụ rống lên thống thiết : “ối con ơi, bão đổ nhà rồi con ơi!...”
…Bây gờ, bão lũ lại càn quét quê tôi. Nghe báo đài loan tin, tôi hốt hoảng vội gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình rồi… nghĩ về ông Trương Kiện.
Đến bây giờ tôi vẫn không có nhiều thông tin về ông Trương Kiện. Gõ google với nhiều cụm từ có khả năng liên quan đến ông, công cụ tìm kiếm chỉ cho kết quả: ông là Phó Bí thư tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1976-1979-Chủ tịch UBND tỉnh) và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1979-1982)- theo “Nghệ An qua các kỳ đại hội” ; cụm từ khác cho kết quả, ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, khi nghỉ hưu, về quê, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); ở cụm từ nữa, cho kết quả là một bài báo của tác giả Võ Minh Châu, đăng trên Tiền Phong. Nhưng bài báo này chỉ kể chuyện ông dẫn đầu đoàn cán bộ Nghệ An ra Thái Bình học kinh nghiệm sản xuất lúa, chứ không có thông tin mà tôi cần tìm.
Sở dĩ lúc này tôi nghĩ đến ông, tìm kiếm ông là bởi câu đối cay độc trên. “Kênh Vách Bắc dựng lên, đẩy thằng thọt lọt vào nhà Đỏ”. “thằng thọt” ở đây chính là ông Trương Kiện. Nghe nói ông bị thương ở chân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Công trình thủy lợi Vách Bắc là chủ trương của ông (dân hiểu vậy vì khi đó ông là Chủ tịch UBND tỉnh). Sau khi công trình này hoàn thành (1978), ông lên làm Bí thư Tỉnh ủy, vào BCH Trung ương Đảng. Ở vế thứ hai, “Cống Mụ Bà sập xuống, vùi thây mấy chục mạng dân đen”, xin được giải thích, Cống Mụ Bà là đường hầm xuyên qua núi, đào từ thời Pháp. Sau này, khi đào Kênh Vách Bắc, gần 100 người vào cống Mụ Bà nghỉ trưa, ăn cơm. Không may cống sập xuống, khiến 80 người thiệt mạng. Vụ tai nạn khủng khiếp này chắc chắn trách nhiệm chính không phải do ông Chủ tịch tỉnh (tức ông Trương Kiện), nhưng câu đối trên cứ cột ông Trương Kiện vào, cho rằng, ông thăng quan tiến chức bằng xương máu của nhân dân! Ác quá! Cay độc quá!
Tôi không biết ông Trương Kiện, chỉ loáng thoáng thấy ông trong đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm và kiểm tra công trình Vách Bắc năm ấy. Dáng ông gầy, đi tập tễnh. Năm ấy (1976), tôi vừa học xong phổ thông, tham gia đào Kênh Vách Bắc trong biên chế của Chi đoàn thôn Xuân Đào, xã Phú Thành, huyện Yên Thành. Lâu nay, tôi cứ thắc mắc, tự hỏi, sao bây giờ ít nơi huy động sức dân? Công trình Vách Bắc ngày ấy chủ yếu huy động sức dân. Có lẽ trên công trường có hàng vạn người tham gia. Chúng tôi mang gạo lên công trường, đun nấu, ăn ngủ tại công trường. Rét cắt da cắ thịt; cơm độn khoai khô; chẳng có nước để tắm giặt vậy mà mọi người đều hăng hái đến lạ. Dọc tuyến kênh, mấy chục cây số, lều lán dày đặc, rực màu cờ; không khí đào đắp khênh vác rồi hò hát thật tưng bừng.
Kênh Vách Bắc bám theo con sông Đào với mục đích thoát lũ cho các xã thuộc ba huyện nêu trên. Sông Đào được đắp (chứ không phải đào). Từ những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho làm con đập, ngăn sông Lam và đắp con sông Đào này. Nước sông Lam bị chặn, dâng lên cao, chảy vào sông Đào, cung cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân khu vực tả ngạn sông Lam, trong đó chủ yếu là ba huyện Diễn Châu, yên Thành và Quỳnh Lưu.
Công trình thủy lợi này gồm nhiều hạng mục như đập tràn, sông Đào v.v.do Hoàng thân Xu Pha Nu vông-vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thiết kế. Đây chính là đồ án tốt nghiệp của ông tại Đại học Pa Ri (Pháp). Lễ khánh thành công trình vào khoảng 1935, được tổ chức rất long trọng, có vua Bảo Đại về dự. Sau này, khi đảm nhận chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, Hoàng thân còn thiết kế nhiều công trình thủy lợi khác, trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng, tiêu biểu như Tháp nước Phan Thiết; đập Bái Thượng ở Thanh Hóa v.v. Sông Đào bắt đầu từ Bẩ Đô Lương, dài mấy chục cây số như dải phân cách giữa vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng của khu vực tả ngạn sông Lam. Để thoát lũ cho vùng bán sơn địa, người ta trổ những tuy nen, chui qua sông Đào. Bởi vậy, vào mùa mưa, nước từ vùng bán sơn địa, theo các tuy nen, đổ về lòng chảo quê tôi, nước ngập úng hàng tháng như kể ở trên.
Để ngăn lũ cho lòng chảo (tức các xã của 3 huyện nêu trên), năm 1976, tỉnh Nghệ Tĩnh cho đào Kênh Vách Bắc, bám theo sông Đào. Mùa mưa, nước từ vùng bán sơn địa không ồ ạt chảy qua tuy nen, đổ xuống lòng chảo quê tôi nữa, mà chảy xuống kênh Vách Bắc, thoát ra biển.
Từ khi có Kênh Vách Bắc, vùng chiêm trũng quê tôi không còn cảnh ngập úng . Từ sản xuất một vụ, quê tôi sản xuất 3 vụ. Cánh đồng lầy thụt năm xưa nay là thị tứ sầm uất, đường rải nhựa phẳng lì, đêm điện sáng trưng.
Dù biết rằng quê tôi không còn cảnh lũ lụt, nhưng nghe đài báo loan tin lũ lụt khủng khiếp ở Yên Thành, tôi cũng phát hoảng, nghĩ dại, ngộ nhớ vỡ đê sông Đào, bền gọi điện về nhà. Mẹ tôi nói: “Mưa khiếp lắm. Mưa mấy hôm ni rồi. Mưa trắng trời trắng đất nhưng ở mạn phía nam của huyện bị lụt chứ ngoài ta ni, nước nó theo Vách Bắc đổ ra biển, can chi mô”. Ơn trời! Không, ơn ông Trương Kiện và những người ra chủ trương và huy động sức dân để đào kênh Vách Bắc, mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho hàng trăm vạn dân quê tôi. Vậy mà, không hiểu ai đã ra câu đối độc ác về ông Trương Kiện đến vậy? Lúc này tôi chợt nhớ loáng thoáng dáng ông gầy gầy, chân đi tập tễnh trên bờ đê rợp cờ và tấp nập người khênh vác đào đắp. Rồi tôi chợt nhớ, ở Nghệ An còn có câu: “Khôn như Đại, dại như Tùy, lì như Bá, phá như Hùng, khùng như Tuyển”. Đó là tên và đặc điểm nổi bật của những quan chức đầu tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ. Trong số đó không có tên ông Trương Kiện…
Hà Nội, 1g30 ngày 21/10/2010
Cao Thâm, Tạp chí TKV- 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội
ĐT: 098 345 1416