Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẬT TỰ NÀO XÁC LẬP TRONG THẾ GIỚI MỚI ?

Đặng Viết Trường
Thứ tư ngày 27 tháng 10 năm 2010 5:07 AM

Từ cuối thế kỷ XX, và nhất là thập kỷ đầu thế kỷ XXI, thế giới biến chuyển nhanh chóng. Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, và nhất là suy thoái kinh tế mang tuy mô toàn cầu, người ta nói về một trật tự thế giới mới sẽ hình thành. Trật tự đó thế nào và châu Á có vị trí nào trong bối cảnh thế giới mới?
Toàn cầu hoá và sự cạnh tranh
Điều này có được khi tương quan lực lượng, địa chính trị, bắt nguồn từ toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá, khi có giao thông và truyền thông kết nối tư tưởng tự do hoá được thể hiện mong muốn trao đổi, chuyển dịch, lối sống tiêu thụ toàn cầu. Trong thế giới ấy, người ta có thể mua tất cả những thứ người ta muốn, ngay cả ở những nước kém phát triển. Thị trường có thể đáp ứng hàng hoá từ thứ cấp đến cái cao cấp. Đó cũng là nguyên nhân gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia, giữa người dân gia ở từng quốc gia. Trước đây sản xuất vật chất là nền tảng của kinh tế, nhưng ngày nay tài chính là then chốt. Con người với nhau vừa là đối thủ vừa là đối tác, hợp tác và cạnh tranh với nhau bằng thuật ngữ “cùng tồn tại”, với câu “Người bạn tốt nhất của tôi cũng là đối thủ đáng gờm nhất”.
Chọn lọc tư nhiên diễn ra giữa các cá thể, doanh nghiệp, các dân tộc, các quốc gia và chỉ ai qủa cảm nhất mới chiến thắng, tạo nên một thế giới trong đó mỗi người cùng lúc hợp tác và cạnh tranh lẫn lộn mà ngôn ngữ mới gọi là “hợp tác- cạnh tranh”, do những “đối tác- đối thủ” tiến hành. Toàn cầu hoá đem lại sự tiến bộ chung, các quốc gia dù muốn dù không đều phải tham gia vào quá trình này.
Chỉnh lại tâm
Trong bối cảnh thế giới mới ấy, xuất hiện các cường quốc gia mới nổi. Vào tháng 4- 2010 tại Brasilia, các nhà lãnh đạo nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đã bắt tay với nhau, khẳng định vai trò của nhóm trong phục hồi kinh tế toàn cầu. BRIC chiếm 26% diện tích hành tinh, 32% diện tích đất nông nghiệp, 42% dân sỗ, 15% GDP toàn cầu. Nhóm BRIC này đang nổi lên là sức mạnh kinh tế ghê gớm? Nhưng, người khác thì cho rằng, khi so sánh tỷ lệ 42% dân số mới sản xuất ra 15% GDP toàn cầu thì BRIC là những quốc gia không giàu.
Cũng như vậy, châu Á đang nổi lên là một quyền lực kinh tế, khi liên tục hàng thập kỷ là khu vực năng động nhất thế giới, có bước phát triển đáng kinh ngạc trong nền kinh tế thế giới. Năm 2009, châu Á ngang ngửa với hai khu vực lớn khác của thế giới là Bắc Mỹ (Canada, Mỹ, Mexico) 31% GDP thế giới, EU (27 quốc gia thành viên) 30%. Cuộc khủng hoảng 2008 kéo dài làm sụt giảm nghiêm trọng cầu từ Mỹ và Châu Âu, làm giảm nhập khẩu, gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế thiên về xuất khẩu của châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ do thị trường nội địa rông nên dường như có khả năng làm tiêu tan các cú sốc, hơn nữa việc tăng cường các hoạt động trao đổi nội Á có vẻ làm giảm sự phụ thuộc của châu lục vào bên ngoài. Cả thế giới sẽ có thể tìm ra trong sự lệch tâm này một tia hy vọng về sự hình thành mang tính giả định một thế giới đa cực trong tương lai.
GS. Pierre Gentelle (nhà địa lý học, Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) cho rằng: “Thế giới toàn cầu hoá tụ vào tiêu điểm châu Á, một phần của châu Á tụ vào tiêu điểm Trung Quốc. Trung Quốc quan tâm theo kiểu khai thác bất kỳ nơi nào có thể, tại châu Âu và tại các nước phát triển, những công nghệ mà nước này còn thiếu để nhanh chóng trở thành nước phát triển. Trung Quốc tăng cường xuất khẩu đã làm tăng thặng dư thương mại và cho phép nước này tích trữ lượng ngoại tệ khổng lồ 1.946 tỷ USD (2008). Trung Quốc liệu có thể làm gì khác ngoài việc đem Đô-la dự trữ đi đầu tư (585 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ)”. Về điều này, GS. Pierre Gentelle lấy một ví dụ có liên quan đến lệch tâm, chỉnh lại tâm: “Hồi tháng 4- 2010, những chiếc xe hơi nhãn hiệu Volvo nỗi tiếng, sang trọng, nặng và vững, có thắt đai an toàn, chuyển tải một hình ảnh của Thuỵ Điển về sự bền vững, chắc chắn, hoàn thiện, sức mạnh, tiện nghi đã bị hãng Ford của Mỹ mua lại năm 1999. Hãng xe này sau đó bị công ty còn trứng nước là Geely của Trung Quốc mua lại tiếp”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung tương đồng với nhiều quan điểm của GS. Pierre Gentelle, nhưng lưu ý: Thế giới đang lệnh tâm, và có tiến trình chỉnh tâm. Đó là quy luật vận động tự nhiên thôi. Điều lo ngại khi theo dõi lịch sử, bất kỳ sự chuyển giao trật tự thế giới nào cũng là “vấn đề” cho thế giới. Sự trưởng thành của một quốc gia nên đem lại sự thịnh vượng chung, không tạo ra những “vấn đề” cho phần còn lại của thế giới.
TS. Nguyễn Quang A thì cho rằng, quan niệm về “đơn cực” hay “lưỡng cực” đã lỗi thời, thế giới có thể hình dung sẽ có nhiều tâm. Có thể hiểu như nhiều mắt lưới trong cái mạng toàn cầu. Vì những ràng buộc về lợi ích giữa các quốc gia, khu vực tạo cho thế giới sự phụ thuộc lẫn nhau, không ngăn cản lợi ích của nhau. Đó là điều hi vọng cho thế giới có thể tránh được những cuộc chiến tranh lớn.
Đặng Viết Trường
48A- Lý Thường Kiệt- Hà Nội
MB: 0913.474.744/ CQ: 04.3936.0062