Chị Dương Thu Hương thời con gái là một người rất đẹp và duyên dáng theo cách nhìn của tôi. Chị đẹp, sắc sảo hơn nhà thơ Xuân Quỳnh nhiều và hơn cả Mỹ Dạ cũng nổi tiếng là nữ sỹ đẹp
Ở Quảng Bình thời 1965- 1975 có hai nữ văn sỹ đẹp là Lâm Thị Mỹ Dạ và Dương Thu Dương. Dạ thì người Quảng Bình công tác tại Hội văn nghệ Quảng Bình, còn chị Dương Thu Hương là người Bắc Ninh vào công tác tại tuyến lửa từ những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ - 1965. Chị Hương vào tuyến lửa cùng chồng là anh Bằng. Hai đứa con của chị hình như một trai, một gái sinh ngay trong tuyến lửa. (Sau này anh Bằng có mấy tháng làm chồng Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Anh Bằng rất tự hào là mình đã có hai người vợ là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng). Hai vợ chồng chị Hương học trung cấp văn hóa ở Hà Nội, bộ phận văn hoá quần chúng (Trường này sau thập kỷ 70 nâng cấp thành Đại học Văn hóa Hà Nội, bộ phận văn hoá quần chúng trở thành Khoa văn hoá quần chúng). Họ công tác bên Sở hóa Quảng Bình.
Sau này ra học khóa I trường Viết văn Nguyễn Du, chị Hương hay mắng đám nam nhi quẩn quanh hậu phương làm thơ hô hào người ra trận nhưng bản thân mình thì tìm cách chuồn khỏi cuộc chiến!
Chị thường nói : - Các ông có đi chiến trường đâu mà hiểu nỗi gian khổ của người lính đi chiến trường như chúng tôi!
Thực ra suốt cả thời chống Mỹ, hai vợ chồng chị ở đại bản doanh Sở Văn hóa Quảng Bình đóng ở Cộn cách thành phố Đồng Hới chỉ 10 km, cũng như nhà thơ Phạm Tiến Duật suốt những năm chống Mỹ làm báo Trường Sơn chỉ ở trụ sở Bộ Tư lệnh 559 đóng ở Quảng Bình, trước ở Bố Trạch, sau ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, chứ chẳng Trường Sơn, Trường Siếc gì.
Tuy vậy ở hậu phương Quảng Bình thời đó mức độ chiến tranh ác liệt không thua chiến trường, có khi lại hơn cả vùng chiến trường B5, khu VI, Nam Bộ...
Dân tuyến lửa nói vui, tự hào rằng: "Đoàn viên ở Quảng Bình hơn đảng viên ở nơi yên tĩnh khác"...
Quảng Bình những năm chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ phải nói là một rừng bom, một núi lửa. Mức độ ác liệt không thua Vĩnh Linh.
Năm 1968 tốt nghiệp cấp 3 (Phổ thông trung học bây giờ), tôi bị buộc quay về địa phương lao động sản xuất, không được đi đại học vì gia đình thuộc thành phần cao. Dù năm ấy đại học lấy thẳng không ai phải thi. Đa số học sinh tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình đều được đi học đại học nước ngoài để tạo nguồn tài năng cho đất nước.
Đi bộ một mình suốt từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình đâu đâu cũng gặp cảnh nhà cháy người chết, trâu bò chết. Đường sá, cầu cống, bến đò, nhà ngói là trọng điểm cho máy bay Mỹ đánh phá. Không hiểu sao người Mỹ nhất là những tên lính không quân lại ác độc với đồng loài cụ thể là người Việt Nam đến như vậy!
Gần một tuần tôi mới vào đến Cộn, chỗ các cơ quan cấp tỉnh Quảng Bình sơ tán đóng ở đó. Tôi xin tự vệ Cộn được một cái hầm chữ A bỏ hoang ngủ qua đêm. Nếu không có hầm ngủ sẽ ăn bom bi, rốc két sau vài giấy đó và suốt cả tháng cả năm đó.
Chuột như muỗi, nó cắn rứt chân tôi không sao ngủ được. Chỉ có thiếp đi mới không biết chuột cắn. Sáng dậy cả người đầy máu. Chuột định làm thịt tôi đêm đó.
Nhắc lại việc này để biết chị Hương sống và công tác vào thời đó phải nói như một anh hùng. Thời đó cả nước đói khổ, chết chóc, Quảng Bình lại càng đói khổ chết chóc hơn.
Thế mà hai vợ chồng chị Hương vẫn sống, vẫn công tác tốt vẫn nuôi dạy con cái.
Tôi không hiểu sao một người như chị mà ở được với đám cán bộ tép riu và quan chức hàng tỉnh Quảng Bình. Mấy ông quan chức hàng tỉnh Quảng Bình thời đó đa phần là du kích cốt cán trong kháng chiến chống Pháp đề bạt lên. tất cả đều là văn hóa rất thấp. Không mấy người vượt qua chương trình cấp một Cách mạng. Nói chi đến Yêu lược Prime, Đíploíplom...
Các ông ấy đều rất mao it và thô bạo. Họ ghét tư sản, tư bản, ghét thư sinh, ghét người trắng trẻo, có thể ghét cả người mang áo đẹp và người đẹp.
Ông Bí thư tỉnh lúc đó là Nguyễn Tư Thoan, một chính gia cấp tỉnh giỏi nhưng rất chuyên quyền, độc đoán, khắt khe. Sau này khi bị cách chức cho về hưu sớm vì phát hiện ra ông Thoan đã từng đi lính cảnh sát Pháp, lính cảnh sát Nhật mà không khai báo trong lý lịch.
Hồi này Hội Văn nghệ Quảng Bình có tờ Văn nghệ Quảng Bình, Sở Văn hóa có các sách chuyên đề và đặc san thường xuyên giới các sáng tác của anh em văn nghệ sỹ trong tỉnh.Thấp thoáng tôi thấy chị Hương có bài in ở các sách chuyên đề và đặc san của Sở Văn hoá.
Chị Hương thời này chưa viết văn xuôi. Chị làm thơ làng nhàng như các văn nghệ sỹ Quảng Bình. Thơ tuyên truyền của chị không nổi bằng thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, dù mọi người đều làm thơ ca ngợi sản xuất và chiến đấu. Miền Bắc đã ngưng bắn nhưng không khí chiến đấu vẫn còn hừng hực, văn nghệ cũng tập trung ca ngợi chiến đấu vàlao động sản xuất phục vụ chiến đấu.Quảng Bình nổi tiếng với phong trào “Hai giỏi” do Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Tư Thoan sáng kiến phát động. Văn nghệ chỉ tập trung vào phản ánh hai việc này.
Một lần tôi từ đơn vị bộ đội ghé về Hội Văn nghệ Quảng Bình gửi bài gặp anh Trần Nhật Thu đang làm biên tập cho Hội, anh bảo:
- Có thơ chiến đầu không?
- Em đã ra trận đâu mà có thơ chiến đâu - Tôi thật thà nói.
- Cậu thật ngây thơ, người nghệ sỹ đâu phải ra trận mới viết thơ chiến đấu. Ở hậu phương vẫn viết được thơ chiến đâu, đó là cái tài của nhà thơ. Dương Thu Hương chỉ nằm hầm trên Cộn mà vẫn viết được bài thơ "Hoa Trâm Lê" hay đó sao.
Nói rồi, anh Thu đưa tập chuyên đề của Sở Văn hoá Quảng Bình có in thơ chiến đấu của các văn nghệ sỹ ra cho tôi đọc và cho tôi luôn.
Đúng là có bài thơ "Hoa Trâm Lê" của Dương Thu Hương. Lâu rồi tôi không nhớ bài thơ nhưng nhớ đại khái nội dung của nó. Chị Hương viết coi mình là một chiến sỹ bộ đội lái xe đang chở đạn ra tiền tuyến . Xe đi ngang qua bao làng quê gặp bao loài hoa, nhớ nhất là "Hoa Trâm Lê" hoa của chiến trường. Hoa Trâm Lê là hoa phịa. Trong danh mục cây hoa, cây thuốc chẳng có loại hoa nào là hoa Trâm Lê. Hồi này các văn nghệ sỹ hay phịa ra các tên hoa. Tôi cũng phịa ra một cái tên hoa là hoa Kiều Kiều “Thung dung bò gặm cỏ/ Lốm đốm vàng trời xanh/ Những con suối ngọt lành/ Có phút nhìn quên chảy/ Ghập ghềnh đường xuống dốc/ Hoa Kiều Kiều nở tím”
Khoảng thập kỷ 70 thế kỷ trước không chỉ Quảng Bình mà cả nước đều phải làm thơ chiến đấu cổ động quân và dân hai miền nam - Bắc đánh giặc. Thơ chiến đầu ưu tiên hàng đầu. Sau đến thơ lao động sản xuất. Thơ tình trai gái thuần túy không có đất sống trên văn đàn. Thơ trữ tình có gắn với anh bộ đội, chị dân quân may ra còn in được. Tất cả chỉ có cái chung, không có cái riêng tư tiểu tư sản chen vào thơ ca lúc này.
Thấy tôi lớ ngớ, lóng ngóng về việc làm thơ tuyên truyền, anh Thu dẫn tiếp: - Nhà thơ Phạm Tiến Duật có phải lái xe đâu mà anh ta viết bài thơ Nhớ hay đến như thế. Hay đến mức Liên Xô phải dịch và nhiều nước khác dịch. Hay đến mức mà người chiến sỹ lái xe thật không viết được. Đó mới là thơ ca Cách mạng, đó mới là nghệ thuật thi ca – (sau này gọi là thi pháp thơ ca!) Rồi anh đọc bài thơ Nhớ vanh vách: "Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn chờ đó, máy xe reo/ Nằn ngã nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo"
Thế là tôi đem tập thơ "Số đen" của tôi nhét vào hòm xiểng từ bấy cho đến nay chẳng mở ra để in mà cũng chẳng in được. Tập thơ Số đen toàn nói về đau buồn thất vọng, chán chường của một thế hệ, một loại người bất hạnh trong chiến tranh tang thương mà không may số mệnh đen đủi lỡ đeo vào. Tập thơ Số đen 36 bài, có bài thơ Số đen như sau: “Cũng là mảnh giấy này đây/ Mà đời lắm nỗi đắng cay thế mà/ Một đêm đời giữa ngàn hoa/ Một đêm tăm tối chỉ là đêm đen/ Cầm thờ giấy buốt con tim/ Bạn nhìn tôi cũng lặng nhìn xót xa/ Nói gì số phận đời ta/ Cùng chung đau khổ, cũng là số đen/ Đời sau mong có làm nên/ Còn đời này thế là điên cả đời/ Máu dồn đau buốt tim tôi/ Cả lòng tim bạn - Tim người khổ đau! - Ngư Hóa - Tuyên Hóa hè 1968 - Đỗ Hoàng. (Giấy cắt hộ khẩu trả về bổn quán cho loại học sinh như tôi và giấy cắt hộ kẩu đi học đại học nước ngoài cho con em cốt cán, gia đình có công Cách mạng)
Thế là tôi phục những thi sỹ quên cái riêng tư của mình sáng tác những cái chung mang tầm hồn của dân tộc như Trần Nhật Thu, Phạm Tiến Duất, Lâm Thị Mỹ Dạ. Dương Thu Hương.
Bài thơ Hoa Trâm Lê thì chẳng hay ho gì nhưng bài thơ nói thay cho các chiến sỹ lái xe chở đạn ra chiến trương. Và Dương Thu Hương được mang cái tên - Hoa Trâm Lê. Người Quảng Bình vốn tính trêu chọc, hài hước nên không gọi chị Hương là Hoa Trâm Lê mà gọi đùa là "Hoa Đâm Lê". Chi Dương có biệt hiệu Hoa Đâm Lê từ đó.
Sau này không thấy chị làm thơ nữa. Đến khi nhập tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên thì thấy chị viết văn xuôi. Truyện ngắn in đầu tiên là truyện Cô gái nhà hàng xóm ở Tạp chí văn nghệ Bình Trị Thên năm 1978.
Sang năm 1979 chị Dương Thu Hương đi học trường viết văn Nguyễn Du cùng với Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Võ Mạnh Lập, Xuân Đức (suất Quân đội). Như vậy hai vợ chồng chị Hương đã sống làm việc ở tuyến lửa hơn mười năm ròng. Từ đó tôi chẳng gặp chị nữa. Sau này Chị đã là một nhà văn rất nổi tiếng.
Hà Nội ngày 30 tháng 5 năm 2010
Đỗ Hoàng