Bài 1
+
HÌNH DUNG KHI ĐẾN PHÚ YÊN
+
xe với sao mai cùng lúc tới
Phú Yên, nhụy sáng, xinh Tuy Hòa
mình, con đom đóm nhiều năm trước
gùi trăng Chiau Mạa, có lần qua
+
đèn đuốc thuở nào hiu hắt lắm
sáng nhau, nguồn sáng là trăng trời
sớm nay còn xám, thơ bừng thắp
tâm kết mỗi từ, trăm ngọc tươi
+
đâu phải Tản Đà thơ quán gió:
đa tình con mắt Phú Yên xưa
duyên hơn lửa, nắng, trăng và điện
tim ngời, sao liếc, nghe đong đưa!
+
lòng hòa, nốt nhạc vin dây vút
đất giàu thương mến, rất bình an (*)
ngày đầu khẽ lắng chuông trong ngực
đom đóm - ngọc trai - sao biếc ngân.
(*) Phần nào theo nghĩa chữ Hán của hai địa danh Tuy Hòa, Phú Yên.
+
Bài này được viết
sau khi nhận được thông báo sẽ đi dự trại sáng tác Phú Yên
từ 18 đến 28-9 HB10 (2010)
& có sửa ít chữ sau cuộc họp nhóm nhà văn, nhà thơ dự trại ở cơ quan HNV.TP.HCM.
+
+
Bài 2
+
KÍNH NGHĨ VỀ LÊ THÀNH PHƯƠNG (1825-1887),
NGHĨA TƯỚNG CẦN VƯƠNG
+
Lệnh người đi – Dụ về kẻ ở (1)
chiến là cần; “hòa”quyết bất đồng (2)
Ông yêu nước trách Người yêu nước?
hay cáo giặc làm ai nhiễu lòng? (3)
+
năm thập niên gần đây tưởng nhớ (4)
nước mắt buồn chảy ngược vào hồn
trang sử cũ giờ đây lật mở
Ông và Người chung trái tim son
+
Người gục chết, đảo đày – châu Mỹ (5)
bến Cây Dừa, máu đẫm vai Ông
Hịch Chiêu quân, chữ nào đã lỡ?
chú giải đành khắc giữa núi sông (6)
+
hay chỉ từ một chín bảy mốt
Hịch thêm vào nét nghĩa vu oan
tranh thờ Ông, cũng sai trang phục
quản hương binh, hệt tướng vua Càn! (7)
+
nghìn đời sau dâng hương lễ hội
trán trang nghiêm, ánh mắt trong hơn
kế li gián, giặc gieo, đã rõ
Ông và Người cùng sáng nước non.
+
(1) “Lệnh dụ thiên hạ Cần Vương” và “Dụ Nguyễn Văn Tường”, từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), được phát đi khắp nơi và gửi về Huế trong cùng một ngày, 13 – 7 – 1885 (02 – 6 Ất Dậu), với sách lược “kẻ ở, người đi”.
+
(2) Kháng chiến là cần vương (giúp vua [cứu nước]); “hòa”, nhưng quyết không cùng lòng với giặc Pháp. “Hòa” ở trường hợp Nguyễn Văn Tường, trong thời điểm sau ngày 05 – 7 – 1885, thực ra là chiến. Nguyễn Văn Tường vốn là người đứng đầu nhóm chủ chiến (xem: bản án chung thẩm trong “Đại Nam thực lục”, kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., tr. 35).
+
(3) “Hịch Chiêu quân” của Lê Thành Phương có câu không đúng với sự thật lịch sử. Từ lâu, giới sử học cùng bản thân tôi đã làm rõ. Cũng cần nói thêm: đồng thời với các chi tiết bôi nhọ, xuyên tạc, chính các bản dụ, cáo thị của thực dân Pháp, ngụy triều Đồng Khánh – Nguyễn Hữu Độ cũng vô hình trung ghi nhận lòng trung thành của nhân dân, phong trào Cần vương các tỉnh tả kì đối với Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), Tôn Thất Thuyết (1839 – 1813). Do đó, “Hịch Chiêu Quân” chắc hẳn đã bị thêm bớt do đời người đời sau (“hay cáo giặc làm ai nhiễu lòng?” - TXA) (*). Xin xem thêm bốn đầu sách đã xuất bản chính thức của Trần Xuân An cùng các bài khác của tác giả (trong cuốn “Bàn thêm về mấy vấn nạn sử học”) về đề tài Nguyễn Văn Tường.
+
(*) Năm 1971, mới công bố Hịch Chiêu quân. Trích dẫn từ các nguồn tài liệu:
+
-- “Do các ông Lê Thành Thao, Lê Thành Lược, Võ Toàn Lưu, cháu nội ngoại 4 đời của Lê Thành Phương sưu tầm. Các bài này hiện còn ghi tại đền thờ Lê Thành Phương” (Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật Phú Khánh, xuân Giáp Tý, số 2 - 1984, tr. 32 – tài liệu tại Thư viện Phú Yên).
+
-- “Bài hịch này, đọc trước ba quân tướng sĩ (*1), vào tháng 8-1885, ở núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, phủ Tuy An. Thân quyến Lê Thành Phương đã ghi chép và lưu giữ bản hịch này. Đến năm 1971 (đền thờ Lê Thành Phương xây dựng xong), ông Võ Toàn Lưu và ông Lê Thành Thao chép bài hịch thành văn bản để thờ tại đền thờ Lê Thành Phương” (Đặc san “Danh nhân lịch sử Lê Thành Phương”, Bản tàng tỉnh Phú Yên xuất bản, 2-1997, tr. 17 – tài liệu của ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến)
+
(*1) Lê Thành Phương chỉ là một vị chỉ huy lực lượng hương binh ở một địa phương mà thôi.
+
Thêm vào đó, tấm chân dung Lê Thành Phương được đặt ở bàn thờ trong đền thờ ông là một bức họa được vẽ, cho chúng ta thấy ông mặc quan phục (trang phục quan võ triều Nguyễn?). Rõ ràng đó là chi tiết phi lịch sử. Suốt đời Lê Thành Phương chưa hề làm quan (chỉ đỗ tú tài, ở nhà dạy học) và lúc khởi nghĩa Cần vương (sau 5-7-1885), chắc chắn ông không có điều kiện kịp thời để mặc quan phục võ tướng. Mặt khác, các sĩ phu lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa Cần vương chỉ chỉ huy hương binh và cung cách ăn mặc cũng theo cách của các nghĩa sĩ, nghĩa là không mặc quan phục võ tướng như thế.
+
(4) Lê Thành Phương không được sách sử trong Nam ngoài Bắc từ trước đến nay đề cập đến, mặc dù đều có viết về phong trào Cần vương ở Phú, Khánh, Thuận. Thậm chí, A. Laborde còn cho rằng phong trào Cần vương ở Phú Yên (1885-1887) là do người Bình Định thúc đẩy, cụ thể là Mai Xuân Thưởng (1860-1887) (bài “Tỉnh Phú Yên”, trong “Những người bạn cố đô Huế” [B.A.V.H.], tập XVI, năm 1929, Nguyễn Cửu Sà dịch, Lưu Nguyễn, Nhị Xuyên hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 2003, tr. 389-391 [tr. 382-454]). Đền thờ Lê Thành Phương mới được dựng từ 1956, tu bổ vào năm 1971. Xin đánh dấu hỏi khoa học ở điểm này.
+
(5) Quần đảo Tahiti, thuộc Pháp, trên Thái Bình Dương, gần châu Mỹ.
+
(6) Hiện nay, thực hiện yêu cầu khoa học cần thiết là chú giải vào “nguyên bản” lưu hành. Gọi là “nguyên bản” nhưng thực ra bản gốc “Hịch Chiêu quân” không còn.
+
(7) Khổ thơ này, tôi viết thêm sau khi từ Phú Yên về (29 – 30-9 HB10), để sát hợp với thông tin - tư liệu hơn. Xem lại bị chú của chú thích (3).
Bài 3
+
GÀNH ĐÁ ĐĨA
+
thơ tiên đĩa gốm huyền vàng?
kìa em, hoành tráng đã ngàn năm đây
+
chồng chồng đĩa nhạc say say
ngắm cao lớp lớp ảnh đầy đĩa ghi?
+
núi trào cảm xúc, lạ chi
tận nơi, mắt mới ngợp kì công ai
+
ta xây thêm nhé, tháp đài
đĩa ngời biển chữ vun hoài tượng em.
Bài 4
+
BÀI TOÁN ĐỐ VỀ TRUNG THU
+
mỗi tháng một lần tròn đầy
mỗi năm một lần sáng nhất
nếu chia đều trên trái đất
mỗi người đẹp mấy đêm ngày?
+
bài toán đố rất thơ ngây
mãi mãi loài người nát óc
trăng bạc phai dần mái tóc
vẫn trăng nhắc nhở giữa trời
+
nhưng đó là trăng xa xôi!
trăng đời: chén cơm đều trắng
trăng đời: bóng đèn đều rạng
cho dù sáng – mờ, đầy – vơi
+
sáng và tròn trên cõi đời
lại là vượt lên hiện có
mỗi người, mấy thời vượt khó?
lời giải là ở mình thôi!
Bài 5
+
CUỘC KHỞI BINH NÂU SỒNG 1898
+
tam quan, bình phong nứt
khu bảo tháp gió lùa
chùa cổ đồi Đá Trắng
còn chăng dăm nét xưa?
+
am nghĩa binh Võ Trứ
vọng hoài vó ngựa khua
gạch vôi sao quá mới
dưới gốc thu trăm mùa
+
tìm đâu thư tịch cũ
qua lửa bão đạn mưa
kí ức rêu bụi phủ
chuyện sử đành phai thưa
+
rộng cửa thiền xưa đón
giúp vua lẫn không vua
duy một điều: yêu nước
là chung tấm lòng chùa
+
tượng bồ tát từng lấp
chuông đồng đau vết cưa
Phật nguyên nụ cười Việt
lung linh bóng nắng trưa.
+
Bài 6
+
TÙY BÚT Ở PHÚ YÊN
+
Đà Diễn xưa, có một nguồn Thạch Hãn (*)
Quảng Trị ơi, vào đây tự bao giờ?
thời mở cõi dẫu khuyết hao lịch sử
nhưng địa chí kia nào phải mơ hồ
+
chiều Sông Hinh, mưa mịt mờ
nghe một thoáng đăm chiêu áy náy
quán cà phê sớm mai, nhã nhạc dăm đời xa ngái
ca từ mỗi thời mỗi khác rồi chăng?
+
một nguồn Đà Rằng: mấy đời tiên tổ đã dừng chân
ở Quảng Trị của cõi miền Thuận – Quảng?
chỉ mang vào Phú Yên tên sông Thạch Hãn
vẫn giữ gốc xa xưa: Thanh Hóa, Nghệ An?
+
nghe cây lá gật gù, nắng bớt phân vân
và chiếc xe băng qua ban trưa ngẫu hứng
ngỡ xoay quanh núi Đá Bia sừng sững
tôi tình cờ tìm thêm một góc nhìn riêng
+
Đá Bia: Phượng hoàng dợm cánh bay lên!
bay lên tầm nhìn Tây Sơn – Gia Long nhất thống
bay lên tầm nhìn Vũng Rô thâm sâu lặng sóng
bay lên tầm nhìn biển bờ Mũi Điện – Trường Sa
+
Tháp Nhạn như cây xương rồng nâu non không già
từ Đa Đảo sóng giạt vào, mấy trăm năm còn lại
đôi mắt Phật, đôi mắt Shiva
trông ra Biển Đông thức mãi
bóng áo lam
như bay lên
trong lời khấn nguyện cuối chiều tà
+
đón chuyến xe về là trăng sáng giữa xanh xa
một trung thu trên Đồi Thơm, thơm ngát
giữa những ước mơ, có ước mơ:
không sai lạc
trên trang sách tuổi thơ.
(*) Đà Diễn: sông Đà Rằng ngày nay. Trong các nguồn, các nhánh sông Đà Rằng, có một dòng mang tên Thạch Hãn (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 3, Bản dịch Viện Sử học (người dịch: Phạm Trọng Điềm, hiệu đính: Đào Duy Anh), Nxb. Thuận Hóa, 1992, phần viết về Phú Yên, tr. 72).
Bài 7
+
TỪ SÔNG CẦU,
NGẮM PHÚ YÊN NHƯ TRANH SƠN THỦY
+
1
ai trên gành cát Phú Yên
quê xa, ai cũng trên triền cát xa?
– biển trời soi chiếu bóng ta
lên mây xuống cát cho xa thành gần
cũng dương liễu rất quen thân
cát muôn đời vẫn trắng ngần Miền Trung
+
nhưng dạt dào sóng Cửa Tùng
thiết tha Mỹ Thủy, trầm hùng Việt Yên! (1)
biển Xuân Đài lại rất thiền
Vịnh Hòa, Xuân Hải nếp phiền phẳng phiu
vuông Ô, lồng Lấm hiu hiu
nuôi bao nguồn sống dưới trìu mến xanh
+
2
giấc trưa Bến Ghé ngọt lành
vương chiều Gành Đỏ nhớ quanh quất nào
mướn Xiêm khẩn đất, tiễn chào (2)
đưa miền Thuận – Quảng gắn vào Phú Yên
Thành Hồ, xe chỉ lướt nghiêng
nghe An Thổ vọng tiên hiền: thần Lương (2)
+
3
khi không chín nhớ mười thương
bạc rồi một nhớ quê hương trong mình!
trội hơn thi sĩ đa tình
hai đèo – guốc võng, trùng trình: Phú Yên
đẹp xinh sơn thủy nên tiên
chút đa tình để chiêu hiền, thuở xưa ?
+
Phú Yên: mười ngón xòe thưa –
núi non – múc cát, thêu thùa Biển Đông
chỉ tay nối lại bao sông?
xe mình đi cũng trong lòng tay thiêng
bạc tình quê, bạc tình riêng
Sông Cầu một sáng còn miên man chiều…
(1) Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Việt Yên (Cửa Việt) ở Quảng Trị.
+
(2) Theo Quốc sử quán Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, tiền biên (tập 1), bản dịch VSH., Nxb.Thuận Hóa, 1993, tr. 89.
Bài 8
Ở GÀNH ĐÁ, HUẾ BỖNG DƯNG TUY HÒA
+
cách đây ngàn năm xa
hình như lũ phù sa
tràn về gần lút núi
hay từng năm, dần dà
núi thành cụm đá gửi
trên cánh đồng Tuy Hòa
+
bao mùa vàng rộng ra
sóng lúa thay sóng biển
vỗ Gành Đá thơ ca
sông Ba cùng cất tiếng
trầm đục và ngân nga
trên bao la Tuy Hòa
+
tóc em là sông Ba
tay em, mùa vàng đó
ôm anh trong tình ca
cho Gành Đá anh thở
đừng bắt anh khuyụ đổ
trên mênh mông Tuy Hòa
+
tình ta ngàn năm qua
bao vun bồi, không đếm
bao lần chung môi nếm
sao ào ạt, khi xa
một mình, không chăn đệm
Huế bỗng dưng Tuy Hòa!
Bài 9
+
TIỀN CHIẾN VÀ ĐỒNG CAM
rất nhiều nơi hẳn bình thường
ở nước mình sao thấy lạ
nỗi chiến tranh còn vật vã
phu phen nô lệ được thờ!
+
giặc Pháp thương chi đồng khô
sợ đói khiến dân nổi dậy
chúng mong thóc đầy hạt mẩy
tàu viễn chinh há họng to
+
nhưng ta thương bao nhà thơ
phần nào văn nô thuở đó
ép lệ tình duyên òa đổ
cũng như dòng kênh Đồng Cam!
+
thắp hương, cháy nỗi đau thầm
chết đập khác gì chết giấy
Tiền Chiến là Đồng Cam đấy
chừng nay tim ấm lòng no
+
chiến tranh đau đến bao giờ?
cách nào niềm đau chóng dứt?
người thắng khơi trong – vớt mục
lạ, nhưng bỡ ngỡ gì đâu!