Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khuyết, lạ chữ, lạc tình, hoặc nghi

Đoàn Linh
Chủ nhật ngày 3 tháng 10 năm 2010 5:55 PM

( Đọc tập thơ Khuyết của Quỳnh Dao )
 
Đã không còn cần
vòng tay của một hòa âm cung đô trưởng
em tự biện bằng những bóng râm mặt nạ
một thứ tâm bệnh nồng nàn
lửa hiện hữu độ chín của lưỡi
đỏ hơn ngọn đèn hạt đỗ… 
Thế giới là một văn bản lớn với những ký hiệu trùng trùng lớp nghĩa. Lật trang thơ Khuyết- tập thơ đầu tay của Quỳnh Dao- chúng ta đồng thời bước vào thế giới chữ nghĩa của nhà thơ với ăm ắp những ký hiệu. Này là “vòng tay của một hòa âm cung đô trưởng, bóng râm mặt nạ, tâm bệnh nồng nàn, ngọn đèn hạt đỗ”. Khuyết như một thứ kính vạn hoa (kaleidoscope) và ở đây, chữ nghĩa cứ nghiêng ngửa : chữ gọi chữ, nghĩa liên kết nghĩa (hàm nghĩa, liên nghĩa, nghĩa sáng nghĩa tối, nghĩa mờ nghĩa đục, nghĩa nhoè nghĩa nét…). Đọc Khuyết, tôi hiểu ra “Thi thị khả giải bất khả giải chi gian” (Thơ nằm trong khoảng có thể giải thích và không thể giải thích được) cũng đồng thời ghi nhận thế nào là liên văn bản (intertextuality) trong tinh thần Hậu hiện đại…
***
1- Khuyết, trước hết là một cõi lạ của chữ. Lạ nhưng không phá phách, làm dáng, đánh đố người đọc. Lạ cả trong một câu lục bát quen thuộc :
Chiều đi sâu bọ
làm mồi
khuya hắt bóng
một nín trời dưới chân …
Chiều sâu bọ, một nín trời …cuối cùng là những ký hiệu đòi giải mã. Tương tự, những “tóc bóng cây, ngày nở ngày, lòng chuông đổ, ngực bạch lạp. cấu trúc mưa, chiều bê tong, mắt tha ma, kỷ hà cơn mưa, điên trưa, phố trưa khô…” đem lại cái hương vị mới cho thơ : mùi hương không quen thuộc. Thơ, như Frost nhận định, là sự thao diễn bằng chữ (a performance in words). Nhưng không, Quỳnh Dao không chỉ xếp đặt trình diễn chữ mà chất đầy ở đấy cả thế giới nội cảm của mình với bao nhiêu trạng huống cung bậc, với dòng ý thức cuộn chảy liên tục về thể tính và ngọn nguồn sự vật. Lang thang chân chiều Hà Nội, QD đã mở cái tâm để “ tri kiến” những sắc những màu, những thang âm cụng cựa của bờ đê Yên Phụ, của gió, của Văn Miếu … 
Mây mày mạy, hương em Hồ Tây
tênh hênh gió
hoa sấu buồn rũ cấu trúc mưa
Văn Miếu xưa
tháng tư ngửa mặt ve sầu
hoa gạo đỏ
bãi ngô Yên Phụ buồn khe khẽ
tư duy chiều bê tông
Theo cố thi sĩ Trần Dần, hiện thực vốn ba tầng : thực+ tưởng tượng+ tượng trưng và tẽn tò bọn ngây ngô zuy thực tội nghiệp đẻ từ 1 ngĩa duy vật ngây thơ.( Viết- Trần Dần thơ).
Cho nên “ cấu trúc mưa, chiều bê tông” không hề tắc tị mà mở ra nhiều chân mây tịnh lặng để ngẫm ngợi. Triết gia Descartes còn cho rằng ngôn ngữ đến từ nhận-thức (perception) của giác-quan và trí-tuệ và từ ý-chí (volition/passion). Như thế, mặt bằng văn hóa, chiều sâu của tư duy và tâm linh đem đến cho mỗi khách thơ khách văn một style khác biệt . Viết về buổi tàn thu, QD ghi nhận lớp lớp hình ảnh : con dốc, bụi đỏ, hạt mưa, cơn hen, mốc biên giới, còi tàu hụ, bàn tay chạm… và xác quyết đó là một giai kết bất toàn (1) , một cụm từ không mấy quen thuộc trong thi ca
Rồi chớm đông, đã khốc liệt
em thắp hoài niệm trắng lên mây xám
con dốc, bụi đỏ, hạt mưa lăn
cơn hen trong lồng ngực
tiếng anh ho gõ vào tâm thức
không biết ai vẽ những cột mốc biên giới
tình
còi tàu hụ , còi tàu hú
chạy lòng vòng em chạy vòng quanh
chìa tay chạm, sân ga vắng
Cái lạ của Khuyết không chỉ là con chữ mới, các biện pháp đảo chữ, láy từ mà còn nằm ở việc xếp đặt hình ảnh thơ như trang trí một cõi nhà riêng cho mình và ở đây rất nhiều khoảng lặng. Ai đó có thể phán bài thơ này/ kia tứ mơ hồ, kết thúc chưa trọn vẹn nhưng tôi lại nghĩ văn bản là một thế giới mở và càng mở thì ý nghĩa sẽ như một hàm số thay đổi với nhiều biến số phức tạp tùy theo cái nhìn, góc nhìn của ngưởi đọc. Đây cũng là điểm khác biệt của Khuyết khi đối chiếu với loại thơ truyền thống gần như định hình về cấu trúc, nhịp điệu, ngôn ngữ …
Có thễ dẫn ra thêm một ví dụ mà ngôn ngữ ký hiệu  tưởng chừng chệch choạc mờ tối với những “ nhịp ba bạo động, những chùm năm bật máu dâm, mặt trời đen, thang âm bất lực…” rồi “Sông Hậu, ngực tháng tư khô …”
Những nhịp ba bạo động
những chùm năm bật máu dâm
sông Hậu vô cảm
ngực tháng tư khô
Tây đô những chuyến phà lê tiếng hát
không có hải âu, bầy cá heo biển rộng
mặt trời đen, thang âm bất lực
kiêu hãnh diễu hành với bơ sữa
bệnh tâm thần
thân thể chiếc bóng xẹp
câm
(Ngực tháng tư khô )
Không, Sông Hậu không vô cảm và ngực sông cũng không khô. Đoạn thơ khá cụ thể trong phác họa chuyến đi về Tây Đô (Sông Hậu, chuyến phà, hải âu...); những cụm từ trong thuật ngữ âm nhạc( nhịp ba, chùm năm, thang âm…) còn hé ra là một chuyến đi thực tế của những người làm công tác âm nhạc. Macherey từng nói: một tác phẩm không bao giờ thổ lộ được hết tất cả những gì tác giả muốn nói, bởi vì “để nói ra một điều gì đó thì có những điều khác đã không được nói ra, hoặc không nên nói ra.”. Cho nên, những nhịp ba, chùm năm, thang âm ở đây không thể/ không cần hiểu đúng thuật ngữ mà là hiểu theo nghĩa ký hiệu : một nhóm, số cụ thể : tụm năm tụm ba cuồng loạn, sôi nổi . Những hình ảnh “mặt trời đen, kiêu hãnh diễu hành với bơ sữa & bệnh tâm thần” không là cường điệu, không phi lý mà âm vang một dụ ngôn. Ngực tháng tư khô, trong mềm có cứng, trong dương có âm, trong buồn đau có tự hào, trong uất giận là ngạo khí, hiển thị cái tôi (ego) của nhà thơ rất rõ nét đối lập với những chùm năm bạo liệt : một hồng nhan cốt cách để tôi cháy/ bạch lạp vẫn vô biên trắng/ soi mặt tư tưởng đá…
   Khuyết lạ vì những con chữ đã trồi lên từ những vùng sâu thẳm và phi lý của nội tâm. Hiện thực chuyển động không ngừng theo những cung cách đầy bí mật như những làn sóng điện từ từ nhiều phương vị khác nhau, chồng chất, đan chéo, trộn lẫn vào nhau. Mặt khác, cái vỏ ngữ âm (enveloppe sonore) gồm thanh bằng trắc, âm mở và đóng … do khéo định đặt đã góp phần soi chiếu cái biểu đạt (signified). Khuyết lạ vì thực sự là một “ liên văn bản” đúng nghĩa. Không thể đọc Khuyết trong chỉ phạm vi một bài thơ, một không gian và thời gian quy chiếu. Khuyết lạ ngay trong cách dàn dựng mà lời tựa là hai bài thơ nhoi nhói the thía như là “ mưa vô lý & Thơm vẫn nhụy”. Khuyết còn lạ hơn trong tiết tấu mà ở đây không hề bước theo các loại nhịp cũ kiểu 2-2-3 hay 3-4, 3-5 quen thuộc. Khó tìm thấy nhịp cân phương cho hai câu liên tiếp mà hầu như mỗi câu là một tiết nhịp khác nhau . Có thể lấy bất kỳ một ví dụ nào :
Nén ( 1)
cơn khát khô lục địa nóng (6)
thèm đôi môi ngàn năm trước ( 3-3)
để phong ba ( 3)
tóc là mây, thân là cánh( 3-3) 
vụt bay (2)
không biên thùy (3)
Không hề có sự lặp nhịp ở hai câu kề nhau. Đôi khi, thơ chững lại, đời sống chững lại và câu thơ trôi đi  chầm chậm trong suy tưởng:
Chui vào góc, tôi thấy ( 3-2)
mọi thứ đang diễn ra chậm rãi(7)( Mọi thứ đang diễn ra chậm rãi)
Nhịp, chính là tiếng động dội lên từ cảm xúc nội tại.   
 
2- Khuyết, cõi lạc của tình. Ba mươi bốn bài thơ, mỗi bài là một bước chân, mắt nhìn, cảnh đời, nỗi tình …lạc lạc. Lạc đi từ miếng thịt “ lạc” trong tô phở thời bao cấp đến lạc mình trong vai diễn tấn tuồng đời, lạc phận gái mười hai bến chín chín nẻo vô bờ /ngã ba mưa vết thương hạ đỏ/đêm âm sầm mây xuân trăng đổ, lạc hình với bóng khi trốn tìm một vòng tay, lạc mùa xuân tôi thù lao những phong bì tưởng tượng, lạc mùa thu  lũ sâu và cây cọ người họa sĩ già / không chạm tới linh hồn sâu thẳm, lạc cả ban mai lá bàng đỏ “ tôi giam chân tôi/ ngày lá úa, bàng thổ huyết, tôi thổ tôi”
 Lyotard, triết gia hàng đầu của Chủ nghĩa hậu hiện đại, cho rằng phải đánh đổ những grands récits ( đại tự sự) và thay vào đó bằng những petits récits (tiểu tự sự). QD cũng không quan tâm đến những đại tự sự mà tự kể chuyện mình như một phản ứng riêng tư : một ban trưa điên với người thiếu nữ nhan sắc mắt lệ xanh khóc tình phụ, một buổi chiều phố áy náy : bàn tay người ăn xin ngửa lòng chiều, một ngày khô với cây đàn ò e & thanh quản ư ừ của người mù. Đôi khi, hiện thực được bê vào nguyên bản như trong Phố áy náy :
Mười sáu năm ngụ cư
phố vẫn lạ  
những con đường hàng me công viên khóc
bụi khói, nắng trưa
ụ lô cốt bưng bít đen nghịch lý
giấc mơ tôi trắng phớ trắng phèo
Nhưng đa phần hiện thực đã bị tháo tung thành từng mảnh và nhà thơ sắp xếp lại các mảnh vụn ấy theo một trật tự mới - chủ quan, sáng tạo và bất khả đoán. Chính là trên căn bản phương pháp nội quan (introspection) của tâm lý học ngôi thứ nhất và cả ngôi thứ hai, nhà thơ tái dựng lại hiện thực. Biểu tượng, những biểu tượng chính là yếu tính nghệ thuật khi nó tiềm ẩn, gợi nhắc, kích thích, và chia sẻ.  Do đó, chúng ta bắt gặp rất nhiều những con bò cạp “ cắn vào tôi nỗi buồn ”, những chú rắn mối leo đỉnh cột ngày, những con gián chết để cho trưa ậm ờ, nhứng chú ruồi bò hốc mắt tối, cả những “ ngón chân thô, mũi giày rách”, những cơn hen và bệnh tâm thần sống chung với giấc mơ tình . Lạc giữa ngón chân là thước phim quay chậm tình yêu, thân phận, giấc mơ phục sinh :
Những vết nứt của nhân vật lên cơn sốt xuất huyết
những thụ thai trên nhịp ngoại 
tiếng nói nở trên ngón tay
tình yêu cười trong tóc gãy
Và nỗi đau lăn xuống hè đường
ai đó tự vẫn trên giấy trắng
người điên đọc diễn ngôn Phục sinh
anh áo đỏ quần xanh
em đen trắng 
cháy lên giữa những ngón chân
nụ hôn giả tưởng…
Tiêu biểu cho cõi lạc là bài thơ Khuyết với ba đoạn mà trong từng chi câu là từng cặp cực xô vào nhau, chen chúc hô hoán với buồn rầu những phi lý. Này là bàn chân với sa mạc, hồi chuông Thiên Mụ với cung đàn Tư Mã, tuệ cảm với thiên thu, cây và lá, con đường và ngựa xe, cái đầu và tham vọng ….
Tôi đi sa mạc ngàn ngày, phức và hợp, biện chứng mắc lên hồi chuông Thiên Mụ, cung đàn Tư Mã. Buồn ba ngàn thế giới, một nửa tôi mờ mịt, nói chi tuệ cảm với thiên thu. Cây sẽ khóc hết lá mùa thu, những cấu trúc thành phi lý.  Con đường nhỏ ngựa xe lớn. Đầu nhỏ tham vọng đầy …
Và ta nghe xưa trộn vào nay, một khắc chạm vào thiên thu, một con đường và sa mạc ảo hóa nắng khô để rồi ta cũng lạc. Thế đó, lạc để những chân mây mờ mịt khóc, lạc để nuôi tình trên những ngó tay, lạc để nhớ và quên, thế giới vắng tanh/ cơn buồn không thưốc chữa/ chuông vẫn chuông chùa u mê/ một phần giây cũng bằng vĩnh cữu/ sao loe …
   Như thế và như thể, Khuyết không hề là cõi xanh. Đọc khuyết, ta dẫm chân vào mê lộ trần gian khúc khuỷu gập ghềnh với rất nhiều cơn mưa ‘ vô lý”, nỗi buồn dài và dai nhanh nhách, những đêm khuya rách tàn sao mọc. Hoàn toàn thiếu vắng những nụ hôn đỏ màu môi em. Ôi phố như là :
Phố vẫn phố
váy, đùi, ngực địa đầu nóng
tôi khua khua những vô ích nặng nợ
tôi xua xua mọi ngữ pháp đèn mù
hư cấu lem nhem
những mệnh đề xé, sổ
chọn điểm S, hẹn hò, tóc
trở chân tôi về áy náy
chiều không gió lên …
Sinh nhật em là sinh nhật khói, một mình , cơn bão rớt, sông đêm chảy, thịt da là thùng đàn mê u :
Sinh nhật điềm chỉ
cơn bão vừa rớt mái chớp lạch
hợp âm sông đêm ròng ròng chảy
em bày biện nỗi buồn
trémolo(*) reo lâm li
da thịt một thùng đàn mê u trắng ( Sinh nhật ngực bạch lạp)
 Tuy nhiên, lạc mà vẫn không thê thiết thê lương, lạc nhưng màu không tro xám. Còn đó là một cái nhìn nhân văn đườm đượm, một tấm lòng xanh vẽ lên trời . 
Mây rồi tạnh lòng trong veo trở lại
cây vẽ lên trời gió đã xanh
Mặc kệ và mặc kệ những cung si giáng buồn tênh hênh, QD cứ nhất định là
tôi muốn delete cái ma trận chữ nghĩa
những tuyên ngôn
còn lại yêu thương
để không vày vò rác phố. ( Tay vẫn ngửa lòng chiều )
Tôi cũng nghe ra âm âm chuông chiều và cái tâm phật của QD kêu lên trên trường đoạn ngắn dài chia biệt :  
Mở tấm lòng : lòng ấm từ bi
chim di rồi bay đi
chiều nghe lá rụng bên thềm
bát ngát vùi một vĩnh cữu yêu thương…( Bát ngát vùi một từ bi)
Và đốn ngộ đến trong một sát na :
Thức
là ngàn năm vượt qua bóng mình, bước lên buổi sang canh số phận. Thức không trằn trọc. Đứng dậy & bước đi dù không lời chào tạm biệt…( Ngủ và thức)
QD lạc nhưng không để mình sa vào cái hố đen của bản năng sinh tồn (Eros), kêu gào libido, cũng không giam chân ngõ cụt stress, của bệnh hoang tưởng . Nhà thơ đứng dậy, bước đi và “ không cần khóc”
 3- Khuyết, cõi nghi cõi hoặc vô bờ. Lạc nên nghi, nghi vì lạc. Có thể cho rằng hai cõi lạc và nghi tương quan hay là tiền/ hậu đề của một tâm thức?  Câu hỏi tạm thời neo ở đó. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh ‘ cõi nghi” trong mối liên quan với thi pháp hậu hiện đại vì “ngờ vực hoặc nghi” là tâm thức đặc thù của Hậu hiện đại, một dấu chỉ niêm phong những trang thơ. Xét về hình thức, Khuyết không sử dụng những thủ pháp cắt dán, không trích dẫn (quotation) cũng không giễu nhại (parody) hay biếm mỉa( irony) kiểu HHĐ còn ngôn ngữ lại ít nhiều cầu kỳ, không bình dân hóa. Tuy nhiên, tâm thức của nhà thơ lại nghiêng về Hậu hiện đại khi sắp xếp trình diễn hiện thực. 
  Buổi điên trưa, trong con nước đen xô vào bóng vía thì em hi ha cười khô nắng, xác quyết :
Thượng đế biến mất
Heideiger tồn sinh với mặc cả ( Điên trưa)
“Thượng đế, Heideiger, mặc cả”, những ký hiệu úp mở cái hiện tiền có không, thực & phi thực. Xác quyết mà âm u một nghi vấn :Thị trường với hội chợ phù hoa, Thượng Đế và thiện ác, triết học với vô minh vô thủy…cuối cùng phải chăng chỉ là ý niệm tương đối ?
Và chiều, cũng là một mật mã vì hiện thực bất định và hỗn loạn hoang mang trong cả một tiếng cười khóc:
đã kết thúc hay chỉ bắt đầu
mệnh đề lại tái sinh
từ tiếng khóc & nụ cười 
( Mật mã chiều )
 Bước vào cõi Khuyết, ta thường xuyên chậm mặt với hư vô thân phận, những ngã ba lặt nhặt manh múm, những ma-na-canh khuôn sọ ngó nghiêng rồi nham thạch, triền vực đá nghĩa là chạm mặt với hiện thực thậm phồn (2) (hyper reality). Ở đây gần như vắng mặt mùi đất cày ải, hoàng hôn khói sẫm, tiếng gọi đò bến sông, tiếng cánh đồng rì rào trưa nồm nam gió thổi, cũng vắng cả vầng trăng đinh ninh hẹn thề của Tố Như và bóng sao, có chăng cũng bằng bặt im. Hiện thực trong Khuyết ít nhiều bị tha hóa để con kiến tha ngọn đắng với những xù xì hoi hóp, và, mùa thu treo lên, không mộng mơ :
Đi dọc mùa thu sa mạc cánh đồng ảo hóa
chạm
ngã ba lặt nhặt những manh múm
ngã bảy loi thoi quãng nghịch
hỏi tôi địa đàng khói
lập lờ nét móc & dấu ngoặc
dại những hẹn hò
tóc xổ vào chân không  ( Ngã ba lặt nhặt)
Ôi đêm thở tiếng chim trầm đục và này “màn chưa hạ, bẫy chưa sập và/ những con bò cạp/cắn vào tôi nỗi buồn”.
Khuyết không có mùi của dục tính nhưng pha loảng mùi tàn rữa với tâm bệnh, những
“bông hoa tội lỗi”(3). Những câu thơ khóc mẹ quả có mùi vị thực sự “ khác” với bao nhiêu vần thơ cũ :
Thôi đi sơn ca tiếng vẹo khèo
thôi đi những bệnh người sâu bọ khoét
thôi Neptune thôi Pluto , những cột mốc tích bão
cô hồn bấc lụi
bác ễnh ương già cơn mưa hoang, huyên náo
thôi vết chân gà bươi bếp tro buồn loét
thôi
thôi
con trôi ( Ri ri khóc, sợi tóc mẹ)
Ngay cả khi nén vào trang nghiêm, thắp lên ngọn nến nhỏ cho cuộc tình, QD vẫn thả cho dòng ý thức tuôn chảy nên là :
Nén
nỗi buồn dài vào hằng hà sông
kỉ hà cơn mưa bức tường trắng
gội phù du những lom nhom nồng mặn
xương sống gục đầu, những ông sao
lảm nhảm gọi
ngọn tình chong đã lụi ( Nén vào trang nghiêm)
Nồng mặn thành lom nhom, xương sống gục đầu, ông sao lảm nhảm … Nhà thơ đã thành công trong việc khai thác các yếu tố ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ khí và  ngữ ý cần thiết để diễn tả trạng huống tình duyên và với một tâm thức hậu hiên đại đầy vực ngờ pha chút cợt cười …
***
 Có thể nói, ngôn ngữ không chỉ là lớp áo, lớp quần mà là một lớp da bám sát vào ta, là ký hiệu, dấu ấn của thói quen, khung văn hóa. Trong Khuyết, đề tài không mới nhưng chính là ngôn ngữ của tập thơ đã làm nên khác biệt, một phong cách ấn tượng để không lẩn vào ai.
Thực ra, QD không hẳn là nhà thơ theo kiểu định nghĩa của Ferlinghetti :  một tên man rợ nổi loạn trước những cổng vào thành phố, không ngừng chất vấn hiện thực và tái phát minh nó nhưng ít nhiều QD đã xé toang hiện thực thành từng phân mảnh rồi ghép lại theo tầm nhìn của mình nên nội dung phản ánh không bị lặp lại đến nhàm chán theo những quy ước chật chội. Đây là điểm thành công của tập thơ : tiếng nói cá biệt của QD về đất, về người, về cả chút tình riêng tư .
 Nổ lực thứ hai của Khuyết là cố gắng đi tìm Việt tính của dân tộc bằng cách sử dụng rất nhiều từ láy thuần Việt, gia giảm những từ Hán Việt xưa cổ để thơ không bay mùi Đường Thi. Tuy nhiên, vẫn còn đó khá nhiều từ Hán Việt ( mang tính hàn lâm) nên tập thơ cũng khó tiếp cận với đại chúng; việc đảo câu đảo từ rằng “ hay thì thật là hay” nhưng lại quá Tây nên là cái chất Việt Tính và cả chất HHĐ cũng bị hạn chế.
 Trong chừng mực, Khuyết, dù là tập thơ đầu tay, đã có chiều sâu và độ chín, độ rung đáng ghi nhận. Giá như QD đừng để bị trì níu bởi những “ chữ đẹp” và dứt khoát hơn trong việc lựa chọn đề tài cũng không nhập nhằng trong việc thể hiện thì chắc chắn phong cách sẽ đậm nét và ấn tượng hơn một bậc. Với tôi, Khuyết là một tiếng nói bất thoả hiệp chống lại sự lãng phí của từ ngữ và sự thừa thãi điên rồ của ấn phẩm.(4) Đường thơ còn dài, và chúng ta hy vọng QD sẽ có những nhát cày sâu hơn trên cánh đồng thi ca của mình .
TP Hồ Chí Minh 18/10/2010 Đ. L
1- Giai kết bất toàn ( accord imparfait) : Một thuật ngữ âm nhạc chỉ việc hòa âm kết thúc không trọn vẹn
2- Hiện thực thậm phồn :  chữ của Hoàng Ngọc Tuấn dịch hyper reality
3- Bông hoa tội lỗi ( Les Fleurs du Mal) của Baudelaire
4- Định nghĩa thơ của Ferlinghetti
5- * Các chữ in đậm là tên các bài thơ